Home Sự kiện Mĩ thuật Cocoa Châu Á & Những hoạt động nghệ thuật gắn liền với...

Cocoa Châu Á & Những hoạt động nghệ thuật gắn liền với cộng đồng

Đăng vào
0

14:00, thứ Năm, 13/06/2024
Sự kiện trực tuyến (link sự kiện sẽ được gửi tới những bạn đã đăng ký tham gia buổi trò chuyện)
Ngôn ngữ: Tiếng Anh
Link đăng ký

Thông tin từ ban tổ chức:

Với sự đồng hành của giám tuyển Caroline Ha Thuc cùng hai nghệ sĩ Ravi Agarwal và Jiandyin Collective, buổi trò chuyện lần này tập trung luận bàn về những thực hành nghệ thuật gắn liền với cộng đồng và quá trình sáng tác dựa trên khảo cứu thực địa. Ravi khởi hành tới những vùng trồng cacao ở Nam Ấn Độ – Kerala, Andhra Pradesh và Kamataka – với mục đích tìm hiểu mô hình trồng và chế biến hạt cacao do những nhà sản xuất cacao độc lập, nhỏ lẻ phát triển và áp dụng. Jiandyin gặp gỡ Go Niaw, một Phật tử người Thái trồng cacao tại tỉnh Prachuap Khiri Khan (Thái Lan), khi Bộ Nông nghiệp Thái Lan cung cấp cây giống cho nhà nông nhằm hỗ trợ bà con bị tổn thất bởi Siêu bão Gay năm 1989. Tập trung vào phương pháp nghiên cứu, thu thập và xử lí thông tin của nghệ sĩ, cũng như những thách thức họ gặp phải trong quá trình thực địa, buổi trò chuyện này sẽ đào sâu vào những câu hỏi như: Làm thế nào để nghệ sĩ hợp tác với cộng đồng và tạo điều kiện để họ biểu đạt tiếng nói riêng, mà không gây ra sự áp đặt? Nghệ sĩ đứng ở đâu, mục tiêu của họ là gì khi họ làm việc cùng cộng đồng? Những quy tắc đạo đức nào cần được đặt ra khi nghệ sĩ tư liệu hoá điều kiện sống của một nhóm người nhất định? Nghệ sĩ tác động như thế nào đến cộng đồng mà họ tiếp cận? Ngược lại, những mối duyên gặp gỡ và phương pháp nghiên cứu ảnh hưởng ra sao đến hoạt động nghệ thuật cũng như các dự án tương lai của nghệ sĩ?

Bên cạnh đó, Ravi và Jiandyin Collective cũng sẽ chia sẻ sâu hơn về các “chiến lược” mà họ sử dụng trong quá trình nghiên cứu thực địa và thực hiện các dự án khác. Chẳng hạn, Ravi Agarwal đã dành nhiều năm tư liệu hoá cuộc sống của lao động di cư qua dự án dài hạn Down and Out: Labouring under Global Capitalisim (1997–2000) (được trình hiện tại Documenta XI, 2002). Jiandyin Collective, qua chuỗi tác phẩm Dialogue: Seeing and Being project (2010–2017), đã thu thập biết bao chân dung của nhiều người từ đa dạng các cộng đồng trên khắp thế giới, từ đó thiết lập mối quan hệ thân thuộc giữa nghệ sĩ và chủ thể.

Về diễn giả:

Ravi Agarwal thực hành liên ngành; không chỉ là một nghệ sĩ, mà còn là nhà văn, giám tuyển và nhà hoạt động môi trường. Các nghiên cứu của anh giao thoa giữa nghệ thuật và hoạt động xã hội; thông qua nhiếp ảnh, video, văn bản, sắp đặt, nghệ thuật của anh nêu bật các câu hỏi phức tạp và phản hồi về viễn cảnh tương lai của thiên nhiên. Anh đã từng triển lãm tại National Museum of Asian Art – Smithsonian Institution (2022), Havana Biennial (2019), Yinchuan Biennale (2018), Kochi Biennale (2016), Sharjah Biennial (2013), Indian Highway, Serpentine Gallery, London, Anh Quốc và Astrup Fearnley Museum of Modern Art, Oslo, Na Uy (2009), và documenta 11 (2002) – bên cạnh các triển lãm cá nhân và nhóm khác. Anh là giám tuyển của triển lãm New Natures, A Terrible Beauty is Born, Viện Goethe và CSMVS Museum, Mumbai, Ấn Độ (2022), Imagined Documents, Les Rencontres d’Arles, Pháp (2022), và dự án về thế giới đa loài Samtal Jameen, Samtal Jameer. Ravi cũng là cố vấn giám tuyển cho triển lãm Carbon, Science Gallery, Bengaluru, Ấn Độ (2023). Bên cạnh đó, Ravi đồng thời là nhà sáng lập và giám đốc của tổ chức phi chính phủ về môi trường Toxics Link tại New Delhi, Ấn Độ và chương trình Shared Ecologies của Quỹ Shyama nhằm hỗ trợ những sáng kiến tổng hoà giữa nghệ thuật và sinh thái ở Ấn Độ. Ravi là học giả thỉnh giảng tại Paul Mellon Centre – Trung tâm nghiên cứu Nghệ thuật Anh Quốc và Đồng chủ trì Hội đồng Bergan 2025.

Jiandyin Collective là bộ đôi nghệ sĩ/giám tuyển đa ngành gồm Pornpilai Meemalai và Jiradej Meemalai, hiện đang sống và làm việc tại Rachatburi, Thái Lan. Thực hành của Jiandyin xoay quanh việc nghiên cứu, thực địa, thu thập, tổng hợp và thể hiện đa dạng dữ liệu và chất liệu qua các hình thức và phương tiện khác nhau. Hướng đến sự hợp tác và tham gia của cộng đồng, các tác phẩm của Jiandyin mong muốn kiến tạo những không gian và nền tảng được đặt trong những ngữ cảnh của các không-thời gian nhất định, nhằm phân tích mối liên kết giữa cái cá nhân và cái tập thể. Thông qua nghệ thuật của mình, Jiandyin đào sâu vào sự đan xen phức tạp của những vấn đề chính trị và sức ảnh hưởng của chúng lên các nhóm thiểu số bên lề.

Các triển lãm mới nhất của bộ đôi bao gồm: Portrait [Archives of Dialogue: Seeing and Being], Gallery Seescape, Chiang Mai (2017) và The Ontology of Gold: Magic Mountains,Cartel Artspace, Bangkok (2017). Các triển lãm lưỡng niên quốc tế mà bộ đôi góp mặt bao gồm Jakarta Biennale (2021); Asian Art Biennial (2019); Kuandu Biennale (2018); Thailand Biennale Krabi (2018). Năm 2021, Jiandyin sáng lập của tổ chức phi lợi nhuận Baan Noorg Collaborative Arts and Culture và đã tham gia documenta 15 (2022) và Thailand Biennale Chiang Rai (2023.)

Caroline Ha Thuc là cây viết nghệ thuật độc lập, nhà nghiên cứu, giảng viên và giám tuyển. Cô nhận bằng Tiến sĩ tại Trường Truyền thông Sáng tạo, City University Hồng Kông.

Với chuyên môn là nghệ thuật đương đại châu Á, lĩnh vực nghiên cứu của Caroline xoay quanh các thực hành nghệ thuật lấy nghiên cứu làm trọng tâm, cũng như sự xuất hiện của các dạng thức sản sinh tri thức mang tính thay thế và thường đến từ ngoại biên ở châu Á. Cuốn sách gần đây của cô được xuất bản bởi Palgrave Macmillan, London, Anh Quốc năm 2022, mang tựa Research-based art practices in Southeast Asia: the Artist as Producer of Knowledge (tạm dịch: Những thực hành nghệ thuật lấy nghiên cứu làm trọng tâm ở Đông Nam Á: Khi Nghệ sĩ sản tạo Tri thức). Bên cạnh đó, Caroline cũng đã xuất bản nhiều đầu sách về nghệ thuật đương đại Nhật Bản, Trung Quốc và Hồng Kông, cùng những bài viết về thực hành nghệ thuật đương đại ở châu Á. Ở vai trò giám tuyển, cô tập trung vào việc thúc đẩy đối thoại giữa các nghệ sĩ từ nhiều nền văn hóa khác nhau, cùng lúc phản ánh những vấn về xã hội và chính trị đương đại.

Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.

NO COMMENTS

Leave a Reply