Ngọc Thọ tuổi 100
Khai mạc: 10::30, thứ Hai 02/03/2025
Trưng bày: 10:00 – 18:00, 02 – 11/03/2025
Art30 Gallery
30 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Thông tin từ ban tổ chức:
Hoạ sĩ Ngọc Thọ (1925-2016) thuộc lớp hoạ sĩ đầu tiên của ĐH Mĩ thuật Việt Nam. Mang trên vai nghề giáo và nghiệp vẽ, ông đã sống trọn vẹn một cuộc đời hội hoạ, với tinh thần thời đại của giai đoạn mĩ thuật hậu kháng chiến.
Nằm trong dòng chảy lịch sử của thời kì Hiện thực xã hội chủ nghĩa, Ngọc Thọ cũng thuộc lớp hoạ sĩ tiên phong trong thời cuộc. Di sản để lại của ông khá đồ sộ, từ phác thảo, kí hoạ, màu nước… cho tới sơn dầu, sơn mài; chủ đề cũng khá rộng rãi, từ tĩnh vật, chân dung cho tới phong cảnh, sinh hoạt… Ngọc Thọ quan tâm đến sơn dầu và sơn mài nhiều hơn. Những thành công mà Ngọc Thọ đạt được với sơn dầu và sơn mài không hề đơn giản, đằng sau chúng là cả một chặng dài nỗ lực của người hoạ sĩ lấy lí tưởng hội hoạ làm lẽ sống.
Nhưng còn có một Ngọc Thọ tài hoa ở một phần bình dị hơn trong sự nghiệp, đó là mảng kí hoạ, phác thảo. Ông coi kí hoạ và phác thảo là phương châm rèn luyện nghề nghiệp của mình: phải vẽ hàng ngày, không gián đoạn, bền bỉ và liên tục. Đó cũng là cách hoạ sĩ ghi lại nhịp vận động nhanh mạnh, gấp gáp của giai đoạn tái thiết đất nước; là nguồn cảm hứng, là tư liệu cho những tác phẩm sơn dầu, sơn mài đại cục sau này của ông.
Kí hoạ, phác thảo chính là một phần đời sống của Ngọc Thọ. Chúng có nội dung và tính sử liệu. Về thời gian, chúng theo sát chu trình di chuyển của ông, trong những chuyến đi thực địa như làng quê Thư Thị, doanh trại quân đội, công xưởng đóng tàu Bạch Đằng, hầm mỏ Cẩm Phả, … Về cuộc sống, chúng khắc hoạ chân thực những mối quan tâm của hoạ sĩ trong các khía cạnh: tiếp xúc với con người và hội hoạ, các vấn đề sinh hoạt thường ngày, cường độ lao động, đặc trưng nghề nghiệp, sức khoẻ và tinh thần,… Về tư tưởng, chúng biểu thị thái độ nghiêm khắc và ý thức tôi luyện nghề nghiệp: vẽ đi vẽ lại, khai thác các chiều kích và điểm nhìn nghệ thuật khác nhau của cùng một đối tượng, để tìm kiếm tinh thần của đối tượng bằng biểu thị riêng biệt của mình.
Đi theo kí hoạ và phác thảo, ta sẽ hiểu được đầy đủ những hỉ nộ ái ố, những góc khuất có được, có mất trong cuộc đời hội hoạ của Ngọc Thọ. Hoạ sĩ “tâm sự” nhiều trong kí hoạ, ông thể hiện nhiều nỗ lực trong việc kiên trì theo đuổi các kĩ năng, kĩ thuật hội hoạ, và sự phát triển các nguyên tắc lí thuyết mĩ thuật. Đó cũng là một cuộc đấu tranh giữa lí tưởng và hiện thực cuộc sống khó khăn bất định, những vất vả trong nghề nghiệp, cay đắng với thói đời… Ngọc Thọ dường như là một người thủ cựu trong việc giữ vững quan điểm nghề nghiệp. Ông không thoả hiệp với cuộc sống vật chất, ông luôn động viên mình đi theo chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, một cách khí khái và bộc trực. Những triết lí và cảm xúc, những ghi chú về kĩ thuật vẽ, những câu chuyện thế sự riêng tư luôn chồng lấn nhau trong từng trang giấy, như cách mà ông từng kiên định kí hoạ một thứ nhiều lần. Kí hoạ (và nhật kí) như là một đôi cánh chuyển tải ước mơ của ông, để ông có thể vừa răn mình bằng lời nói, vừa thực hành lí tưởng bằng nét cọ. Đó là cách để Ngọc Thọ tự đối thoại với chính mình, và cũng có thể đó là cách để hoạ sĩ giữ được cốt cách thanh cao của mình trong cuộc sống vô vàn vất vả khó khăn.
Kỉ niệm 100 năm ngày sinh hoạ sĩ Ngọc Thọ, triển lãm này muốn gửi đến quý vị mảng sự nghiệp bình dị của ông, như một góc tâm sự về nghề, về quãng đời lao động nghệ thuật bền bỉ và nghiêm cẩn, và trên hết, về một nét tài hoa trong đời sống thường hằng.
Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.