KVT – Phần 3 của Triển lãm điêu khắc
![]() | ![]() |
Nền đá hoa mới của Hoàng đế
Có thể nói triển lãm điêu khắc của hoạ sỹ cuối cùng tham gia vào sê-ri 3 phần tại Trung tâm Việt Art là một triển lãm kiểu “Bộ quần áo mới của Hoàng đế”*. Bạn bước vào căn phòng triển lãm sáng sủa và nhìn xung quanh ngơ ngác, nghĩ là có khi mình tới nhầm địa điểm hoặc nhầm ngày. Bạn thấy hai người đàn ông lang thang trong góc phòng và hỏi bằng thứ tiếng Việt không sõi xem khi nào thì triển lãm sẽ bắt đầu và họ chỉ trỏ xuống sàn.
Ngay lúc ấy chắc chắn bạn sẽ muốn thốt lên “nhưng chẳng có cái gì ở đó cả!”
Và rồi bạn nhận thấy là…có đấy. Một bộ sưu tập các hình vuông axetat màu đen đã được gắn trên những viên đá hoa màu nâu cùng cỡ trên sàn.
Dựa vào những dấu chân còn mới, tôi đoán là chắc một vài vị khách ngơ ngác nào đó đã giẫm lên chúng trong lúc đi tìm kiếm một thứ gì đó rõ ràng hơn.
Ok! Vậy đó là một tác phẩm sàn nhà theo phong cách tối giản, làm riêng cho một địa điểm nhất định.
Tôi đã cố gắng hiểu nó và tôi nghĩ đến trò ô chữ? Bản đồ? Mật mã? Hay là công thức toán học?
Hoạ sỹ Phan Phương Đông đã thành công khi thực hiện một sắp đặt theo kiểu tối giản và trừu tượng tương tự như của Daniel Buren – một nghệ sỹ nổi tiếng của Pháp – (đầu óc tôi lúc này vẫn đang cố gắng phân loại) – người đã sử dụng những đường sọc tương phản cân đối để tạo sự hoà hợp giữa bề mặt thị giác và không gian kiến trúc…thường là kiến trúc của các công trình lịch sử, hai lần ở Louvre. Trong khi đó, ý tưởng của Đông có thể phù hợp với bất kỳ không gian công cộng có lát đá hoa nào, và cũng giống như ý tưởng của Buren, nó có thể được sắp đặt thành một tác phẩm kiến trúc riêng cho một địa điểm cụ thể nào đó (và có lẽ người ta cũng sẽ tranh cãi xem liệu có phải nó được đặt làm thế không)
Một ví dụ khác bật ra trong đầu óc thích phân loại của tôi có lẽ là sắp đặt gồm những chùm đèn theo kiểu tối giản cố định trong sân Viện Goethe, vốn được yêu cầu phải làm cho ăn nhập với kiểu kiến trúc độc đáo và cách trang trí. Khi chúng được giới thiệu với công chúng thì phản ứng của nhiều người thường là “Có gì đâu!” Nhưng khi người ta quen dần thì chúng cũng được ít nhiều ngưỡng mộ.
Liệu có phải Đông cũng giống như Buren đang mời gọi chúng ta cùng thách thức những ý tưởng nghệ thuật truyền thống? Quả là một ý tưởng hay trong bối cảnh hiện tại ở Hà Nội. Bối cảnh nghệ thuật nói chung có thể sẵn sàng cho một cuộc thay đổi.
Dù thế nào đi nữa thì một khi bạn đã đi vào và dạo quanh, ý tưởng đó sẽ lớn dần lên trong bạn và bạn bắt đầu hoà mình vào tác phẩm của Đông và thích nó…giống như tôi vậy…và thích một phần là vì được thấy những vẻ mặt bối rối của những người bước vào phòng triển lãm rồi sau đó họ hoà nhập vào nó, hoặc gật đầu tán thành nó, coi nó là “nghệ thuật”, hoặc thấy họ thường vội vã rời đi và muốn hét lên cho cả thế giới biết là hoàng đế đang không mặc gì!
Thật là một cái kết hay cho một sê-ri triển lãm ba phần hấp dẫn và đầy thách thức.
Và có lẽ bây giờ một số bạn sẽ nghĩ bài bình luận này cũng là kiểu “Bộ quần áo mới của hoàng đế” đây!
Để đọc bài KVT bình luận về hai phần trước của triển lãm điêu khắc, xin mời bấm vào các đường link dưới đây:
Phần 1: Triển lãm của Đào Châu Hải
Phần 2: Triển lãm của Văn Ngọc
Không phải nhà phê bình, “Kiếm Văn Tìm” là một người quan sát hay một con người có hiểu biết thú vị và công tâm về nghệ thuật Hà Nội, người đưa ra các chính kiến của mình và là một đặc phái viên báo chí giấu tên trung thực và công bằng. Xin hãy đưa các ý kiến của bạn vào phần bình luận dưới đây. |