Triển lãm: Vùng xanh nguyên tử
Khai mạc: 18:00, thứ Năm, 08/08/2024
Triển lãm: 08 – 31/08/2024
Long Biên Art Fair
Tầng 2, TTTM Mipec Long Biên
Số 2 Long Biên 2, Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội
Thông tin từ ban tổ chức:
“Vùng xanh nguyên tử” là tên triển lãm nhóm của 5 nghệ sĩ: Quách Bắc, Lê Nguyễn Duy Phương, Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Phú Viên và Nguyễn Phạm Đình Tuấn. Sự khác biệt so với các triển lãm khác Không phải lối định danh một chủ đề, một thể loại hay một ý tưởng mà là các tác phẩm thể hiện thái độ của mỗi nghệ sĩ trước những thay đổi nhanh chóng của cuộc sống hiện đại, luôn xung đột và tương tác với những hoàn cảnh riêng tư mang tính thách thức trong cuộc sống của mỗi cá nhân. Chính những bất an của cuộc sống và nỗ lực tìm kiếm một “vùng bình yên” giữa những biến động không ngừng đã trở thành gợi ý thú vị cho tên gọi của triển lãm “Vùng xanh nguyên tử”.
Vùng xanh là khái niệm dùng để chỉ những khu vực an toàn trong thời kỳ Covid-19, nhưng Vùng Xanh khi kết hợp với từ Nguyên Tử có nghĩa là sẽ không còn khu vực an toàn nào nữa? Nó gợi lên một khoảnh khắc bất ổn và bất an. Có thể trong cuộc sống hiện đại, hoặc bên trong mỗi một cá nhân.
Quách Bắc lấy cảm hứng từ những kiến thức hình học cơ bản như là góc vuông, góc nhọn, điểm tụ, đường chân trời hay các đường thẳng song song… Tác giả tạo lập trên một không gian trống các nhân vật hữu hình chơi đùa, tương tác, thậm chí gặp sự cố với những điểm lí thuyết ví như những hoàn cảnh phi lí trong cuộc sống của mỗi cá nhân hay ngay trong một xã hội.
Lê Nguyễn Duy Phương thực hành nhiếp ảnh, trong loạt tác phẩm này Duy Phương phản chiếu hướng đi của xã hội hiện đại Việt Nam trong nỗ lực theo kịp phần còn lại của thế giới. Nó làm nổi bật sự kề cận và đấu tranh tồn tại giữa cái cũ và cái mới, cái tự nhiên và cái nhân tạo. Trong một thế giới ngày càng trở nên tách biệt, chuỗi tác phẩm đặt câu hỏi về những hệ quả mà điều này có thể mang lại.
Nguyễn Thanh Tùng đã ngẫu hứng kết hợp sự ngây thơ tuyệt vời của trẻ em với những kí ức, những lo lắng tiềm ẩn của bao khát vọng, mong ước chưa thành trong cuộc sống. Các tác phẩm của anh có chủ thể rất đơn giản, chủ yếu là trẻ em trong các cảnh sinh hoạt gia đình. Tranh của Tùng giống như những lát cắt rất đỗi bình thường của thế giới trẻ em và gia đình, nhưng những góc cắt mà Tùng đưa vào tranh của anh lại có một cái gì đó rất mâu thuẫn, vừa hồn nhiên, vừa thuần khiết nhưng lại chan chứa nỗi âu lo, tù túng, phản chiếu sự xung đột trong chính bản thân anh.
Nguyễn Phú Viên vẽ ra một tự sự nhưng dường như lại không là chuyện chỉ riêng của anh ta. Bước một chân vào thành phố, mà dấu hiệu cụ thể là mua được một mảnh đất. Đó là mong muốn chung của những người nhập cư vào thành phố. Nhưng khi sống ở đô thị, anh ta lại cảm thấy cô đơn, rồi thấy xung quanh mình không có ai. Và anh ta bắt đầu nhận ra những vòng tròn, những đường ranh giới giữa mỗi con người với xung quanh, và với cuộc đời.
Nguyễn Phạm Đình Tuấn vẫn kiên trì với bảng màu gắt gỏng để thể hiện quá trình đô thị hóa đột ngột, cho thấy sự chuyển dịch có phần gượng ép quá mức của các khu vực ngoại thành. Các đồ vật, nhân vật trong tranh của Tuấn dường như bị đặt nhầm chỗ, có chức năng lẫn lộn, hoặc được liên kết trong một hoạt cảnh vô lý.
Mỗi người, trong số phận của mình, đều có những sự kiện, có thể rất lớn, cũng có khi rất nhỏ, nhưng những sự kiện ấy đều làm nên những dấu vết như những địa chỉ mà mỗi người đều đi qua. Và đối với người nghệ sĩ, chúng không chỉ ghi dấu lên cuộc sống bất toàn mà còn trở thành chất liệu chân thực cho các tác phẩm mang tính phản chiếu và suy tư. Chúng tôi hi vọng mỗi người xem có thể cùng đồng cảm và thấy mình trong những hành trình chung và riêng ấy.
Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.