Triển lãm “Xẩm Chợ”
Khai mạc: 18:00, thứ Ba 10/06/2025
Trưng bày: 09:00 – 20:00, 10 – 30/06/2025
The Muse Artspace
47 Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Thông tin từ ban tổ chức:
Họa sĩ Đỗ Bảng là một kiểu người xưa cũ. Khi ông cất lên tiếng hát, ta nghe trong giọng ông chất văn hoá Bắc Ninh, nơi mà âm nhạc và ngôn từ hòa vào nhau, không thể tách rời. Dân ca Bắc Ninh thường thấm vào mỗi con người ở đấy như một mạch ngầm. Một hồn đất quê hương hoàng tộc triều Lý xa xưa, một trong những vùng đất giàu truyền thống văn hóa nhất Việt Nam.
Khi tìm hiểu về họa sĩ Đỗ Bảng, tôi cũng đã lang thang qua nhiều vùng quê Bắc Ninh, tham dự những lễ hội làng, đến tận nhà người dân nơi có những cuộc gặp mặt đơn sơ của các liền anh liền chị để nghe họ hát đối, hát giao lưu. Những buổi họp tưởng như đơn giản, nhưng cách họ phục trang cho đến nhịp điệu, lời ca, cách ngân vang, nhả chữ với tất cả tình cảm và sự nâng niu khi trao câu hát đi cho người khác, cho thấy một ý thức sâu sắc trong việc gìn giữ văn hoá.
Tranh của Đỗ Bảng thấm đẫm cái chất quê mùa Bắc Ninh, một sự quê mùa kiêu hãnh, được thể hiện qua bảng màu dã thú rất khó phối. Những gam xanh gắt như màu lá chuối non, những sắc hồng như màu áo của các cô gái hát quan họ, được ông kết hợp một cách không rực rỡ mà hòa hợp, gợi một cảm giác quan tâm, tha thiết đến những câu chuyện cũ. Đôi khi đó là câu chuyện về một ông già hát xẩm đi dọc làng, lũ trẻ con xúm lại quanh ông, ngồi nghe bằng những gương mặt thơ ngây. Đôi khi là cảnh liền anh liền chị giao duyên, không cần mô tả rõ mặt, chỉ qua dáng hình uyển chuyển đã thấy hết sự tình tứ của vùng văn hóa này.
Bút pháp của Đỗ Bảng rất tự nhiên. Ông tạo hình bằng những nét gạch khỏe khoắn, chắc chắn, như thể ông khắc họa cuộc sống bằng trực giác hơn là tính toán. Những hình thể trong tranh ông luôn rõ ràng về động tác, nhưng không khô cứng, trái lại, cho một biểu cảm mềm mại và mộc mạc. Có gì đó thân thuộc, nhiều sức sống trong từng dáng hình. Đỗ Bảng không vẽ một cái gì cụ thể, mà là vẽ hồn cốt của vùng đất Bắc Ninh vẫn còn đậm nét trong ký ức của ông.
Tranh Đỗ Bảng thuộc trường phái biểu hiện, dã thú. Nhưng cái khác biệt rõ rệt nhất ở ông chính là: chất văn hóa Bắc Ninh, một bản sắc thấm vào cùng màu sắc, dáng hình và nét cọ. Ở đó, ta không chỉ thấy nghệ thuật, mà còn thấy ký ức, thấy con người, thấy một vùng đất đang tự sự bằng chính ngôn ngữ của màu sắc và đường nét.
Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.