KVT phỏng vấn Nguyễn Mạnh Hùng

KVT phỏng vấn Nguyễn Mạnh Hùng

Đăng vào
4

CHUNG SỐNG TRÊN THIÊN ĐƯỜNG…Hiện thực và Ẩn dụ

Nguyễn Mạnh Hùng, sinh năm 1976, cũng như bao đứa trẻ khác ở Hà Nội, sinh ra và lớn lên ở một trong những khu tập thể kiểu Xô Viết mà anh mô tả giống như một ngôi làng theo chiều thẳng đứng. Đó là những nơi tuyệt vời cho bọn trẻ và những tình bạn thời thơ ấu.

Bài viết này là cuộc phỏng vấn của tôi với Nguyễn Mạnh Hùng…về chuyến du ngoạn của anh tới thiên đường…tác phẩm của anh hàm chứa quá nhiều giai thoại và ngụ ngôn cho một người như tôi và tôi thành thật xin lỗi nếu đã…hiểu chưa đúng ý…

Đó là nơi mà các gia đình sống gần gũi với nhau trong những gian phòng chung và tự xây lên những bức tường tạm bên trong để tạo khoảng riêng tư, và cơi nới thêm không gian bằng những ban công đua ra ngoài. Đó là những khu làng thẳng đứng nơi mọi người đều biết rõ chuyện của người khác và đó là nơi thật khó có thể giữ được những điều bí mật.

Cha của Hùng là một phi công lái máy bay chiến đấu nên khi còn bé anh đã rất mê những phương tiện chiến tranh này. Do đó không có gì là ngạc nhiên khi anh trở thành một hoạ sỹ, thì những phương tiện ấy bắt đầu xuất hiện trong tác phẩm của anh và trở thành những nét đặc trưng thường thấy từ năm 2004. Nhưng những máy bay chiến đấu của Hùng không phải để tàn phá hay gieo rắc sự chết chóc. Chúng là những phương tiện hiền lành của hi vọng, của cứu trợ và của niềm vui. Chúng bay bên trên và xuyên qua những khung cảnh siêu thực với rất nhiều những thứ tốt đẹp gắn trên thân mình hoặc trên những vệt mà chúng kéo theo sau.

Nhấn vào để xem ở định dạng lớn hơn

Một vài bức tranh vẽ năm 2006, kết hợp giữa những chiếc máy bay chiến đấu và những khu nhà tập thể mà trên nóc lại có những hình ảnh quen thuộc của một làng quê, là tiền đề cho triển lãm hiện thời của anh ở Viện Goethe ở Hà Nội (Tháng 4, 2011). Và bức phác hoạ ý tưởng tổng thể – một cái nhìn siêu thực về khu nhà tập thể thời thơ ấu đã được nâng cao thành 20 tầng, đã từng được trưng bày ở Oslo và Berlin.

Cha của Hùng là một phi công lái máy bay chiến đấu nên từ bé anh đã rất mê những phương tiện chiến tranh này…


Với sự giúp đỡ của các bạn cùng học tại Đại học Mỹ thuật là Đặng Quốc An, Vũ Xuân Dông và Nguyễn Trung Chính, mô hình của anh được một công cụ cắt lập trình bằng máy tính cắt tạo ra từ tấm hợp chất MDF theo khuôn mẫu.

Hùng cùng các bạn anh bên mô hình đã hoàn thiện.

Rồi họ sơn nó và gắn vào nó, theo tỉ lệ kích thước thật, những vật bên ngoài, những không gian cơi nới thêm bất hợp pháp và những thứ trang trí thường thấy như là quần áo phơi bên ngoài. Nhìn gần toà nhà là một kiệt tác với những chi tiết chính xác và phức tạp. Video ghi lại quá trình lắp đặt ở triển lãm đã thu hút được sự chú ý của rất nhiều người.


Khi chuyển mô hình về lại Hà Nội, Hùng đã sử dụng trí tưởng tượng vô cùng siêu thực và phong phú của mình để tái tạo lại ý tưởng này.

Trong một triển lãm ở Mỹ, anh đã vô cùng ấn tượng với bức tranh cảnh tầm sâu nổi tiếng ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở New York về một con voi ma-mút bị những con hổ răng kiếm tấn công. Ý tưởng về một sắp đặt cảnh tầm sâu đã trở thành điểm nhấn cho trưng bày mới về một toà nhà chung cư. Không gian phòng triển lãm ở viện Goethe đủ cao để có thể tạo dựng một khung cảnh mà có thể nhìn vào được từ một bục cao. Ngay khi bước vào phòng triển lãm, bạn sẽ thấy các bậc thang dẫn lên bục đó và bạn có thể thấy được một toà nhà đang ngạo nghễ vươn lên bầu trời xanh thăm thẳm với những đám mây ti.

Nguyen Manh Hung - Diorama
Nguyễn Mạnh Hùng – Bức tranh tầm sâu ở Viện Goethe, Hà Nội

Khi bạn bước lên những bậc thang, bạn nhìn xuống toà nhà cao ba mét đang vươn cao qua những lớp mây tầng tích dày đặc. Từ bên trong toà nhà loé lên một vài ánh sáng đèn khiến bạn hi vọng được thấy những người cư trú trong toà nhà đó thực hiện những hoạt động thường ngày trong cuộc sống của họ.

Hùng có ảnh hưởng rất lớn đối với thế hệ hoạ sỹ trẻ Việt Nam sau anh.

Hùng đã tạo góc quan sát này vì anh muốn các bạn thấy được khung cảnh làng quê tạo dựng ở trên nóc của toà nhà. Hầu hết các bức tranh của Hùng đều có bối cảnh nông thôn, có lẽ là để nhấn mạnh quan điểm của anh là những yếu tố truyền thống quê hương và nông nghiệp vẫn đang hiển hiện và vẫn còn là những yếu tố quan trọng, ngay cả trong cuộc sống của những người thành thị cư trú trong những ngôi làng thẳng đứng.

Rồi bạn nhìn thấy có một chiếc máy bay chiến đấu ở một bên của khung cảnh, trông vô cùng bé nhỏ bên cạnh vẻ đồ sộ của toà tháp và phóng lên theo hình cung, mang theo trên phần máy phóng những bó cỏ khô nhỏ, và cả những vệt hơi màu trắng nổi lên phía sau. (Giám đốc của Viện Goethe đã ví chúng như những luồng kem tơi xốp tuyệt vời.)

Khung cảnh ấy ngay lập tức khiến tôi nhớ đến một bài thơ mà tôi vô cùng yêu thích và đã thuộc lòng từ những năm trung học. Bài thơ “Chuyến bay lên cao” đã được John Magee – một phi công chiến đấu trong Chiến tranh thế giới thứ II – viết sau khi học lái máy bay và được nhảy qua những đám mây:

“Ôi, tôi đã lướt trên mặt nhám của quả địa cầu,
Và khiêu vũ trên bầu trời bằng đôi cánh bạc vang vang;
Nhằm hướng mặt trời tôi lên, và hoà mình vào những trò nhào lộn đùa vui
Của những đám mây bị mặt trời chia tách, và hàng trăm trò khác
Bạn chưa từng mơ thấy – lượn vòng, vút cao và chao liệng
Vươn cao tới khoảng thinh không chói chang ánh nắng. Lơ lửng ở đó
Tôi đã đuổi theo cơn gió rít, và bổ nhào
Chiếc tàu bay hào hứng qua những luồng khí không chân…
Cao, cao mãi lên bầu trời trong xanh mê hồn
Tôi từng dễ dàng vượt trên những độ cao xuôi chiều gió
Nơi mà chim chiền chiện hay thậm chí đại bàng cũng chưa từng bay tới
Và khi thinh lặng nâng tâm hồn tôi
Tôi bước vào khoảng không thánh thiện, một nơi không ai đến được
Đưa bàn tay và vuốt nhẹ vào gương mặt Chúa nhân từ.”

Và ba câu đầu tiên và cuối cùng của bài thơ ấy chính là cách hiểu của tôi đối với dụng ý sắp đặt đầy hấp dẫn này của Nguyễn Mạnh Hùng.

Một khu nhà tập thể kiểu Xô Viết mà Hùng mô tả như là một ngôi làng thẳng đứng

Hùng đã gọi triển lãm của mình là “Chung sống trên thiên đường” và ban đầu người xem có thể ngạc nhiên vì rất ít người có thể hiểu làm sao mà sống trong một không gian chật chội ở một khu nhà tập thể cũ kỹ lại có thể mang lại cảm giác của chốn thiên đường. Có lẽ bạn sẽ nghĩ là họ muốn thoát khỏi những quan hệ ràng buộc và chọn một căn hộ trong một toà nhà cao tầng hiện đại, hoặc một nơi với những bức tường cao an toàn và một khu vườn nhỏ. Tuy nhiên, với một người đã từng lớn lên, dành trọn năm tháng đời mình và sống lệ thuộc vào những đặc trưng của một ngôi làng mà khu nhà tập thể đông đúc mang lại thì đó có thể được coi như là một phần thiên đường trên mặt đất. Và đối với người ấy, kiếp sau có lẽ sẽ là một hình ảnh rộng lớn hơn của cùng cấu trúc bê tông gạch ngói đó, cùng với không khí làng quê vui vẻ, mặc dù có rất đông tổ tiên họ hàng cùng sống – những người sẽ khiến cho cõi vĩnh hằng là một nơi hạnh phúc.

Khu nhà tập thể vươn cao lên tận tầng bình lưu, vượt lên trên những bộn bề trần tục, một nơi vĩnh hằng cho những tâm hồn bất tử, nơi họ luôn có thể, thậm chí vô tình, vươn ra và chạm vào mặt của Ông trời.

Rất nhiều tâm hồn không theo thuyết vô thần sẽ có cùng quan điểm rằng thiên đường của họ là những bản sao của những thứ quen thuộc, nhưng có phần thảnh thơi hơn. Đối với những người sống ở làng quê Việt Nam, thiên đường này có lẽ lơ lửng không xa bên trên những thứ họ đã để lại phía sau. Từ nơi ấy họ có thể thi thoảng được gọi về bên bàn thờ của gia đình, và cũng từ nơi ấy họ có thể nhận được những đồ cúng tuyệt vời gửi cho họ qua những làn khói hương dưới mặt đất. Ngoài ra, đó còn là nơi họ có thể ngó qua những ban công trên tầng bình lưu ấy và hướng cái nhìn đầy yêu thương dõi theo con cháu mình.

Thiên đường bất khả xâm phạm này chỉ có người đã khuất mới có thể tới được nhưng thi thoảng nó cũng có thể bị đột nhập bởi những người sử dụng sức mạnh của kỹ thuật để bay qua những tầm thấp của thiên đường trên những chiếc máy bay được thiết kế đặc biệt hay lướt qua những độ cao tối tăm hơn trong một chiếc tàu vũ trụ. Trừ khi những kẻ đột nhập này đạt tới được tầm hiểu biết sâu sắc như của nhà thơ Magee, còn không họ sẽ không nhận ra được là họ đang đi qua thiên đường.

Anh vô cùng ấn tượng với bức tranh cảnh tầm sâu nổi tiếng đó ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở New York về một con voi ma mút bị những con hổ răng kiếm tấn công…

Là người xem đứng trên bục quan sát, bạn có thể thấy mình như là một trong những vị chúa trời đang nhìn xuống những tạo vật thiêng liêng của mình (mặc dù những người Hy Lạp cổ đại đã biết điều này có thể gây ra sự ngạo mạn như thế nào). Tôi đã ở đó và đóng vai trò là một người tiên đoán những câu truyện và những ẩn ý được người hoạ sỹ sắp đặt một cách có mục đích, ẩn dụ hay vô tình. Tất cả chúng ta – những người đã bước lên trên những bậc đó – đều là những người tham gia, những thành phần không thể thiếu của sắp đặt.

Tôi đã hỏi Hùng là liệu anh có dự định sắp đặt một mô hình theo dạng không phải là tranh tầm sâu không, ví dụ như sử dụng toàn bộ không gian triển lãm để tạo ra một thiên đường. Anh ấy không phản đối ý tưởng này nhưng nói rằng anh sẽ cần phải tạo ra nhiều toà tháp hơn để người xem có thể đi quanh chúng giống như là những người khổng lồ trong một bối cảnh siêu thực vậy. Anh đã từng sử dụng cách này trong những bức tranh trước đây.

Những ngôi làng thẳng đứng trong thời niên thiếu của Hùng chính là những con voi ma mút của kiến trúc Hà Nội, dần dần cũng quỵ ngã trước những chiếc búa khoan – là những con hổ răng kiếm của sự phát triển đô thị của Hà Nội. Có thể tác phẩm của Hùng chính là bài ca tôn vinh vị trí của chúng trong lịch sử. Hùng không thấy phiền nếu ai đó gán cho mình cái mác điện ảnh. Mặc dù có cách tiếp cận của một nhà siêu thực, nhưng anh không đặc biệt yêu thích một nghệ sỹ nào từ trường phái này. Nhưng bạn có thể nhận thấy sự tương đồng nào đó khi nghe anh tiết lộ là anh hâm mộ tác phẩm của Edward Hopper.

Hùng có ảnh hưởng rất lớn đến thế hệ hoạ sỹ Việt Nam sau anh và thật thú vị khi thấy cách người ta bắt chước nét phong cách của anh. Tôi sẽ không kể tên người đó trừ khi là phải tranh luận. Dù thế nào đi nữa, tôi không thấy có vấn đề gì nếu một người muốn học hỏi chút ít từ cái hay, trừ khi là người đó ăn cắp ý tưởng một cách trắng trợn.

Tháng 5 tới, Hùng sẽ kết hôn và chuyển vào sinh sống ở Sài Gòn. Người ta chắc sẽ băn khoăn không biết điều này sẽ ảnh hưởng thế nào tới hình tượng trong hoạt động nghệ thuật của anh, một hình tượng luôn gắn với Đồng bằng Sông Hồng và những ngôi làng nhiều năm tuổi.

Bài viết này là cuộc phỏng vấn của tôi với Nguyễn Mạnh Hùng…về chuyến du ngoạn của anh tới thiên đường…Thật không may là tác phẩm của anh hàm chứa quá nhiều giai thoại và ngụ ngôn cho một người như tôi và tôi thành thật xin lỗi nếu đã hiểu chưa đúng ý…Tôi đã thận trọng bỏ qua những suy đoán vu vơ của mình và cuốn Guinness về hỗn hợp những Kỷ lục thế giới của mình…nhưng rất muốn gặp gỡ những người khác có cùng suy nghĩ và cùng nghiền ngẫm những cách hiểu khác nhau về tiêu đề của triển lãm.

CHÚ THÍCH

Cám ơn Hùng đã cho phép chúng tôi sử dụng hình ảnh về tác phẩm lấy từ website của anh. Các bạn có thể xem thêm tác phẩm của Hùng tại website của anh…bạn hãy chạy slideshow qua các bức hình cho tới khi kết thúc ở bức thứ 51 để xem thêm những máy bay chiến đấu của anh. Đồng thời bạn có thể quay lại và thưởng thức các tác phẩm khác của anh, chủ yếu là theo phong cách siêu thực thông minh, dí dỏm. Tiếp đến là triển lãm của mô hình toà nhà chung cư của anh ở Na Uy…và sau đó, quay ngược lại để thấy một số bức hình tuyệt vời về một chiếc máy bay chiến đấu khác được chế tạo với mục đích ban đầu là để đi thiêu huỷ.

Không phải nhà phê bình, “Kiếm Văn Tìm” là một người quan sát hay một con người có hiểu biết thú vị và công tâm về nghệ thuật Hà Nội, người đưa ra các chính kiến của mình và là một đặc phái viên báo chí giấu tên trung thực và công bằng. Xin hãy đưa các ý kiến của bạn vào phần bình luận dưới đây.

4 COMMENTS

Leave a Reply