Home Sự kiện Mĩ thuật Triển lãm nghệ thuật “Số 5”

Triển lãm nghệ thuật “Số 5”

Đăng vào
0

no-5-art-exhibition

Khai mạc: 18:00, thứ hai 11/09/2017
Triển lãm: 08:00 – 17:00, 11 – 21/09/2017
Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội
50 Đào Duy Từ, Hà Nội

Thông tin từ nhà tổ chức:

Tác phẩm nghệ thuật, xét cho cùng, là sự phản ánh đời sống nội tâm của mỗi nghệ sĩ, là cảm xúc cá nhân ánh xạ qua nền văn hoá và đời sống đương đại.

Dù gợi về quá khứ, kể về hiện tại hay mơ tới tương lai, mục tiêu của nghệ thuật phải chăng đều muốn chạm đến những ngóc ngách của kiếp nhân sinh, của tình yêu và thân phận, của vật chất và tinh thần.

Theo thời gian, phong cách và kỹ thuật luôn phát triển và biến động ngay trong bản thân người nghệ sĩ, nhưng tác phẩm có đạt hay không chưa chắc phụ thuộc vào tài năng biểu hiện của nghệ sĩ mà còn trông đợi ở khả năng hồi cảm từ phía người xem.

Quả vậy, trời Hà Nội vào thu tháng 9, phòng tranh giữa khu phố cổ của năm nghệ sĩ tài hoa Hoàng Hải Anh, Trần Công Dũng, Hoàng Đức Dũng, Trịnh Vũ Hiếu và Lê Anh Quân – với các phong cách, chất liệu và đề tài riêng – là bản ngũ tấu đa thanh điệu, đang mời gọi sự tương tác thẩm mỹ của người đất kinh kỳ, để hoàn tất nốt công đoạn thẩm thấu tác phẩm vào tâm hồn.

Những bức tĩnh vật giàu tính biểu hiện hay những thân hình người nữ ửng lên dưới nét bút ấm áp của Hoàng Hải Anh lôi cuốn người xem bằng vẻ ung dung tự tại trước muôn mặt đời thường. Cuộc sống đương đại dẫu có gấp gáp, bon chen, có bàng quan, lạnh nhạt, thì khi đối diện với những bức tranh dung dị này, trong giây lát, chợt hồn ta rung lên một cảm xúc như thể chạm tới được buồn vui cuộc sống, với thế thái nhân tình.

Không lộng lẫy vàng son, những cánh cửa cũ của những ngôi nhà phố cổ ở loạt tranh sơn mài Trần Công Dũng mới sáng tác gần đây không khỏi làm người Hà Nội “một thời đạn bom một thời hoà bình” xao xuyến. Cuộc sống là biến đổi không ngừng, và may thay, nhờ tài hoa của người nghệ sĩ, người phố cũ được an ủi rằng dẫu mai này, nhà cao tường mới bạt phai ký ức, thì hồn phố vẫn đọng lại nơi khung cửa bạc màu thời gian kia, ẩn khuất sau khung sắt rỉ han đầy tính thẩm mỹ này.

Cũng với bút pháp hiện thực, mảng tranh phong cảnh của Hoàng Đức Dũng bàng bạc khói sương, mịt mờ nhân ảnh, khiến người xem bối rối. Nửa thực nửa hư, những êm đềm thơ mộng trong tranh Hoàng Đức Dũng có giúp cân bằng lại tâm trạng bất an của người phố thị hôm nay hay không? Rất khó nói. Nhưng chắc chắn phía sau những khung cảnh thiên nhiên dường như tĩnh lặng kia là những trăn trở triền miên về kiếp người.

Tương phản – mà cũng cộng hưởng – với các tác phẩm tranh giá vẽ, những chiếc bình gốm tạo hình đương đại của Trịnh Vũ Hiếu phải chăng là sự hiện thực hoá những giấc mơ của người nghệ sĩ? Ẩn hiện giữa những hoạ tiết loan phượng cổ – những biểu tượng của lứa đôi – những gương mặt nửa tỉnh nửa mê thật thi vị và gợi cảm, nhắc nhở chúng ta về thực và mộng, về động và tĩnh, và có lẽ phần nào đánh động nơi người xem sự tỉnh thức của lý trí và tâm hồn.

Khác với bốn hoạ sĩ giàu tính hiện thực nói trên, Lê Anh Quân độc thoại về thân phận con người thông qua những bức tranh biểu hiện trừu tượng. Sự tương phản giữa các hình bóng trẻ thơ – vốn trong trẻo – thấp thoáng trong tranh của ông với lối đi nét thô, mạnh và gam màu sậm, tối phản chiếu nỗi ưu tư trĩu nặng của người hoạ sĩ về một tương lai bất định, và do đó, truyền đến người xem cái cảm giác mong manh và nỗi ám ảnh đời người.

Nhịp sống Hà Nội ngày một hối hả, và tất nhiên, rất ồn ào. Người Hà Nội đang di chuyển với tốc độ chóng mặt, quay cuồng với muôn vàn hối thúc đời thường. Những thời khắc chiêm ngắm nghệ thuật chính là nút ‘dừng’ – để tạm phanh lại cuộc sống gấp, để người Hà Nội cởi bỏ vẻ lạnh lùng, bàng quan bề ngoài, xích lại gần nhau.

Mỗi khi lách qua cánh cửa của không gian trưng bày nghệ thuật, ấy là lúc ta đi tìm sự kết nối với tâm hồn con người, hay chí ít cũng mong có nơi yên tĩnh tạm thoát khỏi sự ồn ào của phố thị. Vậy thì hãy bước vào triển lãm này, để thưởng thức cuộc trình diễn nghệ thuật NGŨ TẤU MÙA THU, để cảm thấy cuộc đời vẫn đáng sống khi ta còn có nghệ thuật để trân trọng, và do đó, biết trân trọng chính cuộc đời.

Bài giới thiệu của Phạm Long

NO COMMENTS

Leave a Reply