Vũ Nhật Tân – Nghệ thuật âm thanh ở Manzi

Vũ Nhật Tân – Nghệ thuật âm thanh ở Manzi

Đăng vào
2

Vu-Nhat-Tan-avatarDennis-Tan

Hanoi Grapevine rất vui mừng được giới thiệu nhà bình luận mới nhất của chúng tôi – nhạc sỹ/nghệ sỹ âm thanh Vũ Nhật Tân.

Có lẽ tất cả chúng ta đã quen thuộc với anh qua các chương trình biểu diễn nhạc thể nghiệm ở rất nhiều địa điểm danh tiếng trong thành phố, tuy nhiên ít ai biết rằng Vũ Nhật Tân còn là một nhà nghiên cứu và phê bình âm nhạc đương đại. Vì thế Hanoi Grapevine cực kỳ may mắn khi anh đồng ý sẽ viết bài bình luận về các sự kiện âm nhạc thể nghiệm sắp tới.

Và sau đây là bài viết đầu tiên của anh về nghệ sỹ âm thanh người Singapore, Dennis Tan, nhân dịp Dennis tới thăm Hà Nội và có một buổi biểu diễn tại Manzi. Xin mời các bạn đọc bài viết dưới đây:

Tối 27.5 vừa qua, cùng với chương trình âm nhạc điện tử và trình diễn nhạc cụ tự chế của Vũ Nhật Tân và nghệ sĩ “Một mình Một ban nhạc” (One Man Band) Nguyễn Văn Thao, khán giả đã có một bất ngờ thú vị khi được thưởng thức phần trình diễn “nghệ thuật của âm thanh” bởi nghệ sĩ Dennis Tan đến từ Singapore.

Dennis Tan là một nghệ sỹ âm thanh (sound artist) thiên về sáng tạo những tác phẩm mang tính khái niệm (conceptual art) và là sự kết hợp giữa các cấu trúc tự chế (Do it Yourself_DIY) với những phần mềm lập trình phức tạp trên máy tính, để tạo nên những dạng tác phẩm tạm gọi là “kiến trúc âm thanh”, hay “nghệ thuật âm thanh”. Cũng có thể gọi anh là nghệ sĩ thể nghiệm chơi âm thanh và âm nhạc ngẫu hứng, đồng thời tự tạo và sáng chế dụng cụ_nhạc cụ hoàn toàn mới cho riêng mình và cho những sáng tạo cá nhân của mình, Tan đã trình diễn với nhiều nghệ sĩ, ở các nước như Đức, Phần Lan, Ba Lan, Estonia, Băng-Kok và Singapore. Năm 2011, anh đã tổ chức một chuỗi các workshop điện tử “tự học-tự làm” (DIY – Do It Yourself) và hiện tại Tan đang xây dựng và thực hiện các workshop này ở Bangkok, Leipzig và Singapore.

Phần trình diễn âm thanh của Tan ở Manzi đã rất thú vị, bắt đầu bằng những nền âm trầm và nặng để từ đó anh xây dần các kiến trúc bên trên, tất nhiên là bằng âm thanh được tạo bởi một laptop, phần mềm lập trình Max MSP, các bảng điều khiển số (midi controllers) và những mẫu âm tạo sẵn.

Dennis-Tan-at-Manzi
Tan không hẳn là một nghệ sĩ âm nhạc, anh không chuyên về trình diễn âm nhạc, nhưng cũng không hoàn toàn là một người nghiên cứu, lập trình hay một chuyên gia sáng tạo dụng cụ_nhạc cụ mới. Anh là một “nghệ sĩ âm thanh”, người xây dựng những kiến trúc và cấu trúc âm thanh, coi đó là những tác phẩm có hình hài, được thiết kế hoàn thiện, và trình bày chúng ra cho người xem. Nhưng bởi đặc thù của âm thanh là phi vật thể và diễn ra theo thời gian, khán giả không nhìn thấy, không chạm tay vào được, mà chỉ có thể nghe và cảm nhận bởi thính giác và cảm giác của mình, bởi vậy buổi giới thiệu tác phẩm của Tan vừa có thể gọi là triển lãm, lại vừa là một trình diễn, vừa là một diễn biến trực tiếp khán giả được chứng kiến_nghe_thưởng thức quá trình Tan xây dựng tác phẩm (âm thanh) từ đầu tới khi hoàn thiện (kết thúc chương trình).

Đó là một việc khó, cho cả hai phía, nghệ sĩ và khán giả, và cũng bởi vậy không có gì ngạc nhiên rằng phần lớn người nghe đã yên lặng.. rút lui ra ngoài trong lúc Tan đang tập trung xây dựng tác phẩm.  Âm thanh mà, không nhìn thấy, không chạm vào được, chỉ nghe và cảm nhận, một tác phẩm phi vật thể và là khái niệm còn xa lạ ở ViệtNam, đúng là không dể dàng để khán giả tiếp nhận ngay được.

Dẫu sao, rất cảm ơn Tan đã mang tác phẩm nghệ thuật_kiến trúc phi vật thể của mình đển giới thiệu ở không gian nghệ thuật Manzi. Vô cùng cảm ơn Manzi, một địa chỉ hiếm hoi ở Hanoi hiện nay nhiệt tình ủng hộ và tạo dựng những điều mới và sự sáng tạo. Cảm ơn những khán giả đã ở lại đến cuối chương trình bởi sự thông hiểu và chia sẻ của họ.

Ảnh Dennis Tan của Nhà Sàn Collective và Manzi

Vũ Nhật Tân là một trong những nghệ sỹ hàng đầu của dòng nhạc điện tử và thể nghiệm tiếng động tại Việt Nam. Anh cũng là một nhà bình luận có chiều sâu về âm nhạc đương đại và là giảng viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

2 COMMENTS

  1. Tan:

    I apologize for not being able to read the Vietnamese description here. Looks like a cool chill show in a gallery or shop of some kind. I see a traditional Vietnamese instrument played with electronics?

    Very nice.

    Kelly

Leave a Reply