Bill Nguyễn – Long (nhãn) quan
![]() |
Bình luận: Triển lãm “Nhãn” của Hoàng Minh Đức tại Nhà Sàn
Nhà Sàn là một chốn lạ, nó hệt như một mê cung vậy. Nếu ta không quen thuộc với vị trí của nó, chắc chắn ta khó có thể tìm thấy đường đến. Ngay cả khi ta có quen thuộc, ta sẽ không thể tin nổi một nơi như Nhà Sàn lại tồn tại ở Hà Nội. Nằm ở một khu dân cư đông đúc về phía tây của thành phố và bị bao bọc bởi hết khu nhà tập thể này tới khu nhà tập thể khác, Nhà Sàn có vẻ ngoài khá xa (lạ) và kín đáo. Nhưng một khi ta bước vào nơi này, ta sẽ đặt chân tới một thế giới khác – một thế giới lạ lùng và hấp dẫn, đến nỗi ta sẽ chẳng bao giờ muốn rời bỏ.
Câu chuyện về Nhà Sàn bắt đầu vào năm 1992 khi nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức mang một ngôi nhà sàn từ dân tộc Mường (tỉnh Hòa Bình) về Hà Nội, và giới thiệu nó với giới nghệ thuật ở đây. Tuy nhiên, Nhà Sàn không chỉ có một mục đích hay một chức năng duy nhất – vừa là nơi ở của gia đình nghệ sĩ Mạnh Đức, là xưởng sản xuất tượng, là kho chứa đồ cổ quý hiếm; trong vòng hơn mười năm qua, Nhà Sàn còn trở thành một gallery, một nơi hoạt động, thực hành nghệ thuật, một chốn gặp gỡ giao lưu của bao nghệ sĩ, nhà nghiên cứu – phê bình và người yêu nghệ thuật, cả địa phương lẫn quốc tế. Nếu ai đó miêu tả nơi này bằng những từ ngữ như ‘không tưởng’, ‘tuyệt vời’, hay ‘có một không hai’, chắc hẳn họ đang đánh giá thấp vị trí của Nhà Sàn trong tâm thức của giới nghệ thuật và nghệ sĩ Hà Nội. Được mệnh danh là “gallery mang tính thử nghiệm đầu tiên tại Việt Nam” [1] và “trung tâm nghệ thuật sắp đặt và trình diễn năng động nhất của thủ đô” [2], đối với tôi, Nhà Sàn lại mang một ý nghĩa sâu sắc hơn rất nhiều – những gì Nhà Sàn đã và đang đóng góp cho nghệ thuật Hà Nội khiến ta phải cúi đầu ngưỡng mộ.
Tuy nhiên, một nơi có giá trị tinh thần và tính chất cao như vậy cũng có những điểm yếu riêng của nó. Đôi khi, sự hiện diện của Nhà Sàn mạnh mẽ đến mức nó áp đảo ít nhiều giá trị của những nghệ phẩm được trưng bày ở đây. Vai trò của một gallery giống như vai trò của một tấm toan – nó phải là một không gian trung tính, thậm chí vô tính; và nhiệm vụ của nó là phải kết nối người xem và tác phẩm. Nhà Sàn lại hoàn toàn khác. Ở đó luôn luôn có một điều gì đó, một vật thể hay một con người nào đó chờ đợi ta khám phá, nhận thức và đánh giá. Hay nói theo cách khác, sự quan tâm/chú ý của ta luôn luôn (bị) dành cho Nhà Sàn (từ kiến trúc, quang cảnh nơi đây, tới những con người đặc biệt, những đồ đạc lạ lẫm sống trong Nhà Sàn) chứ không phải dành cho những tác phẩm nghệ thuật. Như vậy, để một triển lãm được thành công, Nhà Sàn cần phải lựa chọn kĩ càng những nghệ phẩm nên và có thể triển lãm trong không gian này. Bản thân người nghệ sĩ tham gia cũng cần phải nhận thức được thực tế này, và làm việc khăng khít với (và tại) Nhà Sàn. Hoàng Minh Đức đã làm được việc này rất tốt. Chỉ qua việc triển lãm đầu tay của anh, với tựa đề ‘Nhãn’, được tổ chức tại Nhà Sàn đã chứng tỏ tài năng của người nghệ sĩ này.
—
Triển lãm bao gồm một loạt điêu khắc và sắp đặt được thực hiện tại chỗ, ngay trong không gian Nhà Sàn. Như tiêu đề gợi ý, tất cả những điêu khắc/sắp đặt này đều được làm từ một chất liệu: hạt nhãn. Chất liệu nông sản này, trông thì có vẻ bình dân và giản dị, xong lại mang một ý nghĩa tinh thần quan trọng và lớn lao đối với Đức. Lí do, theo anh, bắt nguồn từ những kỉ niệm tuổi thơ gắn liền với nhãn: những tháng ngày anh và bạn bè lê la đồng nhãn, tự tìm cách sáng tạo ra những trò chơi của mình; những trưa hè nắng nóng đổ lửa anh cùng gia đình miệt mài trẩy nhãn… Tuy nhiên, những tháng ngày khó khăn ấy đã không ngăn cản được tình cảm Đức dành cho nhãn. Thậm chí, thời gian càng trôi qua thì tình cảm anh dành cho thứ trái này càng chín muồi. Gia đình Đức đã trồng nhãn từ nhiều đời, và dường như nhãn đã ăn vào máu thịt anh kể từ ngày anh được sinh ra. Chỉ cần ngắm nhìn và nắn bóp trái nhãn trong tay, anh có thể đoán xem trái đã chín chưa, chín đến mức nào, hay trái thuộc loại nhãn nào và đến từ đâu. Chỉ cần đi quanh gốc cây và đếm chùm qủa, anh có thể đoán xem cây sẽ cho ra bao nhiêu tấn trái và liệu sẽ được hay mất mùa. Và chỉ cần nhìn vào ánh mắt người nghệ sĩ này, ta có thể cảm nhận được sự say mê và tình cảm sâu sắc anh dành cho nhãn. Tự lúc nào, thứ trái này đã trở thành tâm điểm, nuôi nấng và củng cố thực hành nghệ thuật của anh.
Trái nhãn, hay còn được gọi là long nhãn, có tên như vậy vì khi trái chín, trông nó giống hệt cầu mắt: phần ruột ẩm, trắng và trong, phần hạt cứng, tròn và đen nhánh; và với một chấm trắng nhỏ ở đầu hạt, trông nó lại càng giống cầu mắt hơn. Qua việc kết nối hàng trăm hạt nhãn lại với nhau để xây dựng tác phẩm cho triển lãm, Đức đã vẽ nên một bức tranh miêu tả chân thực hình ảnh quê hương anh cũng như những con người nơi ấy. Những hạt nhãn đen bóng, lấp lánh tượng trưng cho những đôi mắt của gia đình và bạn bè anh, của những người dân trồng nhãn – ngày đêm làm lụng, thấp thỏm lo lắng cho số phận của trái khi thời tiết trở trời. Giống như nhiều nông sản khác, việc trồng trọt chăm nuôi nhãn phải phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết: nhãn khá nhạy cảm với sương giá, nhưng nếu không đủ lạnh thì cây sẽ không ra hoa, ra qủa; bản thân nhãn là giống cây thời vụ và ra trái thất thường; mùa thu hoạch của nhãn lại thường rơi vào thời gian hay có mưa to và bão lớn… Thậm chí, ông cha ta còn có câu ‘Buôn long mã xấu’ để lột tả cuộc sống khó khăn của người dân trồng nhãn.
—
Cả người thực hành nghệ thuật lẫn người thưởng thức nghệ thuật cần phải hiểu rẳng: khi nghệ sĩ sử dụng một chất liệu có tính hình tượng và cá nhân cao, và chỉ phản ánh những khía cạnh nhất định của nền văn hóa, bản sắc và trải nghiệm của riêng họ, thì người nghệ sĩ đó đang khá mạo hiểm. Nhiều khi người xem sẽ không thể hiểu rõ và đánh giá đúng giá trị của chất liệu ấy, có thể là vì hiểu biết của họ về nó khá hạn chế, hoặc đơn giản là vì họ không xuất phát từ cùng một nền văn hóa với người nghệ sĩ. Tuy nhiên, những tác phẩm của Đức không như vậy. Mặc dù anh đã sử dụng một chất liệu và những trải nghiệm rất riêng tư, xong, ngoài câu chuyện của bản thân mình, anh còn kể được biết bao câu chuyện của nhiều người khác. Đó là kỉ niệm của những người con xa xứ để học tập, lao động, tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn; đó là những lời khuyên dạy về cội rễ, về nguồn gốc; đó là những lời nhắc nhở ta phải luôn luôn hướng tới và nhớ đến nơi sinh ra và nuôi nấng ta nên người… Nói cách khác, người nghệ sĩ này thiết tha mong muốn người xem tâm sự những câu chuyện của chính họ – ta ngắm nhìn các tác phẩm của anh để nhìn nhận lại chính bản thân ta. Ở đây, nghệ thuật đã không còn chỉ là nghệ thuật. Nó đã trở thành bàn đệm và phương tiện để tạo ra một điều cao cả và ý nghĩa hơn chính bản thân nó: một cuộc hội ngộ những đôi mắt và những tâm hồn – của người nghệ sĩ, của người xem, của tất cả.
Những hình khối Đức sử dụng để xây dựng các tác phẩm, một lần nữa, củng cố và làm vững chắc ý niệm này. Ngay khi bước vào không gian gian triển lãm, ta sẽ chạm trán với một tác phẩm to và hùng dũng, bao quát phần giữa gian phòng. Tùy vào cách hiểu và cảm nhận của mỗi người, ta có thể coi tác phẩm này như một sinh vật đến từ tương lai, bò ra từ một bộ phim khoa học viễn tưởng, lúc nhúc lan rộng ra khắp các góc tường. Ta cũng có thể hiểu nó như một vật thể đang-sống, hay một phần của cấu trúc ADN. Hoặc ta cũng có thể cho rằng hình thể của nó không khác gì với loài vật hư cấu được tôn thờ phổ biến ở Việt Nam: con rồng. Nhìn quanh, ta nhận thấy còn có hai tác phẩm khác nằm ở hai bên gian phòng. Một tác phẩm như đang chui ra từ bên trong tường; tác phẩm còn lại có vẻ đang làm tổ trên cột nhà. Ba tác phẩm này hoà kết với nhau, tạo thành một tác phẩm thống nhất có tính liên kết và tiếp diễn. Và dường như chùm tác phẩm này không ngừng sinh sôi, nảy nở, chuyển động và thay đổi – một qúa trình phát triển trạng thái liên tục, từ ít tới nhiều, từ nhỏ tới lớn, từ tĩnh tới động.
Có nhiều cách để hiểu và cảm nhận nghệ thuật của Đức, xong dù thế nào đi nữa, ta vẫn phải dành cho anh những lời khen ngợi và một lòng ngưỡng mộ nhất định. Anh đã tạo ra một tác phẩm không chỉ có giá trị cao về mặt hình ảnh, mà còn có sức mạnh và khả năng làm lung chuyển sự hiện diện mạnh mẽ của Nhà Sàn. Anh đã không xây dựng hay sản xuất nghệ phẩm của mình cho Nhà Sàn; ngược lại, anh đã nhìn nhận và sử dụng không gian này như một trong những thành phần quan trọng làm nên tác phẩm của mình. Như vậy, Nhà Sàn trở thành một bộ phận của tác phẩm, chứ không phải yếu tố chủ chốt, mang tính bắt nguồn. Mặt khác, tác phẩm tương tác ngược lại với Nhà Sàn – nó đóng vai trò như một sự thay đổi (tới), một sự thâm nhập (vào) và một sự mở rộng (thêm) đối với kiến trúc của Nhà Sàn. Cuối cùng, một mối quan hệ giữa không gian và nghệ phẩm được hình thành. Mối quan hệ này mang đến những nhận thức có tính văn cảnh mới mẻ cho người xem; cùng lúc, nó cũng thách thức những quy ước mặc nhận, định nghĩa sách vở và vai trò cũ của không gian, của nghệ phẩm được trưng bày trong không gian đó; của chất liệu và của thể loại nghệ thuật được sử dụng để làm nên tác phẩm.
Ngắm nhìn kĩ lưỡng những tác phẩm của Đức, ta bỗng nhận ra một điều: người nghệ sĩ này đã hết sức tài tình trong việc ‘can thiệp’ và tương tác với kiến trúc của Nhà Sàn. Anh đã sử dụng những không gian ‘rỗi rãi’ và thường ‘bị bỏ quên’ làm nền tảng xây dựng các tác phẩm của mình: phía sau bức tường, góc phòng, cột nhà, những lỗ hổng và khe hở trên trần, trên tường. Khía cạnh này, trong cách thể hiện ý đồ của Đức, khiến tôi nhớ tới một thuật ngữ của nhà văn – nhà thơ người Pháp Victor Hugo: ‘terrains vagues’. Thuật ngữ này ám chỉ những vùng biên giới trống trơn, vô chủ và bị ruồng bỏ, nằm giữa thiên nhiên, tự nhiên và văn minh, con người; giữa một lĩnh vực, địa hạt này với một lĩnh vực, địa hạt khác. Người ta coi đây là những nơi của phiền phức và rầy rà; của nghi ngờ và nguy hiểm – những nơi ta nên tránh xa. Trái lại hoàn toàn, có người lại cho rẳng những nơi này là cả một kho báu chan chứa những tiềm lực sáng tạo và quyền lợi nghệ thuật – nó thuộc về một chốn tách hẳn ra khỏi những luật lệ và định kiến. Có một điều gì đó khá lãng mạn khi ta nhìn nhận tác phẩm của Đức theo hướng này. Dường như, anh đang cố gắng hết mình để lấp đầy và kết nối những lỗ hổng và khoảng trống, nằm giữa những không gian thực và những không gian mơ hồ, thuộc về một thế giới khác – một thế giới của trí tưởng tượng phong phú. Và dường như, anh đang thì thầm với người xem: hãy quên đi những buồn bực và bận tâm của cuộc sống, hãy dừng lại một chút và tiến lại gần nhau hơn, để ngắm nhìn, để chia sẻ, để tương tác với nhau – giống như những bộ phận riêng biệt nhưng không thể sống thiếu nhau trong một cơ thể thống nhất vậy. Và rồi, cùng với nhau, ta sẽ vượt qua tất cả mọi giới hạn, mọi biên giới, mọi phân biệt, để đi đến mảnh đất của sự tự do, của những giấc mơ – một nơi đầy hứa hẹn, nơi mà điều gì cũng có thể xảy ra – một eutopia [3].
[1] nhasanduc.multiply.com/
[2] www.nyartsmagazine.com/index.php?option=com_content&task=view&id=2180&Itemid=698
[3] Là một utopia tích cực. Trái với utopia (một xã hội hay chính thể hoàn hảo đến mức không tưởng), eutopia chỉ một xã hội hay chính thể hoàn hảo và có thể xảy ra, chứ không qúa viển vông hay mang tính tưởng tượng qúa cao.
Bill Nguyễn là sinh viên khoa nghệ thuật, trường Đại học Nottingham Trent, Anh Quốc. Hiện tại, anh đã ra trường và đang hoạt động nghệ thuật ở Hà Nội. |
Tôi thấy tác giả hơi thái quá khi khen Nhà sàn Đức. Giá trị nằm trong mỗi tác phẩm nghệ thuật. Làm gì đến mức phải “cúi đầu ngưỡng mộ”?!
Long ạ,câu này mình thích nhất trong bài “Cả người thực hành nghệ thuật lẫn người thưởng thức nghệ thuật cần phải hiểu rẳng: khi nghệ sĩ sử dụng một chất liệu có tính hình tượng và cá nhân cao, và chỉ phản ánh những khía cạnh nhất định của nền văn hóa, bản sắc và trải nghiệm của riêng họ, thì người nghệ sĩ đó đang khá mạo hiểm.”Triển lãm của Hoàng Minh Đức hay, hay ngay từ lần đầu tiên.Cám ơn bài viết khá sâu và khá hiểu cả :tác giả, tác phẩm lẫn khán giả.Cám ơn Nhà Sàn Đức đã tổ chức triển lãm này.
To Hoa Nguyen: nick của bạn này bị trùng với nick của tớ đã đăng kí.Mình là Nguyễn Thanh Hoa, thành viên sáng lập của nhóm nghệ sỹ HanoiLink.Nick này để liên lạc và sử dụng trên hanoigrapevine đã lâu.Nếu không phiền , bạn có thể đổi hoặc thêm dấu tên đầy đủ của bạn để tránh nhầm lẫn , nhất là khi phát biểu ý kiến trên này.Cảm ơn.