Triển lãm “Mảnh ghép cuộc sống” của Hoàng Nguyễn Khánh Linh

Khai mạc: 17:00, thứ bảy 21/11/2015
Triển lãm: 21 – 30/11/2015
Nhà triển lãm
29 Hàng Bài, Hà Nội
Thông tin từ nhà tổ chức:
Mời các bạn đến với triển lãm tranh “Mảnh ghép cuộc sống” của họa sỹ trẻ Hoàng Nguyễn Khánh Linh.
Cũng có thể gọi Hoàng Nguyễn Khánh Linh là một “họa sĩ Nhí”, bởi em ra mắt công chúng một phòng tranh gồm trên dưới 30 bức vẽ bằng chất liệu sơn dầu ở độ tuổi từ 15 đến 17 – tuổi niên thiếu.
Trước mắt em là một con đường nghệ thuật thênh thang rộng mở với một thế hệ tuổi “Teen” đầy vô tư và trong sáng. Con đường gấm hoa đấy nhưng cũng là con đường đầy chông gai thử thách, con đường nghệ thuật mà bao thế hệ nghệ sĩ cha ông đã đi… Con đường Khánh Linh định chọn cũng là con đường mà thân phụ em cũng đã đi quá nửa chặng – họa sĩ Hoàng Định – và ông cũng đã gặt hái những thành công – một cây bút sắc sảo không chỉ trong đồ họa mà còn cả trong hội họa. Bởi vậy mà Khánh Linh như được thừa hưởng cái gien nghệ thuật của cha. Em chưa học qua trường lớp chính quy về mỹ thuật mà mới chỉ vẽ bằng bản năng. Đó là bản năng trời phú mà không phải ai cũng có được!
Ba chục tác phẩm của Khánh Linh đã mang đến cho người xem một cảm nhận về sự phát lộ một năng khiếu đặc biệt, và như một dự báo rằng nếu năng khiếu đó được trau dồi bài bản, cộng với lòng đam mê và quyết tâm, ắt sẽ nẩy nở một tài năng thực sự!
Trong tất cả các loại hình nghệ thuật để đạt đến cái đỉnh tài năng là một cuộc hành trình dài gian nan, nhưng riêng hội họa nó còn đòi hỏi nhiều sự nghiệt ngã khác, bởi ngoài việc phải có một tâm tâm hồn nghệ sĩ ra lại còn đòi hỏi nghệ sĩ phải nắm vững hình họa, bố cục và những kỹ thuật chuyên ngành, tiến tới làm chủ được kỹ thuật đó và đi kèm theo nó là còn phải “đánh vật” với một khối lượng khổng lồ về vật chất mang theo như mầu, toan, khung, giá vẽ, cọ…



Một tác phẩm nghệ thuật hội họa làm rung động lòng người đòi hỏi nhiều thứ lắm, trước hết là sự xếp đặt bố cục, rồi đến mầu sắc, đường nét, hình khối… nhưng cái quan trọng nhất, cái khó nhất là tả không gian. Thực đấy mà lại phải là hư đấy – cái Hư được rút ra từ cái Thực!… Kỹ thuật của Khánh Linh chưa nhiều, hình họa chưa chắc, nhưng trong việc thể hiện “không gian” thì tranh nào cũng đầy ắp.
Tôi chọn ra 5 bức của Linh tạm cho là đỉnh của em – thế là em có “ngũ phúc”! Đó là những bức “Nhà ngoại ô”, “Dòng sông quê hương”, “Hoang sơ”, “Phơi cá” và “Thành phố trong đêm). Riêng hai bức mà em tả thiên nhiên sinh động như một họa sĩ có thâm niên: “Nhà ngoại ô”, “Dòng sông quê hương”. Bức “hoang sơ” cũng là một bức đẹp theo dạng vừa trừu tượng vừa hiện thực, đang là hướng đi của nhiều họa sĩ chuyên nghiệp. Bức “Nhà ngoại ô”, thực ra nếu ngoài đời thường, nhìn phong cảnh đó không mấy họa sĩ dám cầm cọ vẽ, bởi nó chẳng có gì đặc biệt ngoài hai dẫy nhà mái tôn đơn điệu khô cứng, một cái sân đất lầy lội như vừa sau cơn mưa, trời hửng… Vậy mà Khánh Linh đã thể hiện bằng mấy mảng mầu đậm nhạt mái tôn, vài cái chăn, quần áo phơi… và chỉ một cây cột điện phía sau dẫy nhà tập thế. Bố cục ổn định hẳn khi có hai mảng đen khung cửa ra vào như điểm nhấn tạo ra sức nặng tác phẩm, và cái bầu trời vàng ệch sau mưa cũng đang tung tẩy vài nét chấm phá tưởng vô cớ mà tranh có duyên hẳn lên… Chút mầu trắng như bóng nước mái tôn mới quý làm sao? Bức “Dòng sông quê hương” cũng thật là bay bổng chất thơ… như ta thường gặp khúc sông Cầu, sông Nhuệ… bên những lũy tre làng là những bến nước, bè vó, mấy khóm lục bình lững lờ trôi theo dòng…
Tác giả nhí Khánh Linh vẽ như “chơi” mà nên hồn nên cốt… không mấy ai nghĩ là thiếu niên vẽ… Thành công đó với em là bước “chạy đà” suôn sẻ! Bản năng, và năng khiếu khi được cộng với khổ luyện thì ắt sẽ có ngày thành tài năng!
(Họa sĩ NGÔ QUANG NAM, Nguyên Vụ trưởng Vụ Mỹ thuật, Bộ Văn Hóa Thông Tin)
