Workshop #1: Nhìn lại lịch sử phê bình nghệ thuật: Baudelaire, phê bình và lịch sử
19:00, thứ Sáu 31/05/2024
Toong
51 Phan Bội Châu, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Link đăng ký
Thông tin từ Hanoi Grapevine:
Tại sao bắt đầu với Baudelaire?
Thứ nhất, phê bình của ông rộng khắp, không chỉ văn chương mà cả âm nhạc và hội họa. Được đăng trên báo, theo sát nhịp đi của thời đại, đó là một thứ phê bình vừa có tính chiến đấu (như trong trường hợp phiên tòa xử Flaubert) vừa có tính phát hiện: ông tìm ra được trong tác phẩm và toàn bộ triết lý sáng tác của Constantin Guys yếu tính của thời mình, mà ông gọi là tính hiện đại: “cái trung chuyển, cái thoáng qua, cái ngẫu nhĩ”, nơi sự trác tuyệt và rùng rợn, vĩ đại và vớ vẩn gặp nhau trong xoáy lốc khôn cùng.
Không chỉ đi cùng nhịp với chuyển động lịch sử, phê bình ấy còn được dựng trên một độ dày lịch sử lớn. Cái nhìn về hội họa đương thời của Baudelaire được đặt trong đối sánh với thế hệ ngay trước đó – thế hệ của Cách Mạng, của Sáng (Enlightenment), của con người vươn mình đến kích cỡ thần. Ở thời đại kỹ thuật của Baudelaire, thiên tài lại biểu hiện khác hẳn, gần như đối lập: không phải ánh sáng mà là bóng tối, là cực âm. Thiên tài là kẻ chỉ chăm chăm lẩn vào đám đông, làm tấm gương phản chiếu những chuyển động thoáng qua của nó. Biện chứng lịch sử của nghệ thuật nằm trong chính đối lập ấy.
Bản thân Baudelaire cũng là một nghệ sĩ tạo ra được một hình thức văn chương mới, gọi là prose poem (thơ bằng văn xuôi, cf. Le Spleen de Paris). Khác hẳn phê bình của các giáo sư đại học hay “chuyên gia” thuần túy, phê bình hội họa của Baudelaire là phê bình của một nghệ sĩ với ý thức cao độ về công chúng và những thử thách cùng lý tưởng của công việc sáng tạo, một người thực hành nghệ thuật ngôn từ nhận được gợi ý lớn lao từ thực hành nghệ thuật hình và họa của thời mình.
Là một nghệ sĩ, một nhà phê bình, một nhân vật đầy tính biểu tượng của thời đại, chính Baudelaire sẽ trở thành đối tượng cho một phê bình đồ sộ và độc đáo hướng vào hai vấn đề lớn: (1) quan hệ giữa sống và nghệ thuật và (2) quan hệ giữa sáng tác và phê bình. Tiểu luận của Paul Valery đặt nghệ thuật và phê bình của Baudelaire vào trung tâm của cuộc cách mạng tinh thần thế kỷ XIX, bắt đầu từ Pháp và tạo được vọng âm rộng khắp, đặc biệt là ở Mỹ, Tân Thế Giới.
Trong bối cảnh Việt Nam hiện tại, quay lại với Baudelaire là tìm về một lịch sử của phê bình và một phê bình đậm đặc tính lịch sử. Lịch sử vừa củng cố bộ khung khái niệm cho phê bình vừa làm hiện ra tính cấp thiết của sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật.
* Phí tham gia: 200,000 VNĐ. Ưu đãi 50% cho 05 khách hàng/nhân viên của Toong đăng ký đầu tiên.
** Buổi workshop thuộc Series: “Nhìn lại lịch sử phê bình nghệ thuật – Phê bình xuyên biên giới” do FormaPubli (tiền thân là Xuất bản Khác), Hanoi Grapevine và Toong.
Giới thiệu diễn giả:
Anh Hoa là co-founder, managing editor của FORMApubli, dịch giả của bảy đầu sách văn chương – triết học, đồng thời là sáng lập của chuỗi dự án FORMAtion – với mục tiêu tìm điểm giao cắt giữa các không gian và cộng đồng khác nhau, thông qua việc đọc. Cô hoạt động đồng thời ở Việt Nam và Mỹ, nơi cô đang hoàn thành chương trình Tiến sĩ Lịch sử Văn học & Triết học với học bổng Neubauer Family Distinguished Doctoral Fellowship của ĐH Chicago.
Điều phối: Nguyễn Tú Hằng tốt nghiệp cử nhân Đại học Ritsumeikan Asia Pacific University (Nhật Bản) chuyên ngành Quản lý Quốc tế, tốt nghiệp thạc sĩ Đại học Sogang (Hàn Quốc) chuyên ngành Thương mại Quốc tế và Đông Á học. Từ năm 2019 đến nay, Nguyễn Tú Hằng tham gia quản lý và điều phối Hanoi Grapevine, hoạt động trong mảng tư vấn truyền thông và nghiên cứu, thực hiện nhiều dự án văn hóa ở nhiều vai trò khác nhau. Năm 2020-2023, Hằng đảm nhận vị trí Giám tuyển Giáo dục của Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA). Hằng đồng sáng lập ddur.production (2023-), một collective dạng mở hỗ trợ chuyên biệt cho các dự án triển lãm, và Mạng lưới nghệ sĩ lưu trú Việt Nam (AiRViNe, 2024-), dự án nghiên cứu và tổ chức các chương trình lưu trú sáng tác cho nghệ sĩ tại Việt Nam.
Lưu ý
– Để đảm bảo chất lượng tương tác, module #1 chỉ nhận tối đa 15-20 người tham gia. Người tham gia được khuyến khích hiện diện trực tiếp thay vì qua Zoom.
– Phí tham gia sẽ không được hoàn lại trong trường hợp người tham gia đi trễ hoặc vắng mặt.
– Các module đều được cung cấp học liệu trước buổi học, bao gồm các tài liệu bản mềm miễn phí được đăng tải trên website Vitanova và một cuốn sách. Với tài liệu là sách, người tham gia có thể chọn mua hoặc mượn từ đơn vị tổ chức (với cam kết sẽ hoàn trả nguyên trạng sau khi module kết thúc).
Về chuỗi workshop Nhìn lại lịch sử phê bình nghệ thuật
“Nhìn lại lịch sử phê bình nghệ thuật: Phê bình xuyên biên giới từ Baudelaire đến Gertrude Stein và Lukacs” là chuỗi workshop dài mười tuần, do FORMApubli, Hanoi Grapevine và Toong đồng tổ chức, với mục tiêu nối việc đọc – viết với phê bình nghệ thuật, nhằm giúp nghệ sĩ và công chúng chủ động hơn trong việc xây dựng concept và mở rộng hiểu biết về lịch sử & lý thuyết thực hành. Workshop gồm bảy module, mỗi module dài 1-2 buổi, khai thác một nhân vật trung tâm của các hiện tượng sáng tác – phê bình quan trọng, đi sâu vào các khía cạnh của một nhân vật rồi mở ra các nhân vật khác. Các module hợp thành một chỉnh thể bao quát các giai đoạn lịch sử & khu vực địa lý của lịch sử nghệ thuật – văn chương hiện đại.
Về đơn vị tổ chức:
Hanoi Grapevine
Hanoi Grapevine là doanh nghiệp xã hội, được biết đến như nền tảng trực tuyến độc lập, kênh thông tin và quảng bá đầu tiên cho nghệ thuật đương đại tại Việt Nam. Bên cạnh việc kết nối các nghệ sỹ, các không gian nghệ thuật và các nhà tổ chức sự kiện nghệ thuật chất lượng cao với khán giả, Hanoi Grapevine thực hiện các chương trình có tính giáo dục, chia sẻ kiến thức hay tổ chức sự kiện nhằm mục đích xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ văn hóa nghệ thuật hiệu quả. Văn phòng Hanoi Grapevine đồng thời là thư viện Đỡ Đần, đặt tại 32 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội.
FORMApubli
Trực thuộc Vitanova, FORMApubli (tiền thân là Xuất bản Khác/ Éditions Ailleurs) là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, tập trung vào triết học và văn chương. Bên cạnh phát hành sách, FORMApubli còn duy trì nhiều hoạt động miễn phí nhằm mở rộng kiến thức cho độc giả về các tác giả đã và sẽ xuất bản; song song với đó là một số dự án liên quan tới sách thuộc ba mảng thiết kế, giáo dục và nghiên cứu.
Toong
Toong là nhà phát triển môi trường làm việc toàn diện với mạng lưới rộng khắp các địa điểm tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Viêng Chăn (Lào). Sứ mệnh của Toong là kiến tạo các giải pháp không gian làm việc năng động dành cho cộng đồng trí thức và doanh nghiệp cấp tiến ở mọi quy mô, thuộc đa dạng lĩnh vực, từ công ty khởi nghiệp đến tập đoàn toàn cầu.
Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.
Hanoi Grapevine Email Website Facebook Instagram Youtube |