Home Sự kiện Mĩ thuật Như Trăng Trong Đêm

Như Trăng Trong Đêm

17 — 27/04/2025
Rạp Ngọc Khánh
523 Kim Mã, Hà Nội
Complex 01
29/31/167 Tây Sơn, Hà Nội

Thông tin từ ban tổ chức:

‘Jules Vernes kể rằng khi ta nhìn thấy tia chớp lục, ta có thể thấu tỏ được tình cảm của bản thân mình cũng như tình cảm của người khác.’ — Lời thoại trong phim Tia Chớp Lục (Le Rayon vert, Éric Rohmer, 1986).

Phim sống khi chiếu, chết khi chiếu, đấy là số mệnh của phim. Ngoài sống chết này, thân phận phim nằm trong tay người. Ta nhớ về bộ phim ấy, không chỉ vì phim mà vì đời ta khi ấy. Phim vừa là nhân chứng, vừa làm nên khoảnh khắc. Một thời lượng của cường độ. Một chuyển động chứa đựng tất cả tiềm năng dịu dàng và kinh hoàng của thế giới. Có gì đó xảy ra hoàn toàn im lặng. Một dịch chuyển, chảy vào sâu thẳm trong ta theo một cách không ngờ tới. Đây là duy nhất, lúc này, cùng nhau, không bao giờ quay lại. Sự gặp gỡ tâm hồn.

Một ký ức vĩnh viễn. Mỗi phim là một hy vọng.

Như Trăng Trong Đêm (NTTĐ) là chuỗi sự kiện xung quanh điện ảnh Việt Nam liên thời kỳ, bối cảnh và thể loại; tựa những ngõ đi vào di sản phim từ góc nhìn của hôm nay. Là dự án được Trung tâm TPD khởi xướng và tổ chức với cộng đồng của khóa học Giám tuyển Phim, hai kỳ đầu tiên của NTTĐ diễn ra tại Hà Nội (2020) và TP. HCM (2021). Các chuyển động giữa điện ảnh và Hà Nội tạo nên phiên bản 2022 của NTTĐ, được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với các buổi chiếu phim, trình diễn, bài viết và những tác phẩm âm thanh mới. Cùng năm đó, một dự án có liên kết với NTTĐ được tổ chức: xoay quanh những mối nối giữa hai nền điện ảnh Việt Nam và Pháp, ‘Echoes, Embers — A Story of Vietnamese and French Cinema’ được Asian Film Archive giới thiệu tại Singapore, trong khuôn khổ chuỗi chương trình REFRAME.

Quay lại sau ba năm, NTTĐ 2025 là tiếng vọng và phản chiếu từ những kỳ chương trình đã diễn ra. Cái nhìn hướng vào một số vận động điện ảnh những thập niên 1990 và 2000 trong việc làm phim và sự khởi đầu của các cộng đồng gắn liền với hoạt động đào tạo. Bên cạnh đó, là sự hiện diện của các bộ phim Pháp trong những quỹ đạo chung cùng các tác phẩm Việt Nam. Xuyên suốt chương trình NTTĐ từ kỳ đầu tiên 2020 cho tới lúc này, vẫn luôn là câu hỏi về điện ảnh và sự tồn tại của nó — y như cách mà các bộ phim viễn tưởng, mà hôm nay đã không còn viễn tưởng, của Síu Phạm-Chris Marker-Jean Luc Godard, gợi ra cho chúng ta, về con người và thế giới.

Như Trăng Trong Đêm 2025 do Trung tâm TPD tổ chức với sự hỗ trợ và đồng hành từ Viện Phim Việt Nam; Viện Pháp tại Việt Nam và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; chương trình Connections Through Culture của Hội Đồng Anh trong dự án hợp tác với Star Nhà Ease; Quỹ Purin; & Complex 01.

Thông tin chương trình

Hy vọng cuối cùng
(Trần Phương, 1981)
19:30, thứ Năm 17/04/2025
Rạp Ngọc Khánh

Một câu chuyện diễn ra tại Hà Nội đầu những năm 1980. ‘Một cái nhìn sắc sảo lẫn dịu dàng trước những đổi thay trong xã hội Việt Nam, nơi các ý hệ về lòng tốt, sự quả cảm, cao thượng bị đe dọa bởi lòng tham, sự tha hóa của chủ nghĩa cá nhân. Hy vọng cuối cùng là hy vọng vào tình yêu, một quan niệm tình yêu đầy tính lý tưởng và quá mức ý nhị. Một tình yêu dường như chẳng mong cầu gì hơn ngoài giữ gìn sự trong suốt.’

Tiền ơi! Tình ơi! + Ngọn đèn dầu nơi hy vọng cuối cùng: Hai bài viết của Đỗ Văn Hoàng
Đăng tải trực tuyến qua trang Facebook và trang web của NHƯ TRĂNG TRONG ĐÊM 2025

Hai bài viết, mở ra một quỹ đạo từ Tiền Ơi! của Trần Vũ & Nguyễn Hữu Luyện và Hy Vọng Cuối Cùng của Trần Phương, với những tên tuổi khác của điện ảnh Việt Nam đã từng sôi nổi cùng nhau trong thập niên 1980 như Trần Hoàng Bách, Nguyễn Hữu Tuấn, Tất Bình và Như Quỳnh. ‘Điện ảnh của Trần Phương là sự tiếp nối điện ảnh của Trần Vũ, những Tội Lỗi Cuối Cùng (1979), Hy Vọng Cuối Cùng (1981) của ông là sự nối dài những chủ đề của Chuyến Xe Bão Táp (1977), Những Người Đã Gặp (1978), các tác phẩm mà Trần Phương hiện diện với vai trò phó đạo diễn của Trần Vũ. Âm vang tiếng còi cấp cứu cuối con đường chuyến xe bão táp lăn bánh còn vang vọng trong những tiếng quai búa ở xí nghiệp sản xuất hy vọng, những tiếng động đòi hỏi, chất vấn lương tâm của một thế hệ đã bước qua giai đoạn làm phim cổ vũ lòng yêu nước, bước sang giai đoạn hậu chiến vẫn giữ lửa yêu người, yêu đời.’

Truy lùng băng quỷ gió
(Tự Huy, 1992)
19:00, thứ Bảy 19/04/2025
Rạp Ngọc Khánh

Như nhiều nhà làm phim cùng thời kỳ, đứng trước những biến đổi của kinh tế thị trường và xã hội mở cửa, Tự Huy như đi tìm giá trị trong thực hành của mình qua sự điều giải giữa những chuyển biến của thời đại. Bạo lực trong Truy Lùng Băng Quỷ Gió hiện lên như một lời mời gọi, một câu khiêu khích, một tuyên ngôn, một lời cầu cứu, một sự cảnh cáo, một câu hỏi trong những chiều kích của sự thoát ly, từ đó luôn tồn tại những phản ánh và phản tư về một hiện thực nào đó.

Giám tuyển: All About Movies (Trần Khánh An cùng sự đồng hành của Lương Thùy Anh & Nguyễn Phan Thái Vũ)

Điện ảnh, những ký ức mới: Câu chuyện của Asian Film Archive, Mag1n Magazine & Carlotta Films
14:00 — Chủ nhật, 20/04/2025
Complex 01

Buổi trò chuyện với chia sẻ về việc tạo kí ức mới cho điện ảnh từ ba cách tiếp cận, thực hành, quy mô và kinh nghiệm khác nhau: một tổ chức lưu trữ, một tạp chí chuyên đề và một công ty phát hành.

Asia Film Archive (AFA) là tổ chức lưu trữ phim châu Á được thành lập năm 2005 tại Singapore và hiện trực thuộc Ban Thư viện Quốc gia. Bộ lưu chiểu của AFA hiện nay đang có hơn 2,000 tác phẩm điện ảnh châu Á kinh điển, cũng như các bộ phim đương đại của Đông Nam Á. Nhiều dự án giám tuyển phim đặc sắc của AFA như Restored với các tác phẩm được phục chế, Monographs giới thiệu các phim và tiểu luận mới theo chủ đề hay chương trình thường niên phim ngắn Singapore Shorts.

Marg1n là một tạp chí điện ảnh độc lập có trụ sở tại Campuchia, hoạt động dưới sự hỗ trợ của nhóm Anti-Archive. Dự án mời các cây viết, các nghệ sĩ, các nhà làm phim trong khu vực Đông Nam Á để cùng đóng góp nội dung cho một vấn đề trọng tâm mỗi năm. Sau số đầu tiên năm 2024, Marg1n sắp ra mắt ấn bản số thứ hai xung quanh ý tưởng về ‘dấu vết’ trong điện ảnh Singapore và Việt Nam.

Carlotta Films là một công ty phát hành của Pháp đã có 27 năm hoạt động trong việc giới thiệu những tác phẩm kinh điển thế giới, với các bản phim phục chế và một nhận diện mới, thông qua các kênh đa dạng như phát hành rạp, phát hành đĩa chất lượng cao, phát trực tuyến và xuất bản sách. Điện ảnh châu Á là mối quan tâm lớn của Carlotta Films với các tác phẩm của Yasujiro Ozu, Hồ Kim Thuyên, Dương Đức Xương, Hứa An Hoa, hay Mike De Leon.

Cái tát sau cánh gà
(Tất Bình, 2002)
19:00 — Chủ nhật, 20/04/2025
Rạp Ngọc Khánh

Cái Tát Sau Cánh Gà ghi lại ký ức tập thể về sự dịch chuyển của sân khấu miền Bắc thập niên 1990, khi các giá trị cũ dần mờ nhạt và cái mới đang tìm đường định hình. Trong phim, với mong muốn tìm cách đưa đoàn kịch Gió Mới trở lại, cũng là một sự tri ân cuối cùng dành cho khán giả, đạo diễn Nguyễn Đình dồn tâm sức dựng vở kịch kết hợp sân khấu và điện ảnh. Ông tạo ra một phối cảnh giao giữa hai loại hình, đan cài cùng ký ức, những lớp lang thời gian mời gọi những suy ngẫm về ranh giới giữa hư cấu và hiện thực.
Giám tuyển: a blur cinema (Đinh Hằng Giang, Nguyễn Quỳnh Nga, Phạm Huy Anh & Nguyễn Hương Trà My)

Điện Biên Phủ
(Pierre Schoendoerffer, 1992)
19:00 — thứ Ba, 22/04/2025
Rạp Ngọc Khánh

Bộ phim mang tới ‘cái nhìn từ phía Pháp’ về trận Điện Biên Phủ, thực hiện sau gần 40 năm sự kiện lịch sử đánh dấu kết thúc nền thuộc địa của Pháp tại Đông Dương. Trong dòng hồi ức tuần tự cùng lời dẫn của chính đạo diễn Pierre Schoendoerffer, di chuyển giữa Hà Nội và sa trường, cùng âm nhạc day dứt của Georges Delerue, hiện lên những con người, những số phận trong hoàn cảnh tuyệt cùng của sống và chết. Với người đạo diễn đã từng có mặt trực tiếp tại trận địa ấy, bộ phim là một công vụ phải làm. Một thái độ riêng cho câu hỏi về điện ảnh chiến tranh. Một thế đứng biệt lập với hai bộ phim hợp tác sản xuất Pháp-Việt khác được làm cùng năm 1992: Đông Dương của Régis Wargnier, và Người Tình của Jean-Jacques Annaud.

Thịt da, Đất & Nước: Chùm phim tài liệu & hoạt hình
Bàn tay khổng lồ (Trương Qua & Ngô Mạnh Lân, 1973)
Dòng sông ánh sáng (Lê Mạnh Thích, 1990)
Tay đào đất (Bùi Thạc Chuyên, 2002)
19:00 — thứ Năm, 24/04/2025
Rạp Ngọc Khánh

Ba thập niên, ba cự ly để ngắm nhìn con người, thiên nhiên và công nghệ: trong địa hạt của giấc mơ, nơi dòng sông chảy qua, nơi mặt đất ở lại. Khi lũ cuốn trôi ruộng đồng nhà cửa, khi bụi đặc lại trong khoang phổi, khi đất sát thương bởi tàn dư bom mìn, thiên nhiên hằn dấu vết lên con người — phụ thuộc, đối kháng, không thể tách rời. Cơ thể và đất-nước hòa nhịp thở, da thịt hóa cảnh quan.

Nhóm giám tuyển: Nguyễn Ngọc Thảo Ly, Hà Hương Thảo, Nguyễn Phương Thảo

Điểm xuất phát (Robert Kramer, 1993) + Giấc mơ là công dân (Trần Phương Thảo, 2006)
19:00 — thứ Sáu, 25/04/2025
Rạp Ngọc Khánh

Hai bộ phim tài liệu, ‘ghi lại những gì đang xảy ra,’ theo cách nói của đạo diễn Robert Kramer, được thực hiện với việc thu thanh trực tiếp vốn hiếm hoi trong điện ảnh Việt Nam lúc bấy giờ. Điểm Xuất Phát là điểm trở về, một bộ phim mà Kramer thực hiện sau gần 25 năm quay Chiến Tranh Nhân Dân (People’s War, 1969). Tác phẩm mang ta tới Hà Nội vào đầu những năm 90, chuyến du khảo ở một đất nước đang vực dậy sau những mất mát chiến tranh, những dấu vết còn lại cùng những hối hả và trăn trở của một thời kỳ mới.
Hơn mười năm sau, viễn cảnh trong Điểm Xuất Phát thành hình trong Giấc Mơ Là Công Nhân của Trần Phương Thảo. Phim đi cùng những ngày chờ đợi, của mong mỏi có được việc làm tại xưởng máy liên doanh của những cô gái trẻ ở ngoại thành. “Chị quay những lời nói của em, những lời xúc động và sự thật cuộc đời em đã trải qua như thế.” Một bộ phim đầu tay, đánh dấu sự hiện diện đã 20 năm của thực hành ‘điện ảnh sự thật’ (cinéma-vérité) tại Việt Nam gắn liền với các khoá học Varan.

Những khoá học điện ảnh tại Việt Nam: Câu chuyện của TPD, Varan Vietnam, Hanoi Doclab & Gặp gỡ mùa thu
14:00 — thứ Bảy, 27/04/2025
Complex 01

Song song với hệ thống đào tạo điện ảnh công vốn có sự ảnh hưởng lớn ban đầu từ nền điện ảnh Xô Viết, những tổ chức và khởi xướng độc lập gắn liền với các khoá học điện ảnh đã ra đời trong hơn 20 năm trở lại đây. Trung tâm TPD (thành lập năm 2002), khoá học Varan tại Việt Nam (2004), Hanoi Doclab (2009) và Gặp Gỡ Mùa Thu (2013) với các hoạt động bền bỉ của mình đã có đóng góp lớn tới cách tư duy và tiếp cận phim, những không gian và cộng đồng điện ảnh được hình thành, những nhà làm phim mới cùng các tác phẩm được ghi nhận. Buổi trò chuyện về hành trình của bốn tổ chức/khởi xướng này mong muốn mở ra một điểm nhìn khác vào quang cảnh điện ảnh Việt Nam độc lập hôm nay, thông qua những thực nghiệm riêng của mỗi nơi về sự học làm điện ảnh.

Bộ ba viễn tưởng
Epsilon Runner, Người máy lạc loài (Síu Phạm, 2024)
La Jetée/Đài quan sát (Chris Marker, 1962)
Alphaville: Điệp vụ kì lạ của Lemmy Caution (Jean—Luc Godard, 1965)
19:00 — thứ Bảy, 27/04/2025
Rạp Ngọc Khánh

Viễn tưởng điện ảnh của Síu Phạm, Chris Marker và Jean-Luc Godard là thế giới phi nhân, chiến tranh, các thảm hoạ môi trường và bệnh dịch, sự suy tàn của Trái Đất. Thống trị của trí thông minh nhân tạo, máy chủ kiểm soát, người máy, thí nghiệm, những hiện tồn cách địa cầu nhiều năm ánh sáng. Trong khí quyển ấy, dĩ vãng và những cảm xúc con người, nỗi đau và sự day dứt không thể quên, sự trìu mến, yêu thương và thơ ca, đều bị trừng phạt và phải bị tiêu diệt. Đó lại là hy vọng cuối cùng cho tồn tại con người.

Nhóm dự án Như Trăng Trong Đêm 2025

Quản lý: Nguyễn Hoàng Phương
Giám tuyển: Trương Quế Chi, cùng All About Movies (Trần Khánh An, với sự đồng hành của Lương Thuỳ Anh & Nguyễn Phan Thái Vũ), a blur cinema (Đinh Hằng Giang, Nguyễn Quỳnh Nga, Phạm Huy Anh & Nguyễn Hương Trà My), Nguyễn Ngọc Thảo Ly, Hà Hương Thảo, Nguyễn Phương Thảo
Điều phối & truyền thông: Trần Duy Hưng, Đào Linh Trang, Nguyễn Hà Khánh
Trợ lý giám tuyển: Trần Thị Thu Thảo, Nguyễn Hoàng Thiên Ngân
Thiết kế đồ họa: Lequyta
Sản xuất sự kiện: Nguyễn Hồng Quân, Vũ Thanh Bình, Nguyễn Tuyết Ngân
Giảng viên khách mời khóa Giám tuyển phim: Ngô Thanh, Nguyễn Quốc Thành, Mai Anh Tuấn, Tuyet Van Huynh
Kỹ thuật: Phạm Đình Thiện, Hoàng Duy Việt
Hình ảnh sự kiện: Nguyễn Minh Hiếu, Nguyễn Trần Minh, Ngô Trần Phương Uyên, Hà Nguyên
Trợ lý truyền thông: Đặng Hồng Anh, Bùi Thạc Quân
Trailer: Lê Xuân Tiến
Nhạc trailer: in memory of the view from hanoi opera house
Dịch thuật: Bùi Thu Uyên, Nguyễn Hoàng Thiên Ngân, Nguyễn Diệu Linh, Katherine Vũ, Trần Duy Hưng, Nguyễn Phương Thảo, Hà Thị Mỹ Hạnh, Hồ Anh Vũ
Người viết khách mời: Đỗ Văn Hoàng, Phạm Thị Hảo, Nguyễn Đình Tôn Nữ
Nhóm dự án gửi lời cảm ơn chân thành tới: Viện Phim Việt Nam, Jérémy Segay, Nguyễn Ngọc Quang Toàn, Tuyet Van Huynh, Phan Trần Lan Dung, Afshin Salamin, Richard Copans, Aurélie Ricard, Trần Trung Hiếu, Marg1n Magazine, Hiệu sách Hộp, cùng các cá nhân và tổ chức khác đã đồng hành và hỗ trợ.

Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.

NO COMMENTS

Leave a Reply