HN & TP HCM – Biểu diễn âm nhạc “Phương trời thứ năm”
TP HCM: 20:00 – 21:30, thứ hai 13/11/2017
Nhạc viện TP HCM
—
Hà Nội: 20:00 – 21:30, thứ tư 15/11/2017
Nhà hát lớn Hà Nội
Thông tin từ Đại sứ quán Áo:
Kỷ niệm 45 năm ngày THIẾT LẬP QUAN HỆ NGOẠI GIAO ÁO – VIỆT NAM, mời các bạn đến với buổi biểu diễn tác phẩm “Phương trời thứ năm”, sáng tác: Gregor Siedl & Cao Thanh Lan.
Phương trời thứ năm là một khái niệm đã có từ nhiều nền văn hoá cổ xưa ở châu Á, lục địa Á-Âu, Nam Mỹ và tượng trưng cho vị trí ở giữa, ngay tại đây và bây giờ, nội tâm một con người. Tác phẩm lấy tên “Phương trời thứ năm” muốn đưa người nghe, người xem vào một cuộc hành trình khám phá thế giới nội tại của một con người và sự chuyển biến của thế giới này trong một đời người.
Trong những chuyến đi lưu diễn và làm việc tại châu Âu, châu Á, châu Úc và châu Mỹ, Gregor Siedl và Cao Thanh Lan không khỏi bị hấp dẫn bởi sự khác biệt giữa con người của nhiều nền văn hoá khác nhau, nhưng họ cũng nhận ra con người ở mọi nơi đều là con người. Họ đều sinh ra, lớn lên, yêu và được yêu, làm việc, sáng tạo và phải đối mặt với cái chết tất định. Con người dù ở nhiều nền văn hoá khác nhau đều ăn mừng và làm lễ cho những thời điểm quan trọng của một đời người, và ở những thời điểm đó, âm nhạc luôn đóng một vai trò quan trọng như là cửa ngõ để đến với thế giới phi vật chất và đến với tiềm thức.
Gregor Siedl và Cao Thanh Lan được đào tạo trên nền tảng âm nhạc hàn lâm đương đại châu Âu nhưng vẫn rất quan tâm và đánh giá rất cao âm nhạc dân gian – thứ âm nhạc đến từ trái tim những con người thật từ một cuộc sống thật, được lưu truyền qua nhiều thế hệ, thứ âm nhạc rất đặc hữu của từng dân tộc nhưng cũng có tính phổ quát vì nó nói lên tâm trạng và cảm xúc của con người nói chung. Trong sáng tác “Phương trời thứ năm”, hai nhạc sĩ đã phát triển một ngôn ngữ âm nhạc sử dụng những thủ pháp và kỹ thuật sáng tác từ âm nhạc thể nghiệm đương đại châu Âu, đồng thời lấy nguồn cảm hứng từ âm nhạc hát của một số dân tộc miền núi phía Bắc Việt Nam, chủ yếu là của người Dao đỏ, Hmong, Lô lô. Trong âm nhạc các dân tộc miền núi phía Bắc, nhiều nhạc cụ chơi giai điệu bắt chước giọng hát người, trong đó phải kể đến khèn, các loại sáo, kèn lá, kèn sona, các loại pí, v.v…
Phần lớn cách sử dụng nhạc cụ trong tác phẩm “Phương trời thứ năm” cũng theo nguyên tắc trên, chính vì vậy câu nhạc, tầm âm, cách luyến láy và cách phát tiếng của nhạc cụ đều có tính chất như giọng người. Ngôn ngữ mà người hát sử dụng trong tác phẩm phần lớn là ngôn ngữ tưởng tượng, để người nghe không quá tập trung vào việc hiểu nghĩa của câu từ mà tập trung vào tính nhạc và sự biểu cảm của chính ngôn ngữ đó.
Sáu hồi của tác phẩm – mỗi hồi có liên quan tới một thời điểm hay một giai đoạn chuyển tiếp trong một đời người: sự sinh ra, trưởng thành, tình yêu, lao động và sáng tạo, sự héo tàn, ra đi và lại bắt đầu.
Nghệ sĩ biểu diễn:
Nguyễn Kim Oanh – hát
Gregor Siedl – kèn clarinet, tăm lay, âm thanh và kỹ thuật điện tử
Cao Thanh Lan – synthesizer, daxophone, âm thanh và kỹ thuật điện tử
Lữ Mạnh Cường – bộ gõ, kèn pí thiu
Để biết thêm thông tin chi tiết, mời truy cập: siedlcao.com
Vé
Nhận vé miễn phí từ ngày thứ Năm, 9/11/2017 từ 9:00 đến 16:00 tại:
HÀ NỘI
Đại sứ quán Áo: Tầng 8, 53 Quang Trung, Hai Bà Trưng, Tel.: 024. 3943 3050
TP. HỒ CHÍ MINH
VP Lãnh sự danh dự CH Áo: Số 121/40 phố Nguyễn Văn Hưởng, Phường Thảo Điền, quận 2, TP HCM, Tel: 028. 3519 3128
Theo dõi cập nhật trên trang sự kiện tại Hà Nội và TP HCM
Trích đoạn một buổi hòa nhạc của Cao Thanh Lan và Gregor Siedl tại Uruguay vào tháng 4/2017:
Tin liên quan:
Đêm nhạc “Tiểu hành tinh song song” của Cao Thanh Lan và Gregor Siedl vào tối 17/11 tại Hà Nội.
Nhà hát lớn Hà Nội 01 Tràng Tiền, Hà Nội |
Nhạc viện TP HCM 112 Nguyễn Du, Quận 1, TP HCM |