Paul Zetter – Một lễ tơ hồng
![]() |
Nhà bình luận jazz của chúng ta đến quán bar Rooftop để thưởng thức đêm nhạc Quê Nhà của Nguyên Lê và khi về nhà, tràn đầy cảm hứng, anh đã viết một bài bình luận chia sẻ những suy nghĩ của mình về tương lai nhạc jazz Việt Nam.

Với nhiều người, cây ghi-ta điện là một tập hợp gồm những miếng gỗ, nhựa và kim loại được gắn và bắt vít lại với nhau, với những sợi dây bằng thép để bạn cắm vào một cái hộp khiến nó phát ra âm thanh to hơn. Còn với Nguyên Lê thì ghi-ta điện lại giống như cây cung của một cung thủ Samurai – được chỉnh chính xác đến từng milimet, đáng được trân trọng, nâng niu và được sử dụng với độ chuẩn xác cao.
Xem Nguyên Lê chơi ghi-ta giống như đang được xem một người thợ thủ công bậc thầy đang ở đỉnh cao của mình, luôn có sự chính xác cao độ và di sản mà người thợ ấy để lại có thể được cảm nhận rõ nét từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Anh không mấy khi giật mạnh những dây đàn, mà đem tới cho chúng sự sống bằng cách di chuyển những ngón tay lên xuống phím đàn, như một vũ công múa ballet vậy. Anh có khả năng lôi cuốn các tinh thần nhạc Việt bằng cách ve vuốt những dây đàn, và cây ghi-ta của anh khi thì nghe như tiếng Đàn Bầu, khi lại như tiếng Đàn Nguyệt.
Tuần trước, tôi may mắn kiếm được một chỗ trong khu vực đứng xem ở quán bar Rooftop cao cấp của Hà Nội để thưởng thức đêm cuối của chương trình hai đêm – Quê Nhà – của Nguyên Lê. Tôi đã xem ban nhạc luyện tập tuần trước đó và đã viết một bài giới thiệu trước đêm nhạc.
Khi ấy ban nhạc đã chơi rất hay nhưng không gì có thể sánh bằng những thứ tôi sắp sửa được thưởng thức.
Ban nhạc gồm các nghệ sĩ Việt được chọn lựa kỹ lưỡng gồm Tuấn Nam chơi piano, Khắc Quân chơi violin, Quốc Bình chơi trống, Hồng Kiên chơi saxophone và Vũ Hà chơi bass, và người được Nguyên Lê chọn nêu bật trong tờ quảng cáo chương trình là Vân Ánh – ngôi sao sáng của nhạc cổ truyền Việt Nam. Cả hai gặp nhau và cùng biểu diễn ở Mỹ và sự hợp tác của họ là tâm điểm của chuyến về thăm Việt Nam này, cả về mặt ý tưởng và nội dung biểu diễn. Họ có nhiều điểm tương đồng; cả hai cùng có kĩ thuật điêu luyện với những nhạc cụ của mình, cùng giỏi sáng tác và biên soạn, và quan trọng hơn cả, là họ đều có thể thoát khỏi sự ràng buộc với bất kì một loại hình âm nhạc nào mà đáng ra họ phải gắn bó. Hai nhạc sĩ tự do tìm kiếm một nền tảng chung bằng cách pha trộn jazz, nhạc dân gian, rock và nhạc cổ truyền Việt Nam – bây giờ đó chính là công thức cho một thứ âm nhạc điện tử volt cao. Ở phần cuối của nhạc phẩm cuối cùng – Lý ngựa ô – một giai điệu đặc trưng của Nguyên Lê, anh đã thú nhận rằng đêm diễn này chính là lễ tơ hồng se duyên cho nhạc Jazz và nhạc cổ truyền Việt Nam. Những người khác sẽ nói rằng lễ tơ hồng này đã từng diễn ra trong một vài dịp khác rồi nhưng có lẽ chưa đạt đến tầm âm nhạc như thế này và cũng chưa có mục đích cụ thể như thế.
Mở đầu bằng tác phẩm Overture (Khúc dạo đầu) của Vân Ánh, ban nhạc đã có cơ hội thư giãn với phần solo piano của Nam và solo saxophone của Kiên nghe thật sôi nổi và tập trung. Nam có phong cách trình diễn rất lôi cuốn và thật mừng là bàn tay phải mạnh mẽ của anh giờ đã hợp lực cùng với bàn tay trái. Tôi có bài bình luận về buổi hoà nhạc gần đây của anh ở Nhà hát lớn tại đây.
Những dòng hoà âm của tác phẩm khiến khán giả phải sửng sốt khi các hợp âm rải (arpeggio) kéo dài được mở ra theo nhịp, rồi được Vân Ánh và Nguyên Lê cùng chốt lại một cách chính xác, mà không hề xung đột, để kết thúc bản nhạc.
Những đoạn hoà âm sôi nổi này trở thành nét đặc trưng của đêm diễn, và được trình diễn với sự chính xác tuyệt đối nhưng không hề cứng nhắc. Nếu như đây là tác phẩm mở đầu để giúp ban nhạc ổn định, thì liệu chúng ta sẽ còn được xem những gì khi họ khởi động xong?

Nhạc phẩm tiếp theo, Azur, đã hạ tốc độ và nhịp điệu xuống thành một bản blue, mang âm hưởng Nhật Bản của Nguyên Lê. Giai điệu xoay quanh một đoạn độc tấu cadenza liên tục đã được chuyển biên hoàn toàn phù hợp với đàn tranh của Vân Ánh. Âm điệu trở nên sâu lắng và mạnh mẽ hơn trong tác phẩm tiếp theo, Daisy Flowers (Hoa cúc thu), một nhạc phẩm hay của Vân Ánh mà chỉ có thể được mô tả như một bản blue đậm chất Việt trong đó Nguyên khám phá thang âm năm bậc – nền tảng chung của nhạc blues và nhạc phương đông.
Nguyên Lê là một trong số ít những nhạc sĩ luôn sử dụng miếng gảy, chứ không đơn thuần phụ thuộc vào sức mạnh của các ngón tay và những kĩ thuật đặc sắc để tạo ấn tượng cho khán giả như rất nhiều các nghệ sĩ ghi-ta tên tuổi của dòng heavy metal thường làm.
Những màn solo của anh trở nên mạnh mẽ hơn với đà diễn anh tạo ra khi lướt những ngón tay lên xuống trên phím đàn thách thức những giới hạn của hoà âm – làm cho tôi chợt nhớ đến những phần solo sôi nổi của Larry Carlton trong những tiết mục biểu diễn trực tiếp của anh những năm 80. Nguyên Lê không phải nghệ sĩ ghita jazz duy nhất thám hiểm những nhịp điệu thế giới – John McLaughlin là người tiên phong mà tôi chắc là đã có ảnh hưởng tới Lê, nhưng tôi cũng cá rằng Nguyên là một trong số ít người thử nghiệm jazz theo âm hưởng của nhạc H’Mong như anh thực hiện ở tác phẩm tiếp theo, Ting Ning. Chuyển qua cây đàn T’rưng, Vân Ánh giữ vai trò dẫn dắt cho một giai điệu cứng nhắc còn Nguyên Lê tạo hoà âm với tốc độ cao.
Cả hai phần solo của họ đều đạt tới đỉnh cao của ngẫu hứng, cứ như đang tôn vinh sự kết hợp đầy tiềm năng của nhạc cổ truyền Việt Nam và nhạc jazz vậy.
Nụ cười luôn nở trên môi khi Vân Ánh biểu diễn có sức ảnh hưởng rất lớn và nhiều nghệ sĩ nhạc jazz khác có thể học được từ phong cách trình diễn trên sân khấu và ngôn ngữ cơ thể của chị – rất chăm chú, nhưng cũng rất cởi mở, cuốn hút và vui tươi. Nguyên Lê cho chúng ta thấy rằng anh thực sự có thể kết hợp ảnh hưởng từ nhiều loại hình âm nhạc khác nhau thành một thứ âm thanh độc đáo, khi phần solo ghi-ta của anh thể hiện rõ cảm hứng từ Wes Montgomery, Jimmy Page, tới những bản làng vùng cao của Hà Giang.
Với nhạc phẩm tiếp theo, “Qua cầu gió bay”, trích từ CD “Tales From Vietnam” (“Những câu truyện kể từ Việt Nam”), Nguyên chia sẻ với khán giả rằng mẹ anh đã từng hát ru cho anh bằng bài hát này khi anh còn nhỏ.
Vân Ánh hát đoạn đệm, mở đầu cho phần biểu diễn xúc động của một tác phẩm nhạc Việt – một phiên bản gần như hoàn hảo mà tôi từng được nghe.
Cái hay của bản nhạc còn được củng cố bằng những hợp âm linh động được tạo nên bằng ve vuốt nhẹ nhàng làm nổi bật lên một nét tính cách khác trong phong cách nhạc tuyệt vời của Lê.
Với tôi, đêm diễn đã có thể kết thúc ở đó, và tôi đã có thể về nhà, hài lòng với tương lai xán lạn của sự kết hợp giữa jazz Việt Nam và nhạc truyền thống đương đại (nếu như có thuật ngữ này). Nhưng đêm diễn còn nhiều nữa…rất nhiều nữa.
Tiếp theo là một tác phẩm lấy cảm hứng từ Bulgari của Nguyên Lê mang tên Kokopanitsa. Sử dụng nhịp 19/8, (không, đây không phải là lỗi chính tả đâu), ban nhạc chơi cứ nhẹ nhàng như đang chơi một bản polka hai bước đơn giản vậy. Đến lúc này, một vài khán giả trông sành điệu đã đứng lên, say sưa nhún nhảy với nhịp điệu sôi nổi. Những phần solo mở ra chút kịch tính khi ban nhạc bắt đầu trình diễn một thứ nhịp beat bất thường với một đoạn điệp khúc hấp dẫn, nghe giống một bước nhảy ngắn (hop), hơn là một cú nhảy nhanh, gấp gáp (jump).
Sau đó, ca sĩ Tùng Dương lên sân khấu và anh đã đưa đêm nhạc đến một tầm sôi nổi và dữ dội khác. Thật dễ chịu khi được xem anh thể hiện trực tiếp tài năng của mình khi biểu diễn cùng Nguyên Lê, thay vì trong những show truyền hình cũ rích.
Khi họ trình diễn bài Quê Nhà, các khán giả – với khá nhiều nữ ca sĩ hàng đầu của Việt Nam – gần như mê mẩn.
Cứ như không nắm được sức mạnh của giọng ca mình, Tùng Dương đã hát rất “phiêu”, gần như làm hỏng cả chiếc micro và giọng của anh có lẽ đã vang xa tới nhiều vùng ngoài sông Hồng. Sự ăn ý giữa Dương, Nguyên và Vân Ánh được thể hiện rõ nét khi bài hát đi đến hồi kết.
Bài hát tiếp theo được trích từ album mới của Nguyên Lê, “Songs of Freedom” (“Những bài ca của tự do”). Mercedes Benz – giai điệu quen thuộc của Janis Joplin và phần lời của hai nhà thơ Michael McClure và Bob Newirth – là một nhận xét châm biếm nổi tiếng về thế giới duy vật của nước Mỹ cuối những năm 60 và lời cầu nguyện tới nhầm vị thần. Nghe Tùng Dương đặt hết tâm trí, tình cảm vào bài hát mà tôi chợt thấy thật trớ trêu. Tôi ở đó, một trong những quán bar đắt nhất Việt Nam, vai kề vai với những thành phần thượng lưu của Việt Nam- những người đang say sưa với bài hát có câu mở đầu:
“Ôi Chúa, sao ngài không mua cho con một chiếc Mercedes Benz, các bạn của con đều lái Porches, con phải được bù lại chứ.”

Việc những tầng lớp giàu mới nổi của Việt Nam đóng góp một phần để bảo trợ cho hoạt động nghệ thuật của Việt Nam hiện mới chỉ ở giai đoạn sơ khai nhưng đã có những tín hiệu đầu tiên khá tích cực, và đây là một trong số đó. Khi phần solo blues của Nguyên Lê trở nên dữ dội hơn, tôi bắt đầu nghĩ rằng giá mà có vị khán giả nào đó đáp lại những khoảnh khắc thú vị họ đã có hôm nay bằng tiền để Nguyên Lê có thể quay trở lại Việt Nam biểu diễn ở một địa điểm gần gũi với công chúng hơn, để những người bình dân cũng có thể thưởng thức, thì tôi chắc sẽ rất lạc quan về tương lai của Jazz Việt.
Nguyên Lê và Vân Ánh có thể là những người củng cố và biên soạn nhạc cho những tài năng jazz lớn của Việt Nam và đưa tên tuổi họ vào bản đồ jazz thế giới.
Và có thể trong số những khán giả tương lai, một cô bé hay cậu bé nào đó từ một khu nghèo ở Gia Lâm hoặc Sóc Sơn, không có Mercedes hay thậm chí iPhone, nhưng nuôi trong mình giấc mơ biểu diễn ghi-ta, sẽ có được cảm hứng từ thứ âm nhạc tuyệt vời của Nguyên Lê và sự sáng tạo của họ sẽ được thắp sáng lên. Điều đó sẽ thực sự rất có ý nghĩa. Tôi dám đoán rằng đó cũng chính là điều mà Nguyên Lê mong muốn.

Hãy tham gia cuộc thi để giành quà tặng của chúng tôi tại đây – bạn đọc có thể gửi ý kiến trong bài giới thiệu trước đêm nhạc hoặc trong bài bình luận này.
Hãy đón đọc bài phỏng vấn chi tiết sắp tới của tôi với Vân Ánh – một nghệ sĩ khá nổi bật trong đêm nhạc này.
Ảnh và bài viết ⓒ Paul Zetter 2011
Paul Zetter là một nghệ sỹ nhạc jazz tài năng và một nhà phê bình, người viết bài nhiệt huyết. Paul cũng viết blog riêng của mình bình luận về jazz, piano. Bạn có thể xem thêm các bài viết của tác giả và nghe các tác phẩm được Paul sáng tác và biểu diễn trên piano. |