Home Sự kiện Âm nhạc Bình luận về CAMUSI – Đêm nhạc ứng tấu

Bình luận về CAMUSI – Đêm nhạc ứng tấu

Đăng vào
0

Vu-Nhat-Tan-avatar
Camusi + Gentle OHM 1

Đêm thứ tư 11/12/2013 vừa qua tại CAMA ATK, nhóm nhạc ngẫu hứng CAMUSI (Italia) cùng nghệ sĩ nhạc điện tử thế nghiệm Josh Kopecek (Anh) đã trình diễn một chương trình âm nhạc tương tác rất thú vị.

Bộ đôi CAMUSI đã từng làm rộn khán phòng và thu hút sự chú ý của hầu hết khán giả có mặt trong buổi diễn của họ đêm thứ Hai vừa qua trong không gian Đom Đóm tại Liên hoan Nhạc mới Hà Nội 2013.

Nhóm Camusi chỉ gồm hai thành viên, là Stefano Giust chơi trống jazz kết hợp chũm chọe và các đồ vật chọn lọc, và Patrizia Oliva sử dụng giọng (voice), hát (vocal) thông qua hệ thống hiệu ứng điện tử có tên là Voice Live Touch, contact microphone, bàn mixer và bộ trộn âm thanh Boss.

“Phần trình diễn của họ thật tuyệt vời: các nhịp phách của Giust thay đổi rất tự nhiên và chỉ trong chớp mắt – đó là free jazz, là nhạc ứng tấu, là cả trip-hop, mỗi mảnh âm thanh đều mang những dấu ấn của riêng anh. Còn giọng hát của Patrizia gợi ra sự đam mê và sức mạnh ở từng giây phút; cùng lúc, đó là một vết cào, một cái ôm, một tiếng đập, một tiếng hét. Tất cả những yếu tố này đưa âm nhạc của CAMUSI tới vực sâu của tâm hồn, và rồi lên thẳng trời cao”. Ở ATK, CAMUSI chơi ứng tấu tự do trải dài từ nhạc đương đại, jazz tiên-phong (avant-garde jazz), electroacoustic, trip-hop, nhạc tiếng ồn, các yếu tố ảo-giác kết hợp âm nhạc từ những vùng thiểu số, tiếng ồn đường phố thu trực tiếp ở Hanoi, và những trích đoạn dân ca Việt Nam..”

“Patrizia tìm tòi và hướng tới việc định nghĩa lại khái niệm một ca sỹ đương đại, bao gồm cả động tác. Những khám phá của cô trong nhạc điện tử chạm tới nhạc tiếng ồn, các âm thanh thu tự nhiên và các vòng lặp giọng hát. Trong khi đó, tiếng trống của Stefano Giust tập trung vào nhịp điệu lẫn việc triệt tiêu chúng, cùng với việc nắm bắt những góc cạnh mạnh mẽ thô ráp, những giai điệu bất cân xứng, tiếng ồn, sự tĩnh lặng, cường độ âm sắc và các kỹ thuật nâng cao. Tránh hầu hết những sự rập khuôn, anh luôn cố truyển tải sự rộn ràng không phải từ nhịp phách đơn lẻ mà từ các tổ hợp nhỏ – những ‘biến cố ngẫu nhiên’”

Camusi + Gentle OHM 2

Josh Kopecek chơi solo ở phần mở đầu và hòa tấu cùng CAMUSI lúc kết thúc. Phần âm nhạc Josh chơi gọi là GENTLE OHM “lấy cảm hứng từ một đơn vị điện trở trong vật lý cũng như từ nhà khoa học khám phá ra đơn vị đó (Georg Simon Ohm).”

“GENTLE OHM hoàn toàn có thể là dự án ‘điện tử’ và công phu nhất của một người nghệ sỹ đã từng sáng tác nhạc cổ điển đương đại, chơi nhạc Brazil cùng nhóm Xeomistas, hoặc trình tấu ngẫu hứng với các bảng vi mạch điện tử tự chế. Là một bức màn âm thanh lớn đầy bí hiểm, đan xen vào nhau những sample từ những thời kỳ đã đi qua của âm nhạc truyền thống Việt Nam, được nhúng vào một bể màu của nhạc industrial, và rồi tất cả được xử lý và lắp ghép tại chỗ (giữa những beat nhạc có phần ‘điên loạn’ ảnh hưởng bởi nhạc dub), phản ánh trực tiếp những dòng suy nghĩ và ý tưởng thường trực tuôn chảy qua người nghệ sỹ. Kết quả: một tấm lều bạt khổ cực đại căng tràn âm thanh và lẩn khuất những đốm sáng.”

Josh đã chơi say mê và rất hay, đặc biệt ở phần solo đầu tiên, tuy vẫn như mọi khi, anh chơi những mẩu nhạc ngắn và kiềm chế, có lẽ để dành cho sự bùng nổ tiếp sau của CAMUSI và phần kết khi tất cả cùng hòa tấu, ngẫu hứng trực tiếp tạo ra những khối âm thanh, những mảng màu sắc đa chiều, đa dạng, đan xen và phức tạp..

Một chương trình tuyệt vời bên lề của Liên hoan Nhạc mới Hà Nội tổ chức bởi The Onion Cellar và trung tâm Âm nhạc Thể nghiệm Đom Đóm cùng CAMA ATK. Một đêm âm thanh đã tai và đầy hứng thú.

Ảnh do The Onion Cellar cung cấp

Vũ Nhật Tân là một trong những nghệ sỹ hàng đầu của dòng nhạc điện tử và thể nghiệm tiếng động tại Việt Nam. Anh cũng là một nhà bình luận có chiều sâu về âm nhạc đương đại và là giảng viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

NO COMMENTS

Leave a Reply