PHM – Rút cục phương Tây có phải là nhất?

PHM – Rút cục phương Tây có phải là nhất?

Đăng vào
0

Right or Wrong - Talkshow with Giang Dang

Gần đây một cuộc thảo luận tại Manzi đã giành được rất nhiều quan tâm của giới trẻ khi bàn về chủ đề “nóng”: Phương Tây có phải là nhất? Cả MC (Đặng Hoàng Giang) và ba khách mời (Nguyễn Quí Đức, Phan Ý Ly, Anh-Minh Đỗ) đều là những người Việt “quốc tế” trở về Việt Nam sau rất nhiều năm lăn lộn ở nước ngoài nên có lẽ ngay cả khi không có cơ hội tham dự thảo luận chúng ta cũng có thể ngầm hiểu câu trả lời của họ là gì. Vâng, phương Tây chưa chắc đã phải là nhất.

Giấc mơ phương Tây

Chắc hẳn ai cũng biết việc xin thị thực vào các quốc gia phát triển luôn rất khó khăn đối với công dân ở các nước ít phát triển hơn. Tôi đã từng mất một tháng mới xin được visa Schengen để vào Ba Lan năm 2009, ấy thế mà tôi vẫn khá may mắn so với một số người bạn bị Đại sứ quán Đức hay Tây Ban Nha từ chối thẳng thừng. Lý do? Thành thật mà nói, đó là vì họ có kinh nghiệm rằng: người Việt Nam thường chỉ lấy cớ đi thăm người nhà hay đi học để tìm cách ở luôn lại nước sở tại. Định cư ở trời Tây đã trở thành giấc mơ của bao thế hệ người Việt kể từ thời Đổi Mới. Nhiều người đôi khi tin tưởng một cách ngây thơ rằng sống ở Tây đồng nghĩa với sự giàu sang, và coi việc đi Tây là một cơ hội đổi đời hiếm có. Theo tôi, nhìn nhận đó chẳng khác việc người nông thôn luôn tìm cách ra sinh sống ở thành phố là mấy nỗi.

Quan điểm của những người trở về

Cùng với nền kinh tế phát triển bùng nổ (nếu các bạn chưa biết thì Việt Nam của chúng ta chỉ được liệt vào dạng “thế giới thứ ba” trên khía cạnh tự do báo chí mà thôi chứ không hề yếu kém về mặt kinh tế), những con người ngày nào rời bỏ Việt Nam do chiến tranh, hay để đi tìm miền đất hứa, đang dần quay trở lại, không phải tất cả họ, nhưng chắc chắn là rất nhiều. Tôi đã đọc thêm và nói chuyện với một vài người để tìm hiểu nguồn cơn. Anh-Minh Đỗ, Việt Kiều Mỹ thế hệ thứ hai, một trong ba khách mời trong cuộc thảo luận nói trên có một bài viết rất hùng hồn trên blog cá nhân của anh (bằng tiếng Anh): “Việt Kiều Mỹ nên trở về sống và làm việc toàn thời gian tại Việt Nam”. Và chắc chắn bạn không thể bỏ qua bài phỏng vấn anh Đặng Hoàng Giang, một người quốc tịch Áo, cũng là MC của chương trình thảo luận. Anh nói: “Nếu đã sống ở nhiều quốc gia khác nhau, chúng ta sẽ thấy không có nơi nào hoàn hảo cả. Xã hội nào cũng có có cái hay và cái dở, nhưng chắc chắn không có nơi nào lung linh như “thiên đường”. Chẳng hạn, ở phương Tây, “chừng nào lệnh chuyển tiền tự động của bạn vẫn hoạt động, thì không ai quan tâm bạn sống hay chết”.

Ngoài ra, tôi còn có một cuộc trò chuyện thú vị khác với một doanh nhân trẻ đang trên đường khởi nghiệp sau 9 năm sinh sống, làm việc và học tập tại Anh Quốc. Anh nêu lên một thực trạng của cuộc sống phương Tây như sau: ở đó bạn không thiếu bất cứ một điều kiện vật chất gì, nhưng bạn sẽ phải làm việc cật lực để trang trải các khoản vay nợ (học phí, mua nhà, mua xe, v.v) và những người”thành công” trong xã hội là những người có nhà, có xe, có lương hưu và trả hết nợ nần trước 65 tuổi. Theo anh cuộc sống ở phương Tây có thể được coi là tiện nghi và ổn định nếu so với một xã hội đang phát triển và có nhiều đứt gãy như Việt Nam, bởi vậy những ai ưa tiện nghi và không thích mạo hiểm sẽ không muốn quay về nước. Anh cũng thẳng thắn chia sẻ những lý do đưa mình trở về Hà Nội, trong đó lý do chính yếu là: Ở Việt Nam bạn có nhiều cơ hội làm giàu hơn ở phương Tây. Vì thế, mặc dù kế hoạch của anh khi rời Việt Nam là sẽ định cư hẳn ở nước ngoài, nhưng đến nay, sau 1 năm ở Mỹ và 9 năm ở Anh, anh đã trở lại để bắt tay thực hiện các dự án khởi nghiệp mà theo anh mô tả là “được ăn cả, ngã về không”.

Những suy nghĩ của riêng tôi

Giống như tất cả những người Việt khác, tôi đã từng ôm giấc mộng phương Tây từ khi còn bé tí. Vào đại học, tôi tham gia chương trình thực tập sinh quốc tế của AIESEC với mong muốn kiếm việc làm trước rồi sẽ ở luôn lại nước sở tại, lúc đầu tôi nhất định chỉ tìm kiếm các cơ hội tại Singapore, Anh, Đức, Hồng Kông nhưng cuối cùng số phận lại đưa tôi đến với Ba Lan và Ấn Độ. Tôi cũng không ở những nơi đó quá lâu, mỗi nơi chỉ trên dưới 3 tháng, nhưng những tháng ngày ngắn ngủi đó thực sự đã giúp tôi mở mang tầm mắt. Ba Lan khiến tôi có cảm tình nhiều hơn với các quốc gia “đang phát triển” (so với những Đức hay Thụy Sỹ), trong khi Ấn Độ đã hoàn toàn thay đổi cách tôi nhìn nhận cuộc đời. Tại đây tôi đã may mắn gặp được những con người rất đáng ngưỡng mộ, trong đó có một life coach đến từ Rumani (Life coach là một khái niệm ít được biết đến ở Việt Nam, chỉ công việc chuyên môn của những người giúp người khác tìm ra giá trị của bản thân để cân bằng cuộc sống, công việc và tình cảm. Điều “đáng sợ” nhất ở các life coach này là ở chỗ ta cảm thấy đôi khi họ hiểu ta hơn chính bản thân ta hiểu mình). Anh là một “kẻ lữ hành xuyên thế giới” thứ thiệt, nhưng dù đã chiêm nghiệm bao nhiêu nền văn hóa, mơ ước lớn nhất của anh vẫn là xây dựng và “thay đổi” quê hương Rumani. Và điều đó đã làm tôi phải suy nghĩ, liệu thế hệ trẻ của những đất nước đang phát triển có nên suy nghĩ kỹ hơn trước khi “bỏ chạy”? Bỏ chạy khỏi những điều làm mình khó chịu ở quê nhà là điều đơn giản, nhưng nếu thế thì ai sẽ là người thay đổi những sự khó chịu này? Và đối với tôi, việc tự đặt câu hỏi đó cho bản thân đã là một suy nghĩ thay đổi định hướng của cuộc đời.

Lại nói đến những “lữ hành gia xuyên thế giới”, những người nay đây mai đó không ở một nơi nào cố định mà tôi may mắn quen biết khá nhiều trong công việc viết blog, quản lý các mạng xã hội hay khi đi du lịch. Đừng tưởng chỉ công dân các nước giàu có mới trở thành những người chuyển dịch triền miên, mà rất nhiều người “lữ hành” ngày nay đến từ các quốc gia ít phát triển hơn. Có một điều rất lạ tôi nhận thấy khi nói chuyện với họ là: những người đến từ “thế giới thứ ba” thường kể cho tôi về đất nước mình nhiều hơn những người đến từ các nước phát triển. Một vài người đến từ Úc hay Mỹ thậm chí đã tuyên bố họ “không bao giờ muốn quay về đó” trong khi chưa một ai đến từ Ấn Độ, Trung Quốc, Campuchia hay Uganda lại nói ra điều này. Ngoài phản ứng của các “lữ hành gia” chúng ta hãy cùng bàn tiếp đến các “expat”, những người đã rời bỏ sự tiện nghi sạch sẽ của đất nước họ để đến sinh sống tại châu Á rồi sau đó không muốn quay về nữa. Họ đi dạy, làm tư vấn, lập doanh nghiệp và làm các công việc sáng tạo. Đừng tưởng họ hoàn toàn hạnh phúc, họ than phiền nhiều hơn bất cứ ai, nhưng họ vẫn ở lại làm việc. Tại sao? Bởi họ nhìn thấy ở đây cơ hội kiếm tiền và cả những cơ hội thực hành các ý tưởng sáng tạo và nghệ thuật mà họ không áp dụng được ở trời Tây (hoặc những ý tưởng mà các nước phương Tây đã làm từ lâu). Vậy câu hỏi đặt ra là phải chăng đã đến lúc chính những người bản xứ chúng ta cần phải nhận ra cơ hội và nắm lấy, và thậm chí là “giành lại”?

Lời kết

Có vẻ như ngày nay “miền đất hứa” đang dần chuyển dịch từ Tây sang Đông. Tất nhiên chúng ta không thể nói điều kiện sống, cách ứng xử của con người (nói chung) hay các định kiến cổ hủ là dễ chịu nhưng một khi biết cách bỏ qua những khó khăn đó mà tiếp tục sống thì ta sẽ tìm ra cơ hội cho mình ngay tại mảnh đất quê hương còn nhiều khiếm khuyết này. Đó có thể là thời cơ làm giàu nhanh chóng, hoặc đó cũng có thể là cơ hội làm được những điều tuyệt vời thay đổi bộ mặt xã hội, và điều đó tùy thuộc hoàn toàn vào mục tiêu và quyết tâm của bạn. Riêng đối với những bạn trẻ đang ôm giấc mộng phương Tây, tôi xin được hết lòng khuyến khích các bạn hãy tiếp tục bay nhảy bởi bản thân tôi cũng là một người ưa thích “chủ nghĩa xê dịch”, tuy nhiên các bạn hãy “bay nhảy” một cách có suy xét và đừng mù quáng. Hãy tự đặt ra những câu hỏi, và rồi khi quay trở lại, hãy tự trả lời chính mình xem trời Tây có phải là nhất hay không trước khi tiếp tục ôm lấy giấc mộng “định cư ở chốn thiên đường” của mình.

Bài viết của PHM, đã đăng trên blog cá nhân bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt: “THE WEST IS BEST. OR IS IT?”

NO COMMENTS

Leave a Reply