Home Sự kiện Âm nhạc KVT – Thần đồng và Piano

KVT – Thần đồng và Piano

Đăng vào
0

Vui với một tài năng tuyệt vời ở L’Espace

Tôi luôn thận trọng khi nghe đến từ thần đồng vì tôi thường thấy một người chỉ là thần đồng trong mắt bố mẹ và họ hàng họ thôi. Nhưng khi tôi thận trọng đi đến L’Espace tối thứ ba vừa qua, tôi đã phát hiện ra rằng cô bé Đỗ Phương Nhi 13 tuổi đúng là một thần đồng vĩ cầm. Bố mẹ cô bé đều là những nghệ sỹ violin chính trong Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam (VNSO) và chắc hẳn họ đang tự hào lắm.

Tôi phải thừa nhận là tôi đến đó chủ yếu để nghe nghệ sỹ dương cầm 28 tuổi Vũ Ngọc Linh vì tôi đã từng tới buổi biểu diễn độc tấu chào mừng anh đi du học về hồi tháng 2 năm ngoái. Hôm ấy anh đã biểu diễn bản “After a Lecture By Dante” của Listz rất ấn tượng. Năm nay, ngoài phần trình diễn đầy cảm xúc và hết sức điêu luyện cùng Nhi trong 2 tác phẩm, anh chơi lại hai sáng tác đã từng diễn ở đêm độc tấu lần trước ở Nhà hát lớn.

Phần trình diễn bản chuyển biên của Busoni đối với tác phẩm Chaconne từ tác phẩm Partita cho violin của Bach nghe thật ngọt ngào và tràn đầy xúc cảm. Thời còn sống, Busoni được xem là một trong những nghệ sỹ dương câm xuất sắc nhất thế giới, chỉ sau Listz và ông thường chuyển biên tác phẩm của các nhà soạn nhạc khác để thể hiện sự tinh tế và trình độ biểu diễn điêu luyện của mình. Cũng như bất kỳ nghệ sỹ dương cầm hoà nhạc nào khác, Linh cũng gặp phải thử thách khi trình diễn tác phẩm này và anh đã vượt qua một cách đáng ngưỡng mộ.

Tiếp theo, anh chơi bản “Leibestraum” khá phổ biến của Listz. Bản nhạc này nếu rơi vào tay một nghệ sỹ piano tài năng thì thường nghe rất dễ chịu nhưng nếu vào tay những người chơi thiếu cẩn thận thì nó sẽ gây ra rất nhiều trở ngại kỹ thuật cho nhạc công. Linh xử lý được hết những phức tạp của tác phẩm và khiến nó vang lên nghe thật buồn, đúng như dụng ý của tác giả vậy…như một lời than khóc thầm lặng của người đang yêu.

Nhi mở đầu đêm diễn bằng hai tác phẩm violin solo của Bach và Paganini mà tôi chắc là cô bé đã chơi rất hay nhưng thật không may là tôi lại ngồi gần một đứa bé rất hiếu động nên cuối cùng chỉ được thoải mái thưởng thức một vài nhịp cuối cùng của bản Caprice khi người bố đưa đứa trẻ đó ra khỏi khán phòng.

Và thế là tôi có thể tập trung nghe bản Chaconne của nhà soạn nhạc thế kỷ 17 Vitali, một bản khá khó vì đã có nhiều thay đổi. Cô bé chơi với sự tập trung cao độ và tôi thấy vui vì những âm thanh mà cô bé tạo ra khiến cho một phần khán phòng lặng đi vì chăm chú. Khi chúng tôi vỗ tay, đó không phải là vỗ tay để tán dương tuổi nhỏ của cô bé mà là tán dương cho một tài năng thực sự.

Đến lúc Nhi trình diễn cùng Linh bản “Introduction and Rondo Capriccioso” nổi tiếng của Saint Saen, thì khán giả đã hoàn toàn bị cô bé ấy mê hoặc. Đây là tác phẩm được sáng tác cho một thần đồng âm nhạc khác – Pablo de Sarasate – một tác phẩm vốn đòi hỏi sự dồn dập của cảm xúc cao độ.

Sau những cái cúi đầu chào cuối cùng, thì “những bó hoa cứ dồn dập” (tôi mượn lời từ một bài hát trong bộ phim ca nhạc “Evita”) được đưa lên sân khấu …cho tới khi hoa làm cho bạn không thấy nổi sân khấu đâu nữa…và nhân tiện, người nào đã bố trí hoa ly trắng ở phía sau sân khấu cũng rất xứng đáng được hoan nghênh.

Hè tới Nhi sẽ biểu diễn solo cùng Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, nên các bạn nhớ để ý nhé.

Một lời khuyên cho ban tổ chức của nhóm Sông Hồng. Hãy cắt bớt những phần giới thiệu buồn chán trong các tiết mục của các bạn đi. Thật ngớ ngẩn khi phải đọc lên những thông tin dài dòng đã in sẵn trong tờ chương trình. Các nhà tài trợ muốn nói vài lời thì ok nhưng các nhà tổ chức nên học tập người Pháp và đừng nói gì cả. Nhiều phát biểu giới thiệu sẽ khiến cho các bạn trông hơi thiếu chuyên nghiệp và sẽ tước mất nhiều thời gian của những nghệ sỹ tài năng của các bạn đấy.

Và những người quay phim cứ đi đi lại lại xem ra có vẻ còn quan trọng hơn cả các khách hàng của các bạn thì phải!!! Mong các bạn hãy kiểm soát họ chặt chẽ hơn!

Một đêm nhạc rất thú vị…và, khi nào thì đến buổi diễn tiếp theo nhỉ?

Không phải nhà phê bình, “Kiếm Văn Tìm” là một người quan sát hay một con người có hiểu biết thú vị và công tâm về nghệ thuật Hà Nội, người đưa ra các chính kiến của mình và là một đặc phái viên báo chí giấu tên trung thực và công bằng. Xin hãy đưa các ý kiến của bạn vào phần bình luận dưới đây.

NO COMMENTS

Leave a Reply