Hòa nhạc cổ điển Toyota 2015
20:00, thứ năm 22/10/2015
Nhà hát lớn Hà Nội
Thông tin từ Công ty ô tô Toyota Việt Nam:
Công ty ô tô Toyota Châu Á Thái Bình Dương và Công ty ô tô Toyota Việt Nam (TMV) phối hợp với Trung tâm Tổ Chức Biểu Diễn Nghệ thuật, Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn – Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch (VHTT & DL) trân trọng giới thiệu Đêm nhạc Cổ điển Toyota 2015 (Toyota Classics 2015) sẽ diễn ra một đêm duy nhất vào lúc 20h00 ngày 22 tháng 10 năm 2015 tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Năm nay là năm thứ 18 Đêm nhạc Cổ điển Toyota được tổ chức tại Việt Nam đồng thời cũng đánh dấu chặng đường 26 năm “Âm nhạc lay chuyển cuộc sống” trên toàn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Nhân kỷ niệm 20 năm thành lập của TMV tại Việt Nam, Đêm nhạc Cổ điển Toyota 2015 được biểu diễn với sự tham gia của Nhà hát Nhạc kịch Budapest danh tiếng đến từ Hungary dưới tài chỉ huy xuất chúng của Nhạc trưởng bậc thầy László Makláry – người từng nhận giải thưởng Artisjus và Művész danh giá dành cho nghệ sĩ xuất sắc, cùng 4 giọng ca opera tài năng: Szilvi Szendy, Dávid Szabó, Mónika Fischl và Gergely Boncsér. Là một đêm nhạc kịch hoàn hảo, kết hợp tài tình giữa âm nhạc, văn học, lịch sử và những vũ điệu ba-lê sống động, Đêm nhạc Cổ điển Toyota 2015 hứa hẹn sẽ mang đến cho khán thính giả yêu nhạc Việt Nam một bữa tiệc âm nhạc đầy màu sắc với sự kết hợp của những tác phẩm nhạc kịch và operetta. Trong đêm nhạc, các nghệ sĩ sẽ trình diễn các tác phẩm nhạc kịch và những vở opera ngắn, kết hợp với những đoạn thoại nói, ca khúc và vũ điệu vô cùng nổi tiếng, đã ghi dấu ấn thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới như: Liên khúc Câu chuyện phía Tây của Leonard Bernstein, Liên khúc Bóng ma trong nhà hát Opera của Andrew Lloyd Webber, Con dơi của Johann Strauss II; Tình yêu Gypsy, Miền đất của những nụ cười, Bà góa vui vẻ của Franz Lehar; Nữ bá tước Maritza và Công chúa Gypsy của Emmerich Kálmán… Chương trình sẽ dẫn dắt người nghe qua những cung bậc cảm xúc khác nhau, từ những giai điệu vui tươi, hoạt bát, những khúc tình ca say đắm yêu thương, những bi thương sâu lắng của chia lìa, sự ám ảnh của tình yêu, đến những giai điệu lạc quan đầy hứng khởi cho cuộc sống tươi đẹp.
Đặc biệt, Đêm nhạc Cổ điển Toyota 2015 còn có sự góp mặt lần đầu tiên của nghệ sĩ violin tài năng của Việt Nam – Hoàng Tuấn Cương – người đã đạt Giải đặc biệt tại cuộc thi quốc tế Ludwig Spohr (Freiburg, CHLB Đức) vào năm 1994 và giải nhất cuộc thi quốc tế về chamber music mang tên Max Reger (Sondershausen, CHLB Đức) vào năm 1996. Tuấn Cương sẽ biểu diễn bản Romance số 2 cung Fa trưởng Op. 50 của nhà soạn nhạc nổi tiếng Ludwig van Beethoven trong đêm nhạc năm nay. Những năm qua, Tuấn Cương đã mang tiếng vĩ cầm đầy cảm xúc của mình mê hoặc biết bao trái tím khán giả tại các sân khấu lớn của nhiều quốc gia như Đức, Ba Lan, Croatia, Italia, Áo và Phần Lan. Trong sự nghiệp độc tấu của mình, anh cũng đã từng làm việc với các Dàn nhạc giao hưởng danh tiếng như Max Bruch Philharmonie, Chamber Orchestra Oration del Gonfalone Roma…. Từ năm 2004, anh là thành viên bè Violon I trong dàn nhạc Philharmonic State Orchestra Hamburg của Đức.
Là một trong số 200 hoạt động đóng góp xã hội ý nghĩa của Toyota tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, năm nay, Đêm nhạc cổ điển Toyota tiếp tục mang bữa tiệc âm nhạc giàu cảm xúc này tới khán giả yêu nhạc tại 7 quốc gia trong khu vực bao gồm: Brunei, Philipines, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia trong thời gian từ 10-31/10/2015.
Với niềm đam mê âm nhạc cùng với mục tiêu mang tính nhân văn hướng tới cộng đồng, Đêm nhạc Cổ điển Toyota đã được Tập đoàn ô tô Toyota, Công ty ô tô Toyota Châu Á – Thái Bình Dương và các công ty Toyota sở tại thực hiện với các chuyến lưu diễn trên nhiều nước Châu Á trong suốt 25 năm qua. Đêm nhạc Cổ điển Toyota đã thực hiện 184 buổi hòa nhạc, thu hút hàng trăm nghìn khán giả tham gia, góp phần thúc đẩy giao lưu giữa các nền văn hóa trên thế giới và quảng bá nhạc cổ điển đến với người yêu nhạc châu Á. Số tiền bán vé xấp xỉ 8,4 triệu đô la Mỹ đã được sử dụng cho các hoạt động từ thiện, góp phần cho sự phát triển văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường và an toàn giao thông tại các quốc gia và vùng lãnh thổ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Tại Việt Nam, Chương trình được thực hiện từ năm 1997. Toàn bộ số tiền bán vé của chương trình đã được Toyota Việt Nam sử dụng cho các hoạt động thúc đẩy phát triển lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của nước nhà, đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, được dành trọn cho quỹ “Học bổng Toyota Hỗ trợ Tài năng trẻ Âm nhạc Việt Nam”.
2015 đánh dấu mốc son lịch sử 20 năm hình thành và phát triển của Công ty ô tô Toyota Việt Nam, với cam kết trở thành công dân tốt và phát triển hài hòa trong cộng đồng sở tại, TMV sẽ tiếp tục nỗ lực để triển khai thêm nhiều hoạt động đóng góp xã hội mới và có ý nghĩa để đóng góp tích cực hơn nữa cho sự phát triển bền vững và phồn thịnh của Việt Nam.
Các tác phẩm biểu diễn trong “Đêm nhạc Cổ điển Toyota 2015”:
J. Strauss II: Con dơi – Khúc dạo đầu
Johann Strauss II (1825-1899), vị vua của các điệu Valse là tác giả của hơn 800 bản valse, polka và nhiều tác phẩm khác – đã góp phần định hình nên cuộc sống của thành phố Vienna vào nửa cuối thế kỷ XIX. Trong số 17 vở operetta do Strauss sáng tác, Con Dơi (Die Fledermaus) – được công diễn lần đầu tại Nhà hát Vienna vào ngày 5/4/1847, là tác phẩm nổi tiếng nhất. Con dơi là một câu chuyện hài hước về kế hoạch trả thù nhân vật chính Eisenstein, do Falke, một người bạn thân của chính Eisenstein âm mưu. ‘Khúc dạo đầu’ là một tổ hợp những giai điệu vui tươi, hoạt bát đem lại cho người nghe những giây phút nhẹ nhõm trước khi màn Một của vở operetta bắt đầu.
E. Kálmán: Công chúa Gypsy – Khúc Song ca của Stasi và Boni, ‘Đó là tình yêu – Tình yêu ngốc nghếch’ (Das ist die Liebe)
Thành công lớn đầu tiên của Kálmán tại Vienna, Công chúa Gypsy là một vở hài kịch về mối tình giữa vị bá tước thành Vienna, Edwin và một ca sỹ cabaret mang tên Sylva. Boni và Stasi là bạn từ thuở nhỏ, tình cờ hội ngộ tại tư dinh của Bá tước Edwin và nhanh chóng phải lòng nhau. Tuy nhiên, khúc Song ca của họ lại đem đến sự bất ngờ. Boni hát “Cô gái, hãy cẩn thận trước những gã đàn ông em gặp/ Có người già, có người trẻ/ Nhưng cho dù họ là ai, đến cuối cùng, hầu hết đều trở thành những kẻ cặn bã.”
J. Strauss II: Điệu Valse Những khúc ca mùa xuân
Ngoài những tác phẩm operetta vẫn thường xuyên được biểu diễn cho đến ngày hôm nay như Die Fledermaus, Johann Strauss II còn là tác giả của những giai điệu valse say đắm lòng người. Ông đã vượt qua cái bóng của cha mình – người được mệnh danh là “Cha đẻ của điệu valse”. Những khúc ca mùa xuân miêu tả sự thức giấc của vạn vật khi mùa xuân đến – là một trong những tác phẩm được ưa thích nhất về chủ đề mùa xuân.
F. Lehár: Miền đất của những nụ cười – Khúc Aria của Soul-Chong, ‘Trái tim ta thuộc về nàng’ (Dein ist mein ganzes Herz)
Richard Tauber, giọng tenor người Úc nổi tiếng thường xuyên trình diễn các trích đoạn operetta được chính Lehár sáng tác dành riêng cho ông (còn gọi là các Tauberlied). “Trái tim ta thuộc về nàng” là một trong những Tauberlied được ưa thích nhất. Khác với những vở operetta thông thường, Miền đất của những nụ cười có một kết thúc buồn với sự chia lìa của cặp đôi chính. Một nữ bá tước thành Vienna kết hôn với một vị quan người Trung Quốc. Mặc dù được chồng rất mực yêu thương, nhưng người vợ đã không thể quen được với cuộc sống hoàng gia tại Bắc Kinh.


L. Bernstein: Liên khúc Câu chuyện phía Tây – “Maria, Đêm nay, Nước Mỹ” (Maria, Tonight, America)
Câu chuyện phía Tây là một vở nhạc kịch Mỹ do Leonard Bernstein sáng tác. Câu chuyện lấy bối cảnh của khu phố phía Tây tại thành phố New York vào giữa những năm 1950. Sức hút của vở nhạc kịch đến từ chủ đề bi kịch (lấy cảm hứng từ mối tình Romeo và Juliet), phong cách nhạc kịch tinh tế và những trường đoạn khiêu vũ đầy sáng tạo. Âm nhạc của Câu chuyện phía Tây là sự pha trộn của các thể loại như opera, nhạc kịch, jazz và nhạc dance Latin-America…
F. Lehár: Bà góa vui vẻ – Tốp ca March, ‘Quay trở lại nơi bắt đầu’ (Ja, das Studium der Weiber ist schwer)
Bà góa vui vẻ dựa trên câu chuyện về một góa phụ giàu có mang tên Hanna và những nỗ lực của những người đồng hương nhằm bảo vệ gia tài cho Hanna thông qua việc tìm một người chồng mới cho cô. Vở operetta giành được sự thành công đáng kinh ngạc kể từ lần công diễn đầu tiên vào năm 1905 tại Vienna và cho đến ngày hôm nay, vẫn thường xuyên được biểu diễn, ghi âm trên các sân khấu khắp thế giới. Ca khúc “Quay trở lại nơi bắt đầu” được trình diễn bởi các nam nghệ sỹ solo trong màn Hai.
F. Lehár: Bà góa vui vẻ – Khúc ca Grisette (Ja, wir sind es die Grisetten)
Aria này xuất hiện trong phần đầu của màn Ba. Valencienne, vợ của Nam tước Zeta trình diễn trước các quan khách tại bữa tiệc được do góa phụ Hanna giàu có tổ chức. Khúc ca mang tính chất vui vẻ và bao gồm cả vũ điệu can-can nổi tiếng của Pháp.
A. L. Webber: Liên khúc Bóng ma Nhà hát Opera – Khúc Song ca của Christine & Fantom, ‘Dạ khúc của bóng đêm, Tất cả những gì ta mong chờ’ (Music of the night, All I ask of You)
Bóng ma Nhà hát Opera là một vở nhạc kịch do Andrew Lloyd Webber viết nhạc và Charles Hart viết lời. Dựa trên một cuốn tiểu thuyết tiếng Pháp của Gaston Leroux, tác phẩm xoay quanh một âm mưu liên quan đến giọng soprano xinh đẹp Christine – người trở thành tình yêu ám ảnh của một thiên tài âm nhạc bí ẩn. Vở nhạc kịch được công chiếu lần đầu tại West End, London vào năm 1986, và tại Broadway, New York vào năm 1988. Lấy cảm hứng từ một vở nhạc kịch có cùng cốt truyện của Ken Hill, âm nhạc của Lloyd Webber trong Bóng ma Nhà hát Opera có đôi lúc mang tính chất opera nhưng vẫn duy trì cấu trúc và những đặc trưng của thể loại nhạc kịch.
J. Brahms: Vũ khúc Hungary số 5
Nhiều người tin rằng J. Brahms là người đã trực tiếp viết nên 21 Vũ khúc Hungary. Tuy nhiên, sự thực là rất nhiều trong số đó đều chỉ là những tác phẩm sắp xếp và chuyển thể khác nhau, lấy cảm hứng từ những điệu nhảy đã có sẵn. Khi Brahms còn là một nghệ sỹ piano trẻ tuổi, ông thường xuyên lưu diễn với với Remenyi, một nghệ sỹ violin người Hungary. Hai người rất hay song tấu các giai điệu di-gan Hungary theo đề xuất của Remenyi. Theo các chuyên gia, Brahms tin rằng tất cả những giai điệu này là các bài hát dân gian Hungary mà không biết rằng, một vài trong số đó đích thực được sáng tác bởi các nhạc sỹ chuyên nghiệp. Cho dù vậy, các bản chuyển thể của Brahms đều rất thành công và đã góp phần lớn tạo nên danh tiếng của ông khi chúng được lần lượt công diễn.


E. Kálmán: Công chúa Gypsy – Tứ ca ‘Hurrah’
Ca khúc này do bốn nhân vật Sylva, Stasi, Edwin và Boni trình bày trong màn Hai của vở operetta Công chúa Gypsy. “Đây là cuộc sống của chính chúng ta, vì vậy đừng nghi ngờ mà hãy sống hết mình. Hoan hô vì niềm vui, niềm hạnh phúc vô biên – cũng chính là những lý do chúng ta tồn tại trên trái đất này. Hoan hô vì chính bản thân chúng ta.”
E. Kálmán: Công chúa Gypsy – Khúc Aria của Sylva, “Núi đồi là nhà của tôi” (Heia, in den Bergen)
Khúc tình ca này được Sylva thể hiện trước đông đảo khán giả hâm mộ trước khi lên được lưu diễn tại Mỹ. “Tôi không cần những lời tán tỉnh tầm thường. Hãy cho tôi sức mạnh rực rỡ của tình yêu thực sự.”
E. Kálmán: Nữ Bá tước Maritza – Khúc Aria of Tassilo, ‘Hãy chào tôi các cô nàng xinh đẹp’ (Wennes Abend wird)
Những năm tháng tại Vienna là thời kỳ thành công nhất trong sự nghiệp của Kálmán. Mặc dù chiến tranh diễn ra nhưng ông vẫn hoàn thành vở operetta Nữ bá tước Maritza và khẳng định vững chắc danh tiếng của mình trong giới âm nhạc Vienna. Sau khi quân phát-xít nắm được quyền lực vào năm 1922, các tác phẩm của Kálmán bị cấm trình diễn tại Đức và sau đó là Áo. Năm 1940, ông di cư đến Hoa Kỳ. Không còn đạt được những thành công như trước đây, Kálmán viết ca khúc này như một phút tưởng nhớ về những ký ức tốt đẹp tại thành Vienna.
E. Kálmán: Nữ Bá tước Maritza – Khúc Song ca của Maritza và Zsupán, ‘Hãy đến Varasdin với tôi’ (Komm mit nach Varasdin)
Đây là khúc song ca giữa một chàng nam tước người Nam Tư, quyết tâm thu phục trái tim của nữ bá tước xinh đẹp và một vị nữ bá tước mạnh mẽ, không dễ bị lay chuyển, nhất là trước lời mời đặt chân đến một lãnh thổ khác bên ngoài Hungary. Sự có mặt của chàng nam tước đầy xui xẻo tại nhà của Maritza hoàn toàn là bất đắc dĩ. Để chấm dứt sự phiền phức do những kẻ theo đuổi đem đến, nữ bá tước nghĩ ra một cái tên quý tộc và cho thông báo rộng rãi về đám cưới của mình với người đàn ông tưởng tượng đó mà không biết rằng, một vị nam tước như vậy hóa ra lại thật sự tồn tại.
F. Lehár: Tình yêu Gypsy – Khúc Aria của Iilona, ’Khi tôi nghe âm thanh của cây đàn Cimbalom (Hör’ ich Zymbalklänge)
Giống với Bà góa vui vẻ và Bá tước Luxembourg, Tình yêu Gypsy là một trong những vở operetta thành công nhất của Lehár. Sau khi ra mắt thành công tại Vienna vào năm 1910, Tình yêu Gypsy được biểu diễn tại khắp nơi trên thế giới từ Broadway, New York cho tới vùng Viễn Đông xa xôi. Nhân vật Ilona hát: “Khi tôi nghe âm thanh của cây đàn Cimbalom, trái tim tôi như bị thắt chặt; mảnh đất ngọt ngào của thứ ngôn ngữ tôi vẫn nói – Đất mẹ ơi.”
E. Kálmán: Nữ bá tước Maritza – Aria of Tassilo, ’Hãy đến đây, người Gypsy’ (Komm Zigan)
Tassilo, con trai của một gia đình quy tộc bị khánh kiệt phải đổi tên và đến làm việc trong điền trang của Nữ bá tước Maritza. Tại bữa tiệc của Maritza, Tassilo hát ca khúc này; gửi gắm trong những giai điệu đồng quê Hungary ký ức buồn bã về sự suy tàn của xã hội thượng lưu Áo-Hung. “Hãy đến đây, người Gypsy. Hãy chơi nhạc cho ta nghe. Để trái tim ta cảm nhận được niềm vui, cùng với nỗi đau và sự thống khổ.”
E. Kálmán: Nữ bá tước Maritza – “Thiếu nữ da nâu đến từ Puszta” (Braunes Mädel von der Puszta)
Để cứu điền trang của mình khỏi nguy cơ phá sản, Maritza phải nhờ cậy đến những vị khách của mình làm việc trong trang trại. “Thiếu nữ da nâu đến từ Puszta” như một bài ca lao động mọi người hát cùng nhau trong khi làm việc. Sau đó, tất cả đều được giải quyết tốt đẹp, Tassilo và Maritza cuối cùng đã đến được với nhau, cùng hát vang những giai điệu lạc quan “hãy để nỗi lo lắng ra đi!”

Thông tin về Nhà hát Nhạc kịch Budapest
Nhà hát Nhạc kịch Budapest là một trong những nhà hát lâu đời và thành công nhất của thủ đô Budapest, Hungary. Năm 1923, thành phố Budapest quyết định thành lập một nhà hát dành riêng cho thể loại operetta (operetta bao gồm những vở opera ngắn, có quy mô nhỏ với những đoạn thoại nói, ca khúc và vũ điệu; operetta đặc biệt phát triển vào nửa cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX trước khi dần bị thay thế bởi thể loại Musical – Nhạc kịch.) Sự ra đời của Nhà hát Operetta Metropolitan, đồng nghĩa với một căn nhà mới và ổn định cho operetta đã khiến thể loại này bước vào thời kỳ hoàng kim của mình. Trong lịch sử phát triển của nhà hát, điều quan trọng nhất là tôn vinh những nét truyền thống của operetta cổ điển bên cạnh đó, làm phong phú hơn thông qua việc kết hợp một cách hài hòa operetta với những loại hình nghệ thuật đương đại. Sau Vienna, Budapest là một “thủ đô” khác của operetta mà bất kỳ ai đến thăm nhà hát đều có thể nhận thấy chất lượng cao của thể loại này hiện diện tại đây.
Ngày nay, Nhà hát Nhạc kịch Budapest hoạt động trên hai lĩnh vực chính: Các vở operetta Hungary truyền thống và đương đại; và các vở nhạc kịch lấy cảm hứng từ các tác phẩm văn học hay lịch sử nhằm hướng tới đối tượng khán giả trẻ hơn. Mỗi năm, với hơn 500 buổi diễn và hơn 400 nghìn khán giả, Nhà hát Nhạc kịch Budapestđã trở thành một trong những nhà hát số lượng khách ghé thăm nhiều nhất tại Hungary. Từ những tác giả operetta nổi tiếng như Kálmán Emmerich, Franz Lehár, Ábrahám Paul, Jenő Huszka, Albert Szirmai, Szabolcs Fényes… cho đến các nhà soạn nhạc đương đại lớn như Claude-Michel Schönberg, Gerard Presgurvic, Sylvester Lévay, Ferenc Jávori, Tibor Kocsák, Béla Szakcsi Lakatos và Levente Szörényi… đều có tác phẩm được xuất hiện trên sân khấu của Nhà hát Operetta và Nhạc kịch Budapest. Một số vở operetta được ưa thích bao gồm Công chúa Csárdás, Nữ bá tước Maritza, Công chúa Gypsy, Buổi khiêu vũ tại Savoy, Nữ nam tước Lili, Mike the Magnate, Miss Saigon, Rebecca, Romeo và Juliet, Elisabeth, Mozart! và phiên bản nhạc kịch của vở kịch nổi tiếng thế giới Giấc mộng đêm hè… Ngoài ra, Nhà hát còn tham gia nhiều dự án hợp tác với các nhà hát đến từ St. Petersburg, Bucharest, Yekaterinburg, Prague, Salzburg và Erfurt; cũng như thường xuyên lưu diễn tại nhiều thành phố và quốc gia tại châu Âu và châu Á. Mùa thu năm 2011, Nhà hát Nhạc kịch Budapestđã vượt qua nhiều đối thủ quốc tế để giành quyền dàn dựng và biểu diễn vở nhạc kịch Người đẹp và Quái vật tại các quốc gia nói tiếng Đức.
Với những thành công xuất sắc của mình, Nhà hát Nhạc kịch Budapest đã được trao danh hiệu Superbrands trong ba năm liên tiếp từ 2012 đến 2014. Nhà hát cũng là đơn vị tổ chức những cuộc thi âm nhạc quốc tế hàng đầu như Cuộc thi Operetta Quốc tế Ferenc Lehár, Cuộc thi Hát Nhạc kịch Quốc tế Sylvester Lévay hay Cuộc thi Sáng tác Operetta-Nhạc kịch Kálmán Emmerich (2012)…
Năm 2013, Operetta Hungary trở thành một trong những “Hungaicum” (một thuật ngữ dùng để chỉ những thứ mang đậm nét đặc trưng và tính cách của đất nước và con người Hungary) và được đưa vào danh sách “Các báu vật quốc gia của Hungary”.

Thông tin về nhạc trưởng
Nhạc trưởng László Makláry tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Liszt Ferenc, sau đó tham dự khóa nâng cao chuyên môn mang tên Karajan tại Salzburg. Sau khi hoàn thành khóa học, dưới sự dìu dắt của nhạc trưởng Viktor Vaszy, ông từng có nhiều buổi biểu diễn tại Szeged ở nhiều thể loại khác nhau bao gồm operetta, phim âm nhạc và opera. Makláry lần đầu được giới thiệu về thể loại nhạc kịch khi tham gia một khóa học chỉ huy tại Broadway, New York – cũng là nơi ông gặp nhà sáng tác nhạc kịch nổi tiếng Leonard Bernstein. Cuộc gặp gỡ này đã để lại dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp của László Makláry.
Năm 1975 ông trở thành Giám đốc Nhà hát Thiếu nhi Budapest. Từ năm 1976, ông làm việc trong cương vị Giám đốc âm nhạc của Nhà hát Madách. Từ năm 1979, đảm nhận vị trí Giám đốc Âm nhạc Nhà hát Operetta và Nhạc kịch Budapest.
László Makláry thường xuyên chỉ huy những buổi hòa nhạc và tham gia ghi âm với Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Hungary, Dàn nhạc Giao hưởng Đài phát thanh Hungary. Dàn nhạc Giao hưởng MASV Hungary, Dàn nhạc Giao hưởng Telekom, và Dàn nhạc Giao hưởng của Nhà hát Nhạc kịch Budapest. Ông từng nhận được giải thưởng Artisjus và Érdemes Művész (giải thưởng cho nghệ sĩ xuất sắc).
Thông tin về nghệ sĩ violon Hoàng Tuấn Cương
Nghệ sĩ violin Hoàng Tuấn Cương sinh ra và lớn lên tại thành phố Hồ Chí Minh trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Từ khi năm tuổi anh bắt đầu học đàn với cha (Phó giáo sư Hoàng Cương, nguyên giám đốc Nhạc viện thành phố HCM). Sau khi trở thành học sinh của Nhạc viện Tp. HCM anh đã đạt được các giải thưởng như: giải nhất cuộc thi Violon Tài năng trẻ năm 1989 tại Tp. HCM và giải nhất cuộc thi Âm nhạc Quốc gia mùa thu lần thứ nhất năm 1990 tại Hà Nội.
Năm 1994, lúc 14 tuổi, Tuấn Cương đã được học bổng của Quỹ Bảo trợ tài năng trẻ “Pflüger-Stiftung (do Giáo sư Wolfgang Marschner làm chủ tịch) trao tặng. Cùng năm đó anh đã nhận Giải đặc biệt tại cuộc thi quốc tế Ludwig Spohr (Freiburg, CHLB Đức). Hai năm sau anh đoạt giải nhất cuộc thi quốc tế về chamber music mang tên Max Reger (Sondershausen, CHLB Đức)
Trong thời gian là sinh viên của Nhạc viện Freiburg, anh đã được học với giáo sư Rainer Kussmaul (nguyên Concertmaster của dàn nhạc Berlin Philharmonic). Dưới sự hướng dẫn của giáo sư Kussmaul anh đã tham gia và nhận được giải Förderpreis tại cuộc thi Violon quốc tế Leopold Mozart (Augsburg, CHLB Đức). Ngoài ra anh đã tham dự các lớp masterclass của các bậc thầy vĩ cầm như Aaron Rosand, Rugierro Ricci, Shmuel Ashkenasi và Thomas Brandis. Anh đã từng biểu diễn độc tấu ở các sân khấu tại các nước như: Đức, Ba Lan, Croatia, Ý, Áo và Phần Lan. Trong sự nghiệp biểu diễn độc tấu của mình, Tuấn Cương đã từng làm việc với các dàn nhạc giao hưởng như Max Bruch Philharmonie, Chamber orchestra Oration del Gonfalone Roma, Saigon Symphonie Orchestra và HBSO.
Từ năm 2004 anh là thành viên của bè Violon I trong dàn nhạc Philharmonic State Orchestra Hamburg – CHLB Đức.
Vé
Giá vé: có 3 hạng:
– Hạng A: VND 1.200.000/vé
– Hạng B: VND 1.000.000/vé
– Hạng C: VND 700.000/vé
• Thời gian bán vé: Từ ngày 14/10/2015
• Địa điểm bán vé:
– Phòng vé Nhà hát Lớn Hà Nội – số 1 Tràng Tiền, Hà Nội
• Điện thoại liên hệ: 01655 178 748
Toàn bộ số tiền bán vé sẽ được sử dụng cho Chương trình Học Bổng Toyota Hỗ Trợ Tài Năng Trẻ Âm Nhạc Việt Nam.
Nhà hát lớn Hà Nội Số 1 Tràng Tiền, Hà Nội |