Phong hoa ca vịnh
Thời gian đăng ký: 21/04 – 02/05/2023
Thời gian diễn ra hoạt động: 05 – 07/2023
Link đăng ký
Thông tin từ ban tổ chức:
Hiếu Văn Ngư trân trọng thông báo chặng thứ ba của “Phong hoa ca vịnh” – hợp phần thực hành, ứng dụng di sản âm nhạc dân gian trong sáng tác chính thức ra khởi động từ 04/2023. Với hành trình này, 25 người tham dự sẽ được các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ hướng dẫn để sáng tạo những tác phẩm âm nhạc mới có sử dụng chất liệu ru, hò và lý Nam Bộ.
Ai có thể tham dự?
Các cá nhân sinh sống tại Việt Nam, quan tâm đến “Phong hoa ca vịnh” nói riêng và di sản phi vật thể nói chung. Lưu ý là bạn mình cần cam kết tham gia toàn bộ chương trình “Phong hoa ca vịnh – hợp phần ứng dụng” trong khoảng thời gian từ tháng 05/2023 – 07/2023.
Các hoạt động chính:
– Tiếp xúc di sản: người tham dự tiếp xúc với chất liệu ru, hò và lý thông qua bộ sưu tập di sản số “Phong hoa ca vịnh” và các workshop chuyên sâu cùng nghệ sĩ.
– Khóa học thực hành, ứng dụng di sản âm nhạc dân gian trong sáng tác cùng nhà nghiên cứu – nhạc sĩ Lê Hải Đăng. Các học phần gồm có: âm nhạc nhập môn, các phương tiện biểu hiện trong âm nhạc, làm quen thực hành sáng tác, vận dụng chất liệu trong sáng tác và lưu trữ – hoàn chỉnh tác phẩm.
– Thực hành sáng tác tác phẩm âm nhạc có ứng dụng các chất liệu ru, hò, lý.
– Hoàn thiện tác phẩm: người tham dự được nhà nghiên cứu – nhạc sĩ Lê Hải Đăng hướng dẫn hoàn chỉnh tác phẩm.
– Chương trình biểu diễn – ra mắt tác phẩm được tuyển chọn.
Cách thức đăng ký
– Bạn điền thông tin đăng ký vào form đăng ký
– Sau khi đăng ký, Hiếu Văn Ngư sẽ xác nhận thông tin qua email và người tham dự tiến hành thanh toán chi phí tham dự 2.000.000 VNĐ. (Đây là chi phí đã được hỗ trợ bởi dự án).
Để được hỗ trợ thông tin về dự án, vui lòng liên hệ:
Hà Thúc Đức Tùng – Số điện thoại: 0934 848 800 hoặc email [email protected]
Hoạt động được hỗ trợ bởi Hội đồng Anh trong khuôn khổ dự án Di sản Kết nối, một dự án từ năm 2018 nhằm bảo tồn và phát triển các loại hình di sản nhạc và phim của Việt Nam, đặc biệt chú trọng đến các giá trị không được nhiều người biết đến và có nguy cơ mai một.
Nhà nghiên cứu – nghệ sĩ đồng hành với dự án
Nhạc sĩ – Nhà nghiên cứu Lê Hải Đăng
Nhạc sĩ – nhà nghiên cứu Lê Hải Đăng học âm nhạc từ năm 9 tuổi, tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội năm 1996 với hai chuyên ngành Lý luận và Guitare. Anh từng đảm nhận vị trí Trưởng ban Văn hóa Cổ truyền, Trưởng ban Di sản Văn hóa – Viện nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật tại TP. HCM, có nhiều năm sưu tầm, nghiên cứu dân ca, văn hóa nghệ thuật dân gian, truyền thống. Anh Lê Hải Đăng đã từng làm diễn giả cho nhiều dự án văn hóa liên quan đến âm nhạc truyền thống như Diễn xướng Nam Bộ (Đối thoại văn hóa Cộng đồng CCD), các chương trình giao lưu âm nhạc giữa Việt Nam và Đài Loan, “Phong hoa ca vịnh” (Hiếu Văn Ngư), v.v..
Tài tử Nguyễn Văn Hưng (Sáu Hưng) và tài tử Nguyễn Song Oanh
Tài tử Sáu Hưng và tài tử Song Oanh thuộc khóa đầu tiên của trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (Nay là Đại học sân khấu – điện ảnh TP.HCM). Hai tài tử cũng là thành viên của CLB Đờn ca tài tử Tám Danh (Hội Di sản TP.HCM), từng đi giao lưu đờn ca tài tử ở nhiều tỉnh thành, hỗ trợ các bạn sinh viên trường đại học Văn hóa, dạy đờn kìm và ca cổ cho người trẻ. Từ năm 2020, hai tài tử đã đồng hành với Hiếu Văn Ngư trong các dự án lan tỏa âm nhạc truyền thống đến công chúng.
Về Hiếu Văn Ngư – Cultura Fish
Được thành lập từ năm 2020, Hiếu Văn Ngư – Cultura Fish là dự án khơi gợi nét đẹp của nghệ thuật Việt Nam trong lòng khán giả trẻ thông qua hoạt động truyền thông, workshops, khóa nhập môn thưởng thức và các sản phẩm ứng dụng. Hiện tại, Hiếu Văn Ngư tập trung lưu trữ và truyền thông các loại hình diễn xướng Nam Bộ như sân khấu hát bội, dân ca (ru, hò, lý) trên nền tảng website, Facebook cũng như các đối tác quốc tế.