Kêu gọi tham dự: Hình của Nhạc – Phiên 1: Kết nối di sản
Chương trình Lưu trú Nhạc thể nghiệm Đom Đóm “Hình của Nhạc”
Phiên 1: Kết nối di sản
Kêu gọi tham dự
Sự kiện công bố: 07/03/2020
Hạn chót đăng ký: 20/04/2020
Thời gian lưu trú: 05/2020 – 10/2020
Thông tin từ nhà tổ chức
“Hình của Nhạc” là chương trình lưu trú và phòng thí nghiệm xúc tác đầu tiên dành riêng cho các hình thức âm nhạc mới do Đom Đóm khởi xướng và vận hành nhằm phát triển các tác giả và tạo ra các tác phẩm mới cho âm nhạc đương đại và thể nghiệm Việt Nam. Phiên đầu tiên của chương trình với chủ đề: Kết nối Di sản, được tài trợ bởi Quỹ FAMLAB của Hội Đồng Anh Việt Nam trao cơ hội cho 4-5 nhạc sĩ/nhóm nghệ sĩ trẻ làm việc có chiều sâu với các loại hình, yếu tố đa dạng của 5 loại hình âm nhạc và nghệ thuật sân khấu truyền thống của Việt Nam với sự đồng hành của các cố vấn nhạc sĩ có bề dày hoạt động và cách tiếp cận di sản đa dạng để từ đó triển khai ý tưởng, sáng tác và thực hiện 4-5 tác phẩm âm nhạc mới trong 6 tháng lưu trú. 4-5 tác phẩm mới hình thành sẽ được công diễn tại Hà Nội vào cuối kỳ lưu trú. Các nhạc sĩ/nhóm nghệ sĩ có tác phẩm xuất sắc còn có cơ hội được chọn trình diễn tại Liên Hoan Nhạc Mới Hà Nội 2021.
Về Đom Đóm
Thành lập bởi nhạc sĩ Trần Kim Ngọc, Trung tâm Âm nhạc & Nghệ thuật Thể nghiệm Đom Đóm là tổ chức phi lợi nhuận dành cho các hoạt động phát triển âm nhạc thể nghiệm đương đại và sự liên kết đa ngành của nó với các loại hình nghệ thuật thử nghiệm khác. Đom Đóm hiện đang cung cấp các lớp đào tạo nhạc sĩ đương đại thể nghiệm; không gian sinh hoạt âm nhạc và nghệ thuật thể nghiệm trong nước kết nối với khu vực và quốc tế; và các chương trình phát triển khán giả cho âm nhạc và nghệ thuật thể nghiệm Việt Nam. Là một phần cơ học của một cỗ máy lớn, Đom Đóm phấn đấu trở thành một động cơ bền bỉ, hiệu quả góp phần kích hoạt và nâng cao nhận thức của khán giả và cộng đồng thực hành nghệ thuật về tầm quan trọng của âm nhạc thể nghiệm và đương đại trong hệ sinh thái phát triển văn hoá Việt Nam.
Về FAMLAB
Quỹ FAMLAB (Phim, Nhạc và Lưu trữ) dành cho các cá nhân, các nhóm thực hành nghệ thuật và các tổ chức tại Việt Nam hoặc Vương quốc Anh có tiềm năng tạo ra ảnh hưởng bền vững và lâu dài cho các cộng đồng di sản văn hóa cũng như nghệ thuật.
Thời gian lưu trú
Giai đoạn 1: 05/2020 – 06/2020 – Chia sẻ kiến thức và thực hành chuyên môn gồm những nội dung sau:
– 1 buổi ra mắt chính thức của 5 nhạc sĩ/nhóm nghệ sĩ được lựa chọn trước ban tổ chức, các cố vấn, chuyên gia và nghệ nhân tham dự chương trình để trình bày, chia sẻ về bản thân và dự án/tác phẩm sáng tác mà họ theo đuổi nhằm bước đầu thiết lập mối quan hệ hợp tác cho thời gian lưu trú sau này;
– 4 buổi tọa đàm lắng nghe chia sẻ từ các nghệ sĩ cố vấn được tổ chức mỗi tuần một lần là cơ hội để các nghệ sĩ/nhóm nghệ sĩ lưu trú tìm hiểu và thảo luận theo chủ đề chuyên sâu về các khía cạnh kỹ thuật và phương pháp thực hành cá nhân của mỗi nghệ sĩ cố vấn.
– 5 Tour cùng nghệ nhân mỗi tuần một lần sẽ là dịp đưa các nghệ sĩ lưu trú đến với các “live stage” hoặc không gian văn hoá thực địa của 5 loại hình âm nhạc truyền thống Việt Nam cùng các nghệ nhân, sau mỗi buổi sẽ là phần trao đổi, thảo luận nóng cùng nghệ nhân. Một bộ tư liệu nghiên cứu chuyên môn cũng được thành lập làm sơ sở cung cấp cho ứng viên các kiến thức chuyên sâu về các loại hình âm nhạc và sân khấu truyền thống bao gồm: Tuồng, Chèo, Quan Họ, Ca trù, Chầu Văn.
Giai đoạn 2: 06/2020 – 10/10/2020 – Sáng tác và thực hiện tác phẩm bao gồm các nội dung hoạt động chính:
– Đối thoại cùng Cố vấn: là các buổi gặp gỡ làm việc riêng giữa các nhạc sĩ/nhóm nghệ sĩ lưu trú và cố vấn nhằm phát triển ý tưởng đã đề xuất và triển khai thực hiện tác phẩm. Mỗi nhạc sĩ/nhóm nghệ sĩ lưu trú được quyền chọn và đăng ký 1 cố vấn CHÍNH để cùng đồng hành trong suốt thời gian lưu trú. Ngoài ra các bạn còn có thể đăng ký số lượng giới hạn các buổi buổi tư vấn riêng với những nghệ sĩ thành viên còn lại trong ban cố vấn. Địa điểm, thời gian và tần xuất của các buổi gặp gỡ do nghệ sĩ lưu trú và cố vấn cùng bàn bạc, quyết định. Tuy nhiên các buổi gặp gỡ với cố vấn CHÍNH được khuyến khích hai tuần một lần tại không gian làm việc cá nhân của các nhạc sĩ cố vấn nhằm giúp các nghệ sĩ trẻ được tiếp xúc và làm việc trong điều kiện có tính đặc thù của mỗi loại thực hành âm nhạc.
– Thảo luận nhóm: các phiên làm việc nhóm tổ chức hai hoặc ba tuần một lần là cơ hội để nghệ sĩ/nhóm nghệ sĩ lưu trú chia sẻ tiến độ tác phẩm của mình trước ban cố vấn, lắng nghe các góp ý và phản biện chuyên môn.
– Thuyết trình giữa kỳ (Midterm presentation): Vào tháng cuối của thời gian lưu trú, mỗi nghệ sĩ/nhóm nghệ sĩ lưu trú sẽ có cơ hội trò chuyện trước công chúng để giới thiệu về thực hành nghệ thuật của bản thân và tác phẩm thực hiện trong kỳ lưu trú (sẽ trình diễn trong buổi biểu diễn kết thúc dự án).
– Song song với các hoạt động này, các nghệ sĩ tự do tổ chức thời gian theo ý mình để có thêm các hoạt động mở rộng với nghệ nhân nhằm phát triển tác phẩm như học nhạc/hát/múa/diễn, thử vai và luyện tập bằng kinh phí chủ động đã được cấp.
Ngày 17/10/2020: Buổi biểu diễn các tác phẩm sáng tác sau quá trình tham gia chương trình lưu trú – bế mạc kỳ lưu trú.
Đối tượng tham dự
Chương trình dành cho tất cả các nhạc sĩ và nhóm nhạc sĩ/nghệ sĩ trẻ người Việt hiện đang sinh sống tại Việt Nam thực hành nhạc thể nghiệm và các loại hình âm nhạc có hình thức mới hoặc xuyên ngành (transdisciplinary). Các nhạc sĩ cũng có thể kết hợp với 1 hoặc vài nghệ sĩ từ các lĩnh vực nghệ thuật khác như sân khấu, thơ văn, thị giác, các loại hình nghệ thuật biểu diễn mới-cũ và new media để thực hiện 1 tác phẩm hợp tác liên ngành (số lượng nghệ sĩ tham gia ko giới hạn).
(Nếu bạn nộp đơn theo tư cách nhóm, người đứng đơn và chủ trì tác phẩm phải là nhạc sĩ/nghệ sĩ âm thanh)
Hồ sơ tham dự
Vui lòng điền đầy đủ các mục trong mẫu đơn tại đây bằng tiếng Việt bao gồm các nội dung sau:
1. Thông tin ứng viên
Vui lòng cung cấp đầy đủ thông tin liên hệ của bạn hoặc nhóm của bạn.
2. CV
Vui lòng gửi một bản CV của bạn với đầy đủ thông tin chi tiết về học vấn (không bắt buộc) và tổng quan các hoạt động nghệ thuật liên quan của cá nhân/nhóm
3. Portfolio
Vui lòng gửi một tập portfolio có thể giúp người xem hiểu về các hoạt động, tác phẩm nghệ thuật liên quan của bạn trước đây bao gồm:
– Không quá 5 ảnh chụp tác phẩm định dạng Jpeg (nếu là tác phẩm thị giác);
– Không quá 5 đường link để xem hoặc nghe tác phẩm online (nếu là các tác phẩm âm nhạc hoặc các loại hình biểu diễn trong đó các loại hình biểu diễn ngoài âm nhạc thì bắt buộc phải là link video để xem.)
– Một phần giải thích và ghi chú cho các tác phẩm có ảnh hoặc link dẫn (tên tác phẩm/tác giả, ngày tháng sáng tác, ngày tháng và nơi chốn biểu diễn, ý tưởng/nội dung tác phẩm, cách làm). Chú ý đánh số từng phần giải thích theo thứ tự của từng ảnh và từng link để ban giám khảo tiện theo dõi.
4. Nguyện vọng tham gia chương trình
Vui lòng cho biết lý do bạn muốn tham dự chương trình (không quá 500 chữ) và một tuyên ngôn nghệ thuật cá nhân nêu rõ những quan niệm chung và nền tảng triết lý nghệ thuật của bản thân (không quá 300 chữ).
5. Đề xuất ý tưởng
Vui lòng gửi một đề xuất ý tưởng tác phẩm (không quá 1000 chữ) nêu rõ:
1/ Ý tưởng tác phẩm liên quan với đề tài Kết Nối Di Sản hoặc/và sử dụng chất liệu của 5 loại hình âm nhạc truyền thống Việt Nam chầu văn, ca trù, quan họ Bắc ninh, tuồng, chèo;
2/ Hình thức dự tính của tác phẩm;
3/ Định hướng, cách làm và phương án dự tính thực hiện tác phẩm trong quá trình 6 tháng lưu trú.
– Ngoài ra vui lòng cung cấp thêm thông tin về các mối quan tâm liên quan, các nguyện vọng về kiến thức và hỗ trợ mà các bạn mong muốn nhận được trong thời gian tham gia kỳ lưu trú.
6. Cam kết tham dự
Một khi được lựa chọn tham gia chương trình, tức là bạn đồng ý với những Yêu cầu cam kết ở mục bên dưới.
Yêu cầu cam kết
Tham gia đầy đủ và tích cực các hoạt động trong khuôn khổ chương trình kéo dài từ giữa tháng 4 tới giữa tháng 10 năm 2020.
Sáng tác và dàn dựng hoàn thiện một tác phẩm âm nhạc thể nghiệm đề tài Kết nối di sản trong thời gian quy định của chương trình. Tác phẩm có thể được hình thành và trình hiện dưới bất cứ hình thức nào: biểu diễn, sắp đặt, tương tác, nghệ thuật can thiệp, nghệ thuật hành vi, nghệ thuật xuyên ngành, âm nhạc nhà hát v.v…
Hạn chót nhận đăng ký tham dự
Hồ sơ đăng ký tham dự chương trình được tiếp nhận từ ngày 09/02/2020 đến hết ngày 20/04/2020. Bất cứ Đơn đăng ký nào gửi sau thời hạn này đều không được đưa vào vòng xét duyệt hồ sơ.
Vui lòng điền đơn tham dự theo mẫu rồi chuyển sang định dạng file PDF và gửi tới địa chỉ email [email protected]
Số lượng người tham dự
4-5 nghệ sĩ/nhóm nghệ sĩ
Quyền lợi người tham dự
– Mỗi nghệ sĩ hoặc nhóm nghệ sĩ sẽ được nhận 20.000.000 VND chi phí sản xuất tác phẩm (thanh toán làm 2 lần, lần thứ nhất 70% sau khi kết thúc giai đoạn 1 của kỳ lưu trú, lần hai 30% vào lúc kết thúc giai đoạn 2 của kỳ lưu trú)
– Chi trả phí đi lại cho người tham dự đến từ các tỉnh thành ngoài Hà Nội. Vé máy bay khứ hồi hạng economy hoặc tàu xe tuỳ địa điểm.
– Trợ cấp sinh hoạt 2tr/tháng cho người/nhóm tham dự đến từ tỉnh thành ngoài Hà Nội.
– Hỗ trợ nơi ở trong thời gian diễn ra chương trình cho người/nhóm tham dự đến từ các tỉnh thành ngoài Hà Nội.
– Quyền truy cập vào cơ sở sở dữ liệu 5 loại hình âm nhạc và sân khấu truyền thống Việt Nam bao gồm Quan Họ, Ca trù, Chầu Văn, Tuồng, Chèo do nhóm dự án sưu tầm và xây dựng.
– Trải nghiệm không gian văn hoá thực địa và gặp gỡ, chia sẻ chuyên sâu với các nghệ nhân và chuyên gia của năm loại hình âm nhạc và sân khấu truyền thống: Quan Họ, Ca trù, Chầu Văn, Tuồng, Chèo.
– Nhận được sự cố vấn trực tiếp, làm việc, chia sẻ và học hỏi từ các nhạc sĩ, nghệ sĩ gạo cội, với bề dày kinh nghiệm.
– Hỗ trợ để phát triển tác phẩm mới: studio cơ bản để làm việc, kỹ thuật sản xuất và hậu kỳ (theo bảng kế hoạch và đăng ký cụ thể sau khi giai đoạn 1 của dự án kết thúc.
– Bổ trợ các kỹ năng cần thiết bao gồm: tư duy sáng tác, các vấn đề liên quan tới nền tảng nhận thức, phản biện và triết học của 1 tác giả âm nhạc, các đề xuất cách tiếp cận di sản âm nhạc và sân khấu, các vấn đề kỹ thuật, công nghệ cho âm nhạc thể nghiệm, quá trình ý niệm, lên ý tưởng cho tác phẩm, các cách kết hợp sáng tác liên ngành cho một tác phẩm âm nhạc, v.v…
– Cơ hội trình diễn tác phẩm tại chương trình Gương mặt trẻ hoặc Kết nối di sản thuộc Liên Hoan Nhạc Mới Hà Nội 2021 dành cho các tác phẩm được hội đồng cố vấn đánh giá xuất sắc.
Quá trình lựa chọn
Việc lựa chọn sẽ do Domdom và hội đồng cố vấn thực hiện.
Thành viên hội đồng giám khảo
1. Trần Thị Kim Ngọc – Nhạc sĩ, Giám đốc Domdom
2. Nguyễn Xuân Sơn (Sonx) – Nhạc sĩ
3. Nhóm Cao Thanh Lan và Gregor Siedl- Nhạc sĩ/Cao&Siedl Duo
4. Alec Schachner – Nhạc sĩ nhạc điện tử, nhà sản xuất và kỹ sư âm thanh
Quyết định của ban giám khảo là cuối cùng và sẽ không có phúc tra.
Thông báo kết quả
Các ứng viên được lựa chọn sẽ được thông báo vào tháng 5/2020 qua email.
Các đường link liên quan:
Để biết thêm thông tin hoặc giải đáp các thắc mắc vui lòng liên hệ:
Phạm Út Quyên – Điện thoại: +84 949105970
Điều phối Chương trình, Email: [email protected]