Paul Zetter – Bình luận về tam tấu Jazz
![]() |
Ấn vào hình trên để xem hình ở định dạng lớn hơn
Bạn phải tin tưởng vào Nguyễn Tuấn Nam – nhà bình luận nhạc jazz của chúng ta đã có những khoảnh khắc tưởng như mình đang trượt theo những cồn cát hay leo lên những ngọn đồi khi thưởng thức đêm nhạc jazz tam tấu Mùa xuân vừa qua ở Nhà hát lớn.
Bước vào Nhà hát lớn và thấy sân khấu được bài trí theo kiểu tam tấu cổ điển, với piano, double bass và trống xếp lần lượt từ trái qua phải, tôi bỗng cảm giác như mình được về nhà vậy. Khi ba chàng trai trẻ trong trang phục chỉnh tề bước về vị trí của mình trên sân khấu mà không có những bài phát biểu dài dòng hay những lời cám ơn hình thức, rồi đi luôn vào tác phẩm đầu tiên, thì tôi thực sự cảm thấy là mình đang ở đúng nơi, đúng lúc.

Ấn vào hình trên để xem hình ở định dạng lớn hơn
Nguyễn Tuấn Nam cùng các thành viên nhóm tam tấu của anh là Đào Minh Pha (chơi double bass) và Nguyễn Hùng Cường (chơi trống) là những gương mặt mới trong làng nhạc jazz Việt Nam – vốn được tạo dựng bởi những tên tuổi như Quyền Văn Minh cùng con trai là Đắc, và Trần Mạnh Tuấn – nhưng họ không dùng saxophone như các bậc tiền bối này, mà dùng piano – một nhạc cụ hiện đang rất phổ biến. Cẩn thận giới thiệu từng tác phẩm và danh sách tiết mục với sự trang trọng đáng có, Nam là một gương mặt thân thiện và rất cuốn hút của làng jazz Việt Nam. Nhóm tam tấu đã khá mạo hiểm khi chọn lựa và tiếp cận các tác phẩm – gồm một chùm nhạc jazz đương đại khá khó chơi, một vài tác phẩm ít được biết đến hơn và một sáng tác riêng. Đêm diễn đã có những điểm sáng thể hiện được rõ tiềm năng của ban nhạc, phù hợp để tạo dựng nên một phong cách nhạc jazz đương đại bằng piano sâu lắng nhưng vui tươi cho khán giả ở Hà Nội.

Ấn vào hình trên để xem hình ở định dạng lớn hơn
Mở đầu bằng phần trình bày vừa vui tươi vừa sâu sắc bản nhạc The Old Country của Nat Adderley, phong cách biểu diễn nhẹ nhàng của Nam như là một lời mời gọi khán giả, hoàn toàn không có sự xa cách. Khi phần độc tấu diễn tiến nhanh hơn, chúng ta có thể thấy rõ rằng Nam có kỹ thuật tay phải rất tuyệt vời. Các động tác phức tạp cứ thế nối tiếp nhau cho tới lúc tưởng chừng như những ngón tay của anh sắp quấn vào nhau đến nơi rồi, thì khi ấy thật kỳ diệu là anh lại như tìm ra được ngón thứ sáu và thứ bẩy vô hình nào đó để kết thúc câu nhạc. Nghe nó mà bạn có cảm giác như đang thả mình trượt xuống một cồn cát vậy– một cảm giác rất thoải mái, tự do và đầy động lực khi cát trượt dưới chân bạn. Nhưng sự nhẹ nhàng tạo cảm giác mong manh. Và một bàn tay phải mạnh mẽ có thể sẽ làm lu mờ bàn tay trái. Ở tiết mục tiếp theo, bản ballad lãng mạn của Brodszky/Cahn, Be My Love, nhóm tam tấu bị bất ngờ với nhịp chậm nên hơi bị mất bình tĩnh ở đoạn mở đầu – tôi nghĩ là chính Dexter Gordon đã từng nói rằng những bản ballad là loại khó chơi nhất trong nhạc jazz vì khả năng kết hợp được giữa điều khiển và phá cách là khá hiếm.

Ấn vào hình trên để xem hình ở định dạng lớn hơn
Tiếp theo là bài So Tender của Keith Jarrett được biểu diễn khá sinh động. Ở bài này, Cường – tay trống của nhóm – bắt đầu khiến mọi người chú ý với một trong những bộ trống và cặp cymbal có âm thanh vào loại ổn nhất mà tôi từng được nghe ở Việt Nam. Cường là một tay trống rất tài năng và có chiều sâu, liên tục vừa tạo nhịp trống vừa gõ đệm cymbal. Anh ấy khá bận rộn nhưng rất tập trung. Và khác với rất nhiều tay trống ở thành phố này mà tôi đã từng được nghe nhiều năm qua, Cường vừa có thể duy trì được sự tập trung khi nhịp điệu tăng dần và đồng thời cũng có thể tạo sự im lặng và không gian khi cần thiết.

Ấn vào hình trên để xem hình ở định dạng lớn hơn
Sau đó, cây piano của Nhà hát lớn bị lạc điệu (Ban quản lý Nhà hát lớn ơi, làm ơn hãy lên lại dây cho cây đàn đó đi nhé!) đã không ủng hộ Nam khi anh chơi Beatrice – bản nhạc trong trẻo của Sam Rivers. Cây bass, Pha, cũng có những sai sót về cao độ, cứ như thể là để đồng cảm với cây piano vậy. Khi giai điệu hoà lẫn và nhau thì nghe cũng không khá hơn. Nhưng Nam có thể gỡ gạc lại bằng phần solo mang tính thăm dò khi một lần nữa tay phải của anh lại toả sáng. Giống như rất nhiều các nhạc công tài năng khác, năng khiếu cũng có thể là một điểm yếu. Nam có thể phụ thuộc quá nhiều vào những di chuyển này và tay trái của anh chỉ để phụ trợ. Từ nốt Đồ trở lên Nam chơi rất tuyệt nhưng đôi khi hơi thiếu lực và sáng tạo trong quãng âm trầm.
Sự tự tin trở lại với phần trình diễn khá sôi động bản nhạc James – một bản nhạc rất được yêu thích của Pat Metheny, và Pha có thể đứng thẳng lưng và chơi đầy quyết đoán. Cường chốt lại bản tam tấu bằng tiếng cymbal và những nhịp trống trầm, nghe thật sôi nổi. Rồi ở đoạn kết, trong một số nhịp bỏ đi, đã có một khoảnh khắc mà sự giao tiếp giữa ba nghệ sỹ thực sự tỏa sáng khi Cường phản chiếu lại những hợp âm rải kết thúc của Nam còn Pha thì thể hiện những nhịp nhấn hết sức chính xác với cây bass của mình. Chơi rất hay! Tôi mong được thưởng thức thêm những khoảng khắc như thế nữa! Sau đó Cường và Pha rời sân khấu để Nam trình diễn độc tấu nhạc phẩm riêng của mình mang tên First time after time. Đó là một giai điệu chậm và sâu lắng trên nền một chuỗi hoà âm khá góc cạnh có thể lôi cuốn được khán giả đến với thế giới nội tâm của Nam. Tôi rất thích phong thái và sự tập trung của anh. Để có thể biểu diễn với một phong cách thư thái, và gần gũi ở một không gian trang trọng như thế đòi hỏi phải có một tâm hồn dũng cảm nhưng cũng không kém phần mềm mại. Và tôi cảm giác mình như đang nghe thấy tiếng đàn tranh và đàn bầu vang lên từ một thế giới nào khác ngoài jazz.
Bài Searching Finding của cây bass bậc thầy John Pattitucci tiếp nối chương trình và khán giả được chứng kiến nhóm tam tấu khám phá những nhịp điệu phóng khoáng hơn, và Cường lại một lần nữa toả sáng. Tôi có thể thấy trước được rằng trong tương lai anh sẽ thường xuyên được các nhóm jazz sang lưu diễn thuê để diễn cùng – anh ấy có thể tạo ra thứ âm thanh phù hợp với các buổi hoà nhạc đồng thời biết cách tạo ra các kết cấu chứ không chỉ dừng lại ở các nhịp điệu. Có đôi lúc Cường gợi cho tôi nhớ đến Jack DeJohnette – người chơi cùng Keith Jarrett. Nam đã chứng tỏ được rằng tay trái mình cũng không kém phần khi anh chơi các quãng năm kiểu McCoy Tyner mà Cường chơi hưởng ứng theo còn Pha thì phản ánh lại.
Tác phẩm tiếp theo, có cùng tiêu đề với buổi hoà nhạc – “Hãy tin tưởng vào mùa xuân” – là một bản ballad hay về sự chuyển đổi vừa vui lại vừa buồn từ mùa đông sang mùa xuân. Nhạc phẩm này đã trở nên nổi tiếng cùng Barbra Streisand và Bill Evans với album cùng tên năm 1977 của ông. Đó là một bản ballad khá khó chơi và cũng như bản ballad trước, Be My Love, nhóm tam tấu đã trình diễn rất vất vả. Tôi rất thích cách Nam và nhóm tam tấu của anh mạo hiểm với các tiết mục và mạo hiểm trong cách thể hiện nhưng ở tác phẩm này thì cách biên soạn không được ổn lắm. Để cho mình Pha chơi toàn bộ giai điệu và phần kết nối mà không có người đệm đã không thể khiến khán giả duy trì được sự hứng thú lâu. Và cuối cùng, khi piano và trống hoà cùng Pha, thì cả ba đều nghe khó nhọc như đang leo lên một ngon đồi dốc vậy và chỉ đạt được tới đỉnh cao khi Nam sáng suốt đưa bản nhạc đến hồi kết thúc sớm.
Ở Sunshower – một bản nhạc hỗn hợp sôi nổi của Kenny Barron, và The Chief – bản nhạc vui tươi của Pat Metheny, nhóm tam tấu đã cố gắng lấy lại đà đã mất và họ gần như đã thành công với bản encore Billie’s Bounce – những giai điệu blue nhịp nhanh của Charlie Parker. Ở bản này những ngón tay nhanh nhẹn của Nam một lần nữa bị tiếng dương cầm Steinway đen tuyền dội lại làm cho lu mờ.
Thật hiếm khi được thấy các nghệ sỹ trẻ mạo hiểm thử sức mình ở một địa điểm trang trọng và danh giá như thế với vốn tiết mục mới. Tôi đánh giá cao sự dũng cảm và cách mà nhóm tam tấu đem đến thứ âm nhạc tinh tế cho khán giả nơi đây. Cường là một tài năng trống mới hiếm có và anh có thể cải thiện thêm về nhịp điệu. Không hề sợ hãi khi độc tấu những quãng trên, Pha là một tài năng sẽ sớm nở rộ khi anh thể hiện các cao độ chính xác hơn. Nam và nhóm tam tấu của anh chính là một luồng gió mới, giống như làn gió đầu xuân vậy, khiến cho bạn sẵn sàng ngẩng cao đầu sau cái lạnh giá của mùa đông để lắng nghe những âm thanh và sắc màu của một mùa mới.
Ở địa chỉ dưới đây là bài bình luận về album kinh điển “Hãy tin tưởng vào mùa xuân” của Bill Evans. Đó là một trong những album yêu thích mọi thời đại của tôi.
Ảnh do Phạm Hoàng Miên chụp.
Để đọc bài viết của Paul Zetter phỏng vấn ban nhạc trước buổi biểu diễn, xem bài viết trước trên Hanoigrapevine.
Paul Zetter là một nghệ sỹ nhạc jazz tài năng và một nhà phê bình, người viết bài nhiệt huyết. Paul cũng viết blog riêng của mình bình luận về jazz, piano. Bạn có thể xem thêm các bài viết của tác giả và nghe các tác phẩm được Paul sáng tác và biểu diễn trên piano. |