Những dự án văn hóa sẽ được CDEF hỗ trợ năm 2012

Quỹ Phát triển và Trao đổi Văn hóa Đan Mạch – Việt Nam (CDEF)
Thời hạn cuối để nộp đơn cho CDEF: 15/08/2012
Thông tin từ Đại sứ quán Đan Mạch:
Trong những tháng tới đây, 10 dự án văn hóa mới sẽ được triển khai với sự hỗ trợ của Quỹ Phát triển và Trao đổi Văn hóa Đan Mạch – Việt Nam (CDEF). Các dự án này, bao gồm liên hoan phim, nghệ thuật sân khấu mới cho đến các dự án âm nhạc và múa đương đại, thể hiện tính đa dạng của các loại hình nghệ thuật được hỗ trợ.
Quỹ Phát triển và Trao đổi Văn hóa Đan Mạch – Việt Nam (CDEF) mới đây đã phê duyệt 10 dự án văn hóa với tổng kinh phí 61,180 USD. Được thành lập vào năm 2006, CDEF hỗ trợ các nghệ sỹ đương đại và các hoạt động văn hóa ở Việt Nam cũng như các hoạt động trao đổi văn hóa giữa hai nước Đan Mạch và Việt Nam.
Bạn có thể xem các thông tin tóm tắt về các dự án được hỗ trợ đầu năm 2012 ở dưới đây.
Liên hoan phim Yxine (YxineFF) là một liên hoan phim ngắn trực tuyến trên website www.yxineff.com. Mục tiêu của YxineFF là khuyến khích xu hướng làm phim độc lập đang bùng nổ trong giới trẻ hiện nay thông qua việc tạo lập một sân chơi chuyên nghiệp, nơi các nhà làm phim trẻ tuổi có thể trình chiếu những tác phẩm độc đáo tới khán giả. Dự án được tài trợ 5,000 USD.
Nghệ thuật sân khấu không kịch bản là dự án của nghệ sỹ Phan Ý Ly, dự án sẽ khám phá sự cạnh tranh quyền lực giữa đàn ông và đàn bà và là một chương trình sân khấu mang sự pha trộn của cả nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật sân khấu để đề cập đến chủ đề của Nữ quyền, cụ thể là cuộc đấu tranh quyền lực giữa đàn ông và đàn bà, về khái niệm thế nào là đàn ông/đàn bà “hoàn mỹ” ở phương Tây và phương Đông. Dự án được tài trợ 5,200 USD.
Giấc mơ về chim sẻ mù, một dự án của nghệ sỹ Trương Quế Chi, là một tiết mục sân khấu độc diễn, thông qua những câu chuyện về những trải nghiệm và tưởng tượng cá nhân, để đề cập đến mối quan hệ giữa cá thể nữ với thế giới xung quanh. Giấc mơ về chim sẻ mù mang đậm tính phản tư khi gợi mở về phương pháp dàn dựng sân khấu, trong đó mỗi phân hồi của vở được thực hiện như một bài tập để trả lời các câu hỏi về cách thức giải quyết một ý tưởng, thông qua các chất liệu sân khấu multimedia. Dự án được tài trợ 75,000,000 VND (khoảng 3,600 USD).
Hanoi Grapevine là một nhóm được thành lập để quảng bá nghệ thuật đương đại Việt Nam. Theo đó Hanoi Grapevine sẽ tổ chức các buổi trò chuyện và hội thảo về nghệ thuật trên cơ sở các sự kiện nghệ thuật sắp diễn ra tại Hà Nội, Hồ Chính Minh và một số thành phố khác. Mục tiêu của nhóm là xây dựng và nâng cao nhận thức của khán giả về nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật đương đại. Ngoài ra, Hanoi Grapevine còn cung cấp cơ sở dữ liệu, nơi bạn có thể tìm thấy mọi thông tin về các nghệ sỹ như thông tin cá nhân, các tác phẩm nghệ thuật, các tài liệu tham chiếu và đánh giá. Điều này sẽ giúp các độc giả hiểu rõ hơn về các nghệ sỹ đương đại của Việt Nam. Dự án được tài trợ 5,000 USD.
A Singular Voice – Hành trình đương đại của Ea Sola ở Việt Nam từ 1991 đến 2012 là một chương trình mong muốn góp phần nâng cao giá trị của cách tân nghệ thuật và trải nghiệm những loại hình ca múa nhạc truyền thống và đương đại tại Việt Nam. Theo đó hai tác phẩm múa kết hợp với âm nhạc đương đại và truyền thống của nghệ sỹ Ea Sola sẽ được trình diễn là Hạn hán và cơn mưa (1995/2011) và Cơ thể trắng (2009). Ngoài ra, dự án còn bao gồm các buổi thảo luận và workshop về sự phát triển của nghệ thuật múa và âm nhạc đương đại ở Việt Nam. CDEF sẽ tài trợ cho chương trình biểu diễn trong Tp. HCM với 15,000 USD.
Erasable (tạm dịch là Xóa bỏ) là dự án của nghệ sỹ múa Ngô Thanh Phương. Đây là một chương trình nghệ thuật thực nghiệm kết hợp giữa múa đương đại, âm nhạc, nghệ thuật tạo hình và tương tác với khán giả. Các vở diễn sẽ mời khán giả tham dự, giúp họ nhận thức cao hơn và có cái nhìn thân thiện hơn với nghệ thuật đương đại. Dự án được tài trợ 147,675,000 VND (khoảng 7,100 USD).
Người nghệ sỹ của nghệ sỹ Nguyễn Trinh Thi là một dự án phim kết hợp giữa nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật video và điện ảnh. Trinh Thi thông qua dự án này sẽ tiếp tục dành sự quan tâm sâu sắc của mình về lịch sử và sự phát triển của vai trò và vị thế người nghệ sỹ trong xã hội Việt Nam. Dự án này là sự tiếp nối, mở rộng và phát triển thử nghiệm video đầu tiên được hỗ trợ bởi CDEF trong năm 2010 tại Nhasan Studio ở Hà Nội có tựa đề là Không phụ đề. Dự án được tài trợ 5,060 USD.
Chuyện kể về Hà Nội là một dự án hợp tác giữa các nghệ sỹ Việt Nam và Đan Mạch như Trí Minh, Michael Møller và nhiều nghệ sỹ khác để cùng nhau làm nên những tác phẩm âm nhạc tân cổ điển độc đáo và mới mẻ thông qua việc sáng tác, biểu diễn kết hợp và tổ chức các workshop tại Hà Nội, Huế và Copenhagen. Trong suốt các hoạt động ở các thành phố này, các nghệ sỹ sẽ thu âm để phát hành CD Chuyện kể Hà Nội. Dự án được tài trợ 8,620 USD.
Những tiếng dội lớn dần là một dự án của nghệ sỹ Trần Việt Hùng. Đây là một dự án nghệ thuật cộng đồng khích lệ sự sáng tạo thông qua chia sẻ các câu truyện, quan điểm, các ca khúc, sáng tác thơ ca của thời đại. Mục tiêu là thông qua quan hệ hợp tác giữa các nghệ sỹ, nhà thiết kế, nhà làm phim, nhạc sỹ, nhà văn, nhà biên dịch và các chuyên gia kinh doanh, để làm nên các tác phẩm có sự kết hợp của điêu khắc, văn học, trình diễn và video. Dự án được tài trợ 3,000 USD.
Tủ sách điện ảnh – phát hành sách về điện ảnh là một dự án của Trường Đại học Hoa Sen nhằm mang lại cho cộng đồng nói chung, đặc biệt là các bạn trẻ, những hiểu biết cơ bản về nghệ thuật điện ảnh thông qua việc dịch và biên tập một số ấn phẩm về loại hình nghệ thuật thứ bảy. Dự án sẽ tạo cơ hội cho những người yêu thích điện ảnh được thưởng thức và hiểu rõ hơn giá trị của loại hình nghệ thuật này. Dự án được tài trợ 75,000,000 VND (3,600 USD).
Thời hạn cuối để nộp đơn cho CDEF là ngày 15 tháng 8 năm 2012. Để biết thêm thông tin, vui lòng nhấp vàođây.