Mai Chi – Cái chết và cô gái
![]() | ![]() |
Điệu nhảy cuối cùng thuộc về cái chết
Mười một diễn viên múa đứng hàng dọc, chân trần, quần áo đương đại, nam quần dài, áo ngắn tay, nữ váy tới đầu gối, tất cả đều mang mầu sắc trầm của đất: nâu, xám, xanh, trắng và đen. Họ bất động trong khoảnh khắc. Khi những nhịp đầu tiên của âm nhạc vang lên, họ bung ra, cố gắng dịch chuyển qua sân khấu với những chuyển động chậm như đang ở dưới nước. Tay bám tay, như những con sóng, họ trôi lên phía trước rồi bị dạt lại sau. Âm nhạc nổi lên dữ dội, như những ngọn roi không ngừng quất các diễn viên đi qua đau đớn và tuyệt vọng.
Tiết mục mà biên đạo múa người Đức Hans Henning Paar đóng góp cho liên hoan múa nhỏ mang tên “Châu Âu gặp Việt Nam trong Múa đương đại” tại Hà Nội chọn một chủ đề nằm ngoài tâm trí của phần lớn người Việt hiện nay: Cái chết.
Trong quá khứ, khi người ta còn trực tiếp cảm nhận được nhịp điệu tuần hoàn của các mùa, của gieo trồng và gặt hái, của sinh trưởng và tàn lụi, thì cái chết là một phần của cuộc sống. Nhưng khi những ruộng lúa biến thành vỉa hè bê tông và người ta chuyển vào văn phòng thì cái chết đã bị đánh tụt cấp, trở thành một ghi chú nhỏ ngoài lề. Bữa tiệc vừa mới bắt đầu, vẫn đang choáng váng với đời sống đô thị phấn khích và những hứa hẹn tươi sáng của những đồng tiền tươi, ai mà muốn nghĩ tới lúc họ phải dời bàn tiệc? Dường như để minh chứng, màn múa khai mạc đêm diễn, một tác phẩm Việt Nam, được giới thiệu là đề cập tới “tình yêu đôi lứa và tình yêu cuộc sống vượt qua các khó khăn để tới một tương lai tươi sáng.”
Paar được đào tạo ballet cổ điển và anh bắt đầu biên đạo từ tương đối sớm. Năm năm qua anh là giám đốc nghệ thuật và biên đạo chính của đoàn múa tại nhà hát Theater am Gaertnerplatz của thành phố Munich với khoảng hai mươi diễn viên múa. Dường như anh ưa thích làm việc với các chất liệu văn học và âm nhạc; những dàn dựng gần đây nhất của anh là vở Giấc mộng đêm hè của Shakespeare, Cuộc lữ hành ngày đông của Franz Schubert và Lâu đài của Kafka. Vở múa cho Hà Nội của anh được dựa trên hai chương đầu của tứ tấu đàn dây Cái chết và cô gái của Schubert. Tác phẩm u ám và ám ảnh này là một trong những sáng tác nổi tiếng nhất của ông, một tác phẩm quan trọng của thời kỳ Lãng mạn, thể hiện sâu sắc những huyền thoại Thiên chúa giáo. Được viết khi ông trải qua một giai đoạn bệnh tật khó khăn, nó dường như là một điềm báo trước cái chết của tác giả; ông qua đời ở tuổi 31, chỉ ba năm sau khi hoàn thành tác phẩm.
Cái chết và cô gái là chủ đề có gốc rễ sâu sắc trong văn hóa Châu Âu và từ nhiều thế kỷ vẫn đem lại cảm hứng cho các nghệ sĩ. Nhưng khác với sự thể hiện thị giác truyền thống thường gặp, nhấn mạnh đối thoại và tương phản giữa một bên là hình tượng đen tối của cái chết và tàn lụi, và bên kia là cơ thể phụ nữ biểu tượng cho cái đẹp, tuổi trẻ và hy vọng, câu chuyện của Paar có một bước ngoặt. Anh đưa ra một nhân vật thứ ba, người tình. Trung tâm của vở diễn nằm ở những tương tác của bộ ba, bắt đầu từ chương hai của bản tứ tấu, với một chủ đề chính và năm biến tấu, mỗi biến tấu thể hiện một tình cảm riêng. Nhưng cái chúng ta thấy ở đây không phải là những tranh chấp bạo lực giữa hai địch thủ, cái chết và người tình, trong cố gắng giành giật cô gái. Đúng hơn, họ giống như hai anh em đang cùng theo đuổi một cô gái, một cảm giác được nhấn mạnh bởi kích thước hình thể giống nhau của hai diễn viên. Cái chết không đáng sợ hay đe dọa, nó lúc mạnh mẽ lúc dịu dàng, lúc bí hiểm lúc trìu mến nhẹ nhàng, lúc hấp dẫn lúc yên ổn u ám. Sân khấu hoàn toàn trần trụi, chỉ có một lớp vụn giấy rải trên sàn, tạo ra những tiếng xào xạc qua những chuyển động của diễn viên, góp thêm một lớp âm thanh. Âm nhạc đầy những biến động bất ngờ, dịch chuyển từ rất mạnh mẽ sang rất nhẹ nhàng, từ chất thơ tới kịch tính. Ở trong một khoảnh khắc đẹp, bộ ba đứng im lặng ở giữa sân khấu, cô gái và cái chết đối diện nhau, người tình cách một bước, quay đi, dường như chuẩn bị rời bỏ, nhưng tay vẫn không buông. Họ đứng bất động, vây tròn bởi những chàng trai và cô gái lướt nhẹ nhàng xung quanh.
Trong cả tháng 8 nóng bức, với sự hỗ trợ của Viện Gớt Hà Nội, Paar làm việc với các diễn viên của Nhà hát vũ kịch Việt Nam. Các buổi tập diễn ra trong phòng tập của nhà hát. Tòa nhà của nhà hát là một biểu tượng thích hợp cho chỗ đứng của ngành múa Việt Nam hiện nay. Một ngôi nhà bốn tầng không có gì đặc biệt, nhét trong một ngõ nhỏ, xám xịt, bụi bậm, trông nó giống như trụ sở của một Sở Thuế hơn là một nơi chốn của sự sáng tạo. Qua rồi những ngày huy hoàng khi mà ngành múa và sân khấu được Đảng ưu ái để phục vụ tuyên truyền. Cũng không được thị trường giải trí thời hậu đổi mới ngó ngàng tới, ngành múa ngày nay sống một cuộc sống leo lắt. Nhà hát vũ kịch Việt Nam, vẫn là một trong những địa chỉ hàng đầu của nghành, cũng không là ngoại lệ. Bên cạnh lúc thì một đặt hàng của nhà nước nhân kỷ niệm nào đó, lúc thì một màn múa phục vụ lễ khai trương showroom mới của Toyota, diễn viên và đạo diễn có ít cơ hội để thực sự hành nghề. Những cộng tác với các cơ quan văn hóa nước ngoài như dự án này là những cơ hội rất ít ỏi để các diễn viên phát triển kỹ năng, mà phần thưởng cho quá trình làm việc hàng tháng trời phần lớn chỉ là một hoặc hai buổi biểu diễn trước công chúng. Thế hệ cuối cùng của những diễn viên được đào tạo ở Nga bắt đầu từ giã sân khấu, trong khi đó, các trường múa gặp khó khăn để tuyển sinh, đặc biệt là học sinh nam.
Do vậy mà những khó khăn mà Paar gặp phải trong quá trình làm việc không phải chỉ do khoảng cách ngôn ngữ, mà quan trọng hơn là ở việc phải tạo cầu nối giữa hai hệ thống, hai phong cách làm việc. Diễn viên tới muộn, thậm chí bỏ tập không báo trước, họ gọi điện thoại trong giờ tập, thiếu tập trung và thiếu một sự tham gia tích cực. Trong khung cảnh đó, kết quả đạt được của Paar càng đáng chú ý hơn. Bắt đầu với một nhóm diễn viên thờ ơ, thậm chí hoài nghi, dần dần anh đã gây dựng được sự quan tâm của họ, thuyết phục được họ. Phòng tập có thể bụi bặm và hoang phế, máy điều hòa thì cũ kỹ, nhưng khi những diễn viên đứng vào vị trí và âm nhạc vang lên thì có một cái gì đấy kỳ diệu xuất hiện trên không trung, lan tỏa khắp phòng.
Bị giằng xé giữa người tình và cái chết, nhưng dần dần cô gái rời xa người tình của mình và cuối cùng cô hoàn toàn trao thân cho sự quyến rũ ma lực của cái chết. Người tình lùi xa, để lại cái chết giữa sân khấu, dịu dàng mang cô gái đang ngủ trên tay. Cái chết là phổ quát; điệu nhảy cuối cùng thuộc về nó.
Sau hai buổi công diễn ở Hà Nội, Paar sẽ trao tặng dàn dựng của mình cho Nhà hát vũ kịch Việt Nam. Tuy vậy, cơ hội để tác phẩm được trình diễn lại một lần nữa trong tương lai là rất nhỏ. Người ta chỉ có được một niềm an ủi nhỏ khi nhìn thấy niềm vui và sự tự hào hiện trên khuôn mặt của những diễn viên trẻ khi họ cúi chào khán giả vào cuối đêm khai mạc.
Châu Âu gặp Việt Nam trong múa đương đại: Cái chết và cô gái, Hà Nội, 8 – 9/9/2011
Biên đạo: Hans Henning Paar
Múa: Nhà hát vũ kịch Việt Nam
Âm nhạc: Franz Schubert
Trang phục: Hans Henning Paar
Mai Chi viết về nghệ thuật. Anh đã cộng tác với một số báo và tạp chí online khác nhau. Hiện anh sống tại Hà Nội. |