”Chỉ Là Khói” – Mở Xưởng Tháng 10

”Chỉ Là Khói” – Mở Xưởng Tháng 10

Đăng vào
0

logo_Nhasan CollectiveIt is Just Smoke

Tiệc trà thân mật: 18:00, thứ tư 30/10
Triển lãm: 30/10 – 03/11/2013
Nhà Sàn Collective

Thông tin từ Nhà sàn Collective:

Nhà Sàn Collective thân mời các bạn đến dự “Chỉ Là Khói” – buổi Mở Xưởng Tháng 10 cùng ba nghệ sĩ Nguyễn Phương Linh, Nguyễn Trần Nam, Vũ Đức Toàn. Các nghệ sĩ sẽ có mặt trong thời gian mở xưởng để gặp gỡ và trao đổi với công chúng về quá trình làm việc và các tác phẩm.

Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Phan Thảo Nguyên về sự kiện mở xưởng.

CHỈ LÀ KHÓI

Đợt mở cửa xưởng lần này của Nhà Sàn Collective giới thiệu quá trình sáng tác của ba nghệ sĩ: Nguyễn Trần Nam, Nguyễn Phương Linh và Vũ Đức Toàn. Các bạn nói rằng, những tác phẩm được trưng bày cho lần mở cửa xưởng này đều chia xẻ những ý tưởng có liên quan đến chiến tranh. Tuy nhiên, khi xem tác phẩm, tôi không thấy bóng dáng chiến tranh ở đó. Nếu có, mối liên hệ này cũng đứt đoạn và dễ bị hoà lẫn, như khói. Quả thực, do vô tình hay cố ý mà cấu trúc của các tác phẩm được liên kết bằng những cột khói, chỉ là khói trong tác phẩm của Nam, của Toàn, của Linh.

Khói súng vô hình, từ tác phẩm video của Trần Nam. Trong video, một người cha đang chăm chú tập cho đứa con trai khoảng 4 tuổi bắn súng. Cậu bé cười rạng rỡ khi khi bắn được phát đầu tiên, còn người cha không dấu vẻ tự hào. Video được sưu tầm trên youtube và xử lý cho chậm lại, người xem có thể quan sát từng cử chỉ, hành vi của hai nhân vật. Yêu thương và bạo lực có bao giờ sóng đôi? Tình cảm trìu mến đó có tô hồng bạo lực, làm cho nó đẹp hơn? Sự thẩm mỹ hoá của bạo lực, theo lời của nhà phê bình phim Steven Jay Schneiner là “nhìn bạo lực như một hoạ sĩ nhìn màu vẽ”. Bố Nam là một hoạ sĩ thời chiến. Nhìn lại bạo lực với tâm thế xa cách và hoài nghi của người ngoài cuộc là một vị thế khó khăn mà Trần Nam đang phải giải quyết.

Linh tiếp tục thể nghiệm với những ảnh in xanh (blue print). Những đám khói bụi xanh lớn, đủ hình thù trông như những tranh tường baroque vẽ chúa trời và các thiên thần. Linh chia sẻ về câu chuyện mà cô quan tâm về Sodom và Gommorah, hai thành phố trong kinh thánh và kinh Koran đã bị thượng đế huỷ diệt vì sự suy đồi của nó. Chỉ có gia đình Lot là được cứu thoát , với điều kiện, khi rời Sodom họ không được ngoái đầu nhìn lại. Tuy nhiên, người vợ của Lot đã ngoái lại nhìn, tức khắc bà biến thành cột muối. Thật trùng hợp vì muối cũng là chất liệu sáng tác chính của Linh trong những triển lãm trước đó. Việc người vợ đã thấy gì là một bí ẩn, sự phỏng đoán của Phương Linh qua tác phẩm nhiếp ảnh do đó mang nhiều tính hư cấu và dự báo.

Đức Toàn vốn có một phong cách trình diễn sâu lắng giàu ần dụ. Trong đợt mở cửa xưởng, Toàn trình bày ảnh tư liệu của một trình diễn anh thực hiện tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên ở Hà Giang. Trong nghĩa trang, thay vì thắp hương, Toàn mời mỗi liệt sĩ một điếu thuốc lá Thăng Long. Hành vi dân chủ và đậm tình huynh đệ này được anh ghi lại bằng ảnh chụp và video, cùng với những đầu lọc thuốc được thu nhặt lại và xé nhuyễn như ruốc. Khói thuốc lá Thăng Long hoà quyện cùng khói nhang nghĩa trang ở Vị Xuyên là một gợi ý nên thơ của khái niệm giải lao. Giải lao tạm thời: người lính gác súng và hút thuốc, tán gẫu… với sự yên nghỉ và cái chết.

Những tác phẩm đến từ 3 cá tính nghệ thuật rất khác nhau mà liên kết của nó có khi lẫn vào nhau, có khi rời rạc, xa cách như những cột khói. Qua việc bày tác phẩm cùng nhau, các nghệ sĩ tạo những liên kết chuỗi như cách liên lạc của các bộ lạc cổ xưa khi họ đốt những đống lửa để tạo khói và truyền tin từ xa. Những ẩn dụ và tính chất dự báo của nghệ thuật sẽ theo những cột khói đó mà truyền đi những nơi xa khác.

Phan Thảo Nguyên, Tháng 10 | 2013

Các tác phẩm của Nguyễn Trần Nam thuộc khuôn khổ quá trình nghiên cứu, sưu tầm và thử nghiệm vẫn đang tiếp tục, nhằm phục vụ cho trưng bày cá nhân của anh vào đầu năm 2014 – được tổ chức tại manzi art space, với sự giúp đỡ của quỹ Prince Claus.

Một phần trong series tác phẩm mới của Nguyễn Phương Linh được thực hiện trong quá trình cư trú của nghệ sĩ tại Jordan trong tháng 9 vừa qua, sẽ triển lãm tại Darat Al Funnun, Amman, Jordan vào tháng 11, trong chương trình “Cuộc Đối Thoại” – kỉ niệm 25 năm thành lập trung tâm nghệ thuật này.

Đối tác truyền thông: Hanoi Grapevine

Không phải mô hình gallery, bảo tàng, viện văn hoá quốc tế, nơi triển lãm những tác phẩm hoàn thiện của các nghệ sĩ nổi tiếng… giống như những gì Nhà Sàn Studio đã từng làm, Nhà Sàn COLLECTIVE là 1 xưởng làm việc, các nghệ sĩ tới đây làm việc được trao đổi, thẩm vấn, tư vấn và có các cơ hội giao lưu với nghệ sĩ, giám tuyển quốc tế… Đây là nơi nuôi dưỡng nghệ thuật. Các tác phẩm có thể hoàn thiện hoặc không hoàn thiện, nhưng quá trình làm việc với mục đích nâng cao chất lượng nghệ thuật cho nghệ sĩ địa phương là điều Nhà Sàn COLLECTIVE hướng tới. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tổ chức “Xưởng Mở” giới thiệu công việc của nghệ sĩ làm việc tại xưởng vào ngày thứ 7 cuối cùng hàng tháng.
Nếu bạn quan tâm tới nghệ thuật thử nghiệm và muốn gặp để giao lưu, trao đổi với nghệ sĩ, mời bạn ghé thăm

logo_Nhasan Collective
Nhasan COLLECTIVE
Tầng 3, dãy nhà A, 9 Trần Thánh Tông, Hà Nội
Ấn vào hình để xem bản đồ
Nhasan Collective map

NO COMMENTS

Leave a Reply