Họa sỹ Phạm An Hải: Mỹ thuật trẻ, TỎA và Viet Art Now

Anh và Viet Art Now đã tham gia Tỏa 2 như thế nào?
Triển lãm Tỏa 2 đến sau ý tưởng tôi đề xuất với VCCA là làm một triển lãm cho các họa sĩ trẻ của Viet Art Now (VAN). VAN là một trang dành cho các nghệ sĩ trẻ mà tôi thành lập trên Facebook. Trang đã hoạt động được hai năm, có số lượng thành viên gần 8 ngàn người, trong đó có hơn 300 thành viên là nghệ sĩ, hầu hết là nghệ sĩ trẻ trong đó có nhiều nghệ sĩ có những sáng tác đột phá có chất lượng nghệ thuật tương đối tốt. Nhiều nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ ở tỉnh rất thiếu con đường tiếp cận với các gallery để bán tác phẩm, do đó họ gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều tác phẩm tôi thấy có chất lượng rất tốt mà lại bán quá rẻ. Trang này tôi lập ra để giới thiệu mỹ thuật đương đại Việt Nam tới công chúng yêu nghệ thuật với tinh thần rất mở và nhẹ nhàng người mua được tiếp cận trực tiếp với nghệ sĩ và không phải chi trả bất cứ một phụ phí gì và lại được tiếp xúc với những tác phẩm chất lượng nghệ thuật tốt!
Sau đó thì VCCA muốn tổ chức một triển lãm Tỏa 2 nối tiếp tinh thần của triển lãm Tỏa 1 cho các nghệ sĩ trẻ. Năm trong số mười họa sĩ tham gia Tỏa 2 cũng đồng thời là thành viên của Viet Art Now.
Chúng tôi đều muốn xây dựng những bước đi cho mỹ thuật trẻ có những khởi động tốt hơn, không bị giậm chân tại chỗ như thế hệ cũ, và từng bước từng bước xây dựng hành lang – lối đi từ triển lãm đến cảm thụ nghệ thuật và thành lập các trung tâm mua bán dành cho các nhà sưu tập tranh, phát triển một thị trường lành mạnh.
Với anh thế nào là những nghệ sỹ “trẻ tiềm năng, có sáng tác tốt?”
Những nghệ sĩ tôi chọn hầu hết là những người chưa thành danh. Nhưng theo quan điểm cá nhân tôi họ là những người xuất sắc trong từng thể loại họ đi theo. Tiêu chí lựa chọn tuy là sự chủ quan, nhưng tôi cho rằng mình có cơ sở cho sự chủ quan này. Tôi là một hoạ sỹ được đào tạo cơ bản, được tham dự các triển lãm nước ngoài, có tranh trong các bảo tàng trong và ngoài nước, có cả các giải thưởng về tranh trong và ngoài nước và được xem rất nhiều những tác phẩm đỉnh cao của thế giới trong các bảo tàng nổi tiếng thế giới. Do đó tôi tin rằng cái nhìn của tôi không bị xa rời so với cái nhìn nhận, đánh giá chung của nghệ thuật đương đại thế giới.
Các họa sĩ được lựa chọn chưa phải là những người cực kỳ xuất sắc, nhưng đều là những gương mặt nổi bật so với thế hệ đồng trang lứa và có những đột phá riêng.
Ví dụ như Phạm Hà Hải, là một thạc sỹ mỹ thuật và nguyên là trưởng phòng nghiên cứu sưu tầm của Bảo tàng MTVN.
Hà Hải là em ruột của tôi, nhưng đó không phải là lý do tôi chọn Hà Hải.
Tranh của Hà Hải phát triển được không gian đơn sắc đơn diện, cái mà tôi đã theo đuổi hơn 20 năm nay, tới mức triệt để. Tất cả những chủ đề là sen hay là gì đó, thực chất chỉ là lớp vỏ của một cuộc chơi với trừu tượng đơn sắc đơn diện mạng bẹt, cái tính nhị nguyên ấy nó hoàn toàn là một nhánh mới của trừu tượng và nó rất khác với trừu tượng đa sắc đa diện, hoặc cấu trúc trước đây.
Nguyễn Nghĩa Cương là một nghệ sĩ theo trường phái naive nhưng có tính biểu hiện rất cao và tìm được cái đẹp trong cái xấu, đó vốn là một điều rất khó. Người xem tranh không tinh ý sẽ chỉ nhìn thấy sự hời hợt, kệch cỡm được phô bày, chứ không nhận ra cái tinh tế vượt qua cả sự kỹ của Cương. Và điều ấy đòi hỏi nghệ sĩ một tư chất sáng tạo cao. Cái quan trọng nhất là tranh mang đến một cảm giác happy chứ không phải là sự quằn quại thường thấy ở hầu hết những tác phẩm hội họa Việt Nam hiện nay.
Vũ Ngọc Vĩnh là một họa sĩ rất trẻ những có những trải nghiệm va đập với cuộc sống. Chẳng hạn tác phẩm Bọn lưu manh của Vĩnh mô tả lại những kẻ vô lại với một con lợn với những biểu cảm hết sức chân thực. Nghệ sĩ hiển nhiên phải lăn lê đầu đường xó chợ trải nghiệm cuộc sống đấy thì mới có thể truyền tải được đến những cảm giác ấy. Kết hợp với sự hư cấu và tính biểu hiện, nghệ sĩ đã lột tả được cái trò hề của xã hội. Tôi đánh giá cao tính tư tưởng trong tranh Vĩnh. Có thể bề mặt tranh chưa hay, cách xử lý phủ bóng còn vụng về rất khó chịu nhưng khi xem tranh thì người ta không còn quan tâm đến bề mặt nữa mà người xem phải suy tưởng và đối thoại cùng tác phẩm và một tác phẩm hay là đằng sau nó nó đưa ra được một thông điệp giáo dục gì đó.
Với những gì thể hiện trong tác phẩm, tôi tin Vĩnh sẽ còn tiến xa trên con đường nghệ thuật.
Anh có phải cân nhắc nhiều khi phải cùng Mizuki lựa ra 10 nghệ sỹ? Tại sao lại là 10 mà không nhiều hơn hay ít hơn?
Vì muốn có một không gian trưng bày sang trọng thì số lượng tác phẩm không nên quá nhiều và cần có chất lượng cao, nhiều không gian nghỉ mắt.
Thứ hai là những vấn đề về kinh phí. Nếu bày đủ tất cả các tỉnh thành thì chi phí đi lại gặp nghệ sĩ, xem tác phẩm thực tế sẽ là rất lớn.
Tinh thần ban đầu cũng chỉ là muốn nói lên cái thực trạng chứ không cố gắng chứa đựng hết các loại hình, chủ đề, thể loại.
Tỏa 1 đã giới thiệu 19 gương mặt ở nhiều thể loại, độ tuổi và mức độ nổi tiếng khác nhau.
Tỏa 2 cũng là sự tiếp nối từ lứa họa sĩ già sang họa sĩ trẻ nhưng sẽ khác đi. Chúng tôi muốn giới thiệu toàn những nghệ sĩ không tên tuổi nhưng có tiềm năng phát triển tốt và có thể tiến xa được.
Anh đã từng tham gia triển lãm/dự án nào với vai trò giám tuyển chưa?
Curator cho triển lãm như thế này thì đây là lần đầu. Nhưng ba bốn năm nay tôi đã điều hành và giám tuyển tác phẩm cho hai trang Viet Art Now và Viet Art Space. và tổ chức vài kỳ đấu giá tranh cho các hoạ sỹ trên cả hai trang trên.
Cái chung ở đây là làm thế nào để cho công chúng thấy được sự vận hành của nghệ thuật đương đại và hoạt động của các nghệ sĩ trẻ để có được những nhìn nhận mới về nghệ thuật.
Vì là sự tiếp nối của Tỏa 1, khi đến xem Tỏa 2 người ta không khỏi so sánh nó với Tỏa 1. Trước những ý kiến Tỏa 1 tốt hơn Tỏa 2 anh có nhận xét thế nào?
Đầu tiên tôi muốn biết tiêu chí nào được dùng để so sánh Tỏa 2 không tốt bằng Tỏa 1.
Người đánh giá điều đó là ai?
Tại sao phải làm một việc vô bổ như vậy?
Tiêu chí của TOẢ 2 là phản ánh thực tại của đời sống mỹ thuật trẻ đương đại Việt nam nên sẽ rất khác TOẢ 1, tôi không đánh giá và so sánh chất lượng của TOẢ 1 vì cách nhìn nhận khác nhau, tiêu chí khác nhau và trình độ khác nhau của người giám tuyển sẽ dẫn đến kết quả khác nhau.
Tất cả mọi người đều theo thói quen cho rằng tất cả nghệ sĩ thành danh thì tác phẩm được mặc nhiên đánh giá cao và có chất lượng cao nhưng điều đó chưa chắc đã đúng.
Ở triển lãm này những nghệ sĩ tham gia còn rất trẻ và chưa có tên tuổi gì cả nên họ nghĩ là kém chăng?
Nhưng tôi dám chắc tới năm năm sau, mười năm sau thì danh tiếng của họ cũng không kém gì những người đi trước, thậm chí là hơn.
Những dự án của anh trong tương lai? Có dự án nào liên quan đến nghệ sỹ trẻ?
Đối với nghệ sĩ trẻ, trong vòng một đến hai tháng tới với sự hỗ trợ của VCCA, cuốn sách của Viet Art Now sẽ ra mắt công chúng. Sau đó tôi hy vọng sẽ có thể thực hiện được một show lớn có sự tham gia của 30-40 nghệ sĩ VAN với các tác phẩm chất lượng cao, vẽ trên khổ lớn.
Xin cảm ơn anh!
Út Quyên phỏng vấn cho Hanoi Grapevine. Ảnh: Tufng
Bài viết liên quan
Giám tuyển Mizuki Endo: “Nghệ sỹ trẻ như trứng trong nôi”