Triển lãm: Mù dạ quang

Triển lãm: Mù dạ quang

Posted on
0

10:00 – 19:00, Thứ ba – Thứ bảy 22/12/2020 – 10/02/2021
Galerie Quỳnh
118 Nguyễn Văn Thủ, Đa Kao, Quận 1, TP.HCM

Thông tin từ ban tổ chức:

Chính bằng cách cho thế giới mượn cơ thể của mình, người nghệ sĩ đã biến thế giới thành bức tranh.

– Maurice Merleau-Ponty, Mắt và Tâm Trí

Một viễn cảnh tưởng tượng: người họa sĩ giải phóng cơ thể mình khỏi khối hộp luật phối cảnh của Alberti. Anh ta vọt ra chốn thinh không, nơi chẳng tồn tại logic đường chân trời hay ánh sáng/bóng đổ trên vật thể. Anh thả trôi cơ thể, co duỗi, quẫy đạp, nhún nhảy, chổng mông hòng chạm vào bất cứ mặt phẳng nào trong môi trường đang bao bọc anh. Anh vận dụng các giác quan để cảm nhận cú bay trôi xuyên không – thời gian. Một vùng mù mờ xuất hiện ngay sau khi anh ta thoát khỏi khối hộp bịt mắt kia, lúc chưa tự dựng lại được miền không gian ổn định cho tâm trí mình. Ở vùng mù mơ hồ ấy, anh học cách bố trí đường chân trời mới bằng cách giả lập các bề mặt và cho xuất hiện đối tượng tương tác với chúng. Chúng không theo nguyên tắc trước sau của điểm hội tụ. Chúng theo nhịp điệu ngẫu nhiên của anh.

Một viễn cảnh tham chiếu: người họa sĩ phủ đầy vùng mù mờ vô định kia vô số lớp váng dạ quang. Lớp váng nửa đục nửa trong cho ánh sáng xuyên qua, hòa trộn lẫn nhau. Các đối tượng, mà họa sĩ từng cho xuất hiện tại đường chân trời mới, nay trở nên phấn khích. Họ ôm ấp, nhảy múa, nằm trườn trên những lớp váng dạ quang như hàng loạt thị dân của thế giới tân thời hiện đại đầu thế kỉ 20. Những năm ấy, nhờ cách mạng công nghiệp và công nghệ, ngành giải trí tiêu thụ tập trung khai thác phương pháp chiếu sáng/chiếu bóng và ảo ảnh từ nó. Chất tổng hợp và màu sắc – ánh sáng nhân tạo kích thích liên tục mọi giác quan, khiến lý trí tri nhận không ngừng về thế giới xung quanh. Tri nhận chói lòa, xen lẫn hiện thực cùng ảo giác. Đến lúc vượt ngưỡng chịu đựng của xác thể, giác quan không thể thu nạp thêm bất kỳ tín hiệu nào, họ tê liệt. Ngay lập tức, họa sĩ đông cứng họ trong tư thế ‘tĩnh do quá độ’.

Một viễn cảnh tái sản xuất: người họa sĩ trượt ngón tay trên màn hình cảm ứng điện thoại thông minh. Anh đang truy lùng các đối tượng chuyển động trôi nổi trong thế giới dữ liệu, nhằm nhân bản chúng vào miền thinh không dạ quang của mình. Anh thì thầm với thuật toán của Facebook: ‘Giải mã việc đọc dữ liệu của con ngươi mắt ta đi!’ Khỏi cần nhắc, với bản chất theo dõi tinh vi, thuật toán tất nhiên đã chạm liên tục vào anh, cố hình dung ra vật thể/ đối tượng/ cảnh tượng mà nhịp độ và thời lượng cú trượt, nhấn ngón tay của họa sĩ đang ám chỉ. Anh thì thầm với thế giới do thuật toán suy đoán và dựng lên cho mình: ‘Trượt theo những gì mà mắt ta thấy đi!’ Nhân vật/ Sự vật/Quang cảnh bèn phái sinh bản sao hình ảnh của chúng vào kho dữ liệu – nhà chứa xác thể ảo, rồi trượt từ màn hình kính của phương tiện sang bề mặt trơn bóng của resin, phim âm bản và phim nhựa trong.

Về Đỗ Thanh Lãng

Tiếp cận thực hành nghệ thuật với một bản năng hiếm có – có thể nhìn thấy ở các cạnh gai góc của tấm toan, hoặc những con côn trùng bị hoá thạch bởi nhựa resin – Đỗ Thanh Lãng ở trong vị trí thích hợp để khéo léo tạo ra miền thinh không từ thực tế khốc liệt. Với sự mơ hồ kỳ lạ, tác phẩm của anh tưởng như những mảnh ký ức, một ghi chép trực quan về những khoảnh khắc khi ta giao chuyển giữa hai trạng thái nhận thức và vô thức.

Sinh năm 1986 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đỗ Thanh Lãng học chuyên ngành Hội họa tại Đại học Mỹ thuật Hồ Chí Minh. Tác phẩm của anh đã được trưng bày ở nhiều triển lãm nhóm tại Việt Nam, như Dăm kết Mặt trăng, Galerie Quỳnh; Bồi Tích, Galerie Quỳnh; bài ca ve sầu giữa anh túc mùa

hạ, Galerie Quỳnh; Lò Cò, Galerie Quỳnh; Muối Rừng, triển lãm Việt Nam–Hàn Quốc, Seoul, Hàn Quốc; NGUCHONOBAY, được giám tuyển bởi Sao La, Galerie Quỳnh; Ngoài Lề Bảo Tàng, Sao La; Chung, PongDang Gallery; Trên Trời Rơi Xuống, Sao La; và Chị Tôi, Sàn Art.

Đỗ Thanh Lãng cũng đã tham gia Spot Art Singapore 2014 tại ARTrium@MCI, Singapore và chương trình nghệ sĩ lưu trú Brown Movement tại Heritage Space ở Hà Nội.

Đỗ Thanh Lãng sinh sống và làm việc tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Về Galerie Quỳnh

Được nhìn nhận là phòng tranh nghệ thuật đương đại hàng đầu Việt Nam, Galerie Quynh đã giúp thúc đẩy thực hành nghệ thuật đương đại tại Việt Nam trong suốt gần hai thập kỷ. Phòng tranh được biết đến ở tầm quốc tế qua những chương trình triển lãm chất lượng và các dự án giáo dục. Song song việc hợp tác chặt chẽ với một nhóm nghệ sĩ chọn lọc – từ những nghệ sĩ đã thành danh, những người đang trong giai đoạn phát triển, hay những nghệ sĩ mới nổi – phòng tranh còn trưng bày tác phẩm của nhiều nghệ sĩ có tên tuổi trên khắp thế giới. Với mục đích khuyến khích sự phát triển cơ sở hạ tầng và giáo dục nghệ thuật tại Việt Nam, phòng tranh hợp tác với các nghệ sĩ và nhà giám tuyển, và những không gian và địa điểm trong nước và trên quốc tế để tổ chức những buổi trò chuyện, thuyết trình cũng như phát hành nhiều ấn phẩm bằng hai ngôn ngữ Anh, Việt. Vào tháng 5 năm 2014, Galerie Quynh thành lập Sao La, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên về giáo dục nghệ thuật. Dưới sự dẫn dắt của các nghệ sĩ đang làm việc tại Đà Lạt là Nguyễn Kim Tố Lan và Nguyễn Đức Đạt, Sao La hiện tại bao gồm những nghệ sĩ trẻ với sự đam mê sáng tạo đa dạng, làm việc cùng nhau như một tập thể.

Một chương mới mở ra vào tháng 12 năm 2017 khi Galerie Quynh ra mắt không gian mới rộng

600m2 tại khu Đa Kao, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Trải rộng bốn tầng, không gian này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cộng đồng nghệ thuật Việt Nam, tạo điều kiện thực hiện những chương trình ngày càng tham vọng và tầm cỡ.

NO COMMENTS

Leave a Reply