Thảo luận #4: Nhìn lại lịch sử phê bình nghệ thuật: Henry James và nghệ thuật quan sát
18:00, thứ Bảy 17/08/2024
Online qua Teams
& Toong 51 Phan Bội Châu, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Link đăng ký
Thông tin từ ban tổ chức:
Buổi thảo luận nhằm giải mã “bí mật Jamesian”, một phương thức sử dụng nghệ thuật thị giác trong các tác phẩm của Henry James như một cách khắc hoạ bản sắc văn hoá của nhân vật, hay còn gọi là “hệ thống quan sát”.
Henry James là nhà văn đại diện tiêu biểu cho sự phát triển của tiểu thuyết hiện đại với kỹ thuật kể chuẩn khai thác đời sống nội tâm nhân vật như một cách thực thi nghệ thuật thị giác bằng ngôn từ. Với hai giai đoạn của sự nghiệp: “thời kỳ London” với sự trẻ trung, thích gây bí ẩn nhưng không kém phần niềm vui hào hứng và “thời kỳ Paris”, trưởng thành và mang nhiều tính phê bình hơn. Buổi thảo luận sẽ bàn về những ảnh hưởng của James trong thời kỳ hiện đại cho tới ngày nay.
Buổi thảo luận #4 có sự tham gia của cây viết Zelda và người đọc Ran
Phí tham gia: 100,000 VNĐ/buổi. Ưu đãi 50% cho 05 khách hàng/nhân viên của Toong đăng ký đầu tiên.
Zelda (Hằng Nguyễn) là một người viết nhiều thứ. Các sách đã xuất bản: Từ nơi tận cùng thế giới (tập truyện ngắn, 2014, tái bản 2019), Như là vẽ ra mà thôi (tập thơ, 2014, tái bản 2020), Và để cơn mưa nằm yên (tản văn, 2015), Đây không phải chuyện cổ tích (tập truyện ngắn, 2015), Giữa ai và ai, không ai (postcard thơ, 2016), Lúc nào cũng là quá muộn (tập thơ, 2017, tái bản 2021), Điều duy nhất còn sót lại (tập truyện ngắn, 2020) và hơn 20 sách xuất bản chung khác. Zelda cũng thực hiện dịch thơ như Yêu là thương hay vận rủi (Lang Leav, thơ và tản văn, 2016), In honor of Xuân Quỳnh (Soulvenir, zine, 2017), Family diner (UNICEF, video, thơ bởi Taz, 2021)… Năm 2024, Zel tham gia Around the Fire Symposium, được tổ chức bởi Queen University of Belfast, với tác phẩm The Bridge.
Ran (Lê Vân) sống và làm việc tại Nhật Bản. Tốt nghiệp Ritsumeikan Asia Pacific University chuyên ngành Xã hội học, Ran dành nhiều thời gian đọc và nghiên cứu văn học và nghệ thuật cổ điển.
Lưu ý:
– Người tham gia có thể lựa chọn tham gia trực tiếp hoặc qua Zoom. Để đảm bảo chất lượng tương tác, module #4 chỉ nhận tối đa 25 người tham gia trực tiếp.
– Phí tham gia sẽ không được hoàn lại trong trường hợp người tham gia đi trễ hoặc vắng mặt.
– Học liệu sẽ được cung cấp trước buổi thảo luận.
Về chuỗi workshop “Nhìn lại lịch sử phê bình nghệ thuật”
“Nhìn lại lịch sử phê bình nghệ thuật: Phê bình xuyên biên giới từ Baudelaire đến Gertrude Stein và Lukacs” là chuỗi workshop dài mười tuần, do FORMApubli, Hanoi Grapevine và Toong đồng tổ chức, với mục tiêu nối việc đọc – viết với phê bình nghệ thuật, nhằm giúp nghệ sĩ và công chúng chủ động hơn trong việc xây dựng concept và mở rộng hiểu biết về lịch sử & lý thuyết thực hành. Workshop gồm bảy module, mỗi module dài 1-2 buổi, khai thác một nhân vật trung tâm của các hiện tượng sáng tác – phê bình quan trọng, đi sâu vào các khía cạnh của một nhân vật rồi mở ra các nhân vật khác. Các module hợp thành một chỉnh thể bao quát các giai đoạn lịch sử & khu vực địa lý của lịch sử nghệ thuật – văn chương hiện đại.
Về đơn vị tổ chức:
Hanoi Grapevine
Hanoi Grapevine là doanh nghiệp xã hội, được biết đến như nền tảng trực tuyến độc lập, kênh thông tin và quảng bá đầu tiên cho nghệ thuật đương đại tại Việt Nam. Bên cạnh việc kết nối các nghệ sỹ, các không gian nghệ thuật và các nhà tổ chức sự kiện nghệ thuật chất lượng cao với khán giả, Hanoi Grapevine thực hiện các chương trình có tính giáo dục, chia sẻ kiến thức hay tổ chức sự kiện nhằm mục đích xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ văn hóa nghệ thuật hiệu quả. Văn phòng Hanoi Grapevine đồng thời là thư viện Đỡ Đần, đặt tại 32 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội.
FORMApubli
FORMApubli (Hình Thức) là một nhà xuất bản độc lập chuyên về văn chương, triết học và nghệ thuật. Lấy những cuốn sách làm khởi phát, chúng tôi muốn tạo ra một nhịp khác, một giọng khác, một không gian khác – để những người cần nhau có thể thấy nhau và tạo ra giá trị cùng nhau. Mở đầu bằng việc xuất bản các dịch phẩm văn chương thế giới, chúng tôi muốn tạo ra những cuộc đối thoại không ngờ giữa các tác phẩm, các nhân vật tưởng như rất xa nhau. Chúng tôi cũng hướng đến việc tổ chức các hoạt động mang tính thử nghiệm với cộng đồng nghệ sĩ, nhà làm phim, các tổ chức văn hóa và trường học, mà gần đây nhất là workshop về chuyển thể phim, lịch sử chữ quốc ngữ và phê bình nghệ thuật. Ngoài ra, chúng tôi còn có kế hoạch dịch các tác giả Việt Nam sang tiếng Anh, và mục tiêu lâu dài của chúng tôi là góp phần xây dựng các cộng đồng sáng tạo xuyên biên giới, mà nền tảng là việc đọc.
Toong
Toong là nhà phát triển môi trường làm việc toàn diện với mạng lưới rộng khắp các địa điểm tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Viêng Chăn (Lào). Sứ mệnh của Toong là kiến tạo các giải pháp không gian làm việc năng động dành cho cộng đồng trí thức và doanh nghiệp cấp tiến ở mọi quy mô, thuộc đa dạng lĩnh vực, từ công ty khởi nghiệp đến tập đoàn toàn cầu.
Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.