Home Sự kiện Âm nhạc KVT – Tri ân tới Honna

KVT – Tri ân tới Honna

Đăng vào
0

(Dịch: Nguyễn Hồng Hạnh)

Đêm qua Dàn Nhạc Giao Hưởng Việt Nam (VNSO) đã có một buổi biểu diễn tại Nhà hát Carnegie Hall. Đêm nay dàn nhạc sẽ biểu diễn tại Boston. Bài viết dưới đây là sự tri ân tới người nhạc trưởng đã đưa VNSO lên sân khấu để từ đó có những chuyến lưu diễn quốc tế tại những nhà hát danh tiếng.

Ngài Tetsuji Honna

Một trong những nhân vật tôi ngưỡng mộ nhất ở Hà Nội, Chỉ huy chính kiêm Giám đốc âm nhạc của Dàn Nhạc Giao Hưởng Việt Nam.

Tetsuji Honna
Tetsuji Honna (c) Ryusei Kojima

Hãy cùng bắt đầu câu chuyện vào tháng 10 năm 2000 (Qua những gì chúng ta chứng kiến, tháng 10 dường như luôn là tháng đầy hứa hẹn với Honna).

Ông Honna đáp xuống sân bay Nội Bài cùng Dàn Nhạc Nagoya Philharmonic từ Nhật Bản. Lúc đó, dàn nhạc đang nhiệt huyết với chuyến lưu diễn chuỗi Hòa nhạc Toyota Classics tại 8 nước Châu Á, trong đó Honna là nhạc trưởng khách mời. Thật khó để ông có thể nhận ra ảnh hưởng sâu sắc của chuyến viếng thăm này tới tương lai của mình.


Honna
Chuyến đi buổi tối vào thành phố, với sắc cam mờ ảo của ánh đèn, gợi nên những kỉ niệm về Nhật Bản. Và khi chiêm ngưỡng thành phố dưới ánh sáng ban ngày, trái tim ông đã thực sự bị rung động. Nhà Hát Lớn Hà Nội, với dòng số 1911 dát vàng trên vòm sân khấu, dường như là một điềm báo thuận lợi. Và khi bản Concerto cho Cello số 2 của Saint-Saen cất lên trên nền độc tấu của NSƯT Ngô Hoàng Quân, một điều kì diệu nào đó thật đặc biệt, rất đỗi Hà Nội, đã bao trùm lên ông. Bởi vậy, ông đã quay trở lại và nhận lời mời hợp tác, dìu dắt cho sự phát triển của Dàn Nhạc Giao Hưởng Việt Nam.

Với nhà tài trợ chính là khách sạn Nikko, Honna đã quay lại làm việc với VNSO, chỉ huy bản Giao Hưởng Số 5 của Beethoven vào tháng 2 năm sau – đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy ông chỉ huy VNSO – và bản ‘New World Symphony’ của Dvorak vào tháng 8. Tôi nhận ra mình đang lắng nghe những giai điệu, hay một điều gì đó, tinh tế đến lạ.

Tôi hỏi Honna về một khoảnh khắc kì diệu ông từng trải nghiệm với VNSO. Một thoáng cân nhắc, ông kể lại, đó là vào năm 2003 khi một thành viên của dàn nhạc, nghệ sĩ sáo Nguyễn Diệu Hồng độc tấu bản Concerto cho Sáo của Hisatada Otaka. Trong sự thăng hoa của cảm xúc và giai điệu, chương hai của tác phẩm như được thổi hồn, mang một nét hết sức Việt Nam.

Ông Honna lớn lên tại Fukishima, trong không gian âm nhạc với bộ sưu tập đồ sộ những bản thu đĩa than LP của cha ông. Năm 12 tuổi, khi đang là một học sinh trung học, ông tham gia dàn nhạc của trường, đảm nhiệm vị trí kèn trombone, để rồi từ đó gắn bó với nhạc cụ này trong suốt những năm đại học. Trong những buổi tổng duyệt và biểu diễn, kèn trombone có rất nhiều khoảng nghỉ, nhờ vậy Honna đã có cơ hội tự quan sát nhạc trưởng chỉ huy. Ông từng tham gia những lễ hội nhạc jazz và âm nhạc tiến bộ, nơi ông đã gặp gỡ, được chỉ bảo bởi nhạc trưởng đương thời người Nhật nổi tiếng, Joji Yuasa và bắt đầu nhận được lời mời chỉ huy một số tác phẩm.

Honna

Năm 22 tuổi, ông bắt đầu con đường học vấn để trở thành nhạc trưởng, ghi danh vào những cuộc thi cùng Dàn Nhạc Hòa Tấu Sendai. Năm 1985, ông giành giải Nhất tại Cuộc Thi Quốc Tế Tokyo dành cho nhạc trưởng.

Năm 1987, khi gần 30 tuổi, ông được trao tặng học bổng du học tại Amsterdam. Trong ba năm mà ông gọi là điểm sáng cuộc đời ấy, Honna đã giành thời gian quan sát, nói chuyện với những nhạc trưởng nổi tiếng thế giới, cũng như trau dồi kĩ năng của mình. Trong suốt tuần lễ Hà Lan – Nhật Bản năm 1991 tổ chức tại Amsterdam, ông đã chỉ huy một nhóm nhạc, biểu diễn các tác phẩm của những nhạc sĩ đến từ hai quốc gia.

Từ 1991 đến 2001 ông có đại diện tại Budapest trong khi ông dành nhiều thời gian ở Vienna. Và ông đã có những buổi ra mắt tầm cỡ thế giới cùng với Dàn Nhạc Hòa Tấu Zagreb và Dàn Nhạc Giao Hưởng Arturo Toscanini tại Parma, Ý, tiếp sau là danh sách lịch biểu diễn dày đặc khắp các nước Châu Âu, với sự góp mặt của những dàn nhạc như Dàn Nhạc Salzburg Mozarteum và Dàn Hòa Tấu Hà Lan.

Trong không gian âm nhạc của Honna không thể không kể đến Nhật Bản. Từ 1993 đến 1997 ông đã dẫn dắt Nhạc Viện Nhật Bản (có tiếng với các tiết mục âm nhạc thế kỉ 20) với vai trò chỉ huy chính. Từ 1995 đến 2001, ông là chỉ huy thường trực của Dàn Nhạc Giao Hưởng Osaka.

Quay lại với câu chuyện của chúng ta. Từ năm 1998 đến 2001, ông đã đồng hành cùng Dàn Hòa Tấu Nagoya và có chuyến viếng thăm Hà Nội đáng nhớ ấy.

Honna

Ngoài những buổi diễn với VNSO, Honna thường xuyên có lịch diễn tại Nhật Bản, đảm nhiệm vai trò Giám Đốc Âm Nhạc của Dàn Nhạc Nipponica, thành lập năm 2003 với mục đích thu âm và biểu diễn âm nhạc Nhật Bản. Niềm đam mê của Honna tại nơi đây là tìm kiếm những bản chép nhạc đã đi vào quên lãng với công chúng trong những năm u tối sau 1944, đưa chúng về vị trí của mình trong từ điển âm nhạc.

Quả là một điều may mắn cho nền âm nhạc cổ điển Hà Nội, với những mối quan hệ của Honna tại Nhật Bản, qua nhiều năm, các ca sĩ và nghệ sĩ nhạc khí người Nhật nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng cũng như mới nổi đã trình diễn độc tấu cùng Dàn Nhạc Giao Hưởng Quốc Gia Việt Nam. Nhờ danh tiếng của Honna trên thế giới, Việt Nam cũng thường có cơ hội đón tiếp nhiều nhạc trưởng quốc tế xuất sắc. Nhạc trưởng người Đức Jonas Alber và người Mỹ Dorian Wilson là hai khách mời cho năm nay.

Khi được bổ nhiệm tại VNSO, mục tiêu của Honna là đưa VNSO trở thành dàn nhạc hàng đầu để đến năm 2010 có khả năng đi lưu diễn tại các thành phố lớn trên thế giới. Và năm nay Honna đã chỉ huy dàn nhạc ở Phòng Hòa Nhạc Canergie Hall, New York…

Quan trọng hơn, trong suốt những chuyến lưu diễn Châu Á, các dàn nhạc Nhật Bản luôn được khuyến khích sang biểu diễn tại Việt Nam. Từ năm 2001, 5 dàn nhạc tên tuổi Nhật Bản đã biểu diễn tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Gần đây nhất là Dàn Nhạc Nipponica (năm 2007) do Honna chỉ huy, Dàn Nhạc Libera Classica (2009) do Hedimi Suzuki chỉ huy kiêm độc tấu cello, và năm ngoái là Dàn Nhạc Giao Hưởng Tokyo Metropolitan, do Honna chỉ huy, tại đêm nhạc Brahms mờ ảo.

Tôi hỏi Honna về một khoảnh khắc kì diệu ông từng trải nghiệm với VNSO. Một thoáng cân nhắc, ông kể lại, đó là vào năm 2003 khi một thành viên của dàn nhạc, nghệ sĩ sáo Nguyễn Diệu Hồng độc tấu bản Concerto cho Sáo của Hisatada Otaka. Trong sự thăng hoa của cảm xúc và giai điệu, chương hai của tác phẩm như được thổi hồn, mang một nét hết sức Việt Nam.

Honna

Honna đã từng làm việc với một số nghệ sĩ tên tuổi trên thế giới. Ông hồi tưởng kỷ niệm chỉ huy dàn nhạc Argerich Festival, với sự góp mặt của nghệ sĩ dương cầm đại thụ, Martha Argerich, khi bà biểu diễn bản Concerto dành cho 2 piano của W.A.Mozart cùng Ito Kyoko. Một cách sơ ý, bà bị trễ hơn 10 tiếng và Honna đã phải hủy phần biểu diễn của 2 nghệ sỹ. Khi đến nơi, Argerich đã nhiệt tình đề nghị Honna chỉ huy bà trong một buổi tổng duyệt gấp, không có dàn nhạc. Khoảnh khắc ấy cũng là một trong những khoảnh khắc kì diệu đáng nhớ với ông.

Với Dàn Nhạc Giao Hưởng Quốc Gia Việt Nam, các tiết mục của ông chủ yếu là âm nhạc trước năm 1900, nhưng Honna cũng dành tình yêu lớn đối với âm nhạc và các nhà soạn nhạc đương đại, trong số đó, những nhà soạn nhạc Nhật Bản Toru Takemitsu, Yasushi Akutagawa và Akira Ifukube là một phần không thể thiếu.

Với thị hiếu âm nhạc chiết trung của mình, ông đã đặt các tác phẩm của Mozart, J.S.Bach, Mahler và Stravinsky ở vị trí đầu tiên trong danh sách các tác phẩm phương Tây. Vì thế, những sáng tác cùng chủ đề của Mozart trình diễn bởi Dàn Nhạc Giao Hưởng Quốc Gia Việt Nam, với những tài năng mới của Dàn Nhạc Viện, là một niềm vui với ông.

Nikolaus Harnoncourt người Áo vinh dự là nhạc trưởng ưa thích nhất mọi thời đại của Honna.

Khi mới được bổ nhiệm vào VNSO, mục tiêu cống hiến của Honna là đưa VNSO trở thành dàn nhạc hàng đầu ở khu vực ASEAN vào năm 2005, để đến năm 2010 lưu diễn thành công ở các thành phố lớn trên thế giới. Dưới sự chỉ huy của nhiều nhạc trưởng khác nhau, dàn nhạc đã tổ chức một số buổi hòa nhạc tại các nước láng giềng. Ngoài ra, Honna đã đưa Dàn nhạc đến Tokyo và Osaka vào năm 2004 để tham dự Tuần Lễ Các Dàn Nhạc Châu Á. Năm 2008, họ quay lại Tokyo với chuyến lưu diễn 5 đêm, thu hút tổng cộng hơn 12.000 khán giả.

Honna luôn hoài bão cố gắng gìn giữ tinh thần và bản sắc Việt Nam trong các chương trình biểu diễn của VNSO.

Vào 23 tháng 10 năm nay, Honna, đã chỉ huy dàn nhạc tại Nhà hát Carnegie Hall, New York. Tiếp đó một ngày, dàn nhạc biểu diễn tại Boston Symphony Hall.

Chương trình bắt đầu với tác phẩm ‘Adiago for Strings’ của nhà soạn nhạc người Mỹ Samuel Barber. Đây được đánh giá là một trong những sáng tác kinh điển của thế kỉ 20, gợi xúc cảm đến những Đêm Nhạc Tưởng Niệm sự kiện 11 tháng 9 tại New York, và gần đây nhất, tác phẩm đã được phát để tưởng nhớ tới những nạn nhân trong trận động đất tại Nhật Bản. Với thế mạnh về dàn dây, VNSO chắc chắn sẽ có một đêm trình diễn xúc động và đáng nhớ.

Honna luôn hoài bão cố gắng gìn giữ tinh thần và bản sắc Việt Nam trong các chương trình biểu diễn của VNSO, tạo nên nét độc đáo trong con mắt bạn bè quốc tế. Phần chính của chương trình là bản Giao hưởng số 8 của Dvorak. Honna giải thích, trong tác phẩm này, sự hân hoan tràn đầy chiến thắng của chương thứ tư kết hợp với sự mềm mại, hiền lành, ấm áp của ba chương còn lại, sẽ tạo điều kiện cho những cảm xúc êm dịu đậm chất Việt Nam được thăng hoa.

Trước đó, nghệ sĩ violin người Hà Nội Lê Hoài Nam, với những xúc cảm tinh tế, độc tấu tác phẩm ‘Thăng Long’, bản concerto cho violin của cố nhạc sĩ Đàm Linh, chắc chắn sẽ nâng tầm vị thế của VNSO trên trường quốc tế.

Tôi bộc lộ sự tò mò về khoảng thời gian các chỉ huy được luyện tập cùng dàn nhạc để tạo dấu ấn cá nhân lên các nghệ sĩ. Honna trả lời rằng, với một dàn nhạc quốc tế thật sự bận rộn, có khi ông phải thực hiện điều đó trong vòng hai ngày trước buổi diễn chính thức. Tuy nhiên, ông thích có ít nhất bốn ngày và thực sự cảm kích khi được cho phép bốn đến sáu ngày để chuẩn bị cho Dàn Nhạc Giao Hưởng Quốc Gia Việt Nam.

Honna

Khác với các nghệ sĩ trong các dàn nhạc chuyên nghiệp ở những nước tiên tiến, các nghệ sĩ trong Dàn Nhạc Giao Hưởng Quốc Gia Việt Nam được trả lương không cao. Điều này khiến họ phải phân bổ quỹ thời gian hạn hẹp của mình giữa việc luyện tập cho lịch biểu diễn dày đặc của VNSO (với gần 60 buổi diễn một năm) và kiếm thêm thu nhập bằng những cách khác, thường liên quan đến âm nhạc, nhưng tốn thời gian. Những mối quan tâm khác nhau này có thể khiến các buổi tập trở nên ít được coi trọng. Tuy nhiên, Honna vẫn tin rằng những nghệ sĩ của ông vẫn luôn cố gắng hết sức để phát huy tài năng của mình trên bầu trời âm nhạc.

Honna khẳng định, bên cạnh khoản đầu tư không nhỏ từ Nhà nước, Dàn Nhạc Giao Hưởng Quốc Gia Việt Nam chỉ có thể nỗ lực trở thành một cá thể chuyên nghiệp và tự hào nếu được hỗ trợ về tài chính. Hiện tại một số công ty tư nhân vẫn tiếp tục tài trợ cho VNSO gồm có Vietnam Airlines, các khách sạn lớn, các tổ chức Nhật Bản và các cơ quan từ thiện khác.

Nếu họ đã tiến được xa như thế này trong suốt 10 năm, hãy thử tưởng tượng VNSO sẽ có thể vươn xa thế nào đến những đỉnh cao âm nhạc nếu những con người này có thể dành hết thời gian để cống hiến cho sự nghiệp của họ!

Như các bạn có thể thấy, tôi là một người hâm mộ lớn của Tetsuji Honna cũng như gia đình âm nhạc của ông ở VNSO. Điểm đến tiếp theo trong hành trình của tôi cùng Honna sẽ là Nhật Bản, hay bất kì nơi nào trên thế giới, để lắng nghe ông chỉ huy những bản nhạc đương đại. Với khả năng điều phối và chỉ huy các tác phẩm hợp xướng lớn của ông, tôi sẽ xúc động vô cùng, nếu có cơ hội được thưởng thức bản Satyricon của Maderna hay ‘Orpheus in Hiroshima’ của Yasushi Akutagawa, dưới bàn tay tài hoa của ông.

Tôi viết bài này để tỏ lòng biết ơn đối với Maestro Honna, cảm ơn ông đã cho tôi những khoảnh khắc thật Việt Nam, thật đáng nhớ cùng VNSO.

Video Honna chỉ huy dàn nhạc tại Hà Nội và Nhật Bản:

Honna chỉ huy bản nhạc của Mahler, Veni Creator Spriritus (phần 1) vào đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long, tháng 10 năm 2010

[youtube]http://www.youtube.com/watch?v=KSwsT1Xc9PA[/youtube]

Honna chỉ huy tác phẩm của Akira Ifukube

[youtube]http://www.youtube.com/watch?v=XoBb2tKnr0I[/youtube]

Video một số tác phẩm có nhắc đến trong bài:

Saint Saens Cello Concerto – Chương 1

[youtube]http://www.youtube.com/watch?v=8ijSrsu8aMs[/youtube]

Bản Giao Hưởng số 5 của Beethoven – Chương 1

[youtube]http://www.youtube.com/watch?v=_4IRMYuE1hI[/youtube]

New World Symphony của Dvorak – Chương 4

[youtube]http://www.youtube.com/watch?v=KqoDVuGX8JI[/youtube]

Concerto cho sáo của Hisatada Otaka

[youtube]http://www.youtube.com/watch?v=uQURnpSF8ug&feature=related[/youtube]

Concerto cho 2 piano của Mozart – Chương 3

[youtube]http://www.youtube.com/watch?v=QG-oyi5KfWk[/youtube]

Adiago của Barber cho đàn dây

[youtube]http://www.youtube.com/watch?v=lV3SHBFyDZM[/youtube]

Bản Giao hưởng số 8 của Dvorak – Chương 4

[youtube]http://www.youtube.com/watch?v=Rkid0XCzfas[/youtube]

Kiếm văn Tìm là một người hay quan sát cuộc sống nói chung và những sự kiện về văn hóa tại Hà Nội nói riêng và chia sẻ những chính kiến của mình trên Grapevine. KVT nhấn mạnh rẵng những quan sát và quan điểm cá nhân không phải là ý kiến quan trọng. Xem Hướng dẫn bình luận và hãy chia sẻ các suy nghĩ của bạn vào phần bình luận dưới đây.

NO COMMENTS

Leave a Reply