Khi âm thanh có mùi… mắm tôm – Trải nghiệm cùng nhóm...

Khi âm thanh có mùi… mắm tôm – Trải nghiệm cùng nhóm Siedl/Cao

Đăng vào
0

Viết, ảnh và video bởi Nguyễn Đức Tùng cho Hanoi Grapevine
Vui lòng không sao chép, đăng tải lại dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận của tác giả và Hanoi Grapevine.

Ngày 27/12/2018, tại không gian nghệ thuật Manzi (Hà Nội), rất nhiều khán giả đã lần đầu tiên được nghe thấy âm thanh từ ánh sáng, hay tự mình tạo ra một bản nhạc từ lá cây. Màn trình diễn ấn tượng ấy là sự kết hợp giữa cảm quan nhạy bén về âm thanh và hiểu biết về vật lý điện bởi cặp đôi nghệ sĩ Gregor Siedl (Áo) và Cao Thanh Lan (Việt Nam).

Gregor Siedl (trái) và Cao Thanh Lan (phải) tại buổi trình diễn những chuỗi sắp đặt âm thanh mới

Tác phẩm mở màn ACGT được đặt tên theo chữ cái đầu của bốn thành phần cấu tạo nên DNA: Adenine, Cytosine, Guanine, Thymine. Phần đầu của tác phẩm là một chuỗi lời đọc các chữ cái đó theo thứ tự, cường độ và cao độ khác nhau, với ý nghĩa ví như đó là mỗi cá thể người trong xã hội. Cặp đôi nghệ sĩ cũng kết hợp thêm tiếng thì thầm của mình vào chuỗi lời đọc và viết các chữ cái xuất hiện lên giấy.

Cặp đôi nghệ sĩ trình diễn tác phẩm sắp đặt âm thanh “ACGT”

Nửa sau của tác phẩm được thực hiện bởi chính những khán giả có mặt tại buổi diễn. Hai nghệ sĩ đặt ra cho mọi người những câu hỏi và thu câu trả lời qua micro. Cường độ âm thanh của giọng người sẽ được một mô-đun phân tích và chuyển hoá thành các điện áp thay đổi tương ứng với cường độ thay đổi liên tục trong giọng nói từng người. Điện áp đó được gửi đến một mô-đun khác làm cho động di chuyển với biên độ tương ứng như cường độ giọng người (tức nói to thì biên độ góc lớn và ngược lại). Sau cùng, mô tơ ấy nối với một cây bút, nhờ giọng nói người mà vẽ lên giấy những đường nét khác nhau.

Những đường nét tạo nên từ giọng nói người

Cũng áp dụng phương thức chuyển rung động thành điện áp và từ đó tạo ra âm thanh, tác phẩm “The plant” khiến khán giả không khỏi phấn khích bởi chính họ cũng có thể tạo ra một bản nhạc mà chỉ cần chạm tay vào lá cây.

Video Gregor hướng dẫn khán giả tạo ra âm nhạc từ lá cây:

Không chỉ thính giác, thị giác, xúc giác, Gregor Siedl và Cao Thanh Lan còn tác động tới khứu giác của khán giả thông qua tác phẩm “Sonate mắm tôm”.

Nghệ sĩ Cao Thanh Lan chuẩn bị cho tác phẩm “Sonate mắm tôm”

Tác phẩm gồm hai đĩa mắm tôm đặt trên mặt bàn. Những đoạn dây ni-lông được buộc vào hai động cơ trên một chiếc trục. Khi khởi động, hai động cơ sẽ làm những đoạn dây quay tròn trên hai đĩa mắm tôm, vừa mô phỏng những chiếc que đuổi ruồi vừa dậy lên mùi của thứ nước chấm đặc biệt này.

Không chỉ vậy, hai động cơ cũng góp phần tạo ra âm thanh. Như mọi thiết bị điện, động cơ cũng có vùng điện từ trường. Hai nghệ sĩ đã chế ra một bộ thu, hoạt động dựa trên nguyên lý bộ thu của những chiếc đàn ghi-ta điện, để thu được tín hiệu âm thanh từ thay đổi của trường điện từ trong và xung quanh động cơ. Những tín hiệu ấy được tăng cường bởi một “bộ cộng hưởng”, từ đó thể tạo ra một cấu trúc hài hòa và phong phú từ âm thanh của động cơ.

Khán giả trực tiếp trải nghiệm “Sonate mắm tôm”

Tưởng chừng như phi lý, Gregor Siedl và Cao Thanh Lan còn tạo ra âm thanh từ ánh sáng. Trong tác phẩm “Harmony of pollution”, hai nghệ sĩ đã bày ra sáu chiếc lọ đựng nước từ sáu hồ khác nhau tại Hà Nội và đặt đằng sau đó một bóng đèn. Vì nước có độ đục trong khác nhau, vậy nên lượng ánh sáng đi qua những chiếc lọ cũng khác nhau. Hai nghệ sĩ đã sử dụng một thiết bị cảm biến, thu lại mức độ phát sáng và chuyển chúng thành tín hiệu điện tử. Những tín hiệu này sau cùng được “dịch” sang âm thanh tương ứng.

Thiết bị cảm biến đo mức độ phát sáng rồi “dịch” thành âm thanh tương ứng

Gregor Siedl và Cao Thanh Lan đã cho khán giả cái nhìn rất mới về những cách thức khai thác và sắp đặt âm thanh. Sau thời gian chơi những dòng nhạc khá nghiêm ngặt như nhạc cổ điển và nhạc Jazz, họ nảy sinh nhu cầu nội tại muốn phá cách và chơi nhạc ngẫu hứng nhiều hơn. Bên cạnh đó là mong muốn âm thanh cũng phải được trải nghiệm một cách vật lý, tức là ta có thể thấy nó, y như khi ta chơi một nhạc cụ mộc vậy.

Về mặt kỹ thuật, cặp nghệ sĩ tình cờ được một người bạn cho biết thông tin về một thiết bị kết có thể nối âm thanh, chuyển động của các dụng cụ dùng điện một chiều như mô tơ, các loại cảm biến và công tắc. Mọi thứ đều quy ra thành điện áp (Control Voltage hay viết tắt là CV). Cũng cùng lúc đó, nghệ sĩ Cao Thanh Lan đang mày mò bắt đầu chơi modular synthesizer, một tổ hợp các mô-đun cũng hoạt động dựa trên điện áp CV. Từ đó cặp nghệ sĩ nảy ra ý định kết hợp và mở rộng việc trải nghiệm âm thanh qua các trải nghiệm thể chất hay vật lý. Gregor và Lan cũng rất hâm mộ các nghệ sĩ âm thanh Nhật Bản bởi họ giỏi điện và cơ khí. Cách sắp đặt của họ rất hay dùng đến động học, sử dụng các chuỗi mạch điện thiết kế theo nhu cầu của mỗi cá nhân.

NO COMMENTS

Leave a Reply