Home Event Listings Art Nổ Cái Bùm: Đà Lạt mộng mơ

Nổ Cái Bùm: Đà Lạt mộng mơ

Posted on
0

Tranh của Hồng Phúc
Thiết kế của Trag Lem

Sự kiện tạm hoãn

Khai mạc: 18:00, Thứ bảy 08/05/2021
Lịch trình dự kiến: 08 – 15/05/2021
Rạp hát 3 Tháng 4
Khu Hoà Bình, Phường 1, Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Thông tin từ ban tổ chức:

Nổ Cái Bùm (NCB) là một tuần lễ nghệ thuật đương đại mang tính du hành do Đào Tùng (Nest studio), Nguyễn Thị Thanh Mai, Trương Thiện, Hoàng Ngọc Tú (Mơ Đơ art space) và giám tuyển Lê Thiên Bảo (Symbioses) khởi xướng vào năm 2020 tại Huế. Với tinh thần cởi mở và mong muốn kết nối cộng đồng yêu nghệ thuật trên khắp mọi miền đất nước, mỗi năm một lần, một/nhiều nhóm nghệ sĩ sẽ xung phong tổ chức NCB tại một thành phố khác nhau. Năm 2021, được sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, nhóm nghệ sĩ Sao La và LAP đứng ra thực hiện phiên bản Đà Lạt Mộng Mơ 2021.

Các đại triển lãm kết hợp tuần lễ văn hóa nghệ thuật vốn là một mô hình quen thuộc với lịch sử lâu đời. Dù là Venice Biennale ở Ý hay George Town Festival ở Mã Lai, dù ở Yogyakarta hay Singapore, tất cả các kỳ triển lãm lớn và lễ hội nghệ thuật mang quy mô cấp thành phố đều thu hút một lượng công chúng đáng kể, góp phần nâng cao ý thức của người dân về du lịch văn hóa. Tuy nhiên, mô hình này đến nay vẫn còn khá mới mẻ so với công chúng Việt Nam. Do đó, NCB hy vọng có thể khiến người xem cảm thấy hứng thú và gần gũi hơn với các hoạt động nghệ thuật trong nước. Để làm được vậy, NCB luôn đặt niềm vui và tình bằng hữu giữa các nghệ sĩ lên hàng đầu. Qua đó, khí quyển nghệ thuật trở nên sinh động, kích thích tinh thần sáng tạo và lôi cuốn thêm nhiều khán giả mến mộ.

Đà Lạt Mộng Mơ 2021 tập trung hơn 150 nghệ sĩ và người làm sáng tạo. Trong đó, hơn 57% các tác phẩm được thực hiện dưới hình thức âm nhạc/trình diễn thể nghiệm và video; 66% nghệ sĩ là những người trẻ dưới 30 tuổi và chưa có nhiều dịp được tiếp cận công chúng. Tất cả triển lãm trong chương trình Nổ Cái Bùm đều do nghệ sĩ tự làm chủ nội dung, cách trình bày tác phẩm. Họ cùng làm việc, trao đổi và thỏa hiệp với các đồng nghiệp khác trong chương trình. Ban tổ chức cũng hy vọng đây là dịp để các người làm sáng tác có dịp cọ xát với thực tế và tiếp xúc với công chúng ở các địa phương khác nhau.

Để tham dự hết tuần lễ nghệ thuật này, một tấm “bản đồ nghệ thuật” (art map) sẽ hướng dẫn người xem đi qua 7 không gian trưng bày tác phẩm tại các điểm: Nhà triển lãm Đà Lạt (Khu Hoà Bình), trường ĐH Đà Lạt, trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt, Hội văn học Nghệ thuật, Nhà sáng tác Đà Lạt, Khu biệt thự cổ Cadasa Đà Lạt và Phố Bên Đồi studio. Đồng thời, lịch trình của 8 ngày lễ hội cũng vô cùng phong phú với nhiều hoạt động thể thao, workshop gốm, trò chuyện nghệ thuật và sinh thái, biểu diễn âm nhạc điện tử, cải lương, múa đương đại, chiếu phim và kịch diễn ra rải rác tại khắc các địa điểm / di tích khác như: Rạp 3 Tháng 4, Cung Thiếu Nhi Lâm đồng, TTVH Nghệ Thuật Tỉnh Lâm Đồng (Dinh Tỉnh Trưởng) và Vườn Sinh thái Lan Ngọc.

Đà Lạt Mộng Mơ 2021 còn hứa hẹn là một sân chơi để các nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ khác nhau cùng đến để giao lưu và học hỏi. Tại đây, các nghệ sĩ thuộc Gen Z sẽ có cơ hội được trực tiếp gặp gỡ và trưng bày cùng những nghệ sĩ đi trước như Nguyễn Trinh Thi, Ưu Đàm Trần Nguyễn, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Mạnh Hùng, Võ Trân Châu, v.v. ; hoặc kết nối nghệ thuật với các nhà nông nghiệp, nghiên cứu văn chương và sinh học thông qua các hoạt động điền dã, tọa đàm. Những liên kết đa ngành này là điểm nối giữa tri thức với kinh nghiệm, giữa lý thuyết với thực hành. Từ đó, nghệ thuật mang nhiều tầng nghĩa hơn và đời sống có nhiều màu sắc hơn.

Đến với Đà Lạt Mộng Mơ 2021, người xem không chỉ được đắm chìm trong bầu không khí nghệ thuật đương đại mà còn có dịp thăm thú các điểm đến mang đậm bản sắc địa phương, gắn liền với lịch sử hình thành và nhịp sống ngày nay của người dân Đà Lạt. Khi đại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn đang diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động văn hóa bị đình trệ hoặc hủy bỏ. Đà Lạt Mộng Mơ trở thành hiện thực nhờ sự ủng hộ của công chúng và các đối tác như Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng, Phố Bên Đồi, Bá Láp space, các trường đại học Yersin, đại học Đà Lạt, Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt; dự án Colab Vietnam; các quỹ The Japan Foundation (Quỹ Nhật bản); Goethe Institut (viện Goethe); các doanh nghiệp và các bộ sưu tập nghệ thuật Việt Nam như Dogma Collection, Nguyễn Art Foundation, Đà Lạt Cadasa Resort, Horizon Villa và bia thủ công Đê Mê.

Quét mã QR này để cập nhật chương trình đầy đủ

Thông tin liên hệ:
Trưởng dự án: (+84) 98 9 69 00 50 (chị Tố Lan)
Điều phối truyền thông: (+84) 904 339 006 (Ms. Thu Hà)
Email: [email protected]
Fanpage

Về ban tổ chức:

Sao La được thành lập từ năm 2014, các thành viên hiện nay của Sao La gồm Nguyễn Kim Tố Lan, Nguyễn Đức Đạt, Đỗ Thanh Lãng, Đỗ Sỹ Tùng và các thành viên hỗ trợ như Đào Tùng, Ngô Đình Bảo Châu, Trần Phương Thảo, Tùng Mai. Với tính chất của một không gian “du hành”, Sao La không dựa vào một địa điểm cố định và mang nhiệm vụ kết nối công chúng với nghệ thuật đương đại thông qua các hoạt động triển lãm, chiếu phim, tour nghệ thuật, v.v.. nhằm nuôi dưỡng cộng đồng sáng tạo ở Việt Nam. Năm 2017, Sao La thành lập Cù Rú, dưới hình thức một quán rượu địa phương đồng thời là ngôi nhà mở dành cho những người yêu nghệ thuật. Cù Rú hiện đang ở Đà Lạt.

LAP là một tổ chức nghệ thuật được khai sinh tại Đà Lạt từ năm 2017, hiện tại vận hành bởi Lê Phi Long và Hoàng Anh. LAP như một Chương trình nghệ thuật mở cả hình thức và nội dung nhằm thúc đẩy nghệ thuật tại Đà Lạt. LAP-home, vận hành như một Airbnb, vừa là nơi lưu trú, vừa để tổ chức các triển lãm nghệ thuật, các hoạt động văn hóa, giao lưu giữa nghệ sĩ Việt Nam với nước ngoài. Năm 2020-2021, LAP tập trung vào các chủ đề môi trường, sinh thái, và đẩy mạnh trao đổi văn hoá từ địa phương Đà Lạt, trong nước và quốc tế.

Symbioses là một dự án nghệ thuật do giám tuyển Lê Thiên Bảo khởi lập vào năm 2019. Sau nhiều năm quan sát và làm việc trong môi trường nghệ thuật tại Việt Nam, Symbioses nhận ra sự do dự của công chúng khi tiếp cận nghệ thuật tại các triển lãm trong các phòng trưng bày hoặc bảo tàng truyền thống, và những khó khăn của nghệ sỹ trong việc tìm kiếm một không gian để trưng bày tác phẩm. Để giải quyết những nhu cầu này, Symbioses làm việc với nghệ sỹ và các không gian sẵn có, đề xuất các phương án hợp tác/giám tuyển phù hợp, nhằm tạo ra một mối quan hệ tương hỗ giữa doanh nghiệp và nghệ thuật; nuôi dưỡng cộng đồng nghệ thuật bằng cách đưa nghệ thuật vào cuộc sống hàng ngày của mọi người, từng bước xây dựng cộng đồng sưu tập nghệ thuật tại Việt Nam.

Không gian nghệ thuật Mơ Đơ được thành lập năm 2019 bởi nhóm nghệ sỹ Nguyễn Thị Thanh Mai, Trương Thiện và Hoàng Ngọc Tú, có sự hỗ trợ trợ tài chính của Nguyễn Phương Linh và Đỗ Thanh Lãng. Toạ lạc cạnh Bảo tàng Cổ Vật Cung Đình Huế, thuộc một trong những khu tập thể cuối cùng từ thập niên 80, Mơ Đơ đã tổ chức 5 cuộc triển lãm và hơn 15 chương trình nghệ thuật công cộng bao gồm các buổi nói chuyện, hội thảo và chiếu phim của nghệ sỹ trong nước và nước ngoài. Trong vòng một năm, Mơ Đơ đã trở thành một điểm đến để gặp gỡ, trao đổi, thảo luận và học hỏi giữa các nghệ sỹ quốc tế và địa phương. Nổ Cái Bùm là dự án do Thanh Mai, Trương Thiện và Tú cùng tổ chức. Cuối năm 2020, không gian vật lý của Mơ Đơ bị thu hồi giải tỏa, nhưng nhóm vẫn tiếp tục hoạt động. Dự án gần đây nhất của nhóm là “Bờ Thành” tại Huế, thuộc chuỗi sự kiện văn hóa nghệ thuật “Đang Diễn Ra / In Progress” do Hội Đồng Anh khởi xướng.

Nest Studio là một không gian nghệ thuật đa chức năng, được thành lập bởi hai nghệ sỹ Đào Tùng và Ngô Đình Bảo Châu trong năm 2019. Kể từ khi thành lập, Nest Studio trở thành một không gian liên kết, một diễn đàn nơi mà nghệ sỹ và người yêu nghệ thuật có thể gặp gỡ thảo luận với nhau bằng nhiều hình thức như triển lãm, workshop, nói chuyện nghệ thuật, chiếu phim. Từ năm 2020, Nest studio hoạt động như một collective không có không gian vật lý, di chuyển giữa Hà Nội – Đà Lạt – Sài Gòn.

NO COMMENTS

Leave a Reply