Trò chuyện: ‘Phong cảnh không ngây thơ’
15:00 – 17:00, Thứ bảy 12/12/2020
Sự kiện diễn ra trực tuyến qua ZOOM với phiên dịch song ngữ Anh-Việt
Thông tin từ ban tổ chức:
Là một hình thức hội hoạ phổ biến trong mỹ thuật phương Đông và phương Tây, tranh phong cảnh có khả năng phản ánh đa chiều những nhận thức của con người, thể hiện sinh thái văn hóa, bối cảnh chính trị, ý niệm tôn giáo. Vậy nhưng, phong cảnh trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam – từ khi bắt đầu tới đầu thế kỷ XX – lại không phải là điểm nhấn (thể hiện qua việc phong cảnh ít xuất hiện trong tranh dân gian Đông Hồ, Kim Hoàng, Hàng Trống; hoặc mơ hồ thấp thoáng đâu đó trong trang trí kiến trúc cổ, nhưng lại không cụ thể về nơi chốn hay địa danh).
Vậy, phong cảnh trong nghệ thuật Việt Nam (với trọng tâm là hội hoạ) đã thay đổi như thế nào từ đầu thế kỷ XX tới nay, đạt được những thành tựu gì quan trọng, và đặt ra những vấn đề gì cần trao đổi? Chẳng hạn, hội hoạ ở thời Pháp thuộc mang tính Lãng mạn cao, thường mô tả quang cảnh cuộc sống thường nhật của lớp trung-thượng lưu, hoặc chim hoa cá gái. Sau này khi chuyển sang dạng thức Hiện thực Xã hội, hội hoạ chú trọng vào hình tượng các nhà hoạt động chính trị và sĩ công nông binh, đồng thời tiếp truyền tinh thần yêu nước cho nhân dân. Sau thời kỳ Đổi Mới, phong cảnh xuất hiện trong hội họa dành cho khách du lịch, tiếp tục ngoại lai hoá những mường tượng của người nước ngoài về một Việt Nam bình dị. Lứa nghệ sĩ thử nghiệm (từ cuối những năm 1990 tới hiện tại) ở khắp các miền lại khám phá những khía cạnh khác về phong cảnh của xã hội Việt Nam, liên tục chất vấn cả di sản lẫn hậu quả mà quá trình hiện đại hoá-công nghiệp hóa mang lại. Trong văn hoá đại chúng, ta khó có thể bỏ qua một hiện tượng khác: sự lên ngôi của tranh phong cảnh thêu thùa tỉ mẩn, dát vàng dát bạc, được làm từ đá hay gỗ quý; xuất hiện nhan nhản như những những biểu tượng của quyền lực tiền tài.
Vậy, phong cảnh xuất hiện trong nghệ thuật Việt Nam có khởi nguồn và lịch sử phát triển như thế nào? Dựa vào các phong trào/phong cách nghệ thuật khác nhau (từ Lãng Mạn, Hiện thực Xã hội, tới Trừu tượng, Pop Art và nhiều hơn thế), ta có thể gọi tên, điểm mặt những cột mốc nào đánh dấu sự thay đổi trong cách thức biểu đạt thị giác về phong cảnh? Những hệ thống niềm tin, lý tưởng và mường tượng về chức năng của nghệ thuật trong xã hội, đã ảnh hưởng ra sao tới việc phong cảnh trở thành không chỉ là nhân chứng không ngây thơ, mà còn là nhân tố góp phần thay đổi tình hình xã hội, văn hoá, chính trị địa phương? Các băn khoăn trên sẽ được nhà nghiên cứu nghệ thuật – nghệ sĩ thị giác Trần Hậu Yên Thế trao đổi và bàn luận trong sự kiện cộng đồng tiếp theo xoay quanh dự án Gióng chỉnh Ngũ hành của The Factory
Phí tham dự:
– Người lớn: 100,000đ
– Hội viên Inner Circle/ Học sinh-Sinh viên: 40,000đ
Xem thêm thông tin về chương trình và mua vé tại đây.
Chúng tôi sẽ gửi hướng dẫn và đường dẫn đến buổi trò chuyện trên ZOOM qua email của bạn trước 02 ngày sự kiện diễn ra.
Cập nhật thêm thông tin từ trang sự kiện.