TP HCM – Triển lãm “Ngày trước Phục Hưng”
Triển lãm: 11/10 – 09/11/2013
Galerie Quỳnh
Thông tin từ nhà tổ chức:
Hãy đến với triển lãm cá nhân Hoàng Dương Cầm với tên gọi là Ngày trước Phục Hưng. Triển lãm ra mắt các tác phẩm mới và hiếm khi trưng bày của Cầm. Chương trình lần này tập trung vào hai bộ tác phẩm của nghệ sĩ: ‘Pinhole, 1972’ (2012 ‐ 2013) và ‘The Bathers’ (2014), vốn dĩ lấy cảm hứng từ thời Phục Hưng, một giai đoạn lịch sử mà người nghệ sĩ đánh giá tương đương với quá trình giải phóng cá nhân.
Thời kỳ này được đánh dấu bằng mong muốn được học hỏi, nhằm hoàn thiện bản thân, cũng như thế giới rộng mở hơn, mang đến nhiều niềm vui, sự hứa hẹn và đổi thay. Cầm hình dung một bầu không khí tương tự tại Việt Nam năm 1972 khi đất nước vẫn còn trong thời kỳ chiến tranh. Với ‘Pinhole, 1972’ anh vẽ dựa trên những hình ảnh lịch sử về Hà Nội của cựu nhà báo Đông Đức Thomas Billhardt trong cuốn sách ảnh về năm 1972, “Hanoi Am Tage vor dem Friede.” Các tác phẩm khởi đầu với việc Cầm chụp lại những bức ảnh của Billhardt qua ống kính lỗ kim, cố tình tạo nên những khoảng trống và biến dạng từ những bức ảnh gốc mà phần chú thích không đề cập đến. Những bức tranh miêu tả như thật những bức ảnh vô hại vừa bóng bẩy, vừa trừu tượng với những hình dạng mơ hồ, kèm những mảng màu rực rỡ như đang bay lơ lửng. Việc Cầm tập trung khai thác những hình ảnh về năm 1972 trở đi mang ý nghĩa quan trọng vì năm đó là mốc đánh dấu cho hôn ước của bố mẹ anh. Loạt tranh này mang tính cá nhân cao bởi nó còn bao hàm cả quá trình nghiên cứu gia phả dòng họ, dẫn đến một cuộc hành trình tiết lộ nhiều chương sử phức tạp đa lớp, ký ức và nhiều câu chuyện về những con người bất khuất, dẫu còn ngờ vực về tương lai nhưng vẫn tràn đầy hy vọng.
Các bức ‘Pinhole, 1972’ gần đây nhất bao gồm hình ảnh mà nghệ sĩ chọn lọc từ các trang mạng ở miền Trung và Nam Việt Nam về thời kỳ này. Vì cuốn sách của Billhardt chỉ phán ánh những tường thuật về miền Bắc, Cầm mong muốn những câu chuyện và quan điểm của các vùng miền khác của Việt Nam đều được bao gồm vào loạt tranh này, nhằm tôn vinh và ghi nhớ một giai đoạn bi thương trong lịch sử Việt Nam.
Tương tự, ‘The Bathers’, cũng được lấy cảm hứng từ những quyển sách ảnh nhưng lại là những quyển có nguồn gốc ở Bắc Triều Tiên nhân dịp Cầm đang ở Tokyo trong chương trình lưu trú nghệ thuật. Cầm khẳng định, “Tôi thấy lo lắng về Bắc Triều Tiên gần đó. Sau đó, lúc ra đường, tôi lại có cảm giác ngược lại. Mọi người vội vã đi bộ; trông họ có vẻ rất thờ ơ. Trên bản tin, các khiếu nại của nhiều phóng viên về sự khó khăn khi chụp hình ở Bắc Triều Tiên làm tôi kinh ngạc. Tôi thấy phóng sự ảnh hàng ngày từ Bắc Triều Tiên rất thú vị. Nó như là một chương trình lớn đầy yếu tố chết người.” Đề cập đến sự kịch tính của chiến tranh, những nhân vật của Cầm xuất hiện như những vỏ bọc và giao tiếp thông qua một trạng thái bối rối như các phóng viên ảnh đã trải nghiệm. Vay mượn tên gọi từ bức bích họa còn dang dở của Michelangelo ‐ về đội quân Florentine, khỏa thân sau khi ngâm mình dưới làn nước, vội vã chuẩn bị cho cuộc chiến chống lại Pisa ‐ ‘The Bathers’ cho thấy là sự thay đổi sẽ diễn ra, và hy vọng, khát vọng sẽ tồn tại lâu dài.
VỀ HOÀNG DƯƠNG CẦM
Là một trong những nghệ sĩ ý niệm táo bạo nhất của Việt Nam, Hoàng Dương Cầm (sinh năm 1974, Hà Nội) hoàn thành khóa Cử nhân tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội vào năm 1996. Cầm đã tham gia nhiều triển lãm và triển lãm lưỡng niên ở châu Á, Bắc Mỹ và châu Âu. Đáng chú ý là VideoZone 5, the 5th International Video Art Biennial ở Tel Aviv, Israel; Daegu Photo Biennale, ở Daegu, Nam Triều Tiên; Arts and Cities, Aichi Triennale tại Nagoya, Nhật Bản; Connect: Art Scene Vietnam, tại ifa Galerie Berlin và Stuttgart, Đức; Fluid Zone, Jakarta Biennale, Indonesia; Post‐Doi Moi: Vietnamese Art After 1990, Singapore Art Museum tại Singapore; the Third Guangzhou Triennial, Guangdong Museum ở Quảng Châu, Trung Quốc; Migration Addicts (Mogas Station), hoạt động bên lề của the 52nd Venice Biennale tại Venice, Ý; Thermocline of Art. New Asian Waves, ZKM | Museum of Contemporary Art ở Karlsruhe, Đức; và Belief (Mogas Station), Singapore Biennale 2006. Vào năm 2009, anh tham gia chương trình lưu trú nghệ thuật ở Tokyo Wonder Site, Nhật. Từ năm 2001, Hoàng Dương Cầm sống và làm việc tại Tp. Hồ Chí Minh.
Galerie Quỳnh 65 Đề Thám Quận 1, TP.HCM Giờ Mở Cửa: Thứ ba – Thứ bảy, từ 10:00 đến 18:00; đóng cửa vào các ngày Chủ nhật và Thứ hai |