Mai Chi – Triển lãm “Gia phả” tại Art Vietnam

Mai Chi – Triển lãm “Gia phả” tại Art Vietnam

Đăng vào
1
Mai Chi

Sự hòa thuận phô diễn

Theo curator của “Gia phả”, triển lãm mới nhất của nghệ sĩ Trần Hoàng Sơn đang chạy tại Art Vietnam Gallery, thì các tác phẩm của anh nhắm tới những câu hỏi trầm trọng vốn đã ám ảnh con người từ xa xưa: Chúng ta là ai? Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta sẽ đi đâu? Dạo một vòng quanh phòng tranh, người xem quan tâm chắc sẽ tin rằng, cuối cùng, những câu trả lời đã được phát hiện.
Sơn đem tới không gian phòng tranh cỡ hai chục bức chân dung khổ lớn của những người quan trọng trong cuộc sống của mình: gia đình, bạn bè và dân làng của quê anh. Bạn bè nghệ sĩ và các đồng nghiệp ở trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, nơi anh dạy học, quần tụ ở tầng trệt. Ở tầng trên, chân dung của người trong gia đình và họ hàng anh được treo từ trên trần, xếp thành nhiều lớp và đối xứng hai bên, tạo nên một không gian nửa giống sân khấu nửa như bàn thờ. Người xem có thể đi qua các thế hệ để tới cụ tổ của gia đình tại chính giữa phía sau, một người đàn bà nông thôn có khuôn mặt bị phá hủy bởi thời gian và những vật lộn trong cuộc sống. Giấy dó, khổ tranh dài, cách dùng mầu nhẹ, tất cả tạo ra một không khí của truyền thống.

Ấn vào hình trên để xem hình ở định dạng lớn hơn

Tầng ba thể hiện quê gốc của nghệ sĩ, với những bà cụ nông thôn tóc vấn truyền thống, những khuôn mặt nhăn nheo có tính cách và sức hút hơn rất nhiều so với các cư dân thành phố ta thấy ở những phòng trước. Những chân dung được vẽ bởi các nét bút mực đen, sắc và ngắn, bao xung quanh bởi những trang trí mềm mại của hoa hồng, hoa cúc, hoa sen hay lá tre. Không thể hiện tình cảm, chúng trông như những phiên bản mầu của tranh truyền thần.

Mặc dù những khuôn mặt được vẽ khéo léo, sau một lúc, người xem cảm thấy một sự hời hợt đang rõ dần. Cách đây vài năm, nghệ sĩ trình diễn Lê Vũ cũng đề cập tới đề tài quan hệ gia đình trong một tác phẩm của mình. Anh nằm sấp trên sàn xi măng, mang trên lưng sức nặng của người cha. Ông nằm ngửa trên người anh như đang nằm trên ghế sofa, thư thái đọc truyện Kiều. Trong im lặng của sự thống nhất giữa cha và con, những vết rạn nứt giữa các thế hệ trở nên rõ nét. Dưới bề mặt yên tĩnh là một hỗn hợp đang sôi lục bục, một tổng hợp của tình yêu và chịu đựng, của tôn trọng và khổ sở, của các câu hỏi ai nâng đỡ ai và ai nuôi dưỡng ai. “Gia phả” hoàn toàn thiếu sự phức tạp này. Ở đây, những cá nhân chỉ thủ vai trong một trật tự lớn hơn. Không lịch sử, không tự sự, thậm chí họ không có tên.

Trong tối khai mạc người cha của nghệ sĩ có một bài phát biểu, và con trai anh chơi piano. Sự hòa thuận tuyệt đỉnh được đem ra trưng diễn. Cái cây của dòng họ đã chuyển từ nhà nông sang tới trung lưu thành thị, và tất nhiên, cậu con trai sẽ tiếp nối. Ta thấy cậu trên một bức tranh ba tấm khổ lớn ở trung tâm tầng trệt, với cái nhìn cương nghị, hai tay giang rộng bao quát cả không gian. Cả triển lãm toát ra một không khí bảo thủ. Ở đây, trật tự vẫn còn chế ngự, thế giới vẫn không sứt mẻ. Vậy câu trả lời cho những câu hỏi hiện sinh trên kia là gì? Câu đáp lại cho “Chúng ta là ai?” hẳn sẽ là bạn được định nghĩa qua những quan hệ của bạn, bạn là con của bố mẹ bạn, và là bố mẹ của con bạn. Còn chúng ta sẽ đi đâu? Thế này nhé, nếu bạn đã có chỗ của mình ở quê thì bạn đi đâu cũng được. Đừng có hỏi nữa.

Triển lãm “Gia phả” kéo dài tới 18/3, Art Vietnam Gallery, 7 Nguyễn Khắc Nhu, Hà Nội.

Toàn bộ ảnh trong bài viết này do Larissa Gehrke chụp.

Để đọc bài viết của KVT về triển lãm này, xem bài viết trước trên Hanoigrapevine.

Mai Chi viết về nghệ thuật. Anh đã cộng tác với một số báo và tạp chí online khác nhau. Hiện anh sống tại Hà Nội.

1 COMMENT

  1. Wow! A well written, intellegent and thought provoking opinion piece. Great to see a Vietnamese take on it all. Looks like I can start to think seriously about retirement. More please.

Leave a Reply