Home Ý Kiến KVT – Phỏng vấn nghệ sĩ Andrea Griminelli

KVT – Phỏng vấn nghệ sĩ Andrea Griminelli

Đăng vào
0
kvt-2Griminelli in Hanoi
Tôi thật may mắn được phỏng vấn nghệ sỹ sáo Andrea Griminelli một vài tiếng trước buổi diễn của anh tại Nhà hát lớn tối thứ Hai vừa qua. Anh là người hoà nhã, thoải mái và dễ gần.

Anh đang trong chuyến lưu diễn Đông Nam Á và Nhật Bản và nhận lời mời đến Hà Nội lần thứ hai (lần đầu là vào năm 2008) vì anh thích cái không khí độc đáo của thành phố này, thích đồ ăn và cả sự thân thiện của nơi đây.

Lúc ngồi trò chuyện với tôi tại Metropole là anh vừa đi giảng cho lớp cao học của Nhạc viện về. Đây là một phần trong lịch trình mà anh thực sự rất thích….gặp gỡ các tài năng sáo của Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm. Anh cũng rất hào hứng với đề xuất về một học bổng du học tạo điều kiện cho các nghệ sỹ sáo trẻ của Việt Nam tới Ý khoảng 1 tháng để thu thập thêm kinh nghiệm quý giá từ các giáo viên xuất sắc tại các trường nhạc nổi tiếng.

Từ năm lên 10, Griminelli đã được đánh giá là một nghệ sỹ solo triển vọng. Anh được học với các nghệ sỹ như Jean-Piere Rampal (người được mệnh danh có công đưa sáo trở lại là một nhạc cụ độc tấu cổ điển phổ biến, một vị thế mà nó đánh mất từ thế kỷ 18) và James Galway, người đã nhìn nhận rằng Griminelli sẽ trở thành nghệ sỹ sáo vĩ đại nhất nhiều năm sau.

Năm 25 tuổi, anh bắt đầu chơi solo cho huyền thoại giọng nam cao – Luciano Pavarotti và biểu diễn cùng ông ấy nhiều năm liền tại các buổi hoà nhạc lớn ở các khán phòng và các địa điểm ngoài trời như Central Park, Quảng trường Đỏ, Hyde Park, và cả dưới bóng Tháp Eiffel.

Một trong những kỷ niệm biểu diễn yêu thích của anh là buổi hoà nhạc đầu tiên ở Central Park. Không lâu sau khi rời khách sạn để tới sân khấu, anh nhận ra là chiếc quần đen của mình đã bị thất lạc. May thay là James Galway đến để chúc anh may mắn và ngỏ ý cho anh mượn chiếc quần đen ông đang mặc. Và thế là Griminelli đã biểu diễn trong chiếc quần rộng hơn vài cỡ.

Anh từng biểu diễn tại tang lễ của Pavarotti năm 2007 ở Modena và tại buổi hoà nhạc Tưởng niệm quy mô lớn ở Petra năm 2008. Trong chuyến lưu diễn lần này, Griminelli cũng có một buổi hoà nhạc tương tự ở Tokyo rất đáng để bạn bắt chuyến bay tới đó (nhưng không may là hết vé rồi).

Danh tiếng và sự xuất hiện thường xuyên trước công chúng của Griminelli khiến khán giả thường gắn các nhạc phẩm yêu thích với tên tuổi anh. Với một số người, đó là “Tổ khúc Carmen” (biểu diễn tại Central Park), với một số khác đó là bản “Gabriel’s Oboe” (tức “Chiếc kèn Ô-boa của Gabriel”) được Morricone sáng tác cho phim “The Mission” (tức “Sứ mệnh”), hoặc có thể là bản “Czardas”(điệu muá dân gian Hungari) của Monti (biểu diễn ở Petra), và với nhiều người đó lại là “Dance of the Blessed Spirits” (tức “Vũ điệu của những hồn thiêng”) của Gluck (biểu diễn trong lễ tang Pavarotti).

Trong đêm độc tấu tại Hà Nội, anh tặng người hâm mộ “Khúc tuỳ hứng từ vở nhạc kịch Carmen của Bizet” do Borne biên soạn, một bản tổng hợp từ phim “The Mission”, và một phần encore tươi vui với “Czardas”.
Nhà soạn nhạc yêu thích của Griminelli là Mozart (thậm chí anh còn đặt tên con cún cưng của mình theo tên nhà soạn nhạc này!) nhưng các bản concerto cho sáo của Mozart đòi hỏi phải có một dàn nhạc giao hưởng đầy đủ nên chỉ có khán giả Nhật mới được vinh dự nghe Griminelli chơi Mozart… Tôi sẵn sàng làm tất cả để được xem anh biểu diễn trực tiếp bất kỳ bản concerto nào của Mozart!

Tiểu sử biểu diễn nhạc cổ điển của Griminelli giống như một kho tàng gồm các soạn nhạc vĩ đại nhất của thế giới, các điạ danh, các dàn nhạc và cả các nhạc trưởng, mà trong số đó anh yêu thích nhất Giulini và Norrington. Anh vô cùng thành công với các nhạc phẩm cho sáo hiện đại và dự định sẽ trình diễn lại các tác phẩm phổ biến của các nhà viết nhạc phim Ý thế kỷ 20. Một phần của đêm diễn tại Hà Nội là các nhạc phẩm của Henry Mancini (nhạc trong phim “Breakfast at Tiffany’s” – “Bữa sáng ở Tiffany”), của Nina Rota (nhạc trong phim “La Strada”, “Romeo và Juliet” và “Bố già”), và của Morricone (nhạc trong phim “Cinema Paradiso” và “The Mission”).

Giống như một số nhạc sỹ tài năng xuất chúng được đào tạo theo kiểu truyền thống, Griminelli có thể chuyển đổi dễ dàng giữa các dòng nhạc. Anh từng biểu diễn cùng các nhạc sỹ đương đại nổi tiếng như Sting, Elton John, Deborah Harry, Bruce Sprinstein và Ian Anderson – nghệ sỹ sáo xuất sắc của nhóm Jethro Tull. Thường thì những sự hợp tác này là nhằm mục đích từ thiện.

Griminelli đã vinh dự nhận nhiều giải thưởng, trong đó có cả tước hiệp sĩ do Tổng thống Cộng hòa Ý phong tặng năm 1991. Tháng 10 năm nay, anh sẽ là người thứ ba được nhận Giải Vàng Pavarotti. Anh sẽ chia sẻ giải thưởng này với người bạn của mình, đồng thời là một giọng nam cao nổi tiếng – Andrea Boccelli.

Tháng 11, anh sẽ đồng nhận giải thưởng La Torretta – giải thưởng được trao tặng hàng năm cho những công dân Ý xuất sắc và tiêu biểu trong các lĩnh vực văn hoá, chuyên nghiệp, thể thao và nhân đạo.
Ngoài lịch lưu diễn dày đặc và các buổi diễn tại các phòng hoà nhạc lớn, Griminelli còn được mời làm giám khảo cho các giải thưởng âm nhạc và đây là một cách để anh hỗ trợ và nuôi dưỡng các tài năng trẻ.
Griminelli thích sáo do hãng Nagahara ở Boston chế tạo. Anh cũng chơi sáo Maramatsu bằng vàng 24 cara nhưng thấy sáo Nagahara nhẹ hơn và cầm đỡ vất vả hơn trong các buổi hoà nhạc kéo dài.

Phụ lục: Buổi độc tấu của Griminelli tại Nhà hát lớn là một sự kiện tuyệt vời. Đó là một chương trình được thiết kế để làm hài lòng tất cả mọi người hâm mộ.

Mặc dù tôi đánh giá cao phần chuyển soạn các tác phẩm của Rota và Mancini, v..v, tôi thực sự thích bản sonata cho sáo của Poulenc. Bản nhạc này được sáng tác năm 1957 cho Rampal và là một trong những nhạc phẩm cho sáo hay nhất thế kỷ 20. Cũng phải thừa nhận rằng tôi có phần hơi phiến diện vì Poulenc là một trong những nhà soạn nhạc tôi yêu thích nhất.

Đệm piano cho Grimelli đêm đó là Lim Yan – một nghệ sỹ piano tài năng của Singapore đang nhanh chóng tạo dựng được tên tuổi trong làng nhạc cổ điển.

Tiết mục cuối cùng được khán giả đón nhận rất nồng nhiệt là một nhạc phẩm ngắn của Việt Nam mà Griminelli biểu diễn cùng nghệ sỹ Lê Thư Hương giảng viên bộ môn sáo của Nhạc viện Hà Nội.

Xin cám ơn người Ý đã đem đến cho chúng ta một nghệ sỹ xuất chúng như vậy. Cũng xin cám ơn đơn vị tài trợ Valvitalia.

Nhạc sỹ Ý cuối cùng của bộ ba biểu diễn trong tháng âm nhạc Ý là một trong những tài năng âm nhạc triển vọng nhất của Ý – Gabriele Carcano. Anh sẽ biểu diễn bản concerto cho dương cầm số 1 của Beethoven. Nếu bạn đã từng xem Carcano biểu diễn ở Nhà hát lớn năm ngoái, chắc chắn bạn sẽ đặt ngay một vé cho 15 tháng 10 tới.

Không phải nhà phê bình, “Kiếm Văn Tìm” là một người quan sát hay một con người có hiểu biết thú vị và công tâm về nghệ thuật Hà Nội, người đưa ra các chính kiến của mình và là một đặc phái viên báo chí giấu tên trung thực và công bằng. Xin hãy đưa các ý kiến của bạn vào phần bình luận dưới đây.

NO COMMENTS

Leave a Reply