Trò chuyện: “NGHĨ và VIẾT về NGHỆ Thuật” & giới thiệu sách ” Song hành với nghệ thuật”
14:30, Chủ nhật 18/10/2020
CA’ Library – thư viện sách nghệ thuật và kiến trúc
Tầng 3, tòa nhà Agohub
Số 12, Hòa Mã, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Thông tin từ ban tổ chức:
Về cuốn sách Song hành với Nghệ thuật
– Song hành với Nghệ thuật là ấn phẩm gồm 43 bài viết chọn lọc của nhà báo Đào Mai Trang, người theo dõi đời sống sáng tác mỹ thuật/nghệ thuật thị giác ở Việt Nam từ hơn 20 năm qua. Ấn phẩm được cấp giấy phép xuất bản và phát hành của Nxb Thế giới, tháng 7 & 8- 2020, in màu trên giấy mỹ thuật, khổ 23×16,7cm, dày 296 trang.
– Song hành với Nghệ thuật còn bao gồm 141 hình ảnh tác phẩm, không gian nghệ thuật ngoài trời, trong nhà, do nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ cung cấp, với chất lượng hình ảnh tốt. Qua đây, bạn đọc có thể hình dung rõ nét hơn về sự đa dạng, phong phú của đời sống nghệ thuật Việt Nam trong vòng 7 năm qua, bên cạnh nội dung các bài viết.
Song hành với Nghệ thuật có ba phần nội dung.
Phần 1 gồm 29 bài trò chuyện, phỏng vấn với các nghệ sĩ, curator, nhà nghiên cứu về nhiều vấn đề trong đời sống mỹ thuật/ nghệ thuật thị giác Việt Nam, thời gian cụ thể được giới hạn từ năm 2013 trở lại đây. Trong đó, bạn có thể gặp lại những tên tuổi và hình ảnh tác phẩm của nhiều thế hệ nghệ sĩ: từ những nhà điêu khắc lão thành như Tạ Quang Bạo, đến một số gương mặt đáng chú ý thuộc thế hệ sau ông, như Bùi Hải Sơn, Nguyễn Nguyên Hà, Thái Nhật Minh; từ những nghệ sĩ chỉ chuyên chú với gốm Việt như Nguyễn Trọng Đoan đến người luôn dành tình yêu nguyên thủy cho gốm dù cũng đi qua nhiều ngả rẽ này khác trong thế giới nghệ thuật, như Nguyễn Bảo Toàn; từ nhân vật bền bỉ, lặng lẽ với thể nghiệm của cá nhân từ thập niên 1970 như Vũ Dân Tân đến những nghệ sĩ đương đại của hôm nay như Nguyễn Huy An, Nguyễn Phương Linh, Bàng Nhất Linh; những không gian nghệ thuật đáng chú ý như Sàn Art, Matca, Nghệ thuật trong rừng, Triển lãm điêu khắc Hà Nội -–Sài Gòn (định kỳ 02 năm); những cá nhân họa sĩ kiên định đi trên con đường riêng của mình như Đoàn Văn Nguyên, Đỗ Minh Tâm, Trần Nhật Thăng; một số định nghĩa riêng về tâm hồn Việt Nam của các nhiếp ảnh gia Mỹ: Catherine Karnow, Lawrence D’Attilio, nghệ sĩ vải sợi người Hàn Quốc Lee Sung Soon… hay những sáng tạo riêng biệt rất đáng chú ý của Phan Hải Bằng, Vương Văn Thạo,… các bải viết trong Phần 1 này lại được xếp vào 04 chủ đề: Nghệ thuật và sự tự nhận thức; Nghệ thuật và tính địa phương; Nghệ thuật và cảm hứng dân tộc; Nghệ thuật và trách nhiệm xã hội.
Phần 2 của sách là 06 bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả về sáng tác của các họa sĩ: Lê Thanh Sơn, Vũ Bích Thủy, Đỗ Hiệp, Nguyễn Ngọc Đan, Mai Duy Minh, Bảo Vương.
Phần 3 chứa đựng rất nhiều thông tin và luận điểm của cá nhân tác giả về hai chủ đề lớn trong đời sống mỹ thuật Việt Nam lâu nay: thị trường mỹ thuật với các rắc rối, hệ lụy từ nạn tranh giả – tranh sao chép: nguồn gốc lịch sử và hiện trạng, tác động từ cơ chế quản lý của nhà nước với các bài phân tích được cập nhật đến tháng 05/2020; tương lai của điêu khắc và nghệ thuật công cộng nhìn từ cách ứng xử của từ chính quyền đến cá nhân người dân.
Một thú vị là cả ba phần nội dung đều có sự liên nối với nhau, giúp bạn dễ dàng tiếp cận với bối cảnh rộng lớn hơn của đời sống nghệ thuật đất nước nói riêng, đời sống văn hóa nói chung của chúng ta.
Ấn phẩm Song hành với Nghệ thuật được thành hình nhờ một phần quan trọng vào sự ủng hộ, khuyến khích của các bạn trong cộng đồng Facebook của tác giả, đặc biệt là những tương trợ không toan tính của một số người bạn trong lĩnh vực mỹ thuật chung mong muốn có được một cuốn sách thú vị, nghiêm túc về lĩnh vực này để cùng đọc và suy ngẫm. Đây là lý do cốt lõi thúc đẩy tác giả và ekip thực hiện cuốn sách này như một dự án phi lợi nhuận: giảm thiểu toàn bộ các chi phí trung gian và lợi nhuận (nếu có).
Về tác giả:
Đào Mai Trang có hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí ở Việt Nam, trong đó hầu hết thời gian làm việc của chị là dành cho việc tìm hiểu và viết về mỹ thuật/ nghệ thuật thị giác. Chị là tác giả của một số cuốn sách chuyên khảo trong lĩnh vực này, như A Journey through Vietnamese Art (two vols)/ Một chuyến du ngoạn cùng nghệ thuật Việt Nam, hai tập, đồng tác giả tập 1: Trần Thị Biển (tiếng Anh, Salon Saigon và Trails of Indochina, 2018 – 2019); Họa sĩ khóa Kháng chiến (1950 – 1954) (Nxb Mỹ thuật, 2017), Nghệ thuật và tài năng, một cận cảnh về thế hệ nghệ sĩ 8X của Mỹ thuật Việt Nam (NXB Phụ nữ, 2014)…
Chị hiện là biên tập viên chuyên mục Mỹ thuật – Kiến trúc, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch). Bài viết của chị trên các ấn phẩm của Nhân Dân thường dưới bút danh: Phong Vân, Chi Mai, Đào Mai Trang…
Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.