Tận cùng giấc mơ cùng tận: Những lời nhắc nhở
Bài viết bởi Hà Bi cho Hanoi Grapevine
Hình ảnh cung cấp bởi Gallerie Quỳnh
Ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép
Đi xem triển lãm Tận cùng giấc mơ cùng tận của hai nghệ sĩ Tuấn Andrew và Wowy trong một hoàn cảnh đặc biệt: Sài Gòn giãn cách 4 tuần vì dịch covid19, có lẽ là một trải nghiệm thú vị khiến cảm nhận về các tác phẩm có chút khác biệt. Trong khi xã hội bên ngoài bị chậm lại trước thiên tai địch họa, thì bên trong triển lãm diễn ra những lời nhắc nhở cảnh tỉnh – về ngày tận thế có thể đến với loài người trong tương lai.
Tận cùng giấc mơ cùng tận (A Dream Of The End At The End Of A Dream) là triển lãm thứ hai của hai nghệ sĩ tại phòng tranh Gallerie Quỳnh sau 13 năm. Chia sẻ với khán giả, nghệ sĩ Tuấn Andrew cho biết ý tưởng làm một triển lãm chung với Wowy đến cách đây không lâu. Anh và Wowy mất chưa tới nửa năm để hoàn thiện các tác phẩm – một khoảng thời gian khá ngắn với khối lượng công việc tương đối nhiều. Trước đó khoảng 4 năm, Wowy từng chia sẻ muốn thực hành nghệ thuật đương đại nhiều hơn, thay vì chỉ chú tâm vào âm nhạc như hiện tại. Hai người đã có thời gian cùng nhau tới nhiều triển lãm trong nước và thế giới, học hỏi và trao đổi. Đó cũng là nguồn cơn của triển lãm chung này.
Nói về Tận cùng giấc mơ cùng tận, Wowy cho biết nó giống như bạn đứng trước một tấm gương. Những giấc mơ chính là tấm gương đó, để soi chiếu và thấy phiên bản giống hệt mình phía bên kia, hoặc thấy những khía cạnh khác mà chỉ khi nhìn vào gương ta mới nhận thấy. Ẩn ý này thể hiện trong việc chơi chữ ở cả tên tiếng Anh và tiếng Việt của triển lãm.
Trong tác phẩm Lần Nữa Và Chưa Từng Ở Đây Bao Giờ, vẽ bằng máu của Wowy với sự trợ giúp của hoạ sĩ Nguyễn Văn Đủ, sự phản chiếu này có lẽ là rõ nhất. Sử dụng máu – một phương tiện có lẽ được dùng từ thời sơ khởi để vẽ tranh, chứa DNA đặc trưng của mỗi người – để định nghĩa “selfie” theo cách chân thực nhất, đưa kĩ thuật số về với dạng thức cơ bản ban đầu.

Bức tự họa Wowy lấy tay che đi để không nhìn – không nghe – không nói. Nhưng mắt – tai – miệng vẫn ở đó dù có cố gắng giấu kĩ đến thế nào. Bức tranh có hai mặt: mặt trước bạn không thể nhìn thấy những gì Wowy đang giấu, chỉ thấy những điều chủ thể muốn bộc lộ; mặt sau tất cả những gì chủ thể muốn bộc lộ trở nên không cần thiết, nhưng những điều bị giấu kĩ lại lộ ra. Trong bức tranh, những thứ được nhấn mạnh không phải là những thứ hiển hiện trên bề mặt, mà lại là những thứ đang bị giấu đi. Chúng ta selfie và đăng lên mạng xã hội ảo, giấu đi những gì, thì những thứ đó vẫn còn nguyên phía sau màn hình điện thoại.
Tận cùng giấc mơ cùng tận gồm các mảnh ghép đến từ các bức tranh lụa vẽ bằng máu, những khối điêu khắc trông xa tua tủa, cứng ngắc và nguy hiểm, những bức tranh to rộng và nhiều màu sắc sặc sỡ… Như rải trên đất những manh mối, Wowy và Tuấn Andrew dẫn họ đi từ các tranh, ảnh, điêu khắc, và kết thúc ở một cuốn phim ngắn cùng tên.

Cuốn phim kể lại cuộc đối thoại lạ lùng trong một quán bar. Thế giới khi ấy chỉ còn lại duy nhất một người mặc bộ vest kì lạ, do Wowy thủ vai. Anh phải uống đấu với một thực thể huyền bí không ra mặt. Không rõ là máy móc, ảo ảnh ma quỷ, hay có khi nào chính là… khán giả, những người đang ngồi ở phía bên kia tấm gương và soi chiếu, thấy hình dạng khác của mình trên màn hình? Càng luận sâu về cái kết của loài người, Wowy càng trở nên bực bội vì choáng ngợp. Gần cuối, những lời thoại trong phim bỗng lên vần hoá thành thơ.
Thơ cũng là chất liệu hai nghệ sĩ sử dụng trong ba bức tranh đơn sắc Ảo Giác – Cơn Mưa – Kết Thúc, dát lá vàng trên toan ở phòng cuối triển lãm. Thoạt nhìn ta sẽ tưởng ba bức tranh cùng một màu và không có gì ngoài… vàng lá. Nhưng để ý kĩ, bạn sẽ thấy những dòng thơ nổi lên nhờ ánh sáng:
Bằng ảo giác của sự tự do
Cơn mưa này sẽ không bao giờ tạnh
Dù thế giới kết thúc

Đoạn thơ đưa ta vào một thế giới mơ hồ, hư ảo, không biết là thật hay là mơ, ca lên khúc ca dành cho ngày tận thế. Thế nhưng giữa màn mưa nghe có vẻ bi quan, thì vẫn lấp lánh những bong bóng nước vui tươi. Dù có kết thúc – bằng cách nào và khủng khiếp đến thế nào – thì vẫn sẽ có một khởi đầu. Kết thúc của cái này, có thể là bắt đầu một điều mới mẻ. Góc nhìn này, cùng với những trăn trở cho câu hỏi “Ai gây ra tội ác?” tiếp tục được thể hiện trong tác phẩm Địa Đồ Hoảng Loạn.

Ở tác phẩm này, Tuấn Andrew và Wowy “cắt ghép” những dòng tin nhắn của hai người trên nền tảng số trên chất liệu toan, phía dưới là bản đồ Trái Đất ngày tận thế của nhà tiên tri Gordon-Michael Scallion (sau khi ông khai mở cảm quan tâm linh vào đầu những năm 1980). Địa Đồ Hoảng Loạn có thể được xem như một dạng bản đồ tư duy kiến tạo nên chùm tác phẩm lần này, đồng thời – với tất cả những quanh co, khúc khuỷu của nó – đã gợi ra không ít ý tứ cho người tham quan về triển lãm. Tuấn Andrew chuyền lại câu hỏi: “Có hay không một thế giới nơi tự do có thể dung hòa với tính bền vững đến từ những cân nhắc về hiểu biết địa phương?”. Hay nói cách khác, làm thế nào để đạt được tự do mà không/ít làm tổn hại đến sự bền vững (của tự nhiên, môi trường)? Nhất là khi có sự khác biệt, chênh lệch về khái niệm thế nào là bền vững ở mỗi vùng miền?
Câu trả lời cho băn khoăn này có lẽ nằm ở tác phẩm Cất Cánh nằm án ngữ ngay lối vào triển lãm. Chiếc tàu không gian (hay lư hương?) làm từ dụng cụ bếp như rổ inox, muôi, vá… đính kèm “logo” nơi xuất xứ như bản đồ Việt Nam, cờ sao, chim Lạc thần thoại trên trống đồng Đông Sơn thời tiền sử… trông giống như sắp sửa cất cánh bay vào vũ trụ. Bàn tay tạo ra những kì tích không tưởng như phi thuyền vào không gian, cũng chính là bàn tay tạo tác nên vật dụng ngày thường con người sử dụng. Sự dung hòa này liệu đã đủ, liệu có mang thế giới này tới một kết thúc khác?

Bắt đầu mở cửa triển lãm từ 27/4 tới 26/6 tại Gallerie Quỳnh, nhưng có tới một nửa thời gian Tận cùng giấc mơ cùng tận không thể đến được với khán giả do dịch covid19 bùng phát lần thứ tư, Sài Gòn phải áp dụng giãn cách xã hội. Đây có lẽ là một điểm đáng tiếc cho triển lãm thú vị này. Dù vậy, hai nghệ sĩ Tuấn Andrew và Wowy hẳn đã có một hành trình đủ đầy và ý nghĩa khi biến những ý tưởng thành hiện thực, ngụp lặn trong thế giới trừu tượng của nghệ thuật và cụ thể hóa nó bằng những tác phẩm giá trị.
