Hi vọng về người Việt mua mỹ thuật Việt

Hi vọng về người Việt mua mỹ thuật Việt

Đăng vào
1

Grapevine-Selection-Vol-2-Header

Nhân dịp triển lãm “Lựa chọn của Grapevine – Phần 2” sắp diễn ra với mục tiêu hỗ trợ các nghệ sỹ trẻ và đóng góp vào việc phát triển thị trường nghệ thuật tại Việt Nam, chúng tôi xin giới thiệu chuỗi 3 bài viết về thị trường mỹ thuật của nhà báo / tác giả Đào Mai Trang, với bút danh Phong Vân.

Bài viết 2: Hi vọng về người Việt mua mỹ thuật Việt

Sau rất nhiều năm hầu như chỉ hướng đến khách hàng nước ngoài, một số gallery đang tìm cách thức phù hợp để trở lại với tiềm năng thị trường trong nước. Những phương thức ban đầu mà họ tính đến là tổ chức lại mạng lưới bán hàng, thực hiện những sự kiện giới thiệu nghệ thuật ngay tại nhà riêng của họa sĩ hoặc khuôn viên của một số đại sứ quán có thiện ý, khách sạn mới mở, tìm hiểu kỹ hơn tâm lý khách hàng Việt về hội họa, điêu khắc. Một đại diện trong nhóm này từng chia sẻ nhận xét thú vị: Người Việt mê phong thủy và điều này rất phù hợp với một số phong cách tranh sơn mài hiện nay, những dòng tranh có sắc màu ấm áp, đem đến cảm giác “vượng”. Có lẽ, những gallery theo hướng đi này cho rằng, trước khi nói đến việc sưu tập đỉnh cao, làm thế nào để góp phần thay đổi hướng mua sắm vật dụng trang trí trong nhà của người Việt trung lưu dường như là lối đi thích hợp hiện nay để nhằm một lần nữa, ấn nút khởi động thị trường mỹ thuật nội địa. Một số người từng bán tranh cho người Việt đều có chung nhận xét, có không ít người mua tranh rất hào sảng, họ nhìn tranh thấy ưng ý là hỏi giá, đặt tiền luôn, chứ không “cò kè” như khách nước ngoài.

A lacquer painting by artist Vu Duc Trung
Một tác phẩm tranh sơn mài của họa sỹ Vũ Đức Trung

Ngay một gallery của chủ nhân người nước ngoài, Craig Thomas gallery (TP. HCM), trong lần trưng bày mới đây nhất, tháng 11-2014, cũng đã giới thiệu một số bức sơn mài đậm tính trang trí. Theo lời ông chủ C. Thomas, người Việt Nam vốn thích tranh sơn mài nên anh quyết định bắt đầu quan tâm đến chất liệu hội họa này như một cách tiếp cận công chúng địa phương tiềm năng. Anh cũng đang chuẩn bị nhân sự cho mảng tiếp thị khách hàng nội địa của gallery một cách bài bản hơn, việc mà từ khi mở cửa năm 2006, anh chưa từng nghĩ đến. Cùng hướng này, Quỳnh galerie (TP. HCM) cũng đang tìm kiếm nhân sự làm tiếp thị là người bản địa, từ khi thành lập, tháng 12 – 2003, nhân sự quan trọng của Quỳnh galerie hầu như chỉ là người nước ngoài. Theo chị Quỳnh Phạm, người Mỹ gốc Việt, giám đốc địa chỉ này, chị rất mong muốn các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của người Việt Nam thực sự quan tâm đến mỹ thuật Việt Nam, sưu tập để giữ lại cho đất nước những tác phẩm nghệ thuật đương thời giá trị, giống như trước đây, doanh nhân Bùi Đình Thản từng làm nên bộ sưu tập Đức Minh danh tiếng. Từ hơn một năm qua, Quỳnh galerie đã mở thêm một địa chỉ ở khu trung tâm quận 1, đường Đồng Khởi, thu hút sự quan tâm của bộ phận công chúng có tiềm lực kinh tế, có thói quen hưởng thụ mua sắm và sử dụng thời gian nhàn rỗi ở các khu phố trung tâm sang trọng.

Bên cạnh đó là một số quan điểm thực tế, không nhiều kỳ vọng, từ chính trải nghiệm cá nhân của mỗi người. Trong một chia sẻ nhân triển lãm cá nhân diễn ra tại Mai gallery dịp cuối năm 2014 vừa qua, họa sĩ Vũ Đức Trung cho biết, khách hàng trong nước của anh là một vài người bạn mua có tính chất ủng hộ. Còn lại, đều là khách hàng người nước ngoài. Anh cho rằng, có lẽ phải đến thế hệ của con gái anh (sinh năm 2010), lớp người mà anh hi vọng sẽ được thừa hưởng một nền giáo dục mới, giúp họ nhận thức rằng nghệ thuật thực sự cần thiết cho cuộc sống của mỗi cá nhân, may ra mới có thêm nhiều khách hàng nội địa, tạo nên một thị trường mỹ thuật nội địa tương ứng. Có vẻ đây là một suy nghĩ thực tiễn của một người làm nghề nhiều cọ xát với thế giới nghệ thuật bên ngoài Việt Nam qua rất nhiều chương trình triển lãm, giao lưu với cộng đồng họa sĩ Hàn Quốc, ASEAN như Trung.

Suzanne Lecht and artist Nguyen Cam at Art Vietnam Gallery
Suzanne Lecht và nghệ sỹ Nguyên Cầm tại Triển lãm Nguyên Cầm – 20 năm Dấu ấn Cội nguồn ở Art Vietnam Gallery

Bà Suzanne Lecht, giám đốc nghệ thuật của Art Vietnam gallery, chính thức hoạt động từ năm 2003, cũng chia sẻ một cái nhìn khá điềm tĩnh về tiềm năng thị trường mỹ thuật nội địa. Trong một phỏng vấn năm 2013, bà cho biết, suốt cả 10 năm mở Art Vietnam, bà “chỉ thấy có được 3 hay 4 người Việt Nam mua tranh” tại gallery. Bà cho rằng, “Việt Nam có những yếu tố để hình thành nên một thị trường nhưng dường như chúng đều yếu ớt. Việt Nam đã có một số gallery, ý là các gallery thực sự chứ không phải là cửa hàng buôn bán tranh thông thường, nhưng số lượng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Việt Nam cũng có những người sưu tập mặc dù ít ỏi. Việt Nam cũng có bảo tàng mỹ thuật nhưng cho đến nay, một bảo tàng nghệ thuật đương đại thực sự vẫn chưa xuất hiện. Cũng có ngày càng nhiều người Việt Nam mua tranh hơn”. Và để các yếu tố này mạnh lên và tạo thành nền tảng cho thị trường mỹ thuật trong nước, theo bà, “… các cơ quan hữu quan về mỹ thuật của Việt Nam phải thực sự hỗ trợ nhiều hơn nữa cho mỹ thuật với những cơ chế, hệ thống chính sách kinh doanh và hỗ trợ một cách minh bạch để làm định hướng cho thị trường tự tin hình thành và phát triển.”

Phong Vân

Cùng trong chuỗi bài viết:

Bài viết 1: Tầm quan trọng của thị trường mỹ thuật nội địa
Bài viết 3: Phỏng vấn chủ nhân bộ sưu tập mỹ thuật Thanh Uy: Sưu tập mỹ thuật Việt Nam – như những cơn sóng ngầm

Dao Mai Trang
Đào Mai Trang là biên tập viên chuyên mục Mỹ thuật, tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bộ VHTTDL), từ năm 2000 đến nay. Chị viết nhiều bài về mỹ thuật và nghệ thuật đương đại trên tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, báo Thể thao văn hóa và Thể thao Văn hóa Cuối tuần, trang tin Soi, báo Nhân dân cuối tuần, Nhân dân hàng tháng và một số ấn phẩm đặc biệt của báo Nhân Dân. Một số bút danh của chị: Đào Mai Trang, Phong Vân, Chi Mai, Hoàng An Đông.Hai cuốn sách về mỹ thuật của chị: "Nghệ thuật và Tài năng" và "12 nghệ sĩ mỹ thuật đương đại Việt Nam" hiện có trên cửa hàng trực tuyến của Hanoi Grapevine.

1 COMMENT

  1. I see so little out there about the art market in Viet Nam. I followed the market in the US and Europe as a scholar of art work for many, many years. It took time for Americans to build a better art market and it took great art journals to show the vast range of art in the United States! This also drove up the costs for works in the US and Europe as well, making it a great cache for artists to continue their own work and to expand into other areas that interested them: they could follow their artistic impulses (he-art) and grow in more illustrious ways! I also taught art history at a university as a graduate student! I worked in galleries and exhibitions, wrote about the kinds of printmaking as well a graphic techniques! I just LOVE art!

Leave a Reply