Thảo luận | Văn chương di dân: Khám phá những lịch sử ẩn giấu
18:30 – 20:30, thứ Ba 06/05/2025
Phòng hội nghị (lầu 2), Toà nhà Đức
33 Lê Duẩn, quận 1, TP HCM
Ngôn ngữ: Tiếng Việt, tiếng Anh, và tiếng Pháp (có phiên dịch song song)
Link đăng ký
Thông tin từ ban tổ chức:
“Lịch sử không chỉ được viết nên bởi những sự kiện vĩ đại ai cũng biết—mà còn bởi những câu chuyện thầm lặng, ít được kể của những con người bình thường.”
Bắt đầu với những trăn trở ấy, buổi tọa đàm này sẽ mở ra cuộc đối thoại về những trải nghiệm ít được biết đến của cộng đồng gốc Việt tại châu Âu: những khó khăn, sự kiên cường, những tự sự nhỏ bé nhưng không vì thế mà tầm thường.
Với những nhà văn nữ gốc Việt đến từ các nền văn hóa và thế hệ khác nhau như Vanessa Vũ, Cécile Pin và Anna Mọi, những tự sự di dân và trải nghiệm cá nhân đã định hình nên văn chương của họ thế nào? Những ký ức về di cư, bản sắc và nơi chốn đã len lỏi vào vào những câu chuyện và hành trình sáng tác của họ ra sao?
Thân mời bạn cùng khám phá thông qua buổi trò chuyện văn học “Văn chương di dân: Khám phá những lịch sử ẩn giấu.”
Diễn giả:
Vanessa Vũ
Vanessa Vũ là nhà báo và tác giả làm việc tại tạp chí ZEIT. Năm 2024, cô xuất bản cuốn sách đầu tay «Komm dahin, wo es still ist» (Rowohlt), một tập thư trao đổi với chồng cô – người Syria Ahmad Katlesh – về chủ đề tị nạn, di cư và bản sắc. Cha mẹ Vũ đến từ Việt Nam, cô sinh năm 1991 tại Đức và trải qua tuổi thơ tại trung tâm tị nạn ở Pfarrkirchen – một ký ức in dấu sâu sắc lên tư duy và văn phong của cô.
Từ năm 2017, cô là biên tập viên tại ZEIT ONLINE, chuyên viết phóng sự, tiểu luận và phân tích xoay quanh các vấn đề di cư, nhân quyền và công bằng xã hội. Hàng tháng, cô dẫn chương trình «Klassenzimmer» tại nhà hát Schaubühne Berlin – một chuỗi đối thoại về nghèo đói và phân biệt giai cấp. Giai đoạn 2018–2023, cô đồng sáng lập podcast Việt-Đức «Rice and Shine».
Cô từng nhận nhiều giải thưởng uy tín như Theodor-Wolff-Preis, Helmut-Schmidt-Preis và Lessing-Preis für Kritik.
Cécile Pin
Cécile Pin lớn lên ở Paris và New York. Cô chuyển đến London năm 18 tuổi để học Triết học tại University College London và tiếp tục lấy bằng Thạc sĩ tại King’s College London. Trước đây, cô từng làm việc trong ngành xuất bản. Cuốn tiểu thuyết đầu tay Wandering Souls đã được đề cử cho giải Women’s Prize for Fiction, Prix Femina Étranger và vào danh sách rút gọn Waterstones Debut Fiction Prize.
Anna Mọi
Anna Mọi, tên thật là Trần Thiên Nga, sinh năm 1955 tại Sài Gòn, trong một gia đình “Bắc 54” (gốc Bắc di cư vào Nam năm 1954); suốt thời thơ ấu, đã đi và sống ở nhiều vùng đất như Sài Gòn, Buôn Mê Thuột và Hội An. Trong những năm 1970, sau khi đỗ tú tài tại trường Pháp Marie Curie Sài Gòn, Thiên Nga sang Paris học Lịch sử tại Trường Đại học Nanterre. Sau đó, cô quyết định chuyển sang học ngành thời trang ở École de la Chambre Syndicale; rồi trở thành nhà tạo mẫu và sở hữu một cửa hiệu thời trang riêng tại Paris, mang tên Anna Moï (sau này trở thành bút danh).
Bắt đầu viết những câu thơ đầu tiên từ năm 16 tuổi, đăng tạp chí ở Hoa Kỳ, nhưng bỏ bẵng viết lách trong hơn 20 năm. Tập truyện ngắn đầu tiên xuất bản năm 2001, đến nay (2024), Anna Moï đã có trong tay 8 tập truyện ngắn và 3 tiểu thuyết.
Anna Moï được Chính phủ Pháp phong tặng danh hiệu “Hiệp sĩ về Văn chương và Nghệ thuật”. Tiểu thuyết Nọc bướm (Le Venin du papillon) do NXB Trẻ phát hành vào tháng 1-2025, giành giải thưởng Littérature-monde của Pháp năm 2017.
Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.