UL – Đại-Lâm-Linh điên rồ và ám ảnh
![]() | ![]() |
Hanoi Grapevine trân trọng giới thiệu Uyên Ly, một nhà bình luận mới sẽ tham gia cùng KVT trong việc chia sẻ những suy nghĩ, quan điểm và phản ánh các sự kiện nghệ thuật thu hút sự chú ý của tác giả. Trong bài bình luận đầu tiên, cô chia sẻ về buổi hòa nhạc của Đại Lâm Linh vào tuần trước.
Nghe Đại Lâm Linh, thấy buồn cực điểm, cô đơn cực điểm và mạnh mẽ cực điểm.
Đại Lâm Linh một lần nữa gây ấn tượng với khán phòng đầy ắp khán giả trong đêm 11 tháng 12 năm 2010 tại Hà Nội. Cuộc tranh cãi về hiện tượng Đại-Lâm-Linh sau khi nhóm này xuất hiện trên một chương trình truyền hình phổ biến trên VTV3 có tên Bài hát Việt nổ ra vào mùa hè vừa qua có lẽ đã gây tác dụng. Bên cạnh những khán giả trung thành của Đại-Lâm-Linh (những người quan tâm đến nghệ thuật đương đại bao gồm cả nghệ sỹ Việt Nam và nước ngoài) đêm diễn còn thu hút nhiều khán giả ở nhiều nhóm tuổi, nghề nghiệp và gu thưởng thức nghệ thuật khác nhau.
Không có gì lạ khi một số khán giả tỏ ra bị ức chế và bỏ về khi đêm diễn còn chưa kết thúc. Những gì diễn ra trên sân khấu dường như quá sức chịu đựng của họ: Hai nữ nghệ sỹ đã hú, gào, khóc, nói và hát những tác phẩm của nhạc sỹ Ngọc Đại trong chiếc bể âm thanh của piano, guitar, saxophone, trống, mõ, violin…Giai điệu và lời ca bị bẻ gẫy. Đứt đoạn và kịch tính. Lộn xộn và mạnh mẽ. Điên dại và ám ảnh. Ai không chịu được cứ việc ra về.
Những người ngồi lại nín thở, mắt dán lên sân khấu theo dõi nhất cử nhất động , tai căng ra để đón bắt từng âm thanh từ phía các nghệ sỹ.
Và đây là những gì người viết quan sát và cảm nhận được.
Các nghệ sỹ biểu diễn trong một không gian được quây bằng vải đen, trần sân khấu được đẩy xuống thấp bằng một tấm vải trắng buông chùng như đỉnh màn. Ánh sáng âm u và mờ đục. Những chiếc đèn dầu leo lét được đặt đây đó bên cạnh các nhạc công.
So với đêm diễn của nhóm ở Nhà hát Lớn hồi tháng 4 năm 2009, danh sách bài hát của Đại Lâm Linh chỉ thay đổi chút ít. Khán giả vẫn được nghe Cây nữ tu, Dệt tầm gai, Lưu lạc, Nhật thực, Đũa tre, Tình ca du mục, Mùa đông, Mơ… Nhưng cái mới trong cách thể hiện và sử dụng chất liệu âm nhạc lại khá dày đặc. Nhóm nhạc công đàn dây, nhóm ca trù Thái Hà, nghệ sỹ saxophone người Đan mạch Lotte Anker, nữ ca sỹ trẻ Hà Linh, tiếng tụng kinh gõ mõ trên sân khấu khiến cho âm nhạc giàu màu sắc và nhiều trạng thái tình cảm hơn. Linh Dung và Thanh Lâm, hai nữ giọng ca chính của đêm diễn đã có nhiều tiết chế so với năm ngoái. Họ đã bớt đi phần bản năng, tăng thêm sự mạnh mẽ và chú ý hơn đến ngôn ngữ trình diễn của cơ thể. Những tác phẩm thường được mở đầu một cách từ tốn với vài âm thanh rải rác, rồi được đẩy dần đến cao trào bằng sự đuổi bắt của các nhạc cụ làm nền cho cuộc đối thoại không ngừng nghỉ của hai giọng ca. Những âm thanh dồn dập làm người viết sởn da gà, loạn nhịp tim. Cây nữ tu – tác phẩm khép lại chương trình là một kết thúc xuất sắc, khoét sâu và để lại trong lòng người viết những xúc cảm đặc biệt: Cô đơn cực điểm. Buồn cực điểm. Và mạnh mẽ cực điểm.
Sân khấu của Đại – Lâm –Linh không có nhạc công, không có ca sỹ, chỉ có những người sáng tạo lục lọi trong thế giới của mình. Bởi vậy, tác phẩm của họ không phải là ca khúc. Họ dùng âm thanh để múa, diễn kịch, đối thoại và độc thoại, chơi đùa, miễn là có thể bày tỏ một cách biểu cảm cái tôi của mình trước những gì diễn ra xung quanh.
Đêm diễn có thể sẽ hay hơn nếu phông màn sân khấu được làm cẩn thận hơn, ánh sáng chỉn chu hơn, và chất lượng nhà hát tốt hơn. Các tác phẩm sẽ hay hơn nếu Ngọc Đại, nhạc sỹ của đêm diễn trau chuốt hơn nữa sự phối hợp giữa các nhạc cụ. Nhóm đàn dây không phát huy được nhiều tác dụng dù đã chiếm khá nhiều không gian trên sân khấu. Một số tác phẩm bị pha loãng, có lẽ do nhạc sỹ đang thử nghiệm việc sử dụng các nhạc cụ khác nhau.
Người viết sẽ cho điểm đêm diễn của năm ngoái cao hơn năm nay, nhưng sẽ không có thang bậc nào đủ để chấm điểm cho sự dám làm cái mới. Đêm nhạc năm nay có những tìm tòi mới, mặc cho những phản ứng dữ dội từ những người không ưa Đại-Lâm-Linh. Họ đã và sẽ tiếp tục hành trình độc đạo đầy chông gai một cách quả cảm. Hãy cứ “điên rồ” và ám ảnh thế nhé, Đại-Lâm Linh.
UYÊN LY là nhà báo tự do trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và các vấn đề hậu chiến. Trước đây cô là phóng viên của báo Tuổi Trẻ – tờ báo tin tức hàng đầu Việt Nam, sau đó trở thành Trưởng biên tập Ban Quốc tế của Báo Điện tử Vietnamnet, và rồi quyết định trở thành nhà báo tự do để được thoải mái viết và làm những gì mình thích. Sau mỗi lần tham gia một sự kiện nghệ thuật thú vị, UYÊN LY rất muốn chia sẻ với nhiều người những gì cô suy nghĩ và cảm nhận từ sự kiện. |