Home Ý Kiến Triển lãm “Ngày thứ 49” phần 2: Một chiều sâu mới của...

Triển lãm “Ngày thứ 49” phần 2: Một chiều sâu mới của tranh Nguyễn Ngọc Phương

Đăng vào
0


Triển Lãm “Ngày thứ 49“ của hoạ sĩ Nguyễn Ngọc Phương đã kết thúc, tuy nhiên những cảm giác mà tranh của anh để lại, có lẽ vẫn in lên trí nhớ thị giác của người xem.

Thoạt nhìn qua tiêu đề triển lãm, “Ngày thứ 49″ có lẽ nhiều người sẽ liên tưởng đến một ngày tâm linh trong truyền thống Việt. Đối với Ngọc Phương, cá nhân anh quan niệm “ngày thứ 49” không xuất phát từ ý nghĩa siêu thoát hay đắc đạo, với anh đó là một thời khắc, điểm chuyển, từ tốt sang xấu, sang một trạng thái khác mới, từ thế giới này sang thế giới khác.

Loạt tranh khổ lớn này là cả một quá trình mười năm chuẩn bị, nghiên cứu công phu của anh trong nghệ thuật biểu đạt trừu tượng. Khác với sê-ri đầu của “Ngày thứ 49“, được triển lãm hồi tháng 4/2018, loạt tranh trong phần hai đã bỏ xa cái trừu tượng phức tạp để đi đến một độ sâu mới trong khám phá suy tư con người. Nói cách khác, anh thể hiện qua những bức vẽ khổ lớn lần này một chiều sâu mới từ chính những trải nghiệm của mình trong việc đi tìm cái hình hài của tư duy, của suy nghĩ cảm xúc.

Khi được hỏi lý do làm việc trên tranh khổ lớn, khi mà hiện tại có rất hiếm các hoạ sĩ Việt Nam chọn hình thức này. Anh nói, mỗi nghệ sĩ biết chọn cho mình một phương thức biểu đạt. Khổ tranh, cũng như cách chọn màu, đều là công cụ để người hoạ sĩ chuyển suy nghĩ cũng như tiếng nói của mình sang ngôn ngữ hình ảnh. Các bức tranh khổ lớn của anh, kết hợp với những hình khối đồ sộ và sự chuyện động đang diễn ra trong nó, như đang muốn ôm trọn lấy người xem. Nó đưa con mắt người xem hướng đến những chuyển động diễn ra trong đó. Nhờ đó ta có cảm giác như mình bị bao quanh bởi những suy tư, cảm xúc mà hoạ sĩ đã chuyển hoá lên bức tranh.

Nếu như ở “Ngày thứ 49” phần một, anh đã đưa cho người xem cái trừu tượng của các bậc cảm xúc như hoang mang, bất định, cảm giác bất an trong quá khứ và thiên nhiên…, thì đến lần này, anh tập trung đi sâu vào tư duy nội tâm, diễn tả qua hình khối con người “sự thay đổi bên trong mà nhiều lúc ta không tự nắm bắt được”.

Ở loạt tranh “Bên trong”, Ngọc Phương vẽ các hình khối săn chắc, tượng trưng cho cơ thể con người. Những cơ thể đồ sộ, đang cô độc trên nên tranh tối giản, hoặc nhiều cơ thể đang cuốn lấy nhau, hoà quyện cùng nhau nhưng vẫn toát nên sự kháng cự. Hoạ sĩ để ta nhìn thấu suốt vào trên trong những con người ấy, để cảm nhận được cảm giác mà các nhân vật đang phải gánh chịu. Các đường cong cuốn lấy nhau như có sự giằng xé, tranh chiếm, như một cơn bão đang dần mạnh lên, đem các con sóng lớn và gió mạnh chồng chéo lên nhau.

Với “Chuyển”, loạt tranh siêu lớn cấu tạo từ ba đến năm bức tranh lớn khác, đứng riêng biệt trải gần hết bức tường của phòng tranh, anh đưa chúng ta đến một thế giới khác, một thế giới của muôn vàn các chuyển động thay đổi. Hình ở đây mềm hơn, không có sự co cứng nhưng lại rộng và bao phủ gần hết bức tranh. Nó dường như muốn lan rộng ra, ăn trọn lấy toàn bộ bức tranh và muốn tiến đến người xem. Bên trong đó là rất nhiều các trạng thái chuyển động khác nhau. Nhiều đường nét to được vẽ khoáng tay, tạo ra nhưng chuyển động mạnh mẽ. Cũng có các chi tiết nhỏ nhưng xuất hiện nhiều như các vệt nước đang di chuyển. Những chuyển động trông có vẻ phức tạp nhưng lại tạo nên một sự hài hòa nhất định, không u tối như loạt tranh “Bên trong”.

Về màu, anh sử dụng màu sắc có ánh vàng, bạc kết hợp với các màu tối tạo ra tâm thái bí ẩn, lôi kéo những cũng rất khó để định hình. Như thể ta đang lạc sang một thế giới khác đầy kì bí vô định. Những ánh vàng và bạc này khi quan sát gần sẽ thấy chúng là những hạt rất nhỏ, có lẽ như “những phù du, bay bổng, lãng mạn, hoang mang nhất, cô độc nhất , trần trụi nhất trong tâm hồn tôi“.

Khi được hỏi tại sao anh lại chọn những suy tư này để vẽ, anh nói: “Con người chúng ta luôn có sự yêu thương và muốn cống hiến hết mình cho xã hội. Nhưng trong bối cảnh phát triển của xã hội đương đại, ta gặp phải muôn vàn yếu tố tiêu cực đẩy lùi những suy nghĩ tích cực, đưa chúng ta vào thế phải suy tư, ngâm trầm, nảy ra những cảm xúc vô định mà chúng ta không nắm bắt được”. Đó là điều – mà Nguyễn Ngọc Phương trong suốt mười năm nay – rong ruổi phiêu bạt để tìm tòi nghiên cứu và định hình được nó.

Thưởng thức tranh trừu tượng không phải là dễ, và để vẽ nên một bức tranh biểu hiện trừu tượng, người nghệ sĩ lại càng không thể làm qua loa. Tranh trừu tượng đòi hỏi một người nghệ sĩ có những cảm xúc sâu sắc, những suy nghĩ thấu đáo cùng khả năng tự chủ để đưa cảm xúc mình muốn biểu đạt lên bề mặt tác phẩm, và từ tác phẩm truyền cảm xúc tới người xem. Đó là cái khó của tranh trừu tượng. Và ở đây, Nguyễn Ngọc Phương đã cho người thưởng tranh một cái nhìn mới về chiều sâu của sự suy tư, cảm nhận được những cảm giác “khó nắm bắt” qua những bức tranh khổ lớn đầy công phu của anh. Hiện tại anh vẫn đang tiếp tục đi sâu vào những tìm tòi của mình và hứa hẹn với người xem phần ba của sê-ri tác phẩm trong thời gian không xa.

Còn dưới đây là phần hỏi đáp ngắn với Nguyễn Ngọc Phương:

Tại sao anh lại chọn tranh khổ lớn?

Có những câu chuyện cho những cái tranh bé. Với loạt tranh này, mình chọn tranh khổ lớn để cho đủ cái mình muốn nói một cách dễ dàng hơn. Một cơ thể lớn đang quằn quại, xoắn loặn, để nói được hết những gì đang diễn ra trong đó, mình thấy tranh khổ lớn là thích hợp nhất để nhìn rõ được.

Hình khối chính trên tranh được vẽ rất phức tạp, công phu. Tại sao anh chỉ để trên nền có màu sắc đơn giản?

Mình muốn để sự tương phản mạnh giữa hình nền và nhân vật, để muốn nói rõ hơn về nhân vật. Tất cả mình sẽ để nền đơn giản nhất có thể. Đây là dạng trường phải biểu hiện. Nó sẽ làm cho những nhân vật nói được tiếng nói mạnh mẽ và cô đọng nhất của tác giả.

Anh có dự định đưa ra “Ngày thứ 49” lần thứ ba?

Có. Trong tư duy của mình, cái tên này là một quá trình xuyên suốt trong 10 năm làm việc, vậy nên mình sẽ có ít nhất một lần thứ ba nữa, để đóng lại câu chuyện của “Ngày thứ 49” và bắt đầu một sự nghiên cứu, tìm tòi cái mới.

Xin cảm ơn anh!

Ảnh bởi U.Ly và namnggg

NO COMMENTS

Leave a Reply