Nổ Cái Bùm 2022
01 – 07/04/2022
Đà Lạt
Thông tin từ ban tổ chức:
Nổ Cái Bùm (NCB) là một tuần lễ nghệ thuật đương đại mang tính du hành do Đào Tùng (Nest studio), Nguyễn Thị Thanh Mai, Trương Thiện, Hoàng Ngọc Tú (Mơ Đơ art space) và giám tuyển Lê Thiên Bảo (Symbioses) khởi xướng vào năm 2020 tại Huế. Với tinh thần cởi mở và mong muốn kết nối cộng đồng yêu nghệ thuật trên khắp mọi miền đất nước, mỗi phiên bản Nổ Cái Bùm sẽ do một/nhiều nhóm nghệ sĩ sẽ xung phong tổ chức tại một thành phố khác nhau ở Việt Nam. Năm 2022, được sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng và Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Lâm Đồng, nhóm nghệ sĩ Sao La (Nguyễn Kim Tố Lan, Nguyễn Đức Đạt, Tùng Khét, Sunny) và Hoàng Anh (Hey ! Storm) đứng ra thực hiện phiên bản Đà Lạt Mộng Mơ 2022.
Các đại triển lãm kết hợp tuần lễ văn hóa nghệ thuật vốn là một mô hình quen thuộc với lịch sử lâu đời. Dù là Venice Biennale ở Ý hay George Town Festival ở Mã Lai, dù ở Yogyakarta hay Singapore, tất cả các kỳ triển lãm lớn và lễ hội nghệ thuật mang quy mô cấp thành phố đều thu hút một lượng công chúng đáng kể, góp phần nâng cao ý thức của người dân về du lịch văn hóa. Tuy nhiên, mô hình này đến nay vẫn còn khá mới mẻ so với công chúng và ngày càng trở nên xa cách đối với các nghệ sĩ tại Việt Nam. NCB được hình thành từ nhu cầu tinh thần của nghệ sĩ. Do đó, ban tổ chức đặt đặt niềm vui và tình bằng hữu giữa các nghệ sĩ lên hàng đầu. Chúng tôi tin rằng khi nghệ sĩ được sum vầy và thảo luận, họ có thể tạo ra một khí quyển sinh động, kích thích tinh thần sáng tạo và lôi cuốn thêm nhiều khán giả. Qua đó, NCB hy vọng có thể khiến người xem cảm thấy hứng thú và gần gũi hơn với các hoạt động nghệ thuật của nước nhà. Tất cả triển lãm trong chương trình Nổ Cái Bùm đều do nghệ sĩ tự làm chủ nội dung, cách trình bày tác phẩm. Họ cùng làm việc, trao đổi và thỏa hiệp với các đồng nghiệp khác trong chương trình. Giám tuyển không đóng vai trò định chủ đề chính, danh sách nghệ sĩ hay tác phẩm triển lãm.
Đà Lạt Mộng Mơ 2022 (ĐLMM 2022) tập trung hơn 100 nghệ sĩ và người làm sáng tạo. Trong đó, hơn 57% các tác phẩm được thực hiện dưới hình thức âm nhạc/trình diễn thể nghiệm và video; 66% nghệ sĩ là những người trẻ dưới 35 tuổi và chưa có nhiều dịp được tiếp cận công chúng. Đặc biệt, ĐLMM 2022 còn quy tụ được các tác phẩm truyền thống như tuồng cải lương “Bóng Người Xưa” do nghệ sĩ Nguyễn Thị Minh Ngọc đạo diễn/biên tập và kịch bản; vở kịch “Giấc mơ người coi chim” của nhóm Nhà Chung, do Tây Phong đạo diễn và hàng loạt các bộ phim mới của các nhà làm phim thuộc nhiều thế hệ, ở trong và ngoài nước như : Síu Phạm, Phạm Văn Nhận, Phạm Hoàng Minh Thy, Lê Bình Giang, v.v. Sự đa dạng này hứa hẹn mang lại một điểm giao thú vị giữa các thế hệ nghệ sĩ, dù trong hay ngoài nước. Ban tổ chức cũng hy vọng đây là dịp để các người làm sáng tác có dịp cọ xát với các dạng công chúng mới lạ, ở các địa phương khác nhau.
ĐLMM 2022 còn hứa hẹn là một sân chơi để các nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ khác nhau cùng đến để giao lưu và học hỏi. Tại đây, các nghệ sĩ thuộc Gen Z sẽ có cơ hội được trực tiếp gặp gỡ và trưng bày cùng những nghệ sĩ đi trước như Nguyễn Trinh Thi, Ưu Đàm Trần Nguyễn, Nguyễn Mạnh Hùng, Võ Trân Châu, v.v. ; hoặc kết nối nghệ thuật với các nhà nông nghiệp, nghiên cứu văn chương và sinh học thông qua các hoạt động điền dã, tọa đàm. Những liên kết đa ngành này là điểm nối giữa tri thức với kinh nghiệm, giữa lý thuyết với thực hành.
Để tham dự hết tuần lễ nghệ thuật này, một tấm “bản đồ nghệ thuật” (art map) sẽ hướng dẫn người xem đi qua 7 không gian trưng bày tác phẩm tại các điểm: Nhà triển lãm Đà Lạt (Khu Hoà Bình), trường ĐH Đà Lạt, trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt, Hội văn học Nghệ thuật, không gian nghệ thuật Stop and Go, không gian nghệ thuật Youi’s và Phố Bên Đồi studio. Đồng thời, lịch trình của 5 ngày lễ hội cũng vô cùng phong phú với nhiều hoạt động thể thao, workshop, trò chuyện nghệ thuật và sinh thái, biểu diễn âm nhạc điện tử, cải lương, múa đương đại, chiếu phim và kịch diễn ra rải rác tại khắc các địa điểm / di tích khác như: Rạp 3 Tháng 4, Cung Thiếu Nhi Lâm đồng và TTVH Nghệ Thuật Tỉnh Lâm Đồng (Dinh Tỉnh Trưởng).
Đến với ĐLMM 2022, người xem không chỉ được đắm chìm trong bầu không khí nghệ thuật đương đại mà còn có dịp thăm thú các điểm đến mang đậm bản sắc địa phương, gắn liền với lịch sử hình thành và nhịp sống ngày nay của người dân Đà Lạt. Khi đại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn đang diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động văn hóa bị đình trệ hoặc hủy bỏ. Đà Lạt Mộng Mơ trở thành hiện thực nhờ sự ủng hộ của công chúng và các đối tác như Phố Bên Đồi, Youi’s art space, Stop and Go, Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng, các trường đại học Đà Lạt, Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt; dự án Colab Vietnam, Barefoot Venture; các doanh nghiệp và các bộ sưu tập nghệ thuật Việt Nam như Dogma Collection, Nguyễn Art Foundation, Horizon Villa và bia thủ công Đê Mê.
Chi tiết chương trình Nổ Cái Bùm – Đà Lạt Mộng Mơ 2022
01 – 05/04/2022
Ngày 01/04:
14:00 – VIP Art Tour đi qua 7 điểm:
1. Trường Đại Học Đà Lạt,
2. Trường Cao Đẳng Sư Phạm Đà Lạt
3. Stop and Go art space
4. Hội Văn Học Nghệ Thuật Lâm Đồng
5. Youi’s Art Space
6. Phố Bên Đồi Studio
7. Nhà Triển Lãm Hoà Bình
15:00 – Phố Bên Đồi Studio, số 10, đường Lý Tự Trọng, Phường 2
– “cái chữ là: 0 // mơ mơ” library pop up & workshop làm zine cho trẻ em do Bay Library & Hanoi Zine Library tổ chức.
– dự án “Người Ngoài Hành Tinh” của Nhi Lê (Sam) và Liên Phạm.
18:00 – Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Lâm Đồng
(DINH TỈNH TRƯỞNG), cuối đường Lý Tự Trọng, Phường 1
– Tiệc Khai mạc Nổ Cái Bùm – Đà Lạt Mộng Mơ 2022
Chương trình dự kiến có :
+ Ca sĩ Thu Minh (Đà Lạt) hát 2 bài
+ Nguyễn Như Huy đọc thơ
+ Nhạc sĩ Trí Minh biểu diễn “Âm thanh núi rừng”
Ngày 02/04:
Tất cả không gian triển lãm đồng loạt mở cửa từ 10:00 – 16:00, mỗi ngày đến hết ngày 07/04. Khán giả tham quan tự do.
1. Trường Đại Học Đà Lạt (Nhà A25)- số 1, đường Phù Đổng Thiên Vương, Phường 8.
2. Trường Cao Đẳng Sư Phạm Đà Lạt – số 109, đường Yersin, Phường 10 (vào cổng rẽ phải hành lang khu nhạc họa)
3. Stop And Go Art Space – số 88 Lý Tự Trọng, phường 2.
4. Hội Văn Học Nghệ Thuật Lâm Đồng – số 2, đường Nguyễn Du, Phường 10.
5. Nhà Triển Lãm Hoà Bình – Rạp 3 Tháng 4, Khu Hoà Bình.
6. Phố Bên Đồi Studio – số 10, đường Lý Tự Trọng, Phường 2. (có thêm workshop cái chữ là 0: mơ mơ diễn ra tới 07/04)
7. Youi’s Art Space – sô 100 Đan Kia, phường 7.
8. DaLat Art Architecture Library – số 85 Nguyễn Văn Trỗi, Phường 2.
9. Lâu Đài Thông, số 99 đường Đặng Thái Hân, Phường 3.
Ngoài ra còn có hai không gian xưởng nghệ sĩ hết sức kỳ thú, tuyệt đối đừng bỏ qua!
9. Cù Rú Bar: 2 đường Phạm Hồng Thái, Phường 10. (có bán bản đồ)
10. Hey Storm Home (nhà Hoàng Anh): Hẻm 11 Khe Sanh, Phường 10. (có Phong cảnh Lạ thường | The Outlandish Landscape của Heritage Space)
15:00 – Rạp Hòa Bình
– Chiếu film “Vào đời” (2019) của Síu Phạm (84′)
17:00 – Cao đẳng sư phạm
109 Yersin, Phường 10
– Thơ thẩn cùng Thể thao
– Nghệ sĩ chơi bóng rổ
18:30 – Cù Rú Bar Đêm “lẩu thập cẩm” #1 tại Cù Rú Bar
2 Đường Phạm Hồng Thái, Phường 10
– Trình diễn của Đỗ Nguyễn Lập Xuân
– Trình diễn “Về Đây Nghe Em” của Chương Ph và Nguyễn Đức Đạt
– Âm nhạc của Tiny Giant
– Trình diễn “Se Sẻ Sè Se sh s s s” của Jo Ngo, Nguyễn Hiếu Ngọc và Lê Minh Châu.
Ngày 03/04:
06:30 – Hồ Xuân Hương
– “Thơ Thẩn cùng Thể Thao”. Nghệ sĩ đi bộ và chạy marathon một vòng hồ.
Cao đẳng sư phạm
109 Yersin, Phường 10
16:00 – Cải lương: “Bóng Người Xưa” với các nghệ sĩ Tú Quyên, Minh Phượng, NSƯT Hải Phượng, Sáu Hưng, Hùng Phương và Nguyễn Đăng Thường. Đạo diễn /Biên kịch /Kịch bản : Nguyễn Thị Minh Ngọc.
17:00 – Solo âm nhạc điện tử “Ánh Trăng / Moonlight” của nhạc sĩ Trí Minh.
19:30 – Phố Bên Đồi
số 10, đường Lý Tự Trọng, Phường 2
– Đêm nhạc Nổ Cái Đom Đóm của Trần Thị Kim Ngọc, Hà Thuý Hằng, Trần Hoài Anh, Nguyễn Quốc Hoàng Anh và Tuấn Nị (Nguyễn Anh Tuấn).
Ngày 04/04
Nhà Màu Xanh
10:30 – workshop âm thanh của Linhhafornow
11:30 – trình diễn của Quyên D. Phạm
16:00 – Hồ Tuyền Lâm
– Đạp vịt kí hoạ
16:30 – trình diễn “Love Through The Air/Yêu Xuyên Không” của Tố K Du cũng tại khu vực đó.
18:30 – 20:00 – Cung Thiếu nhi
số 9, đường Đường Đinh Tiên Hoàng, Phường 2
– Kịch “Giấc mơ người coi chim” của Nhà Chung. Đạo diễn: Tây Phong
19:30 – Đêm “lẩu thập cẩm” #2 tại Cù Rú Bar
Ngày 05/04
Rạp Hòa Bình
13:30 – Chương trình chiếu phim:
+ Lễ trưởng thành của Ê-đi-xơn (2019 – 21′) của Phạm Hoàng Minh Thy
+ Hai Thế Giới (1953 – 61′) của Phạm Văn Nhận và trò chuyện cùng đạo diễn Việt Linh.
16:00 – Lâu đài thông
99 Đường Đặng Thái Thân, Phường 3
– Đối thoại với đạo diễn Mzung Nguyễn về “Corona closure: Vertical & horizontal”
18:00 – Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Lâm Đồng
(DINH TỈNH TRƯỞNG), cuối đường Lý Tự Trọng, Phường 1
– Ca múa nhạc “Đà Lạt – Đêm Cổ Điển Tím”
+ Thăm quan bảo tàng dinh tỉnh trưởng (giới hạn 200 người)
+ Các cháu bé nhà dòng chơi nhạc cụ
+ Craig x XT biểu diễn 5 bài opera
+ Âm nhạc của KIM Trang
+ Biểu diễn múa của Oanh Nguyễn
Ngày 06/04:
HEY ! STORM (nhà Hoàng Anh)
hẻm 11 Khe Sanh, Phường 10
17:30 – Trình diễn của Nhi Lê (Sam) và Mai Huyền Chi.
19:30 – Tiệc BBQ chỉ dành cho nghệ sĩ
– Trình diễn của Hải Duy và Trag Lem
– Âm nhạc của Duy Bảo, Zach
Ngày 07/04:
Phố Bên Đồi (khu thể thao)
số 10, đường Lý Tự Trọng, Phường 2
09:00 – 12:00 – \”Hay Là làm cái Workshop” của Trag Lem (về nghệ thuật trình diễn).
Zero Station Đà Lạt
số 35e, đường Khe Sanh, Phường 10, (sau lưng chùa Phước Đức)
(lên google map tìm cô Huy Đà lạt, hoặc Biesdorf villa)
14:00 – 17:00 – Bàn về “Vai trò của trật tự từ trong tiếng Việt” Nguyễn Văn Hiệp, do Nguyễn Như Huy điều phối. Sau đó Nguyễn Như Huy đọc thơ luôn.
17:30 – Trại nghệ sĩ tới khuya. Mời nghệ sĩ góp mỗi người 100k (đã bao gồm đồ ăn, trại ngủ). Thông báo địa điểm sẽ được gửi ra cho nghệ sĩ sau.
Về ban tổ chức:
Sao La được thành lập từ năm 2014, các thành viên hiện nay của Sao La gồm Nguyễn Kim Tố Lan, Nguyễn Đức Đạt, Đỗ Thanh Lãng, Đỗ Sỹ Tùng và các thành viên hỗ trợ như Đào Tùng, Ngô Đình Bảo Châu, Trần Phương Thảo, Tùng Mai. Với tính chất của một không gian “du hành”, Sao La không dựa vào một địa điểm cố định và mang nhiệm vụ kết nối công chúng với nghệ thuật đương đại thông qua các hoạt động triển lãm, chiếu phim, tour nghệ thuật, v.v.. nhằm nuôi dưỡng cộng đồng sáng tạo ở Việt Nam. Năm 2017, Sao La thành lập Cù Rú, dưới hình thức một quán rượu địa phương đồng thời là ngôi nhà mở dành cho những người yêu nghệ thuật. Cù Rú hiện đang ở Đà Lạt.
Hey ! Storm là một tổ chức nghệ thuật do Hoàng Anh sáng lập tại Đà Lạt từ năm 2020. Hey ! Storm vừa là một homestay, vừa là một không gian tổ chức các chương trình nghệ thuật mở cả hình thức và nội dung nhằm thúc đẩy nghệ thuật tại Đà Lạt. Hey ! Storm tập trung ác hoạt động văn hóa liên ngành, giao lưu giữa âm nhạc, nghệ thuật giữa nghệ sĩ Việt Nam với nước ngoài.
Symbioses là một dự án nghệ thuật do giám tuyển Lê Thiên Bảo khởi lập vào năm 2019. Sau nhiều năm quan sát và làm việc trong môi trường nghệ thuật tại Việt Nam, Symbioses nhận ra sự do dự của công chúng khi tiếp cận nghệ thuật tại các triển lãm trong các phòng trưng bày hoặc bảo tàng truyền thống, và những khó khăn của nghệ sỹ trong việc tìm kiếm một không gian để trưng bày tác phẩm. Để giải quyết những nhu cầu này, Symbioses làm việc với nghệ sỹ và các không gian sẵn có, đề xuất các phương án hợp tác/giám tuyển phù hợp, nhằm tạo ra một mối quan hệ tương hỗ giữa doanh nghiệp và nghệ thuật; nuôi dưỡng cộng đồng nghệ thuật bằng cách đưa nghệ thuật vào cuộc sống hàng ngày của mọi người, từng bước xây dựng cộng đồng sưu tập nghệ thuật tại Việt Nam.
Không gian nghệ thuật Mơ Đơ được thành lập năm 2019 bởi nhóm nghệ sỹ Nguyễn Thị Thanh Mai, Trương Thiện và Hoàng Ngọc Tú, có sự hỗ trợ trợ tài chính của Nguyễn Phương Linh và Đỗ Thanh Lãng. Toạ lạc cạnh Bảo tàng Cổ Vật Cung Đình Huế, thuộc một trong những khu tập thể cuối cùng từ thập niên 80, Mơ Đơ đã tổ chức 5 cuộc triển lãm và hơn 15 chương trình nghệ thuật công cộng bao gồm các buổi nói chuyện, hội thảo và chiếu phim của nghệ sỹ trong nước và nước ngoài. Trong vòng một năm, Mơ Đơ đã trở thành một điểm đến để gặp gỡ, trao đổi, thảo luận và học hỏi giữa các nghệ sỹ quốc tế và địa phương. Nổ Cái Bùm là dự án do Thanh Mai, Trương Thiện và Tú cùng tổ chức. Cuối năm 2020, không gian vật lý của Mơ Đơ bị thu hồi giải tỏa, nhưng nhóm vẫn tiếp tục hoạt động. Dự án gần đây nhất của nhóm là “Bờ Thành” tại Huế, thuộc chuỗi sự kiện văn hóa nghệ thuật “Đang Diễn Ra / In Progress” do Hội Đồng Anh khởi xướng.
Nest Studio là một không gian nghệ thuật đa chức năng, được thành lập bởi hai nghệ sỹ Đào Tùng và Ngô Đình Bảo Châu trong năm 2019. Kể từ khi thành lập, Nest Studio trở thành một không gian liên kết, một diễn đàn nơi mà nghệ sỹ và người yêu nghệ thuật có thể gặp gỡ thảo luận với nhau bằng nhiều hình thức như triển lãm, workshop, nói chuyện nghệ thuật, chiếu phim. Từ năm 2020, Nest studio hoạt động như một collective không có không gian vật lý, di chuyển giữa Hà Nội – Đà Lạt – Sài Gòn.
Danh sách nghệ sĩ nhận lời tham gia ĐLMM 2022 (100+):
Nguyễn Thị Minh Ngọc, NSƯT Hải Phượng, Sáu Hưng, Tú Quyên, NSƯT Mỹ Hằng, Hùng Phương, Nguyễn Đăng Thường, Nguyễn Trinh Thi, Banga, Phạm Văn Tư, Síu Phạm, Việt Linh, Đom Đóm (Trần Thị Kim Ngọc, Hà Thuý Hằng, Trần Hoài Anh, Nguyễn Quốc Hoàng Anh và Tuấn Nị), Nguyễn Mạnh Hùng, Võ Trân Châu, Tây Phong và nhóm kịch Nhà Chung, Heritage Space (Santiago Reyes, Ingo Vetter, Sơn PT, Heaven Baek, Hakura Saito, Lê Xuân Tiến, Huệ Nguyễn, Quỳnh Đông, Flinh, Masahiro Wada), Mơ Đơ x Then Café (Nguyễn Hữu Trâm Kha, Ao Kim Ngân, Nguyễn Hóa, Trương Thiện và Trương Bé, Trần Tuấn, Đỗ Kỳ Huy, Le Brothers, Hoàng Ngọc Tú, Nguyễn Văn Hè, Tôn Thất Minh Nhật, Nguyễn Hoàng Việt / Việt Cunky, Nguyễn Thị Thanh Mai, Ngô Đình Bảo Châu), Trần Thảo Miên (Mientrant), Trí Minh, Hoàng Anh, Nguyễn Như Huy, Nhật Q. Võ, Chương Ph, Nguyễn Đức Đạt, Ngô Thanh Phương, Mai Huyền Chi, MPK, Lu Nguyen, Cian Duggan, Ưu Đàm Trần Nguyễn, Cam Xanh, Luke Schneider, Tuyền Nguyễn, Miliket, Tùng Mai, Trần Minh, Linh Hà & Tobias Paramore (Tiny Giant), KIMTrang, Nguyễn Vân Nhi, Phạm Hoàng Minh Thy, Vũ Minh Nghĩa, Tùng Li, Dương Thuý Ngọc (Treo), Bảo Hân, Nathan Collis, Đỗ Nguyễn Lập Xuân, Lê Mai Anh, Đạt Nguyễn, Bùi Bảo Trâm/Rab, Marcus Mạnh Cường Vũ, Nguyễn Vy Khanh, Lâm Hiếu Thuận, Nguyễn Đức Huy, Hải Duy & Trag Lem, Bùi Duy Thanh Mai và Nguyễn Bằng Giang, Đặng Thuỳ Anh, Thy Trần & Trang Đoàn, Nguyễn Giao Xuân, Dae Hong Kim, Bay Library & Hanoi Zine Library, Hagan Nguyen, Đinh Nhung, Luu An, Haydn Brooks, Oanh Nguyễn / Jeanne Travers, nguyên con người, Quyên D. Phạm, Trần Duy Bảo/Dảo, Nguyễn Hải Giang, Nguyễn Minh Quang, Nguyễn Thuỳ Dương, chaulichi / Lê Minh Châu, Trần Huy Vương, Nguyễn Hải Yến/ Red, Chi L. Nguyen, Trần Duy Hưng, Jo Ngo, Kito Landy, Thảo Vũ, Nguyễn Hiếu Ngọc, Segolene Haehnsen Kan & Damien Vandesande, Phạm Hồng Sâm, Hần/ Clipber, Phạm Trần Phương, Nguyễn Lê Nguyên/Jack, Nguyễn Thị Mỹ Linh/ Linh Thôi, Dương Thanh Quang, A Sông (Mi Fa, Jemma Jet, Nhóm Sá Cô Gứa, Xuân Hạ, Phạm Bá Lĩnh, Nguyễn Đình Phong), Bầu Tầu Ngầm, Craig & XT, Karen Thao La, Nhi Lê / Sam, Liên Phạm, Kate Tipler, Hoàng Vũ / kemeno, Hoàng Phương Thảo, Lê Trang Nhung, Mzung Nguyễn, Nguyễn Kim Duy, Kim Cỏ, Nguyễn Linh Phương Thảo, Tiêu Vĩnh Thịnh, Nguyễn Khắc Trung, Trần Kim Hoa, Trần Lê Hoa, Sơn FM (Nic Ford & Attiss Ngo), Đinh Thanh Hải, Quỳnh Lâm, Anh La , Nguyễn Lê Hoàng Phúc, Thanh Đoàn, Nguyễn Lê Trung Hải, Diệp Chi Viên Viên, Lê Can Trường, Đặng Thảo Nguyên, Phạm Nguyễn Anh Tú, Huỳnh Công Nhớ, Việt Thúy, Lê Bình Giang, Patricia Zhou và ++*
*chúng tôi không thể liệt kê hết những nghệ sĩ Nổ ngẫu hứng vào phút chót nên tạm để cộng cộng vậy nha
Vì sao chọn Đà Lạt?
Cái tên Đà Lạt bắt nguồn từ Đạ Lạch – một dòng suối của của người Lạch. Vẻ đẹp của “Đạ Lạch” mang đầy đủ giá trị chân – thiện – mỹ đậm đà và rất riêng, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng du khách trong và ngoài nước. Thành phố Đà Lạt với khí hậu mát lạnh quanh năm, với quy hoạch và kiến trúc mang phong vị Châu Âu; điều này cộng hưởng với sự hoang sơ và hồn nhiên của các sắc dân thiểu số và nếp sống thu vén, cặm cụi của dân nhập cư từ các miền đã khiến hình thành nên một thành phố với tính cách khác biệt. Dân số Đà Lạt năm 2018 là 406.105 người. Đây là đô thị miền núi đông dân đứng thứ hai cả nước, chỉ sau thành phố Buôn Ma Thuột, trong đó 82.6% là dân thành thị. Tỷ lệ người trẻ cao, thành phố nhiều năng lượng.
Trong những năm vừa qua, Đà Lạt càng được chú ý hơn với những chương trình đa dạng như Lễ hội Hoa hằng nằm, nghệ thuật công cộng Phố Bên Đồi, phố nghệ thuật Yersin, v.v. chương trình Đà Lạt Mộng Mơ muốn góp phần vào không khí sinh động, tươi vui đó để mang đến cho Đà Lạt một tuần lễ nghệ thuật đương đại đầu tiên, nhằm khuyến khích người dân địa phương ủng hộ hướng làm du lịch văn hóa, yêu thiên nhiên và sống xanh.
Các con số đáng chú ý:
– 100+ nghệ sĩ tham dự
– 7 điểm triển lãm
– 10 buổi văn nghệ quần chúng (chiếu phim, ca nhạc, múa, cải lương, trình diễn)
– 2 workshops và trò chuyện với người làm nghệ thuật (artists’ talks)
– 1 chuyến điền dã cho nghệ sĩ (field trip)
– 1 trại nghệ sĩ (artists’ camp)
– Dự kiến hơn 5,000 người tham quan
Mô hình triển lãm Nổ Cái Bùm có gì khác?
Trên thế giới, mô hình đại triển lãm nghệ thuật (biennale) mang quy mô cỡ thành phố không còn xa lạ. Tuy nhiên, hầu hết đều do một đơn vị thuộc nhà nước hoặc doanh nghiệp lớn đứng ra bảo trợ và tổ chức. Ví dụ, lưỡng niên/biennial (mà tiên phong là Venice Biennale) là triển lãm 2 năm một lần, tam niên/trienniale (tiêu biểu ở Châu Á có Yokohama Triennale) là triển lãm 3 năm một lần. Vào tháng 6 năm 2022 sắp tới, sẽ có triển lãm Documenta 15 được tổ chức 5 năm một lần tại Kassel, Đức. Chủ đề của các triển lãm dạng này cũng sẽ do một hoặc nhóm giám tuyển (curator) lựa chọn, và những người này sẽ tiếp tục lựa chọn và mời nghệ sĩ phù hợp với chương trình của từng năm. Mô hình này cho thấy nhiều ưu điểm trong việc thúc đẩy sáng tạo và kết nối nghệ sĩ trên toàn thế giới, nhưng theo thời gian cũng không tránh khỏi những hạn chế về mặt nội dung và trở nên ngày càng xa vời với nghệ sĩ ở các nước có nền nghệ thuật đang phát triển, chẳng hạn như Việt Nam.
Nổ Cái Bùm xuất phát từ nhu cầu của nghệ sĩ trong nước muốn tự thực hành với nhau và cùng tổ chức một sự kiện nghệ thuật thật sự ưu tiên cho nghệ sĩ. Nổ Cái Bùm không có giám tuyển. Các tác phẩm tham dự do nghệ sĩ chọn từ các hồ sơ đăng ký tham gia, và một số khách mời do nghệ sĩ chọn. Các giám tuyển cộng tác với Nổ Cái Bùm không có vai trò quyết định danh sách nghệ sĩ hoặc nội dung của toàn bộ đại triển lãm mà chỉ tham gia một phần của chương trình hoặc các hoạt động tọa đàm, workshop, xung quanh sự kiện.
Phần lớn kinh phí tổ chức Nổ Cái Bùm là do cộng đồng góp sức. Ngoài ra, có các mạnh thường quân là các nhà sưu tập, quỹ và doanh nghiệp địa phương đứng ra hỗ trợ chỗ ở cho nghệ sĩ và một phần chi phí tổ chức. Nổ Cái Bùm không bán tác phẩm và cũng chưa có kế hoạch bán trong tương lai. Nghệ sĩ nếu muốn bán tác phẩm để gây quỹ cho Nổ Cái Bùm thì là hành động tùy tâm.
Tình bạn trong nghệ thuật
Tình bạn giữa các nhóm nghệ sĩ làm một trong những yếu tố tiên quyết để phát triển nền nghệ thuật đương đại ở Việt Nam. Nổ Cái Bùm cởi mở với tất cả nghệ sĩ trong nước. Hầu như chưa có một tuần lễ nghệ thuật nào quy tụ được đông đảo các nghệ sĩ và collective (nhóm nghệ sĩ) đương đại đến từ nhiều vùng miền với thực hành đa dạng và tự do như vậy ở Việt Nam. Năm nay, Đà Lạt Mộng Mơ 2022 do Sao La và Hey ! Storm đăng cai nhận được sự ủng hộ của Nhà Sàn Collective , Sàn Art, Mơ Đơ, A Sông, Morua Arts Project – MAP, Đom Đóm, DocLab, Bà-Bầu Air, Heritage Space, Phụ Lục, Then Café, các thành viên của những nhóm nghệ sĩ cũ như Group of Ten và Gang of Five, v.v. Chưa kể đến sự hỗ trợ của các doanh nghiệp địa phương, bộ sưu tập nghệ thuật đương đại, và công chúng. Sự đoàn kết này là yếu tố không thể thiếu dẫn đến thành công của Nổ Cái Bùm.
Tính du hành và phi-tập trung (decentralized)
Nổ Cái Bùm không cố định ở một không gian hoặc một thành phố, hay theo một chu kỳ nhất định. Mỗi đợt triển lãm là một cuộc hội ngộ theo “duyên”, nghĩa là mỗi kỳ triễn lãm đều di chuyển đến một thành phố khác và do một nhóm nghệ sĩ khác nhau xung phong tổ chức nếu điều kiện cho phép. Tính du hành này của một đại triển lãm cho phép Nổ Cái Bùm mang một màu sắc và phong cách tươi mới mỗi năm, đồng thời tiếp cận được với nhiều đối tượng khán giả và nghệ sĩ sống tại các tỉnh thành khác ngoài hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn. Việc phân tán các hoạt động nghệ thuật đến những thành phố nhỏ hơn không chỉ kết nối cộng đồng nghệ thuật mà còn giúp thúc đẩy những sáng tạo mang tính đa ngành, đa văn hóa. Đây còn là dịp để nghệ sĩ khám phá nhiều địa phương và khán giả bản địa tiếp xúc với nghệ thuật đương đại từ khắp nơi ở Việt Nam.
Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.