chạm-nảy: 01 | Chuỗi workshop trình diễn hướng dẫn bởi Lem TragNguyen
09:00 – 12:00, 28 – 30/05/2025
Trung tâm Bảo trợ và Phát triển Nghệ thuật APD
Số 1 Lương Yên, Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Link đăng ký
Thông tin từ ban tổ chức:
Trong xã hội bị chi phối bởi thuật toán, nhịp điệu tăng tốc của đô thị hoá và các dạng truyền thông thị giác nhanh, cùng lúc con người lại ngày càng biệt lập với thiên nhiên và giữa các cá thể, chúng ta đang dần đánh mất sự kết nối với cơ thể như một điểm tựa nội tại. Việc liên tục xây dựng hình ảnh cá nhân như một dạng phản xạ sinh tồn đã làm xói mòn khả năng cảm nhận sâu, biến thân thể thành công cụ trình diện thay vì là nơi cư trú của tư duy. Ở khung cảnh bản địa, tình trạng này càng trở nên phức tạp khi cá nhân vận hành giữa những đứt gãy lịch sử – từ Nho giáo, thực dân, tư tưởng duy ý chí, độc tài đến ảnh hưởng hậu thuộc địa, nhưng lại thiếu thốn nền tảng triết học nội sinh để tự chiêm nghiệm.
Việc quay về với hiện thân của cơ thể, vì thế, không chỉ là hành động cá nhân mà là một cử chỉ mang bản chất xã hội: đặt lại câu hỏi về sự hiện diện, về khả năng cảm và kết nối, giữa một xã hội ở đó con người ngày càng xa rời cảm giác gốc rễ của chính mình.
Chính từ những băn khoăn đó, chạm-nảy ra đời như một thực hành mang tính phản hồi, với mong muốn tạo không gian phản ánh chính cơ thể duy nhất này bằng hình thức trình diễn. Trong ba ngày thực hành và trao đổi, workshop lần này mời gọi người tham gia tạm gác lại vai trò và những cấu trúc trình diễn có sẵn để quay trở về với những chuyển động nguyên sơ của thân thể, cùng nhau lắng nghe, thử nghiệm, và định hình lại mối quan hệ với chính mình. chạm-nảy hy vọng gợi lại câu hỏi về sự hiện diện, cảm giác và khả năng tái kết nối trong một xã hội đang ngày càng xa rời chính cơ thể mình.
Workshop dành cho người tham gia từ 16 tuổi trở lên, có thể có kinh nghiệm, ít kinh nghiệm, hoặc chưa từng thực hành trình diễn. Mỗi buổi workshop giới hạn tối đa 12 người thực hành để đảm bảo không gian tin tưởng, thân mật và tương tác cá nhân.
Lịch trình dự kiến:
09:00 – 12:00, thứ Tư 28/05/2025 Buổi 1: Cơ thể và không gian
09:00 – 12:00, thứ Năm 29/05/2025 Buổi 2: Cơ thể với chính nó
09:00 – 12:00, thứ Sáu 30/05/2025 Buổi 3: Cơ thể và thời gian
Lem TragNguyen là nghệ sĩ thị giác sinh ra tại Đức, hiện sống và làm việc giữa Việt Nam và Đức.
Thực hành nghệ thuật của cô phát triển từ mối quan tâm tới cảm thức về nguồn gốc và sự thuộc về trong bối cảnh hậu thuộc địa, nơi thời gian, cơ thể và ký ức luôn vận động và biến đổi. Các dự án gần đây của Lem tập trung vào khái niệm ký ức nhập thể và chăm sóc liên thế hệ, như những phương thức truyền tải ký ức vượt ra ngoài diễn ngôn văn bản và các hệ thống lưu trữ chính thống. Cô thường làm việc với chất liệu mang tính nội địa, qua thao tác và trình hiện, chất liệu dần vượt khỏi bối cảnh cá nhân hoặc địa phương cụ thể, trở thành phương tiện khơi mở ký ức tập thể và tạo không gian cảm xúc giữa các thế hệ. Thực hành của Lem cũng đặt câu hỏi về sự linh hoạt của bản sắc trong hoàn cảnh hậu thuộc địa, nơi bản sắc không mang tính cố định mà luôn hình thành và thay đổi qua tiếp xúc, di chuyển và thời gian.
Lem TragNguyen đã hoàn thành chương trình Thạc sĩ MFA-KTPP tại Stuttgart (Đức) với trọng tâm nghiên cứu về cơ thể, lý thuyết và thi pháp trong nghệ thuật trình diễn. Các tác phẩm của cô đã được giới thiệu tại nhiều triển lãm và liên hoan nghệ thuật, bao gồm: Liên hoan nghệ thuật trình diễn IN:ACT tại Hà Nội (Việt Nam, 2017); chương trình nghệ thuật kỷ niệm thành lập Nhà sàn Studio 20+ (Việt Nam, 2018); “Confusion is Chaos Buried by Tranzit” tại Prague (Cộng hòa Séc, 2019); Chuỗi sự kiện nghệ thuật trình diễn Wuwei (Singapore, 2020); Tháng Thực hành Nghệ thuật MAP (Việt Nam, 2020, 2021); Industrial Art Biennial Istria lần thứ 4 (Croatia, 2023); Documenta 15 (Kassel); Spacedumpling: Eleven-Day Kitchen Celebration tại ifa Galerie Stuttgart (Đức, 2024).
Song song với thực hành nghệ thuật, Lem còn hoạt động tích cực trong vai trò giám tuyển. Gần đây, cô đã giám tuyển một chương trình phim xoay quanh các câu chuyện của cộng đồng người Việt hải ngoại tại Bảo tàng Linden (Stuttgart, Đức, 2024); tham gia dẫn dắt một workshop tại Bảo tàng Schwules (Berlin, Đức, 2025).
Năm 2021, cô sáng lập Hay Là – một nền tảng dành cho nghệ thuật trình diễn tại Việt Nam.
Hay Là là một nền tảng tập trung vào Nghệ thuật trình diễn Việt Nam, được thành lập vào năm 2021 bởi nghệ sĩ Lem TragNguyen và hiện đồng điều phối cùng nghệ sĩ Flinh.
Nghệ thuật trình diễn và nghệ thuật đương đại nói chung thường mang tính chất phù du với những biên giới mỏng manh, tuy nhiên vẫn có ngôn ngữ của riêng nó. Hay Là được thành lập với mong muốn đưa ngôn ngữ đặc thù này đến tới những người quan tâm tới nghệ thuật trình diễn.
Dựa trên cơ sở lý luận của Performance Studies, Hay Là không tiếp cận nghệ thuật trình diễn như một hình thức trình bày đơn lẻ mà như một quá trình tư duy, phản biện và kiến tạo hiểu biết mang tính cộng đồng gắn với bối cảnh văn hóa địa phương. Từ đó, nền tảng hướng tới xây dựng một không gian trung gian để những người thực hành, nhà nghiên cứu, người quan tâm tới lĩnh vực trình diễn cùng gặp gỡ, chia sẻ góc nhìn, kỹ năng và chất liệu cá nhân nhằm không chỉ nuôi dưỡng thực hành nghệ thuật mà còn khuyến khích các hình thức trao đổi đa chiều, mang sắc thái phản biện xây dựng trong một môi trường hỗ trợ và cởi mở.
Hay Là hiện vận hành qua ba định hướng chính: Hay Là Live Talk (đối thoại), Hay Là Archive (lưu trữ), và Hay Là Workshop (thực hành).
Lưu ý
– Do chuỗi workshop được xây dựng có tính kết nối xuyên suốt, để đảm bảo chất lượng chung cũng như trải nghiệm trọn vẹn cho từng cá nhân, BTC khuyến khích người đăng ký tham gia thực hành nên dự đầy đủ cả 03 buổi, hoặc ít nhất 02 buổi workshop.
– Người tham gia cam kết dự chương trình đầy đủ theo lịch trình đã đăng ký và vui lòng thông báo trước cho BTC nếu có bất kỳ thay đổi nào.
– Workshop giới hạn số lượng người tham gia để đảm bảo hiệu quả chuyên môn và vận hành. Do đó BTC sẽ xác nhận tham gia thành công ưu tiên theo thứ tự đăng ký sớm.
– Khi đăng ký tham gia, bạn mặc định đồng ý cho BTC sử dụng tất cả những hình ảnh/tư liệu của sự kiện với mục đích phi lợi nhuận như lưu trữ, nghiên cứu, giáo dục, quảng bá truyền thông…
Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.