KVT – Vài cảm nhận về nghệ thuật của Vương Thạo
(Dịch: Nguyễn Hồng Hạnh)
KVT cung cấp bài viết trực quan về hóa thạch và những ‘tòa thiên nhiên’.
Một số người biết chuyện có thể khuyên tôi không nên có ý kiến về buổi triển lãm của Vương Thạo tại Bookworm Too làng Nghi Tàm. Nhưng là một người vô cùng ngưỡng mộ nghệ sĩ, tôi nghĩ sẽ phải bỏ qua bất cứ lời khuyên nào và có vài dòng ghi chép thú vị dưới đây!
Thạo đã có một số buổi triển lãm nhỏ trong các không gian nghệ thuật khác nhau của hiệu sách Bookworm (Bookworm đã từng phải di dời qua khá nhiều địa điểm trong thành phố). Và ngay khi nghe tin hiệu sách chấp nhận rủi ro và mở chi nhánh thứ hai tại làng Nghi Tàm, trong một khu biệt thự kiểu Pháp tách biệt, Thạo đã tình nguyện tỏ ý muốn có một buổi triển lãm tại đây để kỉ niệm cho sự thử nghiệm này.
Bookworm Too đã dành toàn bộ khu trưng bày sách cho cuộc triển lãm và dành hẳn tầng hai để sửa sang thành một phòng triển lãm nghệ thuật kéo dài một tháng.
Khi mở cửa vào ngày 12 tháng 10, buổi triển lãm đã gây bất ngờ cho Bookworm cũng như công chúng, một số người sau đó đã ghé thăm và hỏi giá. Đây là một buổi triển lãm thu nhỏ sinh động nhìn lại các tác phẩm của Thạo từ năm 1998, giới thiệu một bước ngoặt đáng chú ý trong khái niệm về hóa thạch sống của anh.
Thạo là một trong những nghệ sĩ Hà Nội khá thành công. Một vài năm trước anh được bầu chọn là một trong 10 nghệ sĩ xuất sắc nhất khu vực Đông Nam Á, và có 64 tác phẩm điêu khắc hóa thạch Phố Cổ trưng bày tại Singapore. Sau đó toàn bộ các tác phẩm này đã được Bảo Tàng Mỹ Thuật Singapore mua lại.
Người xem có thể chiêm ngưỡng mẫu hóa thạch của cầu Long Biên…Những sáng tác còn lại rải rác trên khắp thế giới.
Hầu hết các mẫu hóa thạch được bày trên ánh sáng hắt của hộp đèn, và tỏa sáng đẹp tuyệt vời trong bóng tối.
Đây là bản hóa thạch chiếc cột điện, một tác phẩm thu nhỏ của những cột điện tương tự trong chuỗi tác phẩm Phố Cổ.
Bốt Hàng Đậu, hiện vẫn còn tại giao cắt các phố Hàng Đậu, Quán Thánh, Phan Đình Phùng, Hàng Than, được hóa thạch và triển lãm.
Mặt chính Nhà thờ lớn trong buổi triển lãm năm nay tại Trung Tâm Văn Hóa Hàn Quốc.
Đây là một tác phẩm thử nghiệm khiến tôi vô cùng thích thú. Mặc dù những bức ảnh của tôi không quá xuất sắc, tôi nghĩ bạn sẽ hiểu được ý tưởng. Chuỗi hóa thạch này kéo chúng ta ra khỏi những hình tượng hóa thạch biểu trưng cho hiện tại đang biến mất và đặt chúng ta vào một không gian tư duy.
Trong chuỗi sáng tác mới về hộp sọ, bốn chiếc hộp sọ kích thước thật được Thạo bày ở bốn góc căn phòng. Một chiếc mang tên Giáo Điều, được bọc trong ngôn từ Truyện Kiều viết bằng tiếng Hán Nôm và hệ thống chữ Quốc ngữ. Tác phẩm muốn chỉ ra những lý thuyết cơ bản được chấp nhận như những giáo lý không có căn cứ quá thường xuyên, và những người theo những giáo điều này thường tin chúng là sự thật hiển nhiên, vô điều kiện (tư tưởng này có thể suy rộng sang các lý thuyết tôn giáo, chính trị, kể cả kinh tế, trên khắp thế giới).
Đối diện là một chiếc hộp sọ khác bọc tranh Đông Hồ, dường như nói về những ý tưởng rập khuôn mà rất nhiều văn hóa (kể cả tôn giáo v.v..) truyền bá cho đời sau đến mức hủy hoại suy nghĩ phóng khoáng, quan điểm đời thường. Trên miệng của hộp sọ là một chiếc loa… có lẽ muốn nói rằng một cá nhân, khi tiếp xúc với một quan điểm cụ thể sẽ chỉ (hay chỉ được phép) tán thành theo cái dòng chảy kiến thức được truyền bá ấy thôi.
Đối diện với những chiếc hộp sọ in chìm là hai chiếc khác tượng trưng cho sự phát triển trí tuệ tự do cá nhân. Một chiếc được bọc trong giấy in hoa hồng. Miệng hộp sọ được che bởi một con bướm đỏ, thay vì chiếc loa và theo như những gì tôi biết về bươm bướm đó là biểu tượng trần tục và quen thuộc cho âm hộ, tôi có thể liều hiểu đó là những người theo thuyết nam nữ bình quyền áp đảo văn hóa gia trưởng hay những mâu thuẫn giáo điều.
Chiếc hộp sọ còn lại dập dờn những cánh bướm xanh, dù trên miệng vẫn còn rung rinh sắc đỏ, có lẽ là gợi tới vòng đời ngắn ngủi phù du của chúng. Tôi băn khoăn liệu hộp sọ có phải tượng trưng cho một lý tưởng không thể về một tâm hồn tự do không bị ngăn cấm…có lẽ hoàn toàn không thể, dù là bất cứ nơi đâu.
Chuỗi ba tác phẩm tại một phòng khác là sự chuyển hướng hoàn toàn, làm ngỡ ngàng một nhà phê bình người Việt. Người xem được đối diện với một chiếc súng cối lớn, hay vỏ bom, đặt trong khối composite. Khắc trên đó là tên những nơi trên thế giới mà xung đột chết chóc vẫn đang diễn ra.
Cách biệt khỏi những vật chết chóc là hóa thạch của một chiếc dao ăn và chiếc dĩa lớn. Những đồ vật này, đương nhiên, là lời chỉ trích mạnh mẽ về cách giới thượng lưu quá thờ ơ đến hoàn cảnh của những người dân vùng chiến đấu, chỉ cho đến khi thói quen tiêu xài của họ bị đe dọa…Lúc đó họ thậm chí có thể tiêu xài hoang hơn để duy trì lối sống ích kỉ của mình. Vì vậy, lời chỉ trích của Thạo cũng có thể hiểu là những kẻ thuộc các cường quốc thỏa mãn ham muốn của mình bằng việc cố ý ăn cắp tài nguyên từ các quốc gia nghèo (chủ yếu là thực phẩm và đất đai).
Trước khi bắt tay vào dự án bảo tồn những tàn tích của một thành phố dưới sự thay đổi khó cưỡng (hình ảnh những cánh cổng làng trong những khối hổ phách composite của anh tại L’Espace năm ngoái là một kì công đáng chiêm ngưỡng), Thạo nổi tiếng với những bức họa về ‘tòa thiên nhiên’ trên giấy dó, gặt hái những thành công vang dội trong mắt các nhà sưu tầm, và tất nhiên cũng bị các cửa hàng tranh trong thành phố sao chép và làm giả rất tệ (khâm phục là họ vẫn bán được).
Những cặp mông đen và trắng hiện lên kì lạ và hoài cổ một cách lôi cuốn, chủ yếu ấm áp và vô cùng gợi tình, khi thì gợi ra cảnh quan những dãy núi đá vôi, khi thoáng gợi lại những quy ước xã hội, và, như con người Thạo, điềm tĩnh và gần gũi. Hầu hết các tác phẩm đều có nền những đồng trinh từ nửa sau thập kỉ thứ nhất của thế kỉ.
Đây là một vài tác phẩm tôi thực sự ưa thích và tự đặt những nhan đề đầy liên tưởng (xin lỗi anh Thạo)
‘Dãy núi mông’
Mông và Hào quang Bươm bướm (trên canvas)…và ở đây tôi đoán sự liên tưởng về bộ phận sinh dục của người phụ nữ dập dờn quanh những cánh bướm sẽ tăng thêm bất cứ nghĩa hiểu nào bằng tiếng Việt.
‘Ôm mông’
‘Hai cặp mông dưới vòi sen’
‘Dãy núi đứng’
‘Hai cặp mông trong chăn vào một đêm trăng tròn’ (trên canvas)
‘Những cặp mông diễu hành’
Rất nhiều người say mê bức khỏa thân nằm này, ai trách họ được!
Sang bộ sưu tập Mông Màu người xem tiếp tục bị ấn tượng, thôi thúc, kích thích. Ngoại trừ một sáng tác, tất cả đều được vẽ trên giấy Dó. Những sáng tác trong bộ sưu tập này đều nổi bật phong cách độc đáo của Thạo.
Những nhan đề tự đặt của tôi lần nữa:
‘Hai cặp mông trong ao sen bướm lượn’
‘Vũ điệu… chỉ xếp sau họa sĩ Matisse’
‘5 trong ao sen’
‘Chung vòi sen’ (trên canvas)
Một bức tường của phòng triển lãm trưng bày ba tác phẩm lưới về cặp mông của một (hay nhiều) người phụ nữ trên tờ lịch hàng ngày từ 2005, 2006.
Những tác phẩm này đã thu hút sự chú ý của những người tới xem triển lãm.
Tôi cũng thấy rất ấn tượng.
Quay trở lại năm 1998 và hai bức tranh tòa thiên nhiên thực sự khêu gợi, kích thích và đầy chất đối lập, ai đó thậm chí thắc mắc chúng có phải là khởi nguồn cho tất cả chuỗi tác phẩm không! Hai bức tranh này cũng được người xem mến mộ.
Một thời gian trước, Thạo có một buổi ra mắt những nông cụ hóa thạch…Tất cả được sơn màu đỏ. Những giọt nước mắt buồn bã đầy tính biểu tượng, khóc cho những vùng đất nông nghiệp quanh thành phố bị chiếm để mở rộng, và khóc cho cả những người nông dân bị thu hồi đất. Đây là tiếng khóc về một quá khứ không xa lắm, khi đất canh tác được tận dụng hết công suất, bằng tinh thần Xã hội Chủ nghĩa sôi sục trong công cuộc đẩy lùi nạn đói thời kì tiền Đổi Mới.
Bức điêu khắc những chiếc lưỡi cuốc hiên ngang đẹp đẽ bày trên hộp đèn. Nhất quyết không hóa thạch.
Và đối với rất nhiều người, đẹp hơn hết chính là hai khối đồng kì lạ.
Đó là một trong những buổi triển lãm chắc chắn sẽ làm hài lòng những người xem sáng suốt và mặc dù giá thành có thể cao (đó là cái giá cho lao động của một nghệ sĩ với danh tiếng và năng lực như Thạo) nếu bạn muốn đầu tư, và nếu Thạo quyết định bán đi sự đam mê của mình, bạn sẽ có một món hời vì địa điểm tổ chức đã không tính phí nghệ sĩ bất cứ tiền thuê hay hoa hồng.
Triển lãm mở cửa đến ngày 10 tháng 10.
Kiếm văn Tìm là một người hay quan sát cuộc sống nói chung và những sự kiện về văn hóa tại Hà Nội nói riêng và chia sẻ những chính kiến của mình trên Grapevine. KVT nhấn mạnh rẵng những quan sát và quan điểm cá nhân không phải là ý kiến quan trọng. Xem Hướng dẫn bình luận và hãy chia sẻ các suy nghĩ của bạn vào phần bình luận dưới đây. |
Hi KVT,
I am truly mystified and intrigued by your opening sentence…