PHM – Đêm nhạc “Những ngày gió” tại L’Espace

PHM – Đêm nhạc “Những ngày gió” tại L’Espace

Đăng vào
5
Ấn vào hình để tải ảnh lớn hơn về máy

Phương Đông và Phương Tây gặp gỡ tại L’Espace trong đêm nhạc “Những ngày gió”

Cuối tuần vừa rồi ở Hà Nội thực sự là một cuối tuần đầy ắp những sự kiện nghệ thuật tuyệt vời khiến cho bất kỳ ai cũng phải lấy làm hối tiếc nếu bỏ lỡ chỉ một trong số đó. Bản thân tôi cũng mất khá nhiều thời gian quyết định xem nên lựa chọn sự kiện nào để tham dự. Tuy nhiên, điều may mắn là tôi đã không bỏ lỡ “Những ngày gió” tại L’Espace. Chương trình này đã trở thành một trong những màn biểu diễn âm nhạc mà tôi tâm đắc nhất từ trước tới giờ.

Âm nhạc của họ thật tuyệt vời và thông điệp từ âm nhạc đó còn tuyệt vời hơn! Đây là lần đầu tiên tôi được xem một màn trình diễn kết hợp nhạc dân gian Việt Nam trên nền các nhạc cụ phương Tây. Tôi đã thực sự bị mê hoặc và ngạc nhiên tột độ. Thật là một sự kết hợp hoàn hảo giữa Đông và Tây! Không chỉ bởi nhạc cụ (violon, cello, trống, saxophone và đàn nhị cùng chơi trong một dàn nhạc), không chỉ bởi quốc tịch của các nghệ sỹ (người Việt, người Pháp, người Pháp gốc Việt, ) mà còn bởi phong cách ăn mặc của họ. Tất cả đã hòa quyện thật hài hòa khiến cho chính khán giả cũng khó phân biệt rõ ràng đâu là Đông, đâu là Tây, đâu là Việt, đâu là Pháp.

Xuyên suốt chương trình là nhiều thể loại âm nhạc đan xen, một chút Jazz, một chút Latin, một chút Pop, một chút Opera cổ điển và một chút của rất nhiều các thể loại nhạc dân gian Việt Nam (quan họ, chèo, cải lương). Tất cả được gắn kết với nhau thật hoàn hảo mà vẫn đủ chỗ cho từng nghệ sỹ trổ tài những bài ngẫu hứng tuyệt vời đầy sức sáng tạo.

Hương Thanh, nghệ sỹ người Pháp gốc Sài Gòn, trông thật duyên dáng trên sân khấu với chiếc áo dài truyền thống cùng giọng ca mượt mà cất lên những khúc hát dân ca trên khắp miền đất nước. Đệm cho chị là dàn nhạc truyền cảm gồm Pierre Diaz chơi saxophone, nhóm tam tấu Zéphyr chơi violon, cello và hát bè, Alex Trần chơi trống, cùng với Nguyễn Thu Thủy và Nguyễn Thế Dân chơi đàn nhị.

Ngoài những khúc dân ca, tôi cũng vô cùng ấn tượng với màn sô-lô trống của Alex Trần (thú thực tôi luôn “bị” thu hút bởi âm thanh trống trong bất kỳ thể loại âm nhạc nào), màn trình diễn Opera cổ điển của tam tấu Zéphyr với Marion Diaques hát chính và màn song tấu rất vui nhộn của saxophone và một nhạc cụ hình cây tre tạo ra những âm thanh rất ngộ nghĩnh mà tôi không biết tên.

Tiết mục gần cuối, bài dân ca quan họ nổi tiếng “Người ở đừng về”, đã nói đúng tâm trạng của khán giả! Tất cả mọi người đều đang vô cùng thích thú với màn trình diễn và dường như không ai muốn ra về. Kết thúc chương trình là một bài hành khúc ngẫu hứng với những giai điệu vô cùng vui nhộn khiến cho cả khán phòng cười vui vẻ, vỗ tay và đung đưa theo nhịp nhạc.

Tôi thực sự không biết dùng từ nào để miêu tả chính xác tôi thích chương trình “Những ngày gió” đến mức nào. Tôi chỉ muốn nói lời cảm ơn chân thành tới những người Pháp vì đã mang tới Việt Nam một chương trình biểu diễn thật tuyệt diệu và đặc biệt cảm ơn tới Hương Thanh vì đã đưa âm nhạc dân gian Việt Nam ra thế giới, giúp cho các loại hình dân ca được thế giới biết đến và trân trọng.

Hãy xem màn biểu diễn của họ qua Youtube dưới đây:

Phạm Hoàng Miên đã gắn bó với Hanoi Grapevine được một thời gian trong vai trò phụ trách mảng truyền thông xã hội và dịch thuật. Là một người có niềm đam mê và rất nhiệt huyết với âm nhạc, chị quyết định thử sức mình trong lĩnh vực mới – viết về các sự kiện âm nhạc và phỏng vấn các ban nhạc cho trang web.

5 COMMENTS

  1. “Nhạc cụ hình cây tre” mà bạn nhắc đến có tên gọi là đàn K’ni của các dân tộc Tây Nguyên.

  2. Hi PHM, I can’t help falling in love with this performance too. I have been stunned by the smoothly cooperating between traditional instruments and the occidental ones, by the sweet combination between the Orient’s and the Occident’s cultures. Hope that I will have more chances to see it again, and again.

  3. Cám ơn bạn Lê Đức đã giúp mình giải đáp thắc mắc! :-)

    Thanks Hoang Yen for sharing the feelings with me! ;-)

Leave a Reply