Cristina Nualart – Chúng ta là châu Á – Art Stage Singapore 2014
‘Chúng Ta Là Châu Á’ là nhan đề hội chợ nghệ thuật Art Stage Singapore lần thứ tư. Trong số rất nhiều các hội chợ nghệ thuật đang mọc lên khắp Châu Á, Art Stage Singapore dường như đã chọn được một địa điểm quyến rũ nhất: Marina Bay Sands. Tuy nhiên phiên bản lần thứ 4 của hội chợ này đã cố gắng đi ngược lại chủ nghĩa tinh hoa mà thế giới nghệ thuật đôi khi còn đắm chìm vào.
Art Stage đã cố gắng rút ngắn sự cách biệt giữa những sưu tầm gia trí thức và công chúng nói chung. So với nhiều bảo tàng, Art Stage cũng mang đến nhiều tour hơn hẳn nhằm đem lại tính thương mại của một hội chợ nghệ thuật. Ban tổ chức đã lên kế hoạch về một chương trình mang tính giáo dục cao để thu hút tầng lớp khán giả trung lưu khỏi sự e ngại trước vẻ hào nhoáng, cũng như những mác giá nhiều số không.
Nhiều tour được thiết kế tập trung theo các khu vực, như cách chương trình đặt tên cho 8 triển lãm nhỏ: Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Trung Á. Ủy thác cho những phụ trách chuyên môn, các sân trưng bày là một dự án thương mại (tất cả các tác phẩm đều được bày bán), nhưng với mục đích rõ ràng hơn là tô đậm đặc trưng nghệ thuật của từng khu vực.
Những sân triển lãm đóng vai trò như một khoảng nghỉ thú vị trên lối đi, giữa những tác phẩm bắt mắt nhưng khô khan, phổ biến trong các hội chợ nghệ thuật: những bức điêu khắc kì quặc, các bức canvas thêu, nhân vật kiểu dáng Manga, bóng loáng và lấp lánh. Dưới đây là tuyển chọn những tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn trí tuệ hơn từ các sân triển lãm này.
Họa sĩ người Trung Quốc Qiu Zhijie trình bày một dự án với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ về những tác phẩm điêu khắc kì quái, và đây là bức họa bằng mực “The Politics of Laughing” (tạm dịch: Tính chính trị của tiếng cười), (chi tiết) 2013, khổ 145×220 cm. Hãy dành ít phút để đọc một vài địa điểm và tự hỏi bạn sẽ đặt những địa điểm có thật vào những cái tên nào.
Nhiếp ảnh gia người Hàn Quốc Seung-Woo Back thực hiện một sự kết hợp tương tự trong “Utopia”, một bức ảnh phủ tường được chia thành nhiều dải. Mỗi dải ảnh được rửa tại một quốc gia khác nhau, tạo nên sự biến tấu về khung màu. Đó là quang cảnh đô thị của những tòa nhà nguyên khối, khô khan nằm ở Bắc Triều Tiên. Những gam màu lạnh lẽo và thiếu vắng bóng người điểm thêm nét đáng sợ cho tòa nhà chọc trời khổng lồ.
Sân triển lãm của khu vực Châu Úc là nơi trưng bày yếu kém nhất với những chủ đề, chất lượng và cách tiếp cận thiếu nhất quán. Mảnh ghép đáng chú ý nhất là tác phẩm video sắp đặt mang tên “Syria”. Tác phẩm này của Khaled Sabsabi, nghệ sĩ người Úc gốc Lebanon, là sự kết hợp những mảnh cắt về Damascus được chuyển thể thành những họa tiết Hồi giáo liên tiếp.
Mark Justiniani từ quần đảo Philippines tái hiện lại những con thuyền gỗ truyền thống, phát minh ra một cách thức từ công nghệ cũ tạo ra ảo giác thị giác về phối cảnh và chiều sâu một cách hoang mang.
Với tên gọi “And We Were Like Those Who Dream” (tạm dịch: Và Chúng Ta Giống Những Người Đang Mơ), họa sĩ người Singapore Donna Ong sử dụng những hình vẽ cắt tay từ những quyển sách cũ trong những hộp đồ nội thất phát sáng cô đặt làm. Việc làm thủ công đầy kiên nhẫn mang đến cho các vật một vẻ kì ảo thực sự ấm áp. Những mẫu tác phẩm đóng vai trò như những báu vật nhỏ được tìm thấy, tựa những kỉ vật trong cuốn tiểu thuyết “Museum of Innocence” (tạm dịch Bảo Tàng Viện Của Sự Hồn Nhiên) của Orhan Pamuk.
Nghệ sĩ người Đài Loan Tu Wei-Cheng mang những ảo giác quang học vào những nội thất cổ. “The Emperor’s Chest” (tạm dịch: Chiếc Rương Của Hoàng Đế) là câu chuyện về những món đồ chơi thời Victoria bị lãng quên và những cổ vật khác lại sống lại trong những ngăn tủ và bàn trang điểm. Như trong vở ballet “The Nutcracker” (Kẹp Hạt Dẻ), khi những món đồ chơi sống dậy, chúng trở thành thực. Con người là những vũ công đương đại trong một đô thị nhiều tầng lớp, một rạp hát lố bịch.
FX Harsono đến từ Indonesia, tác giả của một trong những tác phẩm nghệ thuật có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong toàn bộ hội chợ. Ông cũng sử dụng nội thất, nhưng kết hợp nhiều kênh thông điệp trong một sắp đặt: từ bài thơ của chính nghệ sĩ cho đến những chiếc đèn LED, đến những bìa sách. “The Raining Bed” (tạm dịch: Chiếc Giường Mưa) trình bày những bình luận chính trị một cách thẳng thắn, thông minh và gợi nhiều liên tưởng thị giác. Những cuốn sách ngủ trên giường mang những tựa đề như “The Smug General” (tạm dịch: Vị tướng tự mãn) , “The Rise and fall of the Great Powers” (Sự trỗi dậy và sụp đổ của những quyền lực tối cao) hoặc “The History of Malaysia” (Lịch sử Malaysia). Bài thơ cuộn trên tường được viết bằng tiếng Indonesia và tiếng Anh. Bài thơ viết: “In my sleep I entangled the past, at the tip of the pen history is predicted, at the tip of the gun history is deceived, at the end of the fountain history washed away” (tạm dịch: Trong giấc ngủ, tôi làm rối bời quá khứ, trên ngòi bút lịch sử bị tiên đoán, trên đầu súng lịch sử bị lừa dối, ở cuối nguồn lịch sử bị rửa trôi).
Một tác phẩm thú vị khác cũng sử dụng những quyển sách cũ từ thư viện cá nhân thuở bé của chính tác giả. Chìm đắm trong niềm hoài cổ, “Haslin Ismail’s Book Land” (tạm dịch: Xứ Sở Sách Của Haslin Ismail) là cánh rừng nhiệt đới giàu tưởng tượng về cảnh quan, những con người phiêu lưu và những vùng đất bí ẩn đang chờ người đọc khám phá. Tác phẩm nghệ thuật dường như là niềm tôn kính với văn học, được khắc tạc và bọc kĩ. Tuy vậy, họa sĩ người Malaysia thú nhận ông ghét việc đọc sách, nhưng lại sợ sức mạnh của chúng có thể lấp đầy tâm hồn bằng những câu chuyện và tri thức. Bằng cách tăng tính chạm trổ và xúc giác cho mỗi cuốn sách, ông kiểm soát những lo nghĩ mà những người đọc dè dặt trải nghiệm.
Soe Naing, họa sĩ từ Myanmar, lại tự nhốt mình trong một chiếc hộp kính lớn, bên trong treo những phác họa hàng ngày. Liên tưởng tới quyền kiểm duyệt đã ngăn cấm quá nhiều giá trị nghệ thuật trên đất nước của ông, người xem khó mà nhìn được các bản phác, khi mà tấm kính bị sơn đen. Từ bên trong, nghệ sĩ cào lên bức sơn đen, từ đó người xem cố gắng hé mắt để có thể nhìn thấy những hình vẽ. Tác phẩm này được gọi là “Intermission on Stage” (tạm dịch: Tạm nghỉ trên sân khấu), và nó đã thực hiện điều nó đề cập đến.
Sân triển lãm khu vực Đông Nam Á là rộng lớn và phong phú nhất, không bất ngờ khi nước chủ nhà của sự kiện ở vị trí trung tâm của sân triển lãm sống động này. Điều bất ngờ là việc thiếu vắng những nghệ sĩ Việt Nam. Sẽ rất khó để tạo nên một chương trình đại diện giới thiệu đầy đủ các quốc gia, trong khi sự xuất hiện chiếu lệ sẽ là bất cập. Nhưng ai đó sẽ đặt ra câu hỏi là tại sao không một nghệ sĩ nào của Việt Nam vượt qua được vòng tuyển chọn cuối cùng.
Tuy nhiên, Cuc gallery từ Hà Nội đã trở thành phòng triển lãm Việt Nam đầu tiên tham gia Art Stage. Góc trưng bày giới thiệu các tác phẩm trừu tượng của Nguyễn Trung và Dương Thúy Liễu và những bức biến dạng hình thể của Đỗ Hoàng Tường và Lý Trần Quỳnh Giang.
AP Gallery tại Hong Kong cũng giới thiệu một nghệ sĩ người Việt Nam khác, Nguyễn Thế Dũng.
Mylyn Nguyen là một nghệ sĩ người Úc gốc Việt. Cô đã lấp đầy gian hàng trưng bày của Brenda May Gallery bằng mối lo về vấn đề môi trường, qua việc sắp đặt những con ong giấy bay vo ve được làm tỉ mỉ, một số được gắn những ngôi nhà nhỏ xíu sau lưng.
Nhiếp ảnh đã có một sự hiện diện mạnh mẽ xuyên suốt nhiều gian hàng của Art Stage. Nhiếp ảnh, với sự thâm nhập len lỏi và có sức lôi kéo, kết hợp, là minh chứng cho bước tiến của một phương tiện truyền thông nữa trong giới mỹ thuật, cũng như đối với các khách hàng nghệ thuật của Châu Á.
Nhìn chung, hội chợ là một sự kiện thành công đối với những người tham gia, và cũng là một trải nghiệm nghệ thuật đáng nhớ cho công chúng. Trải nghiệm này không được gói gọn trong những khám phá bất ngờ, nhưng vẫn cung cấp đủ ý tưởng mới để giữ chân những khán giả thường xuyên của hội chợ nghệ thuật. Cuối cùng, sứ mệnhthu hút một lượng khán giả rộng hơn thông qua các tour có chủ đề là điều mà các nhà tổ chức nghệ thuật nên xem xét thực hiện nhiều hơn.
Bài viết gốc trên trang web của Cristina Nualart (nguyên bản tiếng Anh): We Are Asia – Art Stage Singapore 2014
Đọc thêm bài viết của Cristina về Hội chợ nghệ thuật Hong Kong Art Basel 2013
Dịch: Nguyễn Hồng Hạnh
Cristina Nualart là nghệ sĩ sáng tạo hiện đang sống và làm việc tại TP HCM. Chị đã đến thăm các triển lãm và nói chuyện với các họa sĩ và vẽ/xem tranh/suy ngẫm. Các ý kiến chị đưa ra là đúc kết của bán cầu não trái hoặc não phải, sự dũng cảm nói lên quan điểm của mình hoặc cũng có thể xuất phát từ sự tức giận. |
Thank you for this informative and to the point, well summarised review.
Ilza