TP HCM – Triển lãm “Máy móc là Tự nhiên”

TP HCM – Triển lãm “Máy móc là Tự nhiên”

Đăng vào
0

Triển lãm: 10:00 – 19:00, 22/02 – 21/04/2019 (T3 – CN)
Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory
15 Nguyễn Ư Dĩ, phường Thảo Điền, Quận 2, TP HCM

Thông tin từ nhà tổ chức:

– Với sự tham gia của các nghệ sĩ: Nhiếp ảnh: Nguyễn Xuân Khánh (Việt Nam); Hoàng Nhiệm (Việt Nam); Quang Lâm (Pháp); Quốc-Văn Ninh (Đức); Phương Nguyễn (Việt Nam); Alex Phan (Việt Nam); Nelly Nguyễn (Việt Nam); Cietisoo Nguyễn (Việt Nam), Voshida Trường (Việt Nam) và Nguyễn Huỳnh Phương An (Việt Nam). Hình ảnh động (tư liệu): Munem Wasif (Bangladesh); Sutthirat Supaparinya (Thái Lan); Qiu Anxiong (Trung Quốc), Unknown Fields Division (UK) và Nguyễn Phương Linh (Việt Nam)
– Giám tuyển bởi: Quang Lâm (Inlen); Bill Nguyễn, Lê Thiên Bảo và Zoe Butt (Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory)
– Ngày triển lãm: 22 tháng Hai đến 21 tháng Tư 2019 (khai mạc vào lúc 18g00 ngày 22 tháng Hai 2019)

The Factory trân trọng giới thiệu triển lãm nhóm “Máy móc là Tự nhiên” với sự tham gia của 15 nghệ sĩ đến từ Việt Nam và quốc tế, do The Factory và Inlen Photo Gallery đồng giám tuyển.

‘Máy móc là Tự nhiên’ nhìn nhận và chiêm nghiệm về cách thức mà con người – ở thời khắc đương đại mà ta đang sinh sống – tư duy, ứng xử, nghiên cứu và đề cao ‘máy móc’ như một dạng ‘tự nhiên’; cũng như những hệ quả đi kèm mà lối suy nghĩ này dấy lên. Triển lãm chia sẻ loạt tác phẩm nhiểp ảnh và hình ảnh động, nhằm thể hiện tâm thế ngưỡng mộ, sửng sốt, đồng thời lo ngại, cấp bách của nghệ sĩ trước những khuôn mẫu, sự lợi dụng tài nguyên, mối tương quan tâm lý, cũng như những hư cấu lịch sử hằng tồn tại trong mặc định của con người về Tự nhiên và Máy móc.

Theo nghĩa rộng, ‘tự nhiên’ bao gồm thế giới thiên nhiên và thế giới vật chất, thậm chí toàn bộ vũ trụ. Mặc dù nhân loại là một phần của tự nhiên, các hoạt động của loài người lại không được xem là hiện tượng ‘thuận tự nhiên’. Trong bối cảnh thế kỷ 21, phần lớn con người gây dựng đời sống xung quanh các đô thị đông đúc, nơi máy móc (chứ không phải các chu kỳ tự nhiên) là yếu tố tạo ra những ảnh hưởng không nhỏ lên đời sống thường nhật của họ.

Được chia thành bốn khu vực trưng bày theo bốn chủ đề, triển lãm ‘Máy móc là Tự nhiên’ là lời thỉnh cầu tối hậu để ta suy ngẫm về những hậu quả đạo đức mà sự thờ phụng, ngưỡng mộ công nghệ gây ra. Mặc dù ta có thể bắt gặp và cảm nhận cái đẹp xuyên suốt các tác phẩm nhiếp ảnh và hình ảnh động trong triển lãm, thì (với lương tâm sáng suốt và dưới tư cách là những người tiêu thụ hình ảnh ở thế kỷ 21) ta cũng cần hiểu rằng, cái đẹp này – trớ trêu thay – lại bắt nguồn từ những gì độc hại, tàn luỵ. Cái mà ta cần đối diện và đào sâu, nằm ở chính bản chất của con người. Bởi, tình yêu, cũng như khả năng của con người trong việc giải mã, phân tích, mô phỏng và đổi mới quá trình vận động và hệ thống của Tự nhiên, nếu như trước kia đã tạo ra những giải pháp đột phá, phục vụ cho đời sống và nhu cầu thiết yếu; thì giờ lại đồng thời sản sinh những cái giá mà con người buộc phải đáp, trả.

Vật chất
Dù tự nhiên hay nhân tạo, hữu hình hay không phom dạng, vật chất là nguyên liệu cấu thành nên vạn vật, từ dòng nước ta uống, phương tiện ta đi, tới cơ thể ta sở hữu. Khác với tâm trí và tinh thần, vật chất gắn liền với bất kỳ những gì chiếm hữu không gian. Tựu trung, vật chất xuất hiện ở mọi nơi. Bắt nguồn từ gốc Latin ‘mater,’ hay ‘mother’ (‘mẹ’), vật chất (‘matter’) biểu thị cho sự kiến tạo, sinh sôi nảy nở và phát triển. Được tổng hợp dưới chủ đề chung mang tựa ‘Vật chất,’ các tác phẩm nhiếp ảnh trong phần này lần theo vòng đời của những loại vật chất khác nhau, đi qua quá khứ, hiện tại và tương lai của chúng.

Thao túng
Sự tồn tại của loài người – từ xưa tới nay – vẫn luôn phụ thuộc vào Tự nhiên. Tự nhiên cho ta lương thực để ăn, đất đai để trồng trọt, lửa để giữ ấm và không khí để hít thở. Ngược lại, việc phát minh ra máy móc (trong kỷ nguyên công nghiệp hóa) và sự phát triển của khoa học (như sinh học và kỹ thuật gen) đã cung cấp cho con người khả năng thao túng và kiểm soát thiên nhiên. Vậy nhưng, việc thao túng và kiểm soát này phục vụ điều gì, cốt để làm gì? Đây vẫn tiếp tục là một chủ đề gây tranh cãi. Thử nghĩ tới thực phẩm bị biến đổi gen, được bày bán hàng loạt, ẩn chứa những nguy hiểm khôn lường lên sức khoẻ con người. Mặt khác, khi công nghệ sản xuất thịt trong phòng thí nghiệm được áp dụng thành công, ta sẽ giảm thiểu một cách đáng kể những tổn hại mà môi trường, thiên nhiên đang phải chịu đựng. Ở phần mang tựa ‘Thao túng’, mỗi nghệ sĩ xây dựng một ‘phòng thí nghiệm’ riêng cho mình, và đặt ra những chất vấn liên quan tới các vấn đề về đạo đức và niềm tin đằng sau hành vi kiểm soát thiên nhiên của con người.

Cơ khí cảnh (Mechascapes)
Những gì từng được coi là phong cảnh nay đã được thay thế bởi cơ khí cảnh – mechascape (‘mecha’ ở đây đại diện cho từ ‘mechanics’ – cơ học, cơ khí). Khái niệm ‘mechascape’ đã được lưu truyền từ thập kỷ 1920 qua những bộ phim như ‘Metropolis’ (‘Thủ phủ’) của Fritz Lang – vốn là một tưởng tượng về sự tha hóa và những vấn đề xã hội đằng sau vỏ bọc lộng lẫy của đô thị hiện đại. Trong phim, tràn đầy phong cảnh cách điệu và hoàn toàn hư cấu, với những toà nhà chọc trời chồng chéo nhau trong viễn cảnh tương lai. Gần 100 năm sau, những ảo mộng này đã trở thành hiện thực trên khắp thế giới, bao gồm cả Việt Nam, không dấu hiệu chấm dứt. Lấy cảm hứng từ khái niệm ‘Cơ khí cảnh’, xuyên suốt phần này là những biểu đạt thị giác suy ngẫm về tương lai của môi trường sống con người.

Suy tư
Nghiên cứu về sự tồn tại của loài người, về những khía cạnh mang tính hiện sinh trong mục đích của loài người, vốn đã là một lĩnh vực khoa học và triết học rộng mở, không ngừng thử thách nhận thức của chúng ta về thực tại. Có lẽ sự ra đời và vận hành của công nghệ, dưới thể analog hay số hoá, đã gây tầm ảnh hưởng đáng kể nhất. Ở khu vực trưng bày này, các nghệ sĩ – thông qua ngôn ngữ hình ảnh động – quan sát và kiến tạo lại những thời khắc và quang cảnh xã hội nhất định, nơi các dấu ấn của việc sử dụng công nghệ và lợi dụng tài nguyên được khắc hoạ rõ nét. Tại đây, máy móc được trình hiện như là hữu hạn. Tính ứng dụng của chúng phụ thuộc phần lớn vào nhu cầu của con người. Và một khi không còn cần thiết, máy móc cũng sẽ suy tàn như phế thải.

Giá vé:

Người lớn: 40,000VND
Học sinh/Sinh viên: 30,000VND (vui lòng xuất trình thẻ)
Trẻ em dưới 16 tuổi: miễn phí (vui lòng xuất trình CMND hoặc thẻ học sinh)

Đêm khai mạc không tính phí vào cổng.

Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory
15 Nguyễn Ư Dĩ, phường Thảo Điền, Quận 2, Hồ Chí Minh
Giờ mở cửa Trung tâm triển lãm: 10:00 – 19:00, thứ ba đến chủ nhật (đóng cửa vào thứ hai)

NO COMMENTS

Leave a Reply