Home HanoiGrapevine Kể chuyện Nghệ sĩ Jazz Nguyễn Bảo Long: “Jazz Club như là trường học”...

Nghệ sĩ Jazz Nguyễn Bảo Long: “Jazz Club như là trường học” (P2)

Phỏng vấn bởi Uyên Ly cho Long Waits và Hanoi Grapevine
Hỗ trợ bởi Minh Hiếu
Hình ảnh do Long Waits cung cấp
Ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép

Nghệ sĩ Nguyễn Bảo Long

Hãy cùng chúng tôi nhìn lại hành trình một năm của Long Waits với nhà đồng sáng lập, cây saxophone truyền cảm và kiên định Nguyễn Bảo Long. (Xem phần 1 của bài phỏng vấn tại đây)

Dự định tương lai của anh dành cho Long Waits là gì?

Trong tương lai, anh muốn Long Waits như một nhà hát thu nhỏ, có kịch, điện ảnh, nhạc cổ điển, nhiều thể loại nghệ thuật khác, miễn là người nghệ sỹ nghiêm túc với việc mình làm, chứ không chỉ là jazz. Chẳng hạn anh muốn có một buổi tối của các bạn sử dụng máy quay và mix, dựng hình tại chỗ để các bạn tham gia cùng làm và cùng xem cùng học hỏi.

Hiện tại Long Waits mới chỉ có biểu diễn vào thứ 6 thứ 7, còn các ngày khác thì dùng để chiếu phim – những bộ phim âm nhạc hoặc phim kinh điển.

Ở tương lai chưa biết được, nhưng còn sức anh còn muốn Long Waits này sáng đèn.

Anh muốn mỗi khu phố có một jazz club. Ở những nước phát triển thì đó là đương nhiên vì đó là nhu cầu xã hội. Ở mình thì trung tâm mua sắm nhiều hơn trung tâm văn hóa. Thậm chí anh hứa là với những bạn muốn làm thì anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm như thế này. Đã muốn làm thì làm cho đúng, cho có chất lượng, chứ không vì cái thu nhập.

Cái khó nhất trong nhạc jazz là sức bền và sức chịu đựng. Như em có thể tình cờ thấy nhiều nghệ sỹ nổi tiếng đi máy bay, ô tô sang, nhà đắt tiền. Nhưng ở jazz thì ít thấy nghệ sỹ nổi tiếng nhạc jazz trong lịch sử mà có điều kiện sống xa hoa. Không phải là người ta không có được sự xa hoa, mà đó là cuộc sống người ta lựa chọn để theo đuổi nghệ thuật.

Vì sao lại là sức bền? Vì sao là sức chịu đựng?

Ở trong âm nhạc cái quan trọng nhất là cái tôi và cái năng lượng để chuyển tải. Mình có cái tôi rồi, nhưng mình cần cái năng lượng để chuyển tải. Một nghệ sỹ viên mãn happy thì người ta vẫn chơi hay. Nhưng một nghệ sỹ chọn cuộc sống có đủ sức ép để chuyển tải năng lượng, thì người ta sống được với âm nhạc lâu hơn.

Anh lớn lên hơn khi anh chơi nhạc jazz. Anh lớn lên hơn khi anh tìm hiểu về các nghệ sỹ jazz, thì anh mới hiểu là khi mình tách được ra khỏi nhu cầu của xã hội thì mình mới tự do để chuyển tải cái tôi của mình với một nguồn năng lượng không bị tạp, giống như là mình làm show ở Nhà hát Lớn mà không chấp nhận tài trợ, đấy là cái cách mình giữ năng lượng sạch của mình. Càng đi sâu vào jazz anh thấy cái đấy là rất đúng. Và quan trọng là gia đình mình phải hỗ trợ mình việc này. Chứ nếu không thì mình phải chấp nhận tài trợ và có tiền mang về nhà. Người thân của anh, anh đánh giá rất cao việc mọi người tôn trọng cái quyết định của mình. Cái đấy rất là khó.

Liệu anh có đang dùng jazz để “tu tập” – nói theo cách diễn đạt khá thịnh hành bây giờ?

Không đến mức như thế, nhưng mình phải tách ra khỏi cái nhu cầu xã hội một chút, ví dụ nếu cứ nghĩ tuổi này phải có nhà có xe, có đồng hồ v.vv… nếu cứ đâm đầu theo như thế thì không chơi nhạc thuần khiết được. Bây giờ có những buổi tiệc riêng tư của những ông đại gia, thích nghe một vài bài trong một buổi tiệc. Ông thì thích kèn, ông thì thích múa. Một nghệ sỹ muốn có tiếng nói đậm chất cái tôi và có con đường âm nhạc riêng của mình, sau khi đi chơi cho một buổi tiệc như thế, cầm vài chục triệu về nhà, với cái năng lượng ấy mình không đủ để làm cái lớn lao hơn được. Vì thế cần học cách từ chối.

Nhưng chỉ cần diễn hai tối để có tiền sống thoải mái cả tháng thì sao lại phải từ chối?

Đúng là có thể nghĩ rằng nếu mình đồng ý có tiền, từ đó có thể làm việc khác mình muốn. Nhưng ở trong âm nhạc, mình thấy có những cái mình muốn làm, như là chơi những tuyển tập nhạc khổng lồ, hay sáng tác cho mình, thì lại bỏ tiền ra không mua được. Cái thang đo mà bỏ tiền ra mua được thì anh lại không muốn làm. Anh nghĩ bỏ ra hai buổi để thu lại một số tiền nào đấy nó không ý nghĩa lắm đối với anh.

Anh đã qua cái thời hào nhoáng đi diễn nhạc pop. Bây giờ mình làm việc khác.

Việc khác, ngoài Long Waits là …?

Bây giờ anh đang vào giai đoạn cuối phát hành cái đĩa. Anh mất hai năm để viết. Cùng với dàn nhạc chamber. Thì dù có cầm vài tỷ anh cũng không viết được, bởi vì anh cần năng lượng và sự tập trung để mà viết. Tiền có sự ảnh hưởng rất là ít đối với năng lượng sáng tạo. Có thể với các việc khác tiền giải quyết nhanh nhưng việc mà anh đang làm tiền không giải quyết được gì nhiều lắm.

Ngoài ra là vấn đề đạo đức nữa. Mình muốn làm một cái lớn, mình muốn mọi người cảm thấy sức ảnh hưởng của mình để người ta tin theo, mà mình lại quay lưng lại bán rẻ nghệ thuật của mình thì rất nhanh sẽ không có ai đi theo mình nữa.

Về cái đĩa, anh mất hai năm để viết album, và sáng nay (vào thời điểm phỏng vấn – người viết) vừa mix bài cuối. Mix xong làm mastering. Mất khoảng tháng rưỡi để nhân bản. Hy vọng khoảng ba tháng nữa đĩa ra đời..

Anh làm nhiều đĩa rồi. Đây là cái thứ năm thứ sáu rồi không nhớ. Có nghĩa là khoảng 5-6 năm trở lại đây anh ra nhiều đĩa. Giai đoạn trước là anh chơi nhạc và dạy học thuần túy.

Lỡ anh đang “thuần khiết” như thế này mà con anh nói muốn đi du học thì anh lấy đâu ra tiền?

Anh may mắn là có ba con giai. Nguyên tắc giáo dục là lớn lên trong cái nghèo. Quan điểm là cho con học đại học công lập, không cho học trường tư. Các bạn học công lập có sức bền và sức chịu đựng lớn. Anh muốn ba đứa con đều học công lập. Thằng đầu học đại học Luật Đại học Quốc gia. Thằng thứ hai mới sáu tuổi, thằng út mới 6 tháng thì chưa biết thế nào. May là anh có gia đình hiểu mình và tôn trọng việc mình làm, chứ không mẹ cháu cứ đòi cho con đi du học thì cũng căng.

Làm thế nào để thuần khiết mà vẫn cân bằng được để sống sót?

Mô hình jazz club cho đến những năm 50-60 có lãi cho đến khi nước Mỹ cấm bán rượu lậu, thuốc kích thích và gái (là những hoạt động cửa sau của jazz club). Với anh cái lãi của jazz club là thời gian nó tồn tại được. Anh rất cảm ơn Tuấn Anh và Hùng, để mà ngồi xuống cùng đầu tư làm một mô hình. Khi ngoảnh mặt nhìn cái khoản đầu tư của mình, không nghĩ mình sẽ lãi về vốn, cái mình lãi là cái mình đi được sau từng ngày. Sau mỗi ngày mà còn tồn tại được là lãi. Còn đi về phía trước là còn đón nhận sức ép mới và giảm tải sức ép cũ. Về bài toán kinh doanh anh không tự làm được nên anh có Tuấn Anh với Hùng giải quyết vấn đề đấy.

Nhiều nghệ sỹ quốc tế sang đây chơi, sau khi chuẩn bị bước ra cửa nói ra là tao biết làm cái này không làm mày giàu, thế giới cũng thế thôi. Nhưng cứ làm thôi. Cũng đúng. Chả ai lấy vợ vì nghĩ mình sẽ giàu lên khi lấy vợ. Mình hạnh phúc khi ở cùng vợ, vì yêu. Đã yêu thì dẹp cái lợi nhuận qua một bên. Như một cam kết.

Anh muốn các bạn khác khi mở ra một chỗ như thế này thì các bạn hiểu được cái đấy, thì hãy mở. Còn nếu mở ra tháng này và muốn tháng sau thu về thì đừng mở vội. Người đến đây họ hướng đến cái đẹp trong thời gian đến đây. Và càng dành nhiều thời gian hướng đến cái đẹp thì xã hội sẽ trở nên tốt hơn.

Nghệ sĩ Nguyễn Bảo Long (phải) và nghệ sĩ Nguyễn Thế Anh (trái)

Những việc anh muốn làm thì anh đã làm hết chưa?

Anh làm hơi lung tung. Anh làm với năng lượng mà anh có trong mỗi ngày. Ví dụ anh hoạch định năm nay là hai album, nếu còn năng lượng thì làm cho nó phức tạp hơn chút. Năm sau anh chưa biết sẽ định làm gì, thì cứ làm hết năng lượng mình có thôi.

Cuộc sống hàng ngày của anh diễn ra như thế nào?

Trong ngày, sáng đưa con đi học, 30 phút cà phê. Sau đó hai đến ba tiếng buổi sáng viết nhạc. Chiều cũng thế. Một phần viết, một phần tập kèn. Viết xong thì mình chuyển thành album, xong thu, xong mix. Mỗi project nhanh thì sáu tháng. Không thì cái anh đang làm mất hai năm. Dĩ nhiên trong hai năm thì làm những việc khác, rồi có những việc chồng vào nhau. Cuối tuần thì anh chơi ở đây (Long Waits). Cái chương trình của cuối tuần thì anh hoàn thiện vào đầu tuần để các bạn biết là cuối tuần làm gì, để còn thiết kế poster. Hạnh phúc nhất của nghệ sỹ là làm nghệ thuật, thì bây giờ anh đang hạnh phúc, mình được cống hiến, mình được làm cái thuần khiết nhất. Chứ không phải mình chơi xong mình cầm về nhà bao nhiêu tiền.

Sức bền, sức chịu đựng có phải là phương châm sống của anh?

Với anh, khi buồn khi vui khi trầm cảm đều có năng lượng. Mình dùng nó để cho sáng tạo. Và anh biết cách chuyển cái năng lượng đó thành sáng tạo. Và mình muốn năng lượng của mình đa chiều hơn, nhiều cảm giác hơn để nó không bị một màu. Và bản tính của anh hơi nghiêng về năng lượng xấu nên anh thích khó khăn hơn là dễ dàng. Có mỗi cái quan trọng là mình định làm gì thì mình phải cam kết làm cái việc đấy. Trong nghệ thuật nó rất khó vì nghệ thuật là môn tự nghiên cứu tự sáng tạo. Nếu không biết cách cam kết với bản thân, mình tự thỏa hiệp, thì mình sẽ không có sản phẩm, hoặc nếu có sản phẩm thì nó sẽ không mang tính cá nhân.

Trong quá trình làm đĩa anh đã tự thử thách mình những gì?

Mỗi project anh kiểm tra xem đã có ai làm cái format (hình thức – người viết), cái thể loại đấy chưa. Nếu có rồi thì anh không làm. Dự án này là sự kết hợp giữa dàn dây, bộ gõ giao hưởng, gõ Nhật Bản và nhóm nhạc jazz. Đây là hình thức khó kết hợp. Thậm chí khá hiếm tìm được những buổi diễn live có những yếu tố kể trên kết hợp với nhau. Anh không học về sáng tác, nên khi mình làm, mình phải tìm cho mình sức ép và học cách để viết những hình thức mà chưa kết hợp với nhau. Mỗi một giờ khi làm cái dự án này đều là thử thách vì mọi thứ đều mới. Với anh, như kiểu là xác định thấy hố vôi to thì mới nhảy, cái hố bé thì không nhảy. Nói qua để bạn hiểu là cuộc sống happy (vui vẻ) nó không cho mình đủ năng lượng để mình làm việc. /

Xin cảm ơn anh rất nhiều vì đã dành thời gian phỏng vấn

NO COMMENTS

Leave a Reply