Triển lãm “Bạn bè”

Khai mạc: 16:00, chủ nhật 05/01
Triển lãm: 05 – 20/01/2014
Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội
Thông tin từ nhà tổ chức:
Triển lãm tranh đầu tiên (năm 2000) của nhóm họa sĩ, nòng cốt là lớp cuối cùng hệ sơ trung 7 năm được đặt tên là “Thôn Nội”. Đấy là tiền thân của các triển lãm có tên “Bạn bè” sau này, được tổ chức hai năm một lần, cho đến năm nay là lần thứ 7.
Các họa sỹ tham gia: Lê Văn Thìn, Trần Luân Tín, Phan Thiết, Phạm Mai Châu, Nguyễn Thành Quốc Thạnh, Đoàn Hồng và Nguyễn Đăng Dũng.
Đến bây giờ họ đều chọn những đề tài bình dị để “Nói” một điều gì đó. Và việc tiếp theo là “Nói” như thế nào.
Lê văn Thìn tiếp tục tung hứng sôi nổi mà lại dịu dàng với kỹ thuật sơn mài của riêng anh. “Của riêng anh” là bởi sự nhập vào làm một của cảm xúc, thể tạng và kỹ thuật. Không hoàn toàn mới lạ nhưng rất riêng và đẹp.
Phạm Mai Châu thì nói qua các không gian hư thực. Rất thực, cả nhân vật và mọi chi tiết khác trong tranh. Nhưng nó ảo bởi không gian chung được xếp đặt ý tứ và chọn lọc để đạt tới dụng ý của người vẽ. Cuộc sống và tình người mông mênh đến vậy.
Nguyễn Đăng Dũng, nói bằng con dao khắc được truyền từ chính cha của anh. Mộc mạc mà đầy trăn trở. Anh trăn trở với cái dân gian của thời đương đại, chứ không phải trăn trở về sự kết hợp của hình thức nọ với nội dung kia.
Có vẻ như không gì làm cho Phan Thiết buồn bã được. Đấy là cách nhìn vào cuộc sống rất riêng của một người đã trải qua không ít đớn đau. Nói về cuộc đời bằng sự sáng trong, người họa sĩ có thể vui vì thông điệp của mình đã rất rõ ràng, về sự buông xả, tha thứ và lạc quan.
Nguyễn Thành Quốc Thạnh tìm cách nói của mình trong cách thể hiện của sơn mài truyền thống. Bảng mầu anh thâm trầm và lãng mạn. Có thể cảm nhận rõ ràng sự tâm đắc thiết tha của anh với cái chân – thiện – mỹ ở đời. Sự tâm đắc ấy đang hòa nhiễm vào trong hội họa của anh.
Kiên định với phong cách của mình, Đoàn Hồng nói bằng cách nhìn thật là đôn hậu về con người. Xem nhiều tranh anh, sẽ nhận thấy những phát hiện cảm động về đời sống, được anh thể hiện một cách cẩn trọng và nâng niu. Nâng niu từ gam mầu, bút pháp đến cách thể hiện nhân vật, như là nâng niu tình cảm mình vậy.
Trần Luân Tín thì muốn ẩn dụ lời gì đó về niềm yêu của con người, ở giữa cái cuộc sống vội vã ngày hôm nay. Anh chủ định thể hiện hai không gian tách biệt trong một bức tranh. Không gian nhân vật và không gian nền, là thể nghiệm một cách ngụ ý, một cách nói cho mình.