Paul Zetter – Bàn tay cùng thời gian

Paul Zetter – Bàn tay cùng thời gian

Đăng vào
1
Paul Zetter

Nhà bình luận nhạc jazz của chúng ta có dịp gặp gỡ Vân-Ánh Võ (tức Vanessa Võ) sau phần trình diễn của chị trong đêm nhạc “Quê Nhà” của Nguyên Lê diễn ra cách đây không lâu ở Hà Nội và hỏi chị về truyền thống, nhạc jazz, quan điểm âm nhạc của chị và cả về cây đàn Tranh 19 dây nữa.

Một nét đặc biệt trong đêm nhạc gần đây ở Hà Nội của nghệ sĩ ghi-ta Nguyên Lê là sự hợp tác giữa anh và Vân-Ánh – một nghệ sĩ nhạc cổ truyền Việt Nam. Không chỉ thể hiện sự hoà hợp vui vẻ và cuốn hút trên sân khấu, hai nghệ sĩ này còn phối hợp trình diễn âm nhạc rất hiệu quả và đột phá. Mặc dù họ mới chỉ gặp nhau lần đầu tháng 1 năm nay, nhưng đó đã là một sự hợp tác vô cùng đáng nể. Vân-Ánh kể rằng sau khi xem Nguyên Lê biểu diễn lần đầu ở nước Mỹ, nơi chị hiện đang sinh sống, chị đã hỏi xin anh phần nhạc của tác phẩm Kokopanitsa vì chị thấy ấn tượng với cấu trúc và cả nhịp 19/8 của nó.

Nguyên đã email cho chị bản nhạc và sau 10 ngày tập luyện chăm chỉ, Vân-Ánh đã làm chủ được hết những phức tạp của tác phẩm.

Chắc hẳn Lê đã rất ấn tượng với phần thể hiện của chị bởi vì đó chính là khởi đầu cho một sự hợp tác âm nhạc đặc biệt, pha trộn nhạc cổ truyền Việt Nam với jazz, rock và nhịp điệu thế giới thành một bản mix của thứ âm nhạc độc đáo đầy đam mê, sôi nổi, mãnh liệt.

Mặc dù chị gọi Nguyên Lê là “nghệ sĩ bậc thầy” nhưng về kĩ thuật âm nhạc thì chị cũng không kém gì. Nổi tiếng từ năm 1995 khi giành giải nhất trong cuộc thi Tài năng trẻ đàn tranh toàn quốc, Vân-Ánh hiện đang là một trong những nghệ sĩ đàn tranh hàng đầu Việt Nam, một giáo viên tên tuổi và cũng là một nhạc sĩ đạt nhiều giải thưởng.

Gặp chị tại nhà bố mẹ chị ở Mai Dịch tôi mới hiểu rõ chị xuất thân trong một gia đình có truyền thống sân khấu với một nền tảng là sáng tạo, kỷ luật và cần cù.

Để duy trì được kĩ thuật của mình, chị luyện tập 6 tiếng một ngày, và tăng lên khi chị có lịch diễn.

Trình độ đàn tranh của chị đã tới mức bây giờ chị tự thiết kế những nhạc cụ riêng phù hợp riêng với vóc dáng mình và đặc biệt là phù hợp với đôi tay mềm mại nhưng mạnh mẽ luôn khiến tôi ấn tượng. Chị giải thích là khi chơi đàn tranh thì tay phải để gảy dây có thể được ví như là “người cha” còn tay trái ấn dây và truyền tình cảm vào từng nốt nhạc, như là “người mẹ” vậy.

Tay trái là tâm hồn của tôi,

như chị giải thích thì trong kĩ thuật đàn tranh, tay trái là nơi khởi đầu và kết thúc của mọi cảm xúc và tình cảm trong âm nhạc – như trong bàn tay của “người mẹ”. Tôi càng lúc càng thấy ấn tượng với sự hiểu biết và sự trân trọng của chị với những thời đại đã qua, khi nhạc cổ truyền Việt Nam còn được xem là khuôn mẫu cho những giá trị cuộc sống và xã hội, những bài hát tạo ra một kiểu bản đồ âm nhạc vừa thực mà vừa ẩn dụ về cuộc sống làng quê. Niềm đam mê với những câu truyện ấy không hề tách biệt khỏi nhạc của chị bởi những câu truyện luôn được hoà quyện vào những bản nhạc mà chị chơi.

Tiếp tục nghe chị giới thiệu về đàn tranh, tôi biết được rằng sự kết hợp giữa khung gỗ cứng màu sẫm và mặt đàn màu trắng mềm mại bằng gỗ ngô đồng lại là một kiểu kết cấu âm dương hài hoà khác, còn lỗ thoát âm hình hai đồng xu của Việt Nam lại tượng trưng cho hạnh phúc và thịnh vượng. Cuối cùng, chị giải thích rằng cây đàn tranh, xuất xứ từ miền Bắc Việt Nam, ban đầu là một nhạc cụ 16 dây, tức là tổng của 12 tháng và 4 mùa trong năm.

Rồi, tôi thắc mắc tại sao một người gắn bó sâu sắc với truyền thống và những quy tắc nghiêm ngặt của loại hình âm nhạc đã chọn ấy lại có thể    chuyển hướng sang những loại hình âm nhạc khác và để chúng hoà hợp mà không mâu thuẫn hay đối kháng nhau. Chị nói rằng để làm được điều đó thì không phải là do kỹ thuật âm nhạc mà là do sự phóng khoáng, sẵn sàng tiếp nhận cái khác biệt, và cũng cần đến sự nổi loạn không nhỏ. Từ khi còn nhỏ, chị đã rất thẳng thắn, chọn đàn tranh mà không chọn cello như bố mẹ gợi ý vì chị thấy nó trông thật xấu xí.

Chính sự hoà hợp giữa cái cũ và cái mới, giữa sự tôn trọng thời gian và truyền thống trong khi vẫn chào đón nét hiện đại, giữa những quy tắc âm nhạc nghiêm khắc và sự tự do ngẫu hứng đã làm thành thứ tế bào kết nối cho trái tim âm nhạc của Vân-Ánh.

Đôi bàn tay có thể chơi các loại nhạc từ thời phong kiến đến những loại nhạc jazz đương đại hẳn phải rất linh hoạt nhưng chắc cũng phải được định hướng bằng một quan điểm âm nhạc vừa coi trọng nét truyền thống vừa hiếu kỳ với cái mới. “Tôi tôn trọng truyền thống nhưng thi thoảng cũng cần phải đổi mới.” Câu nói ấy đã tóm tắt quan điểm âm nhạc của chị một cách súc tích hơn nhiều so với những gì tôi có thể nghĩ được.

Rồi tôi hỏi chị về sự nghiệp sáng tác trong đó có cả những bản nhạc nền cho ba phim đạt giải như: Người con gái Đà Nẵng, Bolina 52 và Ngôi làng mang tên Versailles. Chị nói rằng con đường âm nhạc của chị gồm 3 nhánh – trình diễn, sáng tác và giảng dạy – mỗi nhánh đều bổ trợ và tạo cảm hứng cho những nhánh khác và mối quan hệ giữa chúng rất mạnh. Giống như những giáo viên giỏi khác, chị cho rằng mình học được nhiều từ các học trò, thậm chí còn học được nhiều hơn những gì họ học được từ chị. Chị quyết tâm giúp cho đàn tranh và thứ âm nhạc nó tạo ra đứng vững trong thế giới hậu MTV này bằng cách làm cho nó hiện đại hơn và phù hợp với thời đại của những người trẻ ngày nay. CD mới nhất của chị, She’s Not She (tạm dịch “Cô ấy không còn là cô ấy”), và sự hợp tác của chị với Nguyên Lê chính là bằng chứng rõ ràng nhất cho tầm nhìn này.

Để kết thúc, tôi hỏi chị liệu sự hợp tác với Nguyên Lê có thể dẫn tới sự ra đời của một CD không.

Đây mới chỉ là sự khởi đầu”, chị trả lời, “để có thể cùng phát triển và nắm bắt được những điểm mạnh âm nhạc của nhau thì cần có thời gian”. Và những sự hợp tác tuyệt vời rồi sẽ được xây dựng trên những nền tảng ấy.

Cuộc phỏng vấn sau đó chuyển từ những trao đổi bằng lời sang một phần trình diễn. Vân Ánh bắt đầu chơi đàn tranh và phòng ngủ nhỏ kiêm phòng tập nhạc của chị như biến thành một chốn thần tiên với những nốt nhạc tuyệt vời. Tôi lấy máy ảnh ra và ngớ ngẩn nghĩ rằng mình có thể lưu lại được dấu tích thời gian trong đôi tay chị khi biểu diễn. Nhưng tất nhiên là tôi không thể. Chiếc máy ảnh chỉ có thể lưu lại được một khoảnh khắc của thời gian còn đôi tay ấy thì lưu giữ tới hàng triệu những khoảnh khắc như thế. Bàn tay trái – tâm hồn chị – uyển chuyến lướt qua lại trên những dây đàn và tôi bỗng cảm thấy như một đứa trẻ đang vờn bắt bướm vậy.

Để tìm hiểu thêm về Vân-Ánh và nhạc của chị, xin mời ghé trang web của chị.

Chúng tôi có một CD mới của Vân Ánh mang tên “She’s Not She” (“Cô ấy không còn là cô ấy”) kèm chữ ký của nghệ sĩ dành tặng cho bạn nào đưa ra câu trả lời thuyết phục nhất cho câu hỏi: “Vì sao bạn xứng đáng được nhận CD này?” trong phần bình luận dưới đây.

Ảnh và lời: Paul Zetter © 2011

Paul Zetter là một nghệ sỹ nhạc jazz tài năng và một nhà phê bình, người viết bài nhiệt huyết. Paul cũng viết blog riêng của mình bình luận về jazz, piano. Bạn có thể xem thêm các bài viết của tác giảnghe các tác phẩm được Paul sáng tác và biểu diễn trên piano.

1 COMMENT

  1. I should receive Van Anh’s CD because my three-year-old son Gung who has all the feeling and expression of his mother and a rebelliousness unique to himself and has begun to really move to music and loves nothing more than to chase butterflies absolutely must hear it.

Leave a Reply