Âm nhạc phim phản chiến tại Tổ Chim Xanh
Viết bởi Út Quyên cho Hanoi Grapevine

Chương trình chiếu phim tối thứ ba hàng tuần đề tài phản chiến của Tổ Chim Xanh – bao gồm series năm bộ phim – sắp đi đến tuần thứ hai. Hai bộ phim đầu tiên được lựa chọn đều là những tác phẩm điện ảnh xuất sắc, đặc biệt ở cách sử dụng nhạc phim để tạo lên sự đối lập gay gắt với câu chuyện và bối cảnh chiến tranh, cũng như gây tác động mạnh mẽ tới cảm xúc của người xem.
Bộ phim đầu của series, Good Morning Vietnam (1987 – đạo diễn Barry Levinson), đưa ra một cái nhìn mới lạ vừa có tính hài hước, châm biếm vừa có sự vỡ mộng chua cay về cuộc chiến tranh Việt Nam (mà sách sử của chúng ta vẫn gọi là Chiến tranh chống Mỹ) qua góc nhìn của một anh hạ sĩ không quân (diễn viên Robin Williams) được gửi tới Sài Gòn làm phát thanh viên phục vụ binh lính Mỹ tại Việt Nam.
Trong khi đó, bộ phim được lựa chọn cho tuần chiếu thứ hai, The Pianist (2002 – đạo diễn Roman Polanski) có thể coi là một trong những tác phẩm bi thương nhất nhưng cũng đẹp nhất về Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai. Bộ phim dựa trên câu chuyện có thật về Władysław Szpilman (diễn viên Adrien Brody), một nghệ sĩ dương cầm người Ba Lan gốc Do Thái và cuộc vật lộn sống sót qua những ngày tháng tàn khốc khi đất nước Ba Lan nằm dưới sự thống trị của phát xít Đức.
Cả hai bộ phim mặc dù đề cập đến hai cuộc chiến khác nhau, dưới những góc nhìn rất khác nhau: góc nhìn của nạn nhân chiến tranh trong The Pianist và của một người lính tham chiến trong Good Morning Vietnam, nhưng đều có điểm chung là sử dụng nhạc phim để tạo nên những trường đoạn xuất sắc, đánh mạnh vào cảm xúc của người xem.
Good Morning Vietnam sử dụng những bản nhạc rock & roll thập kỷ 60 để tái hiện sinh động không khí của cuộc chiến tranh Việt Nam qua con mắt của các binh lính Mỹ năm 1965 – thời kỳ quân Mỹ gia tăng nhanh chóng sự hiện diện của mình trên chiến trường Miền Nam, Việt Nam và phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam cũng dân lên mạnh mẽ trên chính đất Mỹ. Đặc biệt trường đoạn trên nền bài hát “What a Wonderful World” có thể coi là cao trào thể hiện đầy đủ nhất tính châm biếm vừa hài hước lại vừa đau đớn của bộ phim. Những người chưa xem Good Morning Vietnam trước đó có thể sẽ bất ngờ khi biết được nguồn gốc ra đời đầy mỉa mai của ca khúc này.
Khi giọng hát trầm ấm của Louis Armstrong cất lên trên nền nhạc du dương: Tôi thấy bầu trời xanh và những làn mây trắng, ngày phước lành, đêm thiêng liêng, trên màn hình, khán giả sẽ thấy máy bay trực thăng Mỹ thả bom trên cánh đồng của người nông dân Việt Nam, thấy làng mạc cháy, em bé sợ hãi chạy níu lấy tay mẹ. Và khi ca sĩ hát: Và tôi thầm nghĩ thế giới mới tuyệt vời làm sao thì một vụ trả đũa của quân Cộng Sản vào quân Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở Sài Gòn làm cháy xe, cháy nhà, dân thường hoảng sợ tan tác, chiếc dép đầy máu hiện lên nhức nhối giữa màn hình. Sắc cầu vồng rực rỡ thật dễ thương trên bầu trời, và phản chiếu trên cả khuôn mặt những người ngang qua đối lập với cảnh bắt bớ, đàn áp của quân đội Nam Việt nhắm vào dân thường sau vụ khủng bố. Tôi thấy bạn bè tay nắm tay chào hỏi nhau, và họ thật lòng nói tôi yêu bạn đối lập với đoàn sinh viên biểu tình rầm rộ dẫn đến xung đột đổ máu với lực lượng cầm quyền. Và cho đến khi những câu hát: Tôi thầm nghĩ thế giới mới tuyệt vời làm sao lặp đi lặp lại, thì các cuộc hành quân càn quét của quân đội Mỹ bằng bộ binh, bằng trực thăng vào các vùng đồng bằng Nam Bộ được tiến hành.
Một mặt trường đoạn này thể hiện sự ngây thơ, vô tri đến nực cười của anh lính Audrian trước cuộc chiến mà anh ta đang là một phần trong đó. Thế giới tuyệt đẹp là những gì anh ta đã thấy, và thậm chí vẫn thấy ngay cả khi dấn thân vào cuộc chiến này. Trong khi những cảnh ném bom, khủng bố, đổ máu ngoài kia là sự thực mà anh ta không biết hoặc cố tình không biết. Những hình ảnh của cuộc chiến đã bị loại bỏ hết âm thanh. Chúng ta chỉ còn nghe thấy tiếng hát và nhạc du dương. Chỉ cần ta nhắm mắt lại thôi, thì thế giới này quả thực vẫn rất tuyệt vời. Do đó, ở một mặt khác, trường đoạn này cũng là lời cảnh tỉnh cho mỗi khán giả khi xem phim: nếu cứ nhắm mắt mà sống, thì thế giới của bạn vẫn cứ là màu hồng. Nhưng hãy mở mắt ra mà xem!
Trong The Pianist, những bản piano Chopin vang lên từ tiếng đàn của Szpilman (chơi bởi nghệ sĩ dương cầm cổ điển người Ba Lan, Janusz Olejniczak) vừa mang vẻ đẹp dịu dàng trong trẻo lại vừa có sức mạnh hiên ngang, quật cường vượt lên trên bom đạn, vượt lên sự giết chóc và hơn hết, vượt lên trên cả sự tàn ác ghê rợn nhất trong tâm hồn con người. Cuộc chạy trốn của Szpilman khỏi sự truy đuổi của quân phát xít Đức tạo ra nhiều cảnh quay đắt giá, hồi hộp và gây nhiều cảm xúc tới khán giả. Nhưng phân đoạn Wilhelm Hosenfeld, gã Đại úy Đức, phát hiện ra nơi Szpilman ẩn nấp là phân đoạn xúc động và đẹp hơn cả.
Khi bị Hosenfeld bắt gặp trong ngôi nhà hoang, Szpilman sợ đến nỗi không nói lên lời:
Anh làm nghề gì?
Tôi là… tôi đã là một nghệ sĩ dương cầm.
Và khán giả có thể cũng đã tuyệt vọng cho số phận của người nhạc sĩ Do Thái. Thế nhưng một khi đặt tay lên phím đàn piano, Szpilman dường như trở thành một con người khác. Không còn đói khát, khổ đau và sợ hãi, trước mắt người xem chỉ còn lại một nghệ sĩ dương cầm đang say sưa tấu lên khúc nhạc Chopin lay động lòng người. Tiếng đàn lấp đầy căn nhà bỏ hoang giữa thủ đô Ba Lan đổ nát do chiến tranh, lấp đầy trong đôi mắt lấp lánh vì xúc động của Hosenfeld. Khoảnh khắc một tên lính phát xít – hiện thân của cái ác đến cùng cực – chìm đắm trong bản ballad tuyệt đẹp, chúng ta có thể tin tưởng rằng cái chân, thiện, mỹ sẽ luôn có sức mạnh để vượt qua tất cả những vùi dập của chiến tranh, để lay động và cảm hoá con người trở về với tình yêu, với lòng tin vào cuộc sống.
The Pianist sẽ được trình chiếu tại Tổ Chim Xanh vào tối thứ 3 (10/07/2018). Chương trình chiếu phim hàng tuần đề tài phản chiến của Tổ Chim Xanh sẽ bao gồm series 5 bộ phim. Bạn có thể theo dõi trang sự kiện của nhà tổ chức để xem lại những bộ phim đã chiếu và cập nhật thông tin lịch chiếu tiếp theo.